Những ngôi nhà bỗng nhiên biến thành "hang" ở TP.HCM

25/02/2014 10:56
Việt Văn
(GDVN) - Dọc theo tuyến QL50 đoạn qua huyện Bình Chánh (TP.HCM), nhiều ngôi nhà thấp hơn mặt đường gần 2m sau khi nâng cấp quốc lộ, người dân phải bắc thang để ra vào.

Đó là tình trạng chung của nhiều hộ dân sống dọc theo tuyến QL50, đoạn qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM. Tại đây, nhiều ngôi nhà có hình dáng trông giống như những cái hang, nằm thấp hơn mặt đường từ 1 - 2m, có nơi mặt đường cao gần bằng mái nhà khiến mọi sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn.

Bác Lê Văn Công (61 tuổi, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: "Từ ngày mặt đường được nâng cấp, việc ra vào của gia đình gặp nhiều khó khăn. Trước Tết, gia đình phải dùng số tiền dành dụm ăn Tết để xây bậc thang ở lối ra vào. Nhưng do mặt đường cao hơn nền nhà gần 2m nên vợ chồng tôi thường xuyên bị té mỗi khi đi lên xuống, chân cẳng sưng phù đến giờ vẫn chưa khỏi".

Mọi sinh hoạt trong gia đình bác Lê Văn Công gặp nhiều khó khăn, nhất là vợ chồng bác đã lớn tuổi, nhiều lúc đi lại bị té ngã do bậc thang có độ dốc lớn.
Mọi sinh hoạt trong gia đình bác Lê Văn Công gặp nhiều khó khăn, nhất là vợ chồng bác đã lớn tuổi, nhiều lúc đi lại bị té ngã do bậc thang có độ dốc lớn.

Bác cũng cho biết thêm: "Việc chính quyền địa phương nâng cấp mặt đường là điều tốt, bởi trước đây đoạn đường này thường xuyên bị ngập nặng, việc đi lại vất vã. Giờ đường sá cao ráo, không còn ngập nữa, mọi người thuận tiện trong việc đi lại. Nhưng nâng cấp mặt đường thế này cũng khiến nhà dân gặp khó khăn quá. Nhà thấp hơn mặt đường gần 2m, nhìn trông giống cái hang, đi ra vào không thuận lợi, muốn nâng nền nhà lên cũng không có điều kiện".

Nhiều ngôi nhà bỗng dưng biến thành "hang" sau khi nâng cấp mặt đường
Nhiều ngôi nhà bỗng dưng biến thành "hang" sau khi nâng cấp mặt đường

Còn cô Trần Thị Thanh Hằng (58 tuổi, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói: "Từ ngày nâng cấp mặt đường đến giờ, việc đi lại khó khăn lắm. Cứ mỗi lần đi ra vào, tôi phải cúi xuống để tránh bị trúng đầu, nhiều lúc quên, đầu bị trúng vào thanh sắt phía trên cửa đau điếng người. Trong nhà thì tối om, những lúc triều cường lên, nước ngập phải dùng máy bơm, chứ dùng tay tát không kịp. Gần 10 ngày nay, gia đình phải ngưng việc buôn bán để sửa lại nhà".

Nhiều hộ dân đủ điều kiện thì nâng nền nhà cho bằng với mặt đường, nhưng khi nâng nền xong, ngôi nhà chỉ còn chiều cao hơn 1m, mỗi khi vào phải cúi xuống, nắng nóng khiến nhiều người không thể ở trong nhà.  

Mỗi khi ra vào nhà, cô Trần Thị Thanh Hằng phải cúi người xuống để đi
Mỗi khi ra vào nhà, cô Trần Thị Thanh Hằng phải cúi người xuống để đi

Anh Trần Văn Đực (49 tuổi, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) cho biết: "Nâng cấp được nền nhà lên rồi nhưng chiều cao ngôi nhà chỉ hơn 1m, việc đi lại trong nhà khó khăn, phải khom lưng mới có thể đi lại. Muốn nâng chiều cao ngôi nhà lên thì chính quyền chưa cho phép, phải đợi. Ngày nắng nóng không ở trong nhà được, nếu cứ kéo dài như thế này thì chết mất".

