PGS.TS Nguyễn Chu Hồi: “Không loại trừ việc kiện TQ ra Toà án Quốc tế"

03/04/2013 07:02
Quang Tuệ
(GDVN) - “Trong số các đối sách và giải pháp, tùy vào tình hình mà không loại trừ việc kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế giống như Philippin đã làm - một việc làm bình thường và được phép theo công pháp quốc tế”.
LTS: Trong thời gian gần đây, Trung Quốc đã tiến hành một loạt các hoạt động tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, trong đó có việc phê duyệt thành lập đài phát thanh và truyền hình “Tam Sa” và đài truyền hình vệ tinh “Tam Sa”; cử Biên đội tàu Hải Giám 83 cùng trực thăng Hải giám B-7103 và các tàu Hải Giám 262 và 263 tiến hành tuần tra tại khu vực quần đảo Hoàng Sa, xua đuổi tàu cá Việt Nam (số hiệu QNg96417TS và QNg96382TS) đang hoạt động nghề cá bình thường và hợp pháp tại khu vực này, và mới đây nhất là cử tàu khảo sát khoa học nghề cá Nam Phong đến tiến hành điều tra tài nguyên nghề cá tại vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Đến ngày 20/3/2013, tàu cá mang số hiệu QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi trong lúc đang hoạt động nghề cá bình thường tại ngư trường truyền thống thuộc khu vực quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đã bị tàu Trung Quốc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin. Đây là vụ việc hết sức nghiêm trọng, vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, đe dọa tính mạng và gây thiệt hại tài sản của ngư dân Việt Nam

Trước các hành động vừa qua của Trung Quốc, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn PGS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội.
PGS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. (Ảnh: S. Đào)
PGS. Nguyễn Chu Hồi - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (thuộc Bộ TN&MT), giảng viên Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội. (Ảnh: S. Đào)
Đòi hỏi thiện chí từ Trung Quốc là không dễ

PV: Thưa ông, dưới góc độ cá nhân, ông đánh giá như thế nào về những hành động này của Trung Quốc? Ông có bất ngờ không khi Trung Quốc có hành động vô nhân đạo như vậy?

PGS. Nguyễn Chu Hồi: Không chỉ tôi mà mọi người dân Việt Nam không ai bất ngờ về hành động vô nhân đạo, và có dấu hiệu vi phạm nhân quyền quốc tế của phía TQ. Thực hiện việc truy đuổi và nổ súng bắn cháy cabin của tàu cá QNg 96382 TS của ngư dân tỉnh Quảng Ngãi như vậy chỉ là một màn kịch trong một vở kịch đã dựng sẵn của phía TQ. Và dù hành động cụ thể có khác nhau nhưng đều hướng vào ý đồ độc chiếm Biển Đông để mở rộng không gian kinh tế, đẩy không gian an ninh quốc gia của TQ ra xa đại lục, tranh giành quyền khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên giàu có ở Biển Đông. 

Thực hiện "giấc mơ TQ", nước này ngày càng lộ rõ chân tướng kiểu một "nước Mỹ ở thế kỷ 21" và là mối nguy của các quốc gia láng giềng trước khi là mối nguy của thế giới ở cuối thế kỷ này. Nhận ra chân tướng của TQ, tôi nghĩ, không phải quá khó, nhưng cách xử lý như thế nào để bảo đảm mục tiêu chung giải quyết hòa bình vấn đề trên Biển Đông thì vẫn là một bài toán thực tế nan giải, nó đòi hỏi thiện chí, tính nhân bản và tính nhất quán từ lời nói đến việc làm,...nhưng quả thật chờ đợi những điều đó từ phía TQ có vẻ không dễ dàng.  

PV: Ông có cho rằng hành động bắn cháy cabin tàu cá Việt Nam vừa qua là một bước đi mới của Trung Quốc và ngày càng thể hiện rõ ý đồ độc chiếm Biển Đông?

PGS. Nguyễn Chu Hồi: Đúng vậy, đấy là một bước đi mới trên con đường cũ - con đường càng sớm càng tốt TQ độc chiếm được Biển Đông! Tranh giành miếng ăn dẫn đến "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay (dùng vũ lực)" có vẻ là chuyện đời thường của những đứa trẻ, nhưng không bình thường đối với một quốc gia có bề dầy văn hóa nhất nhì thế giới, lại càng không bình thường khi đem gậy ra dọa hàng xóm láng giềng,... 

