Đường dây nóng Xã hội - Pháp luật 0917.84.991

Những tin đồn ma mị ở ngôi đình 500 tuổi giữa biển

16/08/2012 10:52
Thùy Dương
(GDVN) - Được xây dựng ở một hòn đảo giữa biển khơi từ thời hậu Lê với kiến trúc và chất liệu không ngôi đình nào ở Việt Nam có, ngôi đình hướng ra biển và mang trong mình nhiều câu chuyện mang màu sắc kỳ lạ.
Những tin đồn ma mị Đình Quan Lạn nằm ở trung tâm xã, trên bến thuyền (gọi là bến Đình) thuộc xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh, cách Cẩm Phả 35 km. Đây là một ngôi đình cổ nằm trên một hòn đảo rất xa bờ. Đình Quan Lạn đặc biệt ở chỗ đây là ngôi đình duy nhất ở Việt Nam thờ tượng vua Lý Anh Tông, người có công thành lập ra trang, trấn Vân Đồn vào năm 1149 và tướng Trần Khánh Dư, người trấn ải Vân Đồn. Hiện tại, trong đình vẫn còn 18 đạo sắc phong của các vua thời Nguyễn ghi rõ công đức này. Đình được xây dựng từ thời hậu Lê (khoảng thế kỷ 17) và được tu sửa nhiều lần vào thời Nguyễn.
Đình Quan Lạn
Đình Quan Lạn
Trước đấy, Đình Quan Lạn được xây dựng ở thương cảng cổ Cái Làng, dưới thời hậu Lê. Vào thời nhà Nguyễn, ngôi đình ở thương cảng cổ Cái Làng được di chuyển về Quan Lạn và đặt tên mới là đình Quan Lạn. Đình là nơi sinh hoạt văn hóa của cả làng. Tuy nhiên, khi xây dựng đình, nhiều người cho rằng do vị trí đình tọa lạc chưa hợp phong thủy nên dân làng làm ăn không tốt, các gia đình trong làng hay cãi nhau và xảy ra chuyện lục đục.
Có một sự giải thích khác khá thú vị của các cụ trong làng rằng, thoạt tiên, đình được xây dựng ở chân núi Đông Đồn. Sau một thời gian chuyển về thôn Nam làm theo kiểu chữ khẩu và từ đó, ở đây thường xảy ra cãi cọ, xô xát đến mức túm tóc, cắt búi tó của nhau nên người ta phải một lần nữa di chuyển về thôn Đoài như ngày nay. Tính tổng cộng, đình Quan Lạn đã có ba lần di chuyển. Vị trí đình hiện nay được xây dựng vào năm Thành Thái thứ 12 trên thế đất nhìn ra biển hướng Tây. Phía trước là 3 ngọn núi: Sao Trong, Sao Ngoài, Sao Ơn và 5 đỉnh núi sau lưng. Nhiều người nói đây là thế “tiền Tam thai, hậu Ngũ nhạc”. Kỳ lạ là từ khi xây chuyển đình đến vị trí hiện tại thì dân làng làm ăn bình an, mạnh khỏe, sống một cuộc sống thuận hòa.
Bàn thờ vua Lý Anh Tông trong đình
Bàn thờ vua Lý Anh Tông trong đình
Nhiều người dân trên đảo kể lại sự linh thiêng của ngôi đình cổ với những câu chuyện mang đậm màu sắc liêu trai. Họ kể rằng, vào những năm 60, có nhiều người tiếp nhận sai thông tin về việc bài trừ mê tín dị đoan nên đã phá đình, chùa, miếu mạo. Ngôi đình may mắn được giữ lại làm kho chứa thóc nên không bị hư hại nhiều. Thế nhưng, có một sự trùng hợp kỳ lạ khiến người dân trên đảo xôn xao bàn tán cả nửa thế kỷ nay đó là những người tham gia phá những công trình văn hóa tín ngưỡng thời kỳ ấy đều chết thảm. Họ đều bị bắn chết hoặc bị bom dội trong thời kỳ Mỹ leo thang miền Bắc. Một số người còn sống thì gặp nhiều bất hạnh. Người ta vẫn còn bàn tán chuyện nhà ông P. ở trên đảo bởi theo họ sự quả báo vẫn còn hiện hữu. Nguyên do là trước đây khi chuyển đình, ông này táy máy, lấy que chống mắt pho tượng ngài Trần Khánh Dư. Sau đó, ông P. lấy vợ và sống bình thường thế nhưng khi sinh con đẻ cháu thì đứa nào mắt cũng bị híp và cụp xuống.
