Những khoảng tối mênh mông sau Tết

10/02/2019 06:10
THANH AN
(GDVN) - Mỗi dịpTết Nguyên đán đi qua, chúng ta nhìn lại nhiều khi thấy xót xa về văn hóa ứng xử của một số người.

Khi thời gian trôi đến những ngày nghỉ cuối cùng của Tết Nguyên đán, nhiều người chúng ta có thể giật mình nhìn lại những hành động của những ngày “vui hết mình”.

Những số liệu về tai nạn giao thông, những ẩu đả, đánh nhau, những người phải nhập viện... Những con số “hàng trăm, hàng nghìn” đó không phải Tết năm nay mới gặp mà đó là sự lặp lại của từ nhiều năm nay.

Tết là dịp vui sum họp, đoàn tụ gia đình, người thân, bè bạn, là lúc để mọi người chúng ta dành cho nhau những lời chúc tốt đẹp, những mong muốn về hạnh phúc.

Thế nhưng, tại sao năm nào chúng ta cũng thấy nhiều chuyện buồn đến thế?

Rượu bia là một trong những tác nhân gây ra nhiều hệ lụy cho con người trong dịp Tết (Ảnh minh họa: vtc.vn)

Rượu bia là một trong những tác nhân gây ra nhiều hệ lụy cho con người trong dịp Tết

(Ảnh minh họa: vtc.vn)

Một điều ai cũng biết rằng sau một năm làm việc vất vả, có người phải đi làm ăn, học tập, công tác ở phương xa nên phải chờ đến dịp Tết Nguyên đán mới có thể trở về nhà và đoàn tụ.

Khoảng thời gian trên dưới 10 ngày nghỉ Tết là lúc mọi người nghỉ ngơi, dành thời gian cho gia đình và thăm thú người thân của mình.

Thế nhưng, văn hóa của người Việt mình lại trọng nghĩa tình và cũng  sinh ra nhiều lễ nghĩa mà nhiều người chưa có khả năng kiềm chế bản thân trong những ngày Tết cổ truyền.

Những ly bia, chén rượu cứ liên tục được “Uống cho cạn chén đầy, rót cho đầy chén cạn” trong khi bên ngoài thì dịp Tết năm nay trời lại khá nắng nóng.

Vì thế, sau khi đến nhiều nhà chúc Tết cũng đồng nghĩa lượng bia rượu trong người đã tăng khá nhiều và đủ cho một số người có những biểu hiện, cách hành xử không phù hợp với mọi người, với cộng đồng xung quanh.

Tình trạng thanh thiếu niên tham gia giao thông trên đường thì cũng để lại nhiều dư vị buồn cho người đi đường.

Những khoảng tối mênh mông sau Tết ảnh 2Tết đã đi qua, nỗi buồn còn đó

Chúng ta dễ dàng bắt gặp nhiều thanh niên không đội mũ bảo hiểm, dàn hàng ngang và nẹt pô phóng bạt mạng trên đường.

Nhiều đám thanh niên tập trung ở các ngã ba, ngã tư các con đường cũng khá phổ biến ở các vùng quê.

Khi thấy người đi qua nếu là người lớn tuổi thì tránh sang bên nhưng thấy các thanh niên lạ đi qua thì họ cứ ngồi bất động giữa đường. Bắt buộc các thanh niên đi xe phải xuống chào hỏi lễ phép mới được đi qua, thậm chí còn bị đánh, bị chửi.

Các cô gái trẻ lạ đi qua những đám người như vậy thì bị chọc ghẹo, buông lời bỡn cợt…

Có lẽ chuyện đánh nhau, tai nạn giao thông trong ngày Tết chúng ta bắt gặp rất nhiều và năm nào cũng tái diễn và diễn ra ở khắp các vùng miền. Điều này, được thể hiện trong các báo cáo đầu năm của Bộ Y tế, Bộ Công an.

Theo báo cáo của Bộ Y tế thì từ ngày 28 đến sáng mùng 3 Tết, hơn 3.400 người được đưa vào viện cấp cứu do ẩu đả, trong đó đã có 11 người tử vong.

Chỉ riêng từ sáng mùng 2 đến sáng mùng 3 Tết số ca cấp cứu do đánh nhau lên đến 734 người.

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an thì trong 7 ngày nghỉ đầu tiên của Tết Kỷ Hợi đã có 214 vụ tai nạn đã làm 135 người tử vong, 189 người khác bị thương.

Đặc biệt, sáng mùng 4 Tết, vụ tai nạn nghiêm trọng giữa xe con biển xanh và ôtô khách xảy ra tại Thanh Hóa đã làm 3 người chết, 5 nạn nhân bị thương.

Những con số khiến chúng ta phải rùng mình.

Chuyện cờ bạc, đá gà, chơi đỏ đen cũng xuất hiện ở nhiều nơi. Ngay trong các gia đình thì các anh chị em cũng chơi bài bạc ăn thua với nhau không còn là chuyện hiếm.

Những khoảng tối mênh mông sau Tết ảnh 3Cờ bạc, phá nát ngày xuân!

Các điểm vui xuân, chùa chiền là nơi tập trung rất nhiều người đến. Điều đáng buồn là cách hành xử của con người với cảnh quan, với thiên nhiên có nhiều khi phản cảm vô cùng.

Nhiều điểm du lịch, tham quan thường có những di sản, những bức tượng, những mô hình cần được bảo quản.

Vì vậy, luôn có vòng dây bên ngoài để giới hạn không cho khách vào bên trong. Thế nhưng, nhiều người vẫn chạy vào để tạo dáng chụp hình và có những hành động rất phản cảm, gây khó chịu cho nhiều người xung quanh.

Điều không đẹp nữa là nhiều du khách thường đem đồ ăn, thức uống đến các điểm tham quan, chùa chiền để ăn uống. Họ bày ra sân, ra thảm cỏ ngồi ăn uống, nâng ly rất tự nhiên.

Thế nhưng, ăn uống xong thì không dọn dẹp mà bỏ lại một cách vô thức mặc cho các điểm tham quan đó đang có rất nhiều du khách…

Ngày Tết là lúc để mọi gia đình vui chơi, nghỉ ngơi, đi đó đây du xuân bên nhau. Vì thế, mỗi người chúng ta cần nâng cao nhận thức, trách nhiệm với cộng đồng, với môi trường sống của mình.

Có nỗi buồn nào hơn khi ngày Tết mà gia đình mình lại có những chuyện buồn mà đáng ra… không đáng có. Nhưng, cũng chỉ vì thiếu kiềm chế, ứng xử không phù hợp mà dẫn đến những hậu quả khôn lường.

Mỗi dịpTết Nguyên đán đi qua, chúng ta nhìn lại nhiều khi thấy xót xa về văn hóa ứng xử của một số người. Chỉ có điều khi "bão chưa vào" nhà mình nên hình như mọi người vẫn thờ ơ, hững hờ…

THANH AN