Phải xét xem động cơ vào Đảng của người ta là cái gì?

24/02/2019 07:27
Đỗ Thơm
(GDVN) - Qua các thời kỳ lịch sử, Đảng đều chú trọng đến chất lượng đảng viên. Đặc biệt, giai đoạn này, vấn đề chất lượng kết nạp đảng viên mới là hết sức bức thiết.

Ban Bí thư vừa ban hành Chỉ thị số 28-CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Chỉ thị tập trung vào một số nhiệm vụ, trong đó nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức, quán triệt đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng đội ngũ đảng viên; Chấn chỉnh công tác kết nạp đảng viên, khắc phục triệt để tình trạng chạy theo số lượng, xem nhẹ chất lượng.

Tăng cường công tác quản lý, giáo dục đảng viên; Thực hiện nghiêm túc công tác rà soát, sàng lọc đảng viên; kiên quyết, kịp thời đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Đỗ Thơm
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc. Ảnh: Đỗ Thơm

Trao đổi với Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng nhấn mạnh Chỉ thị 28 của Ban Bí thư rất là cần thiết trong tình hình hiện nay khi chúng ta đang đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa 12 về xây dựng chỉnh đốn Đảng, kết hợp với chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đứ, phong cách Hồ Chí Minh.

Trong Chỉ thị này có hai vấn đề lớn đặt ra.

Thứ nhất là phải nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên mới, thứ hai là sàng lọc và đưa ra khỏi Đảng những đảng viên không đủ tư cách.

Hiện nay, số lượng đảng viên là hơn 4 triệu. Ở đây có vấn đề là cần giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa số lượng và chất lượng đảng viên.

Số lượng đảng viên thời gian qua tăng nhanh, riêng nhiệm kỳ khóa 11 (từ 2011 – 2016) đã kết nạp đến gần 1 triệu đảng viên.

Ở Đại hội Đảng khóa 11 có 3,6 triệu đảng viên, đến Đại hội Đảng khóa 12 là 4,5 triệu đảng viên.

“Số lượng cũng là cần thiết để bố trí cán bộ đảng viên nắm giữ các vị trí cần thiết trong hệ thống chính trị. Nhất là trong điều kiện Đảng ta là đảng cầm quyền.

Nhìn lại các thời kỳ lịch sử, Đảng đều rất chú trọng đến chất lượng đảng viên.

Đặc biệt, trong giai đoạn hiện nay, vấn đề chất lượng kết nạp đảng viên mới là hết sức bức thiết”, Phó Giáo sư Phúc nói.

Theo Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc, nếu chúng ta không chặt chẽ trong việc kết nạp đảng viên mới thì có thể đưa vào Đảng những người không đủ tiêu chuẩn.

Phải xét xem động cơ vào Đảng của người ta là cái gì? ảnh 2Hướng dẫn thực hiện Quy định 102 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm

Không đủ tiêu chuẩn sẽ làm nảy sinh các tiêu cực trong nội bộ, rồi phải xử lý.

“Vì thế, theo tôi, trong tình hình hiện nay cần hết sức chú ý đến động cơ vào Đảng của cán bộ, người dân, nông dân, công nhân, trí thức…

Họ xin vào Đảng là điều hết sức đáng quý nhưng phải xem xét động cơ vào Đảng.

Vì trong điều kiện đảng cầm quyền, nhiều khi động cơ vào Đảng của đảng viên mới là để được bổ nhiệm chức vụ nọ, chức vụ kia.

Nhiều người vào Đảng không hẳn phấn đấu vì điều gì mà chủ yếu là để có vị trí trong đời sống xã hội”, vị nguyên Viện trưởng Viện Xây dựng Đảng phân tích.

Vì thế, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc cho rằng cần quan tâm đến 4 yêu cầu chính để kết nạp được những đảng viên mới thực sự chất lượng.

Thứ nhất là phẩm chất chính trị, mục tiêu, lý tưởng của người xin vào Đảng.

Lý tưởng, mục tiêu của Đảng là độc lập dân tộc, chủ nghĩa xã hội, tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Người muốn vào Đảng phải tuyệt đối trung thành với cương lĩnh của Đảng, không được làm trái cương lĩnh, đường lối của Đảng.

Người xin vào Đảng phải trung thành tuyệt đối với những điều này.

Những người như thế mới được xem xét kết nạp vào Đảng để đảm bảo tiêu chuẩn chính trị.

Những ai không tán thành các mục tiêu đó, mơ hồ, không hiểu biết gì, không đủ tiêu chuẩn chính trị thì dứt khoát không kết nạp vào Đảng.

Thứ hai là tiêu chuẩn phẩm chất đạo đức theo yêu cầu xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay. Người được kết nạp vào Đảng phải có uy tín trong quần chúng, gương mẫu về đạo đức, có lối sống trong sạch.

Thứ ba là phải có trí tuệ, nhất là trong điều kiện hội nhập quốc tế, toàn cầu hóa, cách mạng 4.0... Đảng viên phải trí tuệ cao, hơn hẳn quần chúng.

Nếu đảng viên mà trình độ thấp thì không thể lãnh đạo được ai.

Phải xét xem động cơ vào Đảng của người ta là cái gì? ảnh 3Xây dựng cơ chế để "không thể tham nhũng"

Trí tuệ phải rất cao như V.I Lê Nin nói là, những người cộng sản phải làm giàu trí óc của mình bằng tất cả các kho báu tri thức mà nhân loại đã tạo ra.

Những địa bàn khó khăn, vùng sâu, vùng xa, dân tộc thiểu số...thì có vận dụng cho phù hợp. Nhưng rõ ràng, đảng viên phải có trình độ, có trí tuệ, học vấn cao.

Thứ tư, đảng viên phải là người có uy tín trong quần chúng. Họ phải là những người được quần chúng tín nhiệm.

Nếu một người vào Đảng nhưng người đó không có chút uy tín nào với Nhân dân, quần chúng xung quanh, thậm chí làm những điều sai trái, không thể chấp nhận được thì dứt khoát là không kết nạp.

Người vào Đảng phải là người được quần chúng tin cậy, phải nêu gương cho mọi người.

“Chắc chắn, các cơ quan chuyên môn phụ trách sẽ triển khai bài bản, đẩy đủ, chi tiết, cụ thể hơn các tiêu chuẩn để kết nạp được đảng viên mới đáp ứng yêu cầu.

Nhưng đó là các khía cạnh cần phải đề cao khi xem xét kết nạp đảng viên mới sắp tới để đảm bảo chất lượng”, Phó Giáo sư Nguyễn Trọng Phúc nhận định.

Đỗ Thơm