Nổi tiếng cần có...nội công thâm hậu

03/04/2015 13:04
PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN
(GDVN)-"Nếu độ “trơ” của bức ảnh và độ “điên” của những phát biểu chính là độ cao và độ sâu của sự nổi tiếng thì sự nổi tiếng lại đớn đau thay…", PGS.TS Huỳnh Văn Sơn.

LTS: Nổi tiếng – miếng mồi hay là điểm đến mà quá nhiều bạn trẻ đổ xô… Nổi tiếng bằng thực lực, nổi tiếng bằng chiêu trò, nổi tiếng sau một đêm, nổi tiếng bằng những phát ngôn… Song song với sự nổi tiếng ấy sẽ được gì, mất gì? Liệu sự nổi tiếng ấy có tồn tại lâu bền? Người ta thiếu sự tỉnh táo nên sẽ lao vào sự nổi tiếng mà không chuẩn bị cho mình...nội công thâm hậu.

Bài viết "nổi tiếng cần có...nội công thâm hậu" của PGS.TS Huỳnh Văn Sơn - Phó chủ tịch Hội Tâm Lý học xã hội Việt Nam, sẽ đề cập sâu hơn về vấn đề này.

Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nổi tiếng bằng chiêu trường tâm lý

Sống giữa thế giới hiện đại, người nào thức thời sẽ đến với công nghệ và sử dụng hết tính năng của nó. Công nghệ làm chúng ta dễ dàng, nhanh chóng cập nhật thông tin. Công nghệ cũng làm chúng ta có thể tiếp cận thế giới này từ những sự vụ đình đám đến những sự việc bình thường, cỏn con… 

Từ những vấn đề vĩ mô đến chuyện trong bếp, ngoài hè… Tất cả đều có thể được cập nhật và xu hướng nổi tiếng nhờ vào công nghệ mạng là chiêu xem chừng phổ biến nhất.

Trong những năm gần đây, việc một số bạn trẻ, kể cả những cá nhân có tuổi vẫn còn “trẻ người” nổi tiếng bằng cách tạo ra những sự quan tâm là lựa chọn khá hấp dẫn.

Không quá khó khi các bạn có những chiêu thức riêng cho chính mình bằng cách tạo ra “trường tâm lý” của sự quan tâm. Trường tâm lý của sự quan tâm là thuật ngữ mang tính xã hội được nghiên cứu như một diễn tiến của các vấn đề trở thành sự quan sát, theo dõi của một nhóm người. 

Song song đó, những diễn tiến tâm lý cộng hưởng, phân vân và tấn công xét trên bình diện cảm xúc được một số “chuyên gia” PR cá nhân khai thác triệt để và miếng mồi trở nên hấp dẫn hơn… Truyền thông vào cuộc, nhóm đông tung hô bằng hai chiều như đồng tình hay phản ứng đều là những tác nhân kích thích đạt được.

PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ảnh: internet)
PGS.TS Huỳnh Văn Sơn (ảnh: internet)

Không quá khó để nhận ra muốn người ta quan tâm chỉ cần làm cái gì đó cho nó đến “đốt cuối” của cảm xúc. Ví như một cách hát và sự thể hiện khủng khiếp như xoáy vào tai. Người thì chặt chém, kẻ thì tỏ ra nghĩa hiệp quan tâm, người thì thông cảm, người thì bảo cũng vui mà.

Những cung bậc của cảm xúc và sự theo dõi ấy được lan tỏa. Miễn sao được nhận diện, được quan tâm, được chú ý là thắng cuộc. Hoặc cứ bị chửi thì càng vui, cứ bị chửi thì càng thắng. Ta thì cứ vô tư phát biểu. Phát biểu mà chẳng cần suy nghĩ hai nghĩa của câu, phát biểu chẳng cần biết ngày mai ra sao, phát biểu chẳng cần quan tâm đến tình ruột thịt. Càng chửi – càng mắng nghĩa là càng hiệu ứng.

Những cách thức ấy càng làm cho trường tâm lý quay vòng hay xoay chiều nào cũng trở thành điểm đến khi chiêu thức đã được đón nhận.

Có thể nói sự nhanh nhạy đến mức hơn cả chiêu thức chưởng đã làm cho “chuỗi thông tin” không thể dừng lại. Song song với cách cố tình lộ ra ảnh mát hay ảnh dường như bị chụp lén cảnh tình tứ là chuyện tắt máy rồi được tung lên mạng.