Nguyên nhân xảy ra tình trạng này là do đoạn đường thường xuyên bị ngập nặng mỗi khi mưa lớn. Nên chính quyền địa phương chủ trương nâng cấp mặt đường để chống ngập. Tuy nhiên việc nâng cấp mặt đường quá cao khiến cho nền nhà của nhiều hộ dân nơi đây bị trũng, nhà thấp hơn mặt đường. 

Nâng cấp tuyến QL50 giúp người dân thoát cảnh ngập mỗi khi đi đường là việc làm tốt. Tuy nhiên khi tuyến đường hoàn thành, người dân vừa thoát được cảnh ngập đường thì lại phải chịu cảnh nước tràn vào nhà, phải chịu cảnh bắc thang ra vào. Người dân nơi đây mong muốn chính quyền địa phương và các ngành chức năng có biện pháp hỗ trợ để họ ổn định nơi sinh sống lâu dài.

Chú Lương Văn Hớn (60 tuổi, xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM) nói: "Đâu phải ai cũng có điều kiện nâng cấp nền nhà lên cao. Dọc theo con đường này, nhiều ngôi nhà phải chịu cảnh như thế. Có người không chịu được phải bỏ đi nơi khác sinh sống hoặc bán lại. Tôi chỉ mong chính quyền địa phương có chính sách hỗ trợ người dân sửa nhà để mọi người ổn định sinh sống và làm ăn".

Cận cảnh những ngôi nhà biến thành "hang" trên tuyến QL50, đoạn qua xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP.HCM:

Nhà thấp hơn mặt đường gần 2m, có nhiều nơi, mặt đường cao gần bằng mái nhà
Nhà thấp hơn mặt đường gần 2m, có nhiều nơi, mặt đường cao gần bằng mái nhà
Phía bên trong nhà tối om
Phía bên trong nhà tối om
Muốn đi lại phải bắc thang và cúi thấp người mới có thể di chuyển được
Muốn đi lại phải bắc thang và cúi thấp người mới có thể di chuyển được
Chị Lê Thị Minh Hiếu cố gắng vay mượn tiền cũng chỉ đủ nâng cấp mặt trước ngôi nhà, phía trong nhà thì chưa có điều kiện sửa, đành chấp nhận cúi thấp người xuống mỗi khi ra vào.
Chị Lê Thị Minh Hiếu cố gắng vay mượn tiền cũng chỉ đủ nâng cấp mặt trước ngôi nhà, phía trong nhà thì chưa có điều kiện sửa, đành chấp nhận cúi thấp người xuống mỗi khi ra vào.
Có những nhà phải đóng cửa, chuyển đi nơi khác sinh sống và làm ăn.
Có những nhà phải đóng cửa, chuyển đi nơi khác sinh sống và làm ăn.
Một số hộ có điều kiện đã nâng cấp nền và nâng chiều cao ngôi nhà, sớm trở lại cuộc sống ổn định và bắt đầu mưu sinh trên con đường này. Nhiều hộ dân thở dài cho biết, cứ mỗi khi con đường này nâng cấp là chúng tôi cũng phải nâng cấp nhà, sửa lại nhà. Chẳng biết đến khi nào cái điệp khúc "nâng đường, nâng nhà" này mới dừng lại?!
Một số hộ có điều kiện đã nâng cấp nền và nâng chiều cao ngôi nhà, sớm trở lại cuộc sống ổn định và bắt đầu mưu sinh trên con đường này. Nhiều hộ dân thở dài cho biết, cứ mỗi khi con đường này nâng cấp là chúng tôi cũng phải nâng cấp nhà, sửa lại nhà. Chẳng biết đến khi nào cái điệp khúc "nâng đường, nâng nhà" này mới dừng lại?!
Việt Văn