Phạt xe không chính chủ: Nhiều người nộp thuế mua xe của chính mình?

15/04/2013 10:20
Ngọc Quang
(GDVN) - "Theo Thông tư 12 thì khi chuyển đổi tên họ vẫn phải nộp các loại thuế chuyển dịch, nhưng thực chất là mua xe của chính mình. Vậy những thiệt hại này của người dân do lỗi của cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật vi hiến, nên chăng bây giờ phải bồi thường cho dân”.

Thông tư 11 của Bộ Công an về “xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ" chính thức có hiệu lực từ hôm nay (15/4), trong đó áp dụng cả việc xử phạt xe không sang tên chính chủ, một vấn đề gây ra nhiều tranh cãi trong thời gian qua.

Nên dừng việc phạt xe không chính chủ?

Luật sư Nguyễn Đăng Quang – Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang, đoàn Luật sư TP Hà Nội nhận định, Thông tư 12 quy định từ ngày 15/4/2013 đến 31/12/2014 những xe mua bán qua nhiều đời chủ nhưng không có chứng từ chuyển nhượng được cấp phép theo thủ tục đơn giản, theo hướng tháo gỡ cho việc mua bán viết tay mà chưa sang tên đổi chủ. Tuy nhiên, Thông tư 11 lại tạo rào cản khi quy định xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện. Cụ thể là từ ngày 15/4 thông qua công tác đăng ký cấp biển số hoặc điều tra giải quyết tai nạn giao thông, nếu CSGT phát hiện người mua hoặc người bán chưa làm thủ tục sang tên thì sẽ xử phạt theo Nghị định 71, mức phạt lên tới 800 nghìn đến 1,2 triệu với xe máy; còn ô tô phạt từ 6 – 10 triệu.

“Với quy định trên thì sau 15/4 xe mua bán đã lâu hoặc qua nhiều đời chủ đã quá 30 ngày thì khi đi làm thủ tục sang tên vẫn bị phạt. Theo tôi, nên dừng việc phạt xe không chính chủ để người dân có thời gian thực hiện việc sang tên đổi chủ theo đúng Thông tư 12”, Luật sư Quang bày tỏ.

Xử phạt xe không chính chủ còn nhiều quan điểm chưa đồng thuận. Ảnh minh họa, nguồn internet.
Xử phạt xe không chính chủ còn nhiều quan điểm chưa đồng thuận. Ảnh minh họa, nguồn internet.

"Nộp thuế chuyển dịch thực chất là mua xe của chính mình"?

Ngoài ra, Luật sư Nguyễn Đăng Quang cũng lật lại câu