Hàng nhóm người bình luận, chia sẻ, tiên đoán – phán đoán và loạn thông tin… Chủ nhân thì cứ để mọi thông tin xoay như chong chóng. Sắp lặng xuống thì lại xuất hiện rực rỡ và xin phép không trả lời hoặc sẽ giải thích sau.

Đúng điểm rơi 3 ngày thì chiêu thức: xin lỗi hoặc giải thích tường minh vấn đề làm cho chủ nhân lại một lần nửa nổi lềnh bềnh. Sau đó là việc ngồi nhịp chân ở một quán cà phê với chiếc váy ngắn được khép lại kẻo lộ hàng kèm theo nụ cười đắc thắng vì đã xỏ mũi được khối người. 

Hiệu ứng “xoay chiều” tâm lý quan tâm được khai thác theo đường xoáy trôn ốc một cách rất độc chiêu.

Hay như việc công bố hình của hai bạn trẻ tình cờ hôn nhau bằng các thao tác không kiểm

soát, sau đó bất ngờ gỡ xuống, đều được ít nhiều quan tâm trở thành một “đám mây điện tích” của sự theo dõi.

Nhưng vô tình hay hữu ý thì tốc độ lan truyền của nó trở thành trường tâm lý, song cái giá của sự nổi tiếng ấy xem chừng rất “rẻ”. Không biết đó là sự bắt tay hay bắt chân của hai người trong cuộc, hoặc giả đó là sự chủ ý của một bên, sự vô tình của một phía?

Nhưng chính điều này đem đến những nghi ngờ về chiêu thức để nổi tiếng của ít nhất từ một phía. Hàng loạt bài báo phân tích, hàng loạt diễn đàn sẻ chia – đồng cảm. Không biết nên tội nghiệp hay nên phên phán vì người trong cuộc mới là nữ hoàng của thế giới thông tin và hành động ấy. Nhưng rõ ràng, nổi tiếng cần có nội lực khi chính người trong cuộc nếu không tỉnh táo có thể làm mình và người ấy bị tổn thương.

Độ "rộng" của bức ảnh, độ dài của câu nói là công thức?

Hành trình tìm kiểm sự nổi tiếng xem chừng là hành trình gian khó. Và chính hành trình gian khó ấy làm người ta sẽ tỉnh táo và biết giữ cho hình ảnh của mình.

Không ít bậc tiền bối hay những đàn anh đàn chị rất thạo việc xây dựng hình ảnh sẽ biết giữ gìn và bảo vệ hình ảnh của mình một cách rất chuyên nghiệp. Từ việc nói gì, làm gì đến việc tham gia chương trình nào, trả lời thư cho khán giả, tặng ảnh… đểu được kiểm soát rất gắt gao. 

Nhưng những điều ấy trở nên lạc hậu khi hành trình nổi tiếng quá ngắn đến mức nó chỉ "rộng" bằng một bức ảnh, dài bằng một câu nói thì có nhất thiết gì phải giữ?

Vì sự nổi tiếng, không ít bạn trẻ đã sử dụng người khác và những sự việc để làm công cụ cho mình. Chỉ cần bắt được ý tưởng nào đó, sẵn sàng ăn theo để lan tỏa hình ảnh và tạo ra trường tâm lý theo dõi mà không cần nghĩ đến giá trị nhân văn. 

Chẳng cần thiết tha đến cảm xúc hay sự phản ứng của người khác dù cho đó là người thân, người ta yêu thương, ruột thịt hoặc thậm chí là người chung sống miễn sao được nhận diện, chửi mặt, mắng tên cũng cam lòng. Đó là những hành động minh chứng cho sự thiếu tỉnh táo và thiếu lòng nhân ái.

Nổi tiếng có thể làm cho người ta bay bổng và chấp chới trong không trung. Đối với các bạn trẻ, nổi tiếng làm cho người ta không còn tỉnh táo đủ để nhận ra mình đang cần gì trong cuộc sống. Hơn hết, đó là sự buông lơi những giá trị nhân văn, đó là sự trống vắng của lòng nhân ái.

Không ít người nổi tiếng bằng các chiêu, trò khác nhau (ảnh minh họa: nguồn internet)
Không ít người nổi tiếng bằng các chiêu, trò khác nhau (ảnh minh họa: nguồn internet)

Đau xót nhất đó chính là sự huyễn hoặc về bản thân mình khi nghĩ mình đã là ngôi sao. Nhận được sự quan tâm của nhiều người, nhận được những cuộc phỏng vấn, những lời hẹn hò và cả những cơ hội không biết quý giá đến mức nào trong đời. 

Tất cả đều dễ dàng đẩy họ đến những suy nghĩ mọi thứ dễ dàng quá, chẳng sao đâu, cứ tiếp tục. Chẳng thể mất hết, sẽ có lợi thôi. Và sự huyễn hoặc sẽ lên đến đỉnh điểm khi một số cá nhân không còn biết kiểm soát mình để sự hành xử sẽ vô cùng ngây ngô, tội nghiệp.

Nội lực của một con người nói chung và người nổi tiếng nói riêng phải được tạo dựng bởi văn hóa nền tảng và những yếu tố thuộc về khả năng đích thực. Nhưng cần phải có lòng tự trọng và khả năng tự đánh giá bản thân.

Song song đó là cách ứng xử có đầu – cuối, trước – sau và hành lang quan trọng

của giá trị đạo đức – nhân văn… Nội lực của một người nổi tiếng sẽ rỗng khi những cung cách và các yêu cầu giản đơn nhất về tính cách thủy chung – trân trọng và tôn trọng, đồng cảm, hàm ơn đã không trở thành nghĩ suy hay tâm thức. Tất cả sẽ đẩy sự nổi tiếng nếu có càng lúc càng kệch cỡm.

Khó có thể lấp và sự rỗng về nội lực dù người nổi ảo vẫn có đôi lúc hay vẫn còn một số cá nhân muốn dừng lại để bồi đắp hoặc ít nhất là lắp vá cho mình những lổ hổng trong nhân cách.

Nổi tiếng – miếng mồi béo bở và đầy sức quyến rũ với các bạn trẻ. Nội lực rỗng hay không – xem chừng không hẳn đó là nguyên nhân của tội lỗi. Nếu có thì đó chỉ là chút cuồng vọng của cá nhân, chút khát khao được quan tâm, theo dõi như là nhu cầu tự khẳng định. 

Nhưng chính thế giới truyền thông với nhu cầu “chúi” vào chuyện: cướp, giết, hiếp hoặc cửi, lột, lộ… Hoặc vả đó là sự nóng nảy, sự thịnh nộ, sự huyễn hoặc thay trời hành đạo làm người ta càng dễ bị đắm đuối vào trường tâm lý như một chiếc bẫy giăng sẵn.

Chiếc bẫy ấy được tạo nên bởi sự tò mò của đám đông, sự ham hố của một nhóm người và sự hà hơi tiếp sức của một chuỗi thông tin chẳng cần biết tính tương tác hay giáo dục. Nổi tiếng, dễ lắm thay và nó trở thành mũi tên được bọc nhung êm ái bắn vào những đám mây tích điện có ý định rõ ràng nhưng người ta vẫn nhầm đáng tiếc.

Ngẫm nghĩ sự nổi tiếng trong lĩnh vực nào cũng thế, cần thể hiện mình có một nền tảng hay nội lực nhất định trong lĩnh vực ấy.  Nếu độ “trơ” của những bức ảnh và độ “điên” của những phát biểu chính là độ cao và độ sâu của sự nổi tiếng thì sự nổi tiếng lại đớn đau thay. Và càng đau hơn khi nổi tiếng trong văn hóa mà độ dày của văn hóa vô tình bị công chúng đem so sánh với bức ảnh mỏng hay sống từ phát biểu!

Hoặc nổi tiếng để trở thành “hot” này, “hot” nọ để rồi phủ nhận hay rẽ hướng điều chỉnh hình ảnh vội vã, vô tư. Đó là sự nổi tiếng bằng ngoại lực, bằng sự vay mượn và sớm muộn cũng "tẩu hỏa nhập ma". Và ít nhất, vài chục lần cười vì mọi thứ được tạo ra trường tâm lý theo ý mình thì lắm lúc – đôi khi cũng ngồi đấy và tự xấu hổ với bản thân.

PGS.TS HUỲNH VĂN SƠN