Ông Vũ Văn Ngân kể những câu chuyện về đình Quan Lạn
Ông Vũ Văn Ngân kể những câu chuyện về đình Quan Lạn
“Các chú đi trên đảo cứ thấy ai như vậy là con cháu ông ấy cả”, một người dân trên đảo kể với phóng viên. Một câu chuyện khác mà người dân cũng cho rằng liên quan đến ngôi đình thiêng đó là chuyện một cán bộ xã đã mua phần đất hơi chếch đằng trước đình. Sau này, ông ta xây nhà cao ngất, chắn mất hướng đình trông ra phía “Tam thai”. Người ta ngờ rằng chính vì lý do ấy mà ông này có năm, bảy người con trai thì đều chết sạch, các cháu nội cháu ngoại không thì ra tù vào tội cũng nghiện ngập, tự tử… Về cái sự học của làng, người dân nơi đây cũng cho rằng có liên quan đến ngôi đình cổ này. Ông Vũ Văn Ngân (70 tuổi) là thủ từ đình Quan Lạn cho biết: “Tôi nghe các cụ kể lại trước thế kỷ XVI, làng này lắm tiến sỹ lắm, nhưng khi xây dựng đình sai hướng như vậy từ đó sự học hành của người dân trên đảo tự nhiên không còn được như xưa. Chả biết đúng hay sai, nhưng thời gian gần đây thì cái sự học của xã đã bắt đầu có tiến triển”.“Mái đình làng biển” độc nhất vô nhị Đình Quan Lạn là một ngôi đình cổ là một chứng tích cho đời sống làng xã lâu đời của người dân. Bên cạnh đình Quan Lạn là chùa Quan Lạn thờ Phật và miếu Nghè Quan Lạn đã được Bộ Văn hoá Thông tin cấp bằng công nhận là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật.
Ông Ngân bám vào bờm rồng thử độ chắc của gỗ
Ông Ngân bám vào bờm rồng thử độ chắc của gỗ
Ông Vũ Văn Ngân cho biết, ngôi đình mang trong mình khá nhiều điểm “đặc biệt” mà mỗi cư dân trên đảo đều rất tự hào. Trên nền đất rộng khoảng 500m2 có tới 32 cột cái, 26 cột quân, cột to nhất có chu vi đến 3,2m, hai người cầm tay mà vẫn chưa ôm hết 1 vòng cột đình.
Ông Hoàng Trí Dũng, Chủ tịch UBND xã Quan Lạn, cho biết: “Ở làng quê Việt Nam, những câu chuyện tâm linh được thêu dệt để linh thiêng hóa những ngôi đình, chùa, miếu là không tránh khỏi. Quan Lạn cũng vậy, vì có những sự trùng hợp nên người dân nơi đây đã xâu chuỗi và thêu dệt nên những câu chuyện liên quan. Những nét tín ngưỡng văn hóa tốt đẹp thì người dân nên lưu giữ nhưng hạn chế những hiện tượng đồn thổi quá mức dẫn đến mê tín dị đoan ảnh hưởng đến đời sống cộng đồng”.
Nói về chất liệu gỗ làm nên ngôi đình cổ, ông Ngân tự hào cho hay: “Gỗ này tồn tại ngàn năm vẫn không bị rỗng ruột như lim và được mệnh danh là “siêu tứ thiết”. Đây là “báu vật quốc gia”, không một công trình nào từng được sử dụng loại gỗ Mần Lái ấy. Đã trải qua gần 500 năm ở đình, nhưng khi thả xuống nước, loại gỗ này vẫn chìm ngay. Không những thế, chỉ với chi tiết bờm con rồng nhô ra nhỏ bằng hai đầu ngón tay mà một người 70 kg đu không bị gãy cũng cho thấy loại gỗ làm đình này quý thế nào. Gỗ Mần Lái mọc trên núi đá, áng đá. Loại gỗ này chỉ có ở đảo Cát Bà và khai thác rất khó khăn. Như vậy có thể hiểu được sự kỳ công và sức người để có được một ngôi đình có quy mô, đẹp đẽ như bây giờ”. Nhiều nhà nghiên cứu cho biết, đi hết miền Bắc khó có thể thấy ngôi đình làng nào thể hiện được nghề nghiệp cư dân địa phương như tại đình Quan Lạn. Hình ảnh con ngài tằm và con vỗ bụng (một giống tôm phổ biến của vùng) xuất hiện trong kiến trúc đã khẳng định sự hưng thịnh về nghề trồng dâu nuôi tằm và đánh bắt hải sản trên mảnh đất này. Mặc dù được xây dựng ở thời hậu Lê nhưng điêu khắc hình rồng ở đình Quan Lạn thể hiện được nhiều dáng dấp kiến trúc các triều đại khác như Lý, Trần, Nguyễn như đuôi rồng thời Trần uốn mây, rồng thời Lê mắt xếch, râu bờm, rồng thời Nguyễn nhe răng, râu dài, móng sắc nhọn. Nhiều là vậy nhưng những người thợ tài hoa năm xưa đã khéo léo đan xen nên không tạo cảm giác rối mắt khó chịu. Mỗi đường nét đều được chạm khắc tinh xảo, tỉ mỉ và tinh tế khiến hình ảnh rộng ở đây đầy sinh động.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn". Box thảo luận ở phía dưới là diễn đàn để độc giả gửi comment, đánh giá, nhìn nhận và chia sẻ ý kiến. Báo Giáo Dục Việt Nam luôn đón nhận các ý kiến khách quan, có tính chất xây dựng, tôn trọng pháp luật, thuần phong mỹ tục... của tất cả bạn đọc gửi về. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu để quá trình biên tập và đăng tải được thuận tiện. Chân thành cảm ơn độc giả!
Thùy Dương