Ông Dương Trung Quốc: "Sẽ đưa vấn đề bảo vệ voi ra Quốc hội"

24/10/2011 06:03
Ngọc Quang
(GDVN) - “Nếu một ngày nào đó chúng ta không còn voi nữa thì cũng có nghĩa là người dân Việt Nam đã bị mất đi một phần lịch sử dân tộc”
Trước thực trạng voi rừng bị săn trộm đến cạn kiệt còn voi nhà thì cũng có nguy cơ “tuyệt chủng”, nhà sử học Dương Trung Quốc đã khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra Quốc hội.
Ông Dương Trung Quốc: Nhẫn lông voi chẳng may mắn gì đâu
Ông Dương Trung Quốc: Nhẫn lông voi chẳng may mắn gì đâu

Thưa nhà sử học Dương Trung Quốc, xuất phát từ lý do gì mà ông đặt ra vấn đề cần phải bảo vệ voi ở Việt Nam?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi giật mình khi nghe một nhóm các bạn trẻ lên ĐắkLắk chụp ảnh về voi và cho biết cả tình giờ chỉ còn 52 con voi nhà. Tôi đã từng lên Tây Nguyên cách đây từ mấy chục năm rồi, hồi đó thì nhiều voi lắm, và những năm gần đây cũng nghe nhiều thông tin voi bị giết hại, nhưng không ngờ ở chính nơi được coi là thủ phủ của voi nhà Việt Nam lại chỉ còn 52 cá thể.

Ngược dòng thời gian trở về năm 1985, chúng tôi thống kê được ĐắkLắck lúc ấy có tới hơn 500 con voi, và điều đó đặt ra vấn đề cần phải nhanh chóng tìm các biện pháp bảo vệ voi nhà trước khi quá muộn, dù bắt tay từ lúc nãy cũng là hơi muộn rồi.

Thực tế cho thấy, voi rừng thì ngày càng cạn kiệt, bởi xung đột giữa chúng với con người ngày càng căng thẳng. Tôi là Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai và khi tìm hiểu thì các anh em ở đây cũng cho biết là có gần chục con bị giết trong mấy năm trở lại đây.

Tại vùng Tân Phú mà tôi ở thì hiện nay vẫn còn một con voi rừng lảng vảng, nhưng không dám chắc là liệu nó có thể tồn tại bao lâu nữa? Voi rừng thì đã bị săn trộm nhiều năm qua tới mức cạn kiệt, trong khi đó voi nhà cũng chưa được quan tâm, chưa nhận được sự hỗ trợ nào từ phía các cơ quan nhà nước.

Trong khi nhiều con vật khác thì đã được bảo vệ, nhưng voi thì chưa mặc dù nó gắn liền với lịch sử Việt Nam. Ông có thấy đó là một sự bất công?

Ông Dương Trung Quốc: Tôi từng nói rằng, con gà bị H5N1 hay trâu bò bị lở mồm long móng thì được quan tâm, nhưng con voi mà ốm thì chẳng một tổ chức thú ý nào biết đến, các chủ voi phải tự lo liệu bằng những phương pháp truyền thống.

Nhờ sự giúp đỡ từ một số nhà tài trợ, Tạp chí Xưa và nay đã kết hợp với nhóm Hành trình xanh Việt Nam do Nhà báo Đỗ Doãn Hoàng tư vấn, đã tổ chức một cuộc hội thảo kêu gọi bảo tồn đàn voi nhà, nêu ra vấn đề phải làm thế nào để voi sinh sản nhiều hơn, chứ không thể để chúng chết dần chết mòn.

