Ông Đinh La Thăng và những sai phạm bị đánh giá là rất nghiêm trọng

13/12/2017 08:29
Trần Phương
(GDVN) - Thời kỳ làm lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia, ông Đinh La Thăng để lại nhiều tai tiếng vì có trách nhiệm trong một số dự án thua lỗ lớn.

Thời kỳ làm Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Quốc gia

Giai đoạn 1/2006-12/2008: Ông Đinh La Thăng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN); sau là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN.

Trong giai đoạn này, ông Thăng đã để xảy ra hàng loạt sai phạm.

Ông Đinh La Thăng (Ảnh: TTXVN)
Ông Đinh La Thăng (Ảnh: TTXVN)

Ngày 7/5/2017: Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII khẳng định những khuyết điểm, những sai phạm khi còn làm ở PVN của ông Đinh La Thăng là "rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân đến mức phải thi hành kỷ luật theo quy định của Đảng".

Theo đó, trong giai đoạn này, ông Đinh La Thăng đã có một số quyết định đầu tư gây thất thoát vốn và ban hành một số văn bản trái pháp luật, vi phạm quy chế làm việc.

Là Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN từ 2009 đến 2011, ông Thăng phải chịu trách nhiệm người đứng đầu về những sai phạm của Tập đoàn dầu khí quốc gia trong giai đoạn này.

Ông Đinh La Thăng và những sai phạm bị đánh giá là rất nghiêm trọng ảnh 2Ông Đinh La Thăng thôi làm đại biểu quốc hội, trực tiếp liên quan hai vụ án lớn

Ông Thăng cũng vi phạm quy chế làm việc khi ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại văn bản số 6934 ngày 18/9/2008 giữa ông Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN và Chủ tịch Hội đồng quản trị OceanBank.

Nội dung văn bản thể hiện tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của OceanBank, trước khi Hội đồng quản trị tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.

Ông Đinh La Thăng còn chịu trách nhiệm trong việc ban hành Nghị quyết số 4266 góp vốn vượt mức quy định vào OceanBank, trái quy định của Luật các tổ chức tín dụng, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho PVN. Việc góp vốn này gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Nhà nước.

Ông Đinh La Thăng cũng phải chịu trách nhiệm trong việc ban hành một số nghị quyết, quyết định chỉ định nhiều gói thầu với tổng giá trị lớn, vi phạm các nghị định của Chính phủ; tham mưu Thủ tướng cho chỉ định nhiều gói thầu không đảm bảo quy định của pháp luật.

Dự án Nhiệt điện Thái Bình 2 được giao cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (công ty con của PVN) triển khai.

Tại dự án này, thua lỗ bắt nguồn từ năm 2011, khi PVN giao cho PVC làm chủ thầu dự án với tổng vốn lên tới 34.295 tỷ đồng, xấp xỉ 1,7 tỷ USD. Chính việc chỉ định gói thầu này đã gây hậu quả cho dự án.

Ngoài ra, theo cơ quan điều tra, ông Đinh La Thăng đã chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng với công trình, dự án do tập đoàn chỉ định và chấp thuận cho tổng công ty cổ phần dịch vụ kỹ thuật dầu khí được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng Nhà máy nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật đấu thầu năm 2005.

Ông Thăng có trách nhiệm trong việc ban hành chủ trương, quyết định đầu tư phân tán, dàn trải; thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai các dự án ở thời kỳ ông làm lãnh đạo tập đoàn.

Việc góp vốn với Oceanbank gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Nhà nước (Ảnh: KTDT)
Việc góp vốn với Oceanbank gây thiệt hại 800 tỷ đồng của Nhà nước (Ảnh: KTDT)

Thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

4/2016: Tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIII, Quốc hội phê chuẩn, Chủ tịch nước miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Thời gian ông Đinh La Thăng giữa cương vị Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (2011 – 2016) cũng là thời gian bùng nổ các dự án BOT giao thông (đầu tư theo hình thức: Xây dựng – Kinh doanh – Chuyển giao).

Sau 5 năm triển khai, đầu tư BOT giao thông đã bước đầu thu được những kết quả khả quan, cầu đường được nâng cấp, lưu thông nhanh hơn, an toàn hơn, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng miền.

