Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói về đại biểu Đinh Thế Huynh và Phan Thị Mỹ Thanh

19/05/2018 10:59
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc đã có giải đáp việc cho bà Phan Thị Mỹ Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu và việc ông Đinh Thế Huynh vắng họp 2 năm qua...

Sáng 19/5, Văn phòng Quốc hội đã tổ chức họp báo về dự kiến chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chủ trì cuộc họp báo. Vấn đề nhân sự được nhiều nhà báo đặc biệt quan tâm.

Tại buổi họp báo, các nhà báo đã đặt câu hỏi về trường hợp bà Thanh tại sao không miễn nhiệm đại biểu Quốc hội mà lại cho thôi nhiệm vụ. Việc xử lý như vậy có phải là kỷ luật?

Tổng Thư ký Quốc hội trả lời, về trường hợp bà Phan Thị Mỹ Thanh, ngày 14/5, trên các cơ sở kết luận, thẩm tra của các cơ quan chức năng, Ban Bí thư đã có thông báo đến Đảng đoàn Quốc hội đề nghị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Thanh.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi báo chí.
Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời các câu hỏi báo chí.

Ngay hôm đó, sau kết luận kỷ luật của Đảng có thể bà Thanh khủng hoảng, ảnh hưởng sức khỏe nên đã có đơn xin thôi đại biểu Quốc hội vì lý do sức khỏe.

Quốc hội đã có báo cáo cơ quan quản lý cán bộ, Trung ương, sau đó Ban Bí thư Trung ương đã có quyết định chấp nhận đơn của bà Thanh. Ban Bí thư cho phép Đảng đoàn Quốc hội tiến hành thủ tục cho bà Thanh thôi đại biểu Quốc hội.

“Việc cho thôi này thẩm quyền của Quốc hội. Nhưng thời gian này Quốc hội không họp thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội với bà Thanh.

Tại kỳ họp thứ 5, sẽ có báo cáo Quốc hội kết quả cho thôi đại biểu Quốc hội với bà Phan Thị Mỹ Thanh. Việc này đúng theo pháp luật”, ông Phúc khẳng định.

Theo Tổng Thư ký Quốc hội, trong quá trình này, Quốc hội cũng căn cứ hồ sơ báo cáo của thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, báo cáo đề nghị của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Đồng Nai, báo cáo của đoàn đại biểu Quốc hội Đồng Nai đều đồng thuận cho bà Thanh thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội.

Cũng liên quan đến vấn đề nhân sự, phóng viên báo Tuổi trẻ hỏi, trường hợp đại biểu Quốc hội Đinh Thế Huynh không tham gia các hoạt động Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội 2 năm qua.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói về đại biểu Đinh Thế Huynh và Phan Thị Mỹ Thanh ảnh 2Bà Phan Thị Mỹ Thanh được cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội

Về mặt Đảng, Bộ Chính trị cũng đồng ý để ông Đinh Thế Huynh nghỉ đi chữa bệnh.

Đề nghị Tổng thư ký cho biết ông Đinh Thế Huynh còn đủ tư cách đại biểu Quốc hội không?

Tổng thư ký Quốc hội cho biết, ông Đinh Thế Huynh thuộc Bộ Chính trị quản lý, công tác cán bộ do Bộ Chính trị quản lý, Đảng đoàn Quốc hội sẽ xem xét khi nào Bộ Chính trị có ý kiến.

Tại buổi họp báo, các nhà báo đã nêu thực tế là Quốc hội khóa này có nhiều đại biểu đã bị miễn nhiệm, cho thôi vì các sai phạm chủ yếu xảy ra trước đó. Vậy, công tác thẩm tra tư cách các đại biểu Quốc hội phải chăng còn có vấn đề?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc thừa nhận thực tế này. Theo Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc, đây là vấn đề liên quan đến công tác thẩm tra hồ sơ các đại biểu. "Có nhiều việc không thẩm tra ngay được. Đúng là điều này phải rút kinh nghiệm hơn nữa trong công tác lựa chọn giới thiệu đại biểu Quốc hội", ông Phúc nói.

Theo dự kiến, kỳ họp sẽ thảo luận chung ở hội trường về quyết toán ngân sách nhà nước, kinh tế - xã hội, trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017.

Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật và cho ý kiến 8 dự án luật.

8 dự án luật sẽ được Quốc hội xem xét thông qua gồm: Luật Tố cáo (sửa đổi); Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật Cạnh tranh (sửa đổi); Luật An ninh mạng; Luật Quốc phòng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật liên quan đến Luật Quy hoạch.

8 dự án luật được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 gồm: Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật Quản lý phát triển đô thị; Luật Chăn nuôi; Luật Trồng trọt; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đặc xá; Luật Cảnh sát biển; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; Luật sửa đổi, Luật Công an nhân dân (sửa đổi).

Về hoạt động chất vấn, Kỳ họp sẽ dành 3 ngày cho hoạt động này. Các đại biểu sẽ có một phút hỏi, người trả lời chất vấn sẽ có 3 phút trả lời. Tuy nhiên, sẽ có điều chỉnh so với phiên thí điểm chất vấn theo hình thức mới tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều đại biểu sẽ hỏi và sau đó người chất vấn sẽ trả lời chứ không trả lời ngay từng câu hỏi.

Theo dự kiến chương trình, kỳ họp thứ 5 sẽ khai mạc vào ngày 21/5 và  kết thúc vào 15/6. Quốc hội làm việc trong 20 ngày. Đây là kỳ họp ngắn nhất trong nhiều khóa gần đây.

Đỗ Thơm