"Nhiều đơn vị không phải báo chí vẫn làm công tác báo chí"

25/12/2013 14:20
Diệu Linh
(GDVN) - Đây là nhận định của ông Nguyễn Đức Lợi – Tổng Giám đốc Thông Tấn xã Việt Nam trong buổi làm việc trực tuyến với Chính phủ mới đây.

Ông Nguyễn Đức Lợi nhận định, vai trò của các cơ quan báo chí chính thống ngày càng bị lu mờ, dòng thông tin chủ lưu, thông tin chính thống thực tế hiện nay chưa thực sự giữ được vai trò “chủ lưu” trong hoạt động báo chí. Trong nhiều trường hợp, trong nhiều sự kiện, dòng thông tin có tính chất tiêu cực, mang tính chất bôi đen xã hội quá nhiều, lấn át những điều tốt đẹp.

Ông Nguyễn Đức Lợi nhận định, nhiều trang báo giật gân, câu khách mang tính chất bôi đen xã hội nhiều quá.
Ông Nguyễn Đức Lợi nhận định, nhiều trang báo giật gân, câu khách mang tính chất bôi đen xã hội nhiều quá.
Ông Lợi đề nghị: “Bên cạnh việc quy hoạch lại các cơ quan báo chí thì mặt khác cũng xin đề nghị với các cơ quan nhà nước chủ động hơn nữa trong việc cung cấp thông tin cho báo chí chính thống, hợp tác với báo chí. Làm thế nào để báo chí chính thống luôn giữ được dòng thông tin chủ lưu, dòng thông tin chính thống luôn chiếm lĩnh trên mặt trận báo chí. Bức tranh xã hội cần phải được vẽ lên một cách chân thực hơn, trong sáng hơn, tích cực hơn”.
Bên cạnh đó, ông Lợi cũng thẳng thắn chỉ ra những khó khăn của nhiều cơ quan báo chí, đó là xu thế phát triển theo hướng có hàm lượng công nghệ ngày càng lớn, do đó việc cần thiết phải đầu tư trang thiết bị kỹ thuật ngày càng lớn. Tuy nhiên, nhiều cơ quan báo chí gặp khó khăn về kinh phí. Do đó, một số cơ quan báo chí, kể cả cơ quan báo chí thuộc các bộ ngành, đoàn thể… nhiều lúc còn có thông tin không chính xác, thông tin tiêu cực mang tính giật gân, câu khách thì cũng là do nhu cầu là phải bán được báo để có nguồn thu trang trải hoạt động.
Ngoài ra, Tổng Giám đốc TTXVN cho rằng, cần phải nâng cao hơn nữa chất lượng của đội ngũ những người làm báo, không chỉ là bản lĩnh chính trị mà còn phải có kỹ năng, thật sự am hiểu báo chí.
“Hiện nay đội ngũ làm báo còn nhiều vấn đề nên chúng tôi nghĩ là phải quan tâm xây dựng nguồn nhân lực cho báo chí có chất lượng hơn nữa, rất cần sự phối hợp giúp đỡ từ các bộ ngành và các cơ sở đào tạo”, ông Lợi nói.
Trước đó, vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa 13 vừa qua, hàng loạt câu hỏi liên quan tới thông tin bị đăng tải tràn lan trên mạng đã được đặt ra với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông – ông Nguyễn Bắc Son.
Đại biểu Nguyễn Thị Bích Nhiệm (đoàn Yên Bái) đặt câu hỏi: Các trang tin trên mạng internet xuất hiện ngày càng nhiều, đăng rất nhiều tin "hot", giật gân câu khách, tin trái thuần phong mỹ tục... trách nhiệm quản lý của Bộ TT&TT về vấn đề này ra sao? Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (đoàn TP.HCM): Dù không cho phép nhưng hiện nay nhiều trang báo "lá cải" đã xuất hiện, xin bộ trưởng cho biết trách nhiệm về vấn đề này?
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, hiện trên internet có rất nhiều loại hình, như báo điện tử, trang tin, trang thông tin nội bộ, blog... gọi chung là truyền thông xã hội. Những loại hình này có ưu điểm nhanh nhạy thông tin, nhưng mặt trái là thiếu kiểm chứng, nên có thông tin gây thất thiệt, bị một số phần tử xấu lợi đưa tin lừa đảo cả về kinh tế, thậm chí cả về chính trị, bóp méo lịch sử, chia rẽ khối đại đoạn kết dân tộc. 
Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cũng hai lần nhắc đến việc các địa phương, tổ chức, cơ quan đoàn thể... cần đẩy mạnh việc hợp tác, cung cấp kịp thời tới báo chí thông tin chính thống như một biện pháp đẩy lùi những luồn tin đồn thổi, báo "lá cải".
Khẳng định một số địa phương chưa thực hiện đầy đủ nghị định số 25 của Chính phủ về việc này, ông Son nhận định: “Cần đảm nhiệm tốt việc cung cấp thông tin chính thống cho báo chí, có như vậy thông tin mới kịp thời và chính xác, chính thống trên môi trường mạng, có tác dụng định hướng dẫn dắt thông tin số đông. Nếu thông tin sai thì cần có người phát ngôn lên tiếng, ngăn chặn việc thông tin sai lại bị sao chép, phát tán tràn lan. Có thông tin tốt sẽ đẩy lùi thông tin xấu trên trang mạng, lúa tốt thì sẽ không còn cỏ dại”.
Diệu Linh