Bên cạnh những thành công ban đầu, BOT cũng xuất hiện những bất cập, gây bức xúc cho một bộ phận dư luận xã hội.

Theo thống kê, trong giai đoạn 2011-2015, Bộ Giao thông vận tải đã huy động được khoảng 186.660 tỷ đồng để đầu tư 62 dự án theo hình thức hợp đồng BOT và BT.

Trong đó đã hoàn thành đưa vào vận hành, khai thác 26 dự án với tổng mức đầu tư 74.806 tỷ đồng, chưa kể 18 dự án với tổng mức đầu tư 37.212 tỷ đồng được đưa vào khai thác trong giai đoạn 2011-2015.

Tuy nhiên, các dự án BOT đã bắt đầu bộc lộ nhiều bất cập, trong đó tính minh bạch và sự mập mở của một số dự án BOT đã gây bức xúc trong dư luận.

Trước những bất cập các trạm thu phí BOT giao thông, Kiểm toán Nhà nước đã vào cuộc, qua thanh tra, kiểm tra 7 tháng đầu năm 2016, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện hàng loạt sai phạm tại các dự án giao thông được xây dựng theo hình thức BOT.

Ông Đinh La Thăng và những sai phạm bị đánh giá là rất nghiêm trọng ảnh 4BOT là mảnh đất màu mỡ cho nhóm lợi ích "tay không bắt giặc"

Cụ thể, sau khi kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên - Trà Vinh, Kiểm toán Nhà nước phát hiện nhiều sai sót và đã giảm tới 5,5 năm thời gian thu phí của dự án này.

Có nghĩa, thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14,5 năm.

Tương tự một dự án trên quốc lộ 19 được kiến nghị giảm 7 năm 7 tháng và một dự án BOT ở khu vực Tây Nguyên được kiến nghị giảm thời gian thu phí đến 10 năm.

Thậm chí, có trạm BOT thời gian thu phí 24 năm, Kiểm toán Nhà nước đề nghị giảm 11 năm, thu phí 13 năm.

Dự án Nghi Sơn – Cầu Giáp đã bị khai khống tổng mức đầu tư hơn 1.200 tỷ đồng. Theo tính toán trong phương án tài chính của dự án lập ngày 10/3/2015, tổng vốn đầu tư dự án này là hơn 3.581 tỷ đồng.

Tuy nhiên, tính toán của đoàn thanh tra cho thấy, mức đầu tư chỉ là hơn 2.378 tỷ đồng, chênh lệch hơn 1.202 tỷ đồng.

Trong khi đó với dự án Hà Nội – Bắc Giang, Thanh tra Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng phương án tính toán tài chính dự án bị đội lên 3.581 tỷ đồng. Theo tính toán của của đoàn thanh tra mức đầu tư chỉ 2.378 tỷ đồng.

Cho đến nay, trách nhiệm của ông Đinh La Thăng tới các sai phạm của các dự án BOT đã được triển khai vẫn chưa được đề cập.

Những lùm xùm xung quanh các dự án BOT cũng đang đặt ra câu hỏi trách nhiệm của ông Thăng trong thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Ảnh: Soha)
Những lùm xùm xung quanh các dự án BOT cũng đang đặt ra câu hỏi trách nhiệm của ông Thăng trong thời kỳ làm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (Ảnh: Soha)

Những câu nói của Ông Đinh La Thăng về phòng chống tham nhũng

Trong Hội nghị tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí năm 2015 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2016 của Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh ông Đinh La Thăng đã có những chỉ đạo về phòng chống tham nhũng:

- "Trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, thì người đứng đầu phải gương mẫu, liêm khiết và kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng xảy ra tại địa phương, cơ quan đơn vị mình và chịu trách nhiệm khi để cơ quan, địa phương do mình lãnh đạo xảy ra tham nhũng, lãng phí".

- “Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng là cuộc đấu tranh ngay trong mỗi địa phương mỗi tổ chức, mỗi đơn vị, ngay trong chính bản thân của mỗi người”.

- “Tăng cường kiểm tra, giám sát, đẩy nhanh điều tra, truy tố, xét xử nghiêm minh các vụ việc, vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phúc tạp, xã hội quan tâm”.

- “Huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và toàn xã hội trong công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí”.

Trần Phương