Tôi quan tâm đến con voi không chỉ với tư cách của một công dân muốn giữ gìn môi trường sinh thái, bảo vệ các loại động vật quý hiếm, mà với tư cách là người làm sử, tôi rất quan tâm tới vị trí của voi trong tâm thức người Việt. Hình ảnh voi trên trống đồng thời Đông Sơn và trong truyền thuyết cho thấy nó giữ một vị trí nhất định trong quá trình dựng nước và giữ nước. Hình ảnh con voi đặc biệt được nhiều người nhớ tới với những câu chuyện về Bà Trưng, Bà Triệu. Nếu một ngày nào đó chúng ta không còn voi nữa thì cũng có nghĩa là người dân Việt Nam đã bị mất đi một phần lịch sử dân tộc. Và nếu sau này chúng ta dựng một bộ phim về Hai Bà Trưng thì có lẽ sẽ phải đi thuê voi của nước khác (cười).

Con voi ở Việt Nam xưa kia gắn với đời sống của các dân tộc ít người ở miền rừng, đỡ đần được rất nhiều việc nặng nhọc. Ở đó có cả một nền văn hóa ứng xử với voi, người dân coi nó như bạn bè thân thiết trong cuộc sống. Họ giữ gìn và trân trọng điều ấy. Tuy vậy, con voi đến với người Kinh nói chung thì chỉ là công cụ khai thác thôi, chứ không có luật tục gì, cũng chẳng có văn hóa gì cả.

Sau voi rừng, giờ tới voi nhà cũng bị giết hại
Sau voi rừng, giờ tới voi nhà cũng bị giết hại
Voi bị giết hại đến mức cạn kiệt, theo ông trách nhiệm này phải quy về những cơ quan, tổ chức nào?

Ông Dương Trung Quốc:
Hiện nay thì trách nhiệm chính phải thuộc về Cơ quan lâm nghiệp của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Tới đây, tôi sẽ chất vấn lãnh đạo Bộ Nông nghiệp về vấn đề bảo vệ và phát triển voi, có bảo tồn được không hay chấp nhận để voi chết hết?

Cứ theo đà này thì có lẽ chỉ hơn khoảng 10 năm nữa thôi, voi nhà của Việt Nam cũng sẽ “tuyệt chủng”; trong khi đó các nước ở khu vực Đông Nam Á đang bảo tồn voi rất tốt, mặc dù họ cũng từng có thời điểm ở vào hoàn cảnh như chúng ta.

Thí dụ như ở Thái Lan khi xuất hiện chuyện voi đụng xe cộ gây tai nạn giao thông thì họ lập tức quan tâm ngay vấn đề tạo môi trường sống và bảo tồn voi. Các cơ quan nhà nước phối hợp với người dân để chăm sóc bảo tồn song song với việc chuyển đổi công năng hoạt động của voi – khai thác ở lĩnh vực du lịch. Hiện nay, nước này đang có hơn 4000 con voi nhà và 3000 con voi rừng, bởi vì họ thực sự quan tâm và có sự đầu tư đúng mức, thậm chí họ đã đạt tới trình độ cao là có thể thụ tinh nhân tạo cho voi.

Tôi nghĩ là ở Việt Nam thì cách làm cũng phải thế thôi, chứ chẳng thể khác được, vì như vậy thì người chủ mới có tiền để nuôi chúng. Đó là mối quan hệ tương hỗ, các chủ voi không thể cứ bỏ tiền nuôi không chúng mãi được, cho nên phải tìm cách để con voi trở nên có ích, mà ở lĩnh vực du lịch là gần nhất, giống như các nước khác đã làm.

Khi nào thì ông đưa vấn đề này ra Quốc hội để chất vấn Bộ trưởng?


Ông Dương Trung Quốc:
Nhà nước đã có chính sách cấm săn bắt voi, đó là chủ trương tốt bảo vệ những con voi rừng, nhưng thực tế là nạn săn trộm voi vẫn diễn ra và voi rừng gần như đã hết, trong khi đó voi nhà thì chưa được sự hỗ trợ nào để có thể bảo tồn và phát triển. Vì vậy, tôi sẽ sớm đưa vấn đề này ra Quốc hội. Bên cạnh đó, chúng ta cũng cần lưu ý tới một vấn đề khác, đó là khi đã chuyển đổi khả năng hoạt động cho con voi nhà vào lĩnh vực du lịch, văn hóa… thì liệu nó còn thuộc sự quản lý của Bộ Nông nghiệp hay lúc ấy Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cũng phải có trách nhiệm?

Ông nghĩ gì khi nhiều người cho rằng đeo nhẫn lông voi là may mắn?

Ông Dương Trung Quốc: Thực ra khi đi sâu vào nghiên cứu thì chúng tôi biết rằng không có nhiều lông đuôi voi thế đâu, thỉnh thoảng họ vẫn tìm cách chặt trộm đuôi một con voi để đánh lừa thiên hạ thôi, chứ còn đại đa số là sử dụng vật liệu giả lông đuôi voi lồng vào nhẫn và bán cho những người cả tin. Tôi thấy chẳng có căn cứ gì để nói là đeo nhẫn có lông voi sẽ gặp may, mà ý nghĩ đó xuất phát từ  tâm lý của nhiều người trong xã hội là chỉ thích ăn may, lười lao động, đó cũng là một biến thể của mê tín dị đoan.

Xin kể câu chuyện vui thế này, có lần, tôi được cho cái nhẫn lông voi, rồi mang về khoe với vợ rằng: “Người ta bảo đeo nhẫn có cái lông này thì may mắn lắm”. Vợ tội vừa nghe xong đã quắc mắt hét lên: “Lông của con nào?” (Cười). Hú vía, thế cho nên tôi thấy là nhẫn lông voi chẳng may mắn gì đâu.
Mua những sản phẩm như thế này nghĩa là bạn đã tiếp tay cho kẻ giết voi
Mua những sản phẩm như thế này nghĩa là bạn đã tiếp tay cho kẻ giết voi

Loài voi vốn rất hiền hòa, nhưng thi thoảng lại có vụ “voi điên, voi dữ”. Có khi nào ông nghĩ những kẻ muốn giết voi đã cố tình tạo ra sự gây hấn để lấy cớ làm điều ác?

Những nhà nghiên cứu đã từng nói rằng ngay cả những con vật được coi là nguy hiểm nhất như là chó sói, hổ, báo… vẫn có thể sống thân thiện với con người, nhưng tất nhiên là nó phải được an toàn. Nó tấn công con người chẳng qua là do cảm thấy bị nguy hiểm thôi, vì không gian bị xâm lấn, giống như thể bạn đang sống trong nhà của mình mà có người nhảy vào chiếm, bạn sẽ hành động thế nào?

Voi là con vật rất thông minh và nhìn lại tiến trình lịch sử của Việt Nam từ xưa tới nay thì cũng thấy rằng voi và con người vốn có nhiều hoạt động chung sống, thân thiết… nhưng nghịch lý ở đây là khi con voi chết thì người ta thu được một khoản lớn và không phải tốn tiền nuôi nữa. Vụ chú voi Beckham bị chủ giết ở Đà Lạt là một thí dụ điển hình.

Qua con voi thì phần nào cũng thấy được mặt bằng văn hóa ứng xử của con người. Vụ voi Na dẫm vào bé gái ở Lào Cai cần phải thấy rằng ngoài trách nhiệm của liên đoàn xiếc thì người dân cũng vô ý thức khi trộn ớt, củ ráy vào bánh mỳ để ném cho voi ăn. Điều đó cho thấy, sự hiểu biết về xã hội của nhiều người vẫn ở mức rất thấp, đồng thời cho thấy rõ hơn thói dã man của con người với con voi.

Tôi được biết, Nhà nước cũng đã đồng ý hỗ trợ vài chục tỷ đồng cho tỉnh ĐắkLắk xây dựng một trung tâm nuôi dưỡng, bảo tồn voi, nhưng từ đó tới nay có thực hiện được đâu. Vẫn biết là trong lúc kinh tế cả nước còn nhiều khó khăn thì chúng ta sẽ phải đầu tư vào những gì “nóng bỏng”, nhưng tôi nghĩ vài chục tỷ đồng để bảo tồn voi và gìn giữ những ý niệm lịch sử tốt đẹp của người Việt thì cũng không phải quá nhiều.

Ngọc Quang