Ông Dương Trung Quốc nói về những đổi mới trong Quốc hội Việt Nam

16/12/2015 09:21
Theo Người Đại biểu Nhân dân
(GDVN) - "Điều quan trọng là phải đặt đại đoàn kết của toàn dân là mục tiêu, từ đó tìm ra được cách giải quyết, kể cả để sửa chữa sai lầm".

- Đại biểu đánh giá như thế nào về ý nghĩa lịch sử của việc ban bố Sắc lệnh Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp năm 1946?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Theo tôi, Sắc lệnh Tổng tuyển cử và dự thảo Hiến pháp là văn bản pháp lý hết sức quan trọng khi chúng ta điều hành đất nước ngay từ đầu tiên bằng pháp luật, bằng những sắc lệnh, bằng những mục tiêu rất cụ thể, trên cơ sở xây dựng nền pháp luật hiện đại và bảo đảm quyền dân chủ của dân.

Đồng thời, thu hút được trí tuệ của nhân dân, không bị những rào cản về giai cấp, về chủng tộc, về tôn giáo… Vì thế, quy tụ được những tinh hoa của dân tộc, nhất là vào thời điểm chúng ta vừa xây dựng nền tảng cho con đường phát triển lâu dài của đất nước.

Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao những thay đổi tích cực của Quốc hội Việt Nam 70 năm qua. ảnh: Ngọc Quang.
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá cao những thay đổi tích cực của Quốc hội Việt Nam 70 năm qua. ảnh: Ngọc Quang.

Ngoài ra, trong đó cũng thể hiện được rất rõ tư tưởng nhà nước của dân, do dân và vì dân với tinh thần dân tộc độc lập, dân quyền tự do và dân sinh hạnh phúc, những giá trị phổ quát nhất của nhân loại về quyền của con người, quyền của dân tộc.

- Từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, bài học lớn nhất rút ra ở đây là sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Đại biểu có thể cho biết cụ thể hơn về tinh thần đoàn kết của cuộc tổng tuyển cử năm 1946?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Nói về tinh thần đoàn kết trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1946, trước hết là tinh thần đoàn kết dựa trên mục tiêu xây dựng đất nước. Thứ hai, là phương thức tổ chức bảo đảm tính dân chủ, mọi người dân đều được tham gia và tất cả quyền con người đều được phát huy.

Trong Hiến pháp đầu tiên năm 1946, hầu như tất cả quyền con người cơ bản nhất đều được phát huy cho đến tận ngày hôm nay; kể cả có những điều mà đến ngày hôm nay QH Khóa XIII, thậm chí đến Khóa XIV mới được thực thể hóa bằng những pháp luật như: Luật Trưng cầu ý dân vừa được QH thông qua, Luật Biểu tình hay Luật Báo chí đang được tiếp tục sửa đổi, bổ sung theo hướng bảo đảm quyền tự do con người…

Ông Dương Trung Quốc nói về những đổi mới trong Quốc hội Việt Nam ảnh 2

Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng người tài trong hoạt động của Quốc hội

Theo tôi, đây chính là những yếu tố mà ngay từ sớm đã được hình thành trong quá trình xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc.

Và đây không chỉ là nguyên lý chung chung mà đã được cụ thể bằng những chính sách rất cụ thể để bảo đảm các quyền tự do của người dân.

Có thể nói, khi bước vào cuộc tổng tuyển cử năm 1945 là sự khao khát độc lập trải qua một thời gian dài khi đất nước bị thuộc địa, bị kìm hãm trong sự phát triển của chế độ phong kiến.

Sự mong muốn được giải phóng ra khỏi cái cũ để xây dựng cái mới là sự khao khát của toàn dân, đó là cách thể hiện lòng yêu nước của dân mà những người cách mạng biết quy tụ lại, tập hợp lại và thể chế hóa bằng những chính sách hết sức cụ thể.

Tinh thần đoàn kết này cũng được thể hiện rất rõ trong tổng kết cách mạng tháng Tám của Bác Hồ, Bác nêu rõ cách mạng tháng Tám là cuộc cách mạng rất quyết liệt, rất triệt để nhưng không hề có cảnh “nồi da xáo thịt” mà cuối cùng là mọi người đều đoàn kết và hướng đến cuộc Tổng tuyển cử với tình thần dân chủ.

Và ngay sau đó, trong Chính phủ mới có cả những vị quan lại, những quan chức của chế độ cũ, thậm chí có cả ông vua vừa thoái vị cũng tham gia vào cố vấn tối cao của Nhà nước.

Ngoài ra, điều quan trọng nhất là ngay từ đầu xây dựng thể chế chính trị đều bảo đảm cho lợi ích của tất cả mọi người dân, vì vậy đã thu hút được sức mạnh của nhân dân. Phát huy tinh thần đoàn kết dân tộc không chỉ trong quá trình đấu tranh chống lại cái cũ mà quan trọng nhất là xây dựng cái mới.

- Để đáp ứng với yêu cầu của tình hình mới, QH khi ấy đã có một số đổi mới hướng tới phản ánh những nguyện vọng của cử tri. Đại biểu đánh giá những đổi mới này thế nào?

ĐBQH Dương Trung Quốc: Tôi nhớ đến một văn kiện là bức thư riêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh viết ngày 17.9.1945, chỉ hai tuần sau bản Tuyên ngôn độc lập ra đời. Đây là bức thư Bác viết gửi cho các đồng chí ở tỉnh Nghệ An.
Trong thư Bác tâm sự rất thật “đánh đổ chế độ cũ đã là một thành tựu cực kỳ to lớn đối với lịch sử dân tộc, nhưng xây dựng chế độ mới, mới là điều quan trọng”.
Ở đây, Bác dùng câu thán từ “việc này mới là khó!”  khó là làm sao để điều hòa được những lợi ích của các tầng lớp xã hội để phục vụ cho sự phát triển của đất nước.
Theo tôi, chính QH  là cơ quan để giải quyết vấn đề đó, chúng ta không chỉ quyết định những vấn đề về chiến tranh, hòa bình, về bảo vệ chủ quyền độc lập của dân tộc, mà điều quan trọng là phải xây dựng một mục tiêu làm sao cho đất nước độc lập, dân tự do và được hưởng hạnh phúc.
Như nguyên lý Bác đã từng nói “Nếu nước được độc lập mà dân không được hưởng tự do, hạnh phúc thì độc lập chẳng có ý nghĩa gì".
Đấy chính là quá trình phấn đấu không ngừng của Bác. Trong bức thư của Bác còn có một đoạn rất hay “việc khó mấy cũng làm được nếu chúng ta đoàn kết và biết sửa chữa khuyết điểm”.
Khi nhìn lại toàn bộ sự phát triển của QH là cả một quá trình chúng ta vừa tiếp cận với những nguyên lý phổ quát nhất của nền chính trị hiện đại thế giới, nhưng đồng thời cũng tìm thấy những yếu tố đặc trưng của văn hóa dân tộc.
Mối quan hệ xã hội của dân tộc là cơ sở để chúng ta điều hòa những lợi ích ấy, bảo đảm cho sự phát triển một đất nước bền vững.
Trên thực tế, chúng ta gặp không ít những khó khăn, thậm chí những sai lầm, nhưng điều quan trọng là phải đặt đại đoàn kết của toàn dân là mục tiêu.
Từ đại đoàn kết ấy chúng ta có thể tìm ra được cách giải quyết, kể cả để sửa chữa sai lầm, nhất là tạo dựng được con đường phát triển phù hợp với đất nước chúng ta và phù hợp với xu thế phát triển hiện đại.
Theo Người Đại biểu Nhân dân