Lạ thật, không phải là "gà mờ mà vẫn ăn quẩn cối xay". Cãi nhau, gây sự với bốn bề hàng xóm, TQ không tránh khỏi bị thế giới chê cười, dần bị cô lập, bị oán ghét và các quốc gia nhỏ yếu hơn sẽ ngày càng gắn kết để toan tính lâu dài và tạo ra sức mạnh tổng hợp để đề kháng với "người khổng lồ" của thế kỷ khi khả năng xấu nhất có thể xẩy ra. 

Để xảy ra huynh đệ tương tàn sẽ không có kẻ thắng và cũng chẳng có kẻ thua, lịch sử đã chứng kiến điều đó, nhưng sẽ đẩy các dân tộc sa lầy vào cuộc khủng hoảng lịch sử lâu dài, không làm cho TQ mạnh lên, ngẩng cao đầu với thế giới đương đại mà đôi khí lại xẩy ra hiệu ứng ngược.  

Cần bắt giữ các tàu xâm phạm chủ quyền VN và xử lý nghiêm

PV: Có nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn cản việc Trung Quốc tiếp tục có những hành vi xâm phạm chủ quyền của Việt Nam, chúng ta cần phải kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế giống như Philippin kiện "đường lưỡi bò" phi pháp và những hành động leo thang gây hấn của Trung Quốc trên Biển Đông ra Hội đồng trọng tài LHQ về Luật Biển cách đây không lâu. Ý kiến của ông về việc này như thế nào?

PGS. Nguyễn Chu Hồi: Xâu chuỗi hành động của TQ trong mấy năm vừa qua đối với các nước láng giềng nói chung và Việt Nam trên Biển Đông nói riêng cho thấy TQ không từ bỏ một thủ đoạn nào để bảo vệ yêu sách đường lưỡi bò đứt khúc 09 đoạn phi lý trên Biển Đông của họ. 

Những hành vi và thủ đoạn như vậy sẽ ngày càng tinh vi, nguy hiểm và tàn bạo; cấp độ hành vi có thể tăng dần mức độ nghiêm trọng, từ va chạm, đụng độ, đến xâm chiếm chủ quyền biển đảo của Việt Nam và không loại trừ ý đồ xâm lược nước ta. Dù chỉ là những dự báo mang tính khoa học thì cũng nên xác định để không bị động và không mất cảnh giác với các tình huống thực tế xẩy ra. 

Đương nhiên, tùy từng mức độ Việt Nam cần chuẩn bị các đối sách và phương án ứng sử hiệu quả, linh hoạt và phù hợp. Trong số các đối sách và giải pháp, tùy vào tình hình mà không loại trừ việc kiện Trung Quốc ra toà án quốc tế giống như Philippin đã làm - một việc làm bình thường và được phép theo công pháp quốc tế. 

PV: Chúng ta có cần phải có các biện pháp mạnh mẽ hơn như: bắt giữ các tàu của Trung Quốc (cả tàu cá lẫn các tàu khác) xâm phạm chủ quyền của chúng ta rồi xử lý theo pháp luật Việt Nam và quốc tế để làm gương và tăng cường tính răn đe, thưa ông?

PGS. Nguyễn Chu Hồi: Việc này các nước làm thường xuyên và không nên coi nó là cái gì đó quá mới mẻ. Điều quan trọng là xâm phạm vào vùng biển nào cụ thể. Khi các tàu ngư dân và các tàu khác của TQ xâm phạm vào vùng biển chủ quyền của Việt Nam chúng ta có quyền bắt giữ và xử lý theo luật pháp quốc tế và quốc gia. Trớ trêu là tàu TQ đã xua đuổi, bắt giữ và bắn cháy cabin tàu cá của ngư dân Việt Nam đang hoạt động bình thường trong vùng biển chủ quyền của nước ta.   

PV: Để ngư dân Việt Nam được an toàn khi khai thác cá trên vùng biển thuộc chủ quyền của mình, có ý kiến cho rằng: chúng ta cần phải thành lập một lực lượng gọi là: lực lượng giám sát biển. Ông đánh giá thế nào về ý kiến này?

PGS. Nguyễn Chu Hồi: Nên có lực lượng giám sát biển với nhiệm vụ chính giám sát các hoạt động khai thác, sử dụng biển, đảo và vùng biển ven bờ. Khi tôi công tác ở Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã trực tiếp đề nghị có lực lượng và nhiệm vụ này, nhưng vì nhiều lý do khác nhau chỉ thành lập được Cục quản lý Khai thác biển và hải đảo.

Nếu cục và tổng cục này có lực lượng như vậy thì chắc chắn sớm đẩy được công tác quản lý nhà nước về biển theo phương thức quản lý tổng hợp và thống nhất ra biển, khắc phục được cảnh chỉ ngồi quản lý biển "tại Hà Nội".      
(còn nữa)
Quang Tuệ