Ở Kim Bon: "Đồng tiền co lại và lòng người nở ra"

13/11/2011 01:41
Ngọc Khánh thực hiện
(GDVN) - “Trang vẫn là sinh viên nên muốn đem sức trẻ của mình để đóng góp cho xã hội”, Á hậu Thùy Trang chia sẻ trong chuyến đi thiện nguyện lên Kim Bon.
LTS: Tranh thủ cuối chương trình giao lưu văn nghệ với thầy, trò 3 trường Mầm non, Tiểu học và THCS Kim Bon, PV Báo GDVN đã có một vài câu hỏi phỏng vấn Á hậu Thùy Trang cùng đi với đoàn thiện nguyện lần này. 

PV: Trước khi đến với Kim Bon, Thùy Trang hình dung về mảnh đất này như thế nào?

Thùy Trang: Trước khi đi thì Trang đã tìm hiểu thông tin về Kim Bon trên mạng. Xem các chương trình trên tivi, đài báo về vùng núi phía Bắc nên Trang cũng phần nào hình dung được đôi nét về cuộc sống của người dân. Kim Bon cũng vậy, rất hiểm trở, heo hút và còn nhiều khó khăn.

PV: Vậy qua hành trình vượt dốc với những pha “thót tim”, nhìn ngắm núi rừng hùng vĩ miền Tây Bắc, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, Trang có cảm giác gì?

Thùy Trang: Tất cả những gì nghe được, nhìn thấy trong chuyến đi đến với Kim Bon, Trang thấy nơi đây thật khổ. Thực sự, ai cũng có thể nói và hình dung được những cái gọi là khổ cực nhưng phải đến những nơi như Kim Bon và Nậm Mười, Suối Giàng mà Báo GDVN đi trước đó mới thấu hiểu được từ “khổ cực” như thế nào.
Ở Kim Bon: "Đồng tiền co lại và lòng người nở ra" ảnh 1
Á hậu Thùy Trang thay mặt độc giả Báo điện tử Giáo dục Việt Nam trao tặng tiền ủng hộ tới trường Mầm non Kim Bon
PV: Vậy những điều gì trong chuyến đi khiến Trang thấu hiểu được nỗi khổ của đồng bào?

Thùy Trang: Dọc con đường vào nơi đây, và đặc biệt đến thăm điểm trường lẻ Đá Đỏ rất xa và đường khó đi, Trang nhìn thấy những em bé theo mẹ đi làm nương về. Người mẹ gùi những bó củi rất to, tay dắt theo em bé mặc quần áo rất mỏng. Giữa trời lạnh lẽo như thế, mặc dù Trang mặc rất nhiều áo ấm, choàng khăn mà còn cảm thấy rét run nhưng các em nhỏ ở đây vẫn thiếu quần thiếu áo, Trang thấy rất thương và có một chút chạnh lòng. Có lẽ, những hình ảnh đó đã khiến Trang thực sự xúc động và thấu hiểu hơn nỗi khổ cực ở đời.

Ở Kim Bon: "Đồng tiền co lại và lòng người nở ra" ảnh 2
Có đi mới biết hết khó khăn của thầy, trò vùng cao

PV: Tiếp xúc với các em học sinh, Thùy Trang thấy điều gì đọng lại trong lòng?

Thùy Trang: Thực sự, nhìn những ánh mắt đen láy, Trang thấy toát lên một cái gì đó của sự thiếu thốn, thèm khát. Lúc Trang và các bạn trong đoàn từ thiện chia bánh kẹo cho các em, ánh mắt các em tươi rói. Đôi mắt nào cũng đẹp, trong sáng. Em nào cũng muốn được quà bánh. Trang cảm thấy hạnh phúc khi niềm vui được nhân lên trong từng ánh mắt.

Trang thấy hạnh phúc khi niềm vui được nhân lên trong từng ánh mắt
Trang thấy hạnh phúc khi niềm vui được nhân lên trong từng ánh mắt

PV: Qua đó, Thùy Trang có những hồi tưởng gì về tuổi thơ của mình không?

Thùy Trang: Trang quê ở vùng đất Thái Bình rất khó khăn nên từ nhỏ, bố mẹ thường dạy Trang “khi đồng tiền nở ra thì lòng người co lại”. Đến với mảnh đất này, nói chuyện, hát cùng các em học sinh, bài học của bố mẹ năm xưa bỗng hiện về. Quả thực rằng, ở nơi mà vật chất còn thiếu thốn như Kim Bon thì ngược lại, “đồng tiền co lại và lòng người nở ra”, đó là điều làm Trang thấy rất xúc động.

PV: Qua những tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” quanh đống lửa, Trang thấy có sự khác biệt như thế nào so với những sân khấu ca nhạc hoành tráng?

Thùy Trang: Có khác biệt nhiều chứ! Ở đây hôm nay, hầu như mọi người đã quên cả thời gian. 11 giờ đêm mà các thầy, cô vẫn say sưa ca hát. Điều này không phải ở đâu và lúc nào bạn có thể có được.

PV: Như vậy, chẳng cần những điều đao to búa lớn, tình người vẫn được san sẻ, mọi người sát lại gần nhau hơn. Vậy từ tình yêu thương đến hành động sẽ như thế nào Trang nhỉ?

Thùy Trang: Nhìn các em ở đây, thấy cuộc sống của đồng bào Kim Bon, Trang thấy đầy lòng trắc ẩn. Nhiều khi sống đầy đủ thì lại càng tham lam hơn nhưng được trải nghiệm như thế này Trang cảm thấy mình còn sung sướng hơn rất nhiều người. Mọi người cùng đi đến những nơi nghèo khó sẽ tạo ra một cộng đồng chung tay san sẻ nỗi khó khăn với đồng bào.

PV: Điều đó xét dưới góc độ một công dân của xã hội, còn với tư cách là một Á hậu, điều đó sẽ giúp ích gì cho công việc từ thiện?

Thùy Trang: Trang cảm thấy may mắn khi đạt được danh hiệu đó. Đây là nền tảng để thu hút, vận động được nhiều người hơn chung tay góp sức vì cộng đồng. 

PV: Sau chuyến đi này, Trang có dự định gì cho những hành trình tiếp theo chưa?

Thùy Trang: Đây là chuyến đi xa về Tây Bắc đầu tiên của Trang nên có những cung bậc cảm xúc thú vị được trải qua. Trang muốn được tham gia nhiều hơn nữa vào những chuyến đi của báo Giáo dục Việt Nam, những điều chẳng đao to búa lớn gì cả. Trang vẫn là sinh viên nên muốn đem sức trẻ của mình để đóng góp cho xã hội.

PV: Trở về nhà, Thùy Trang sẽ nói câu gì khi bố mẹ hỏi về chuyến đi?

Thùy Trang: Chắc chắn bố mẹ sẽ hỏi Trang “có mệt, có vui không?”. Trang khẳng định rằng, rất mệt vì đi đường xa nhưng cũng rất vui vì cảm nhận được niềm vui lan tỏa, những điều không hữu hình nhưng cũng đủ để mình thấy hạnh phúc.

Cám ơn Thùy Trang về cuộc trao đổi thú vị này!

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: tamlongvietnam@giaoduc.net.vn


Ngọc Khánh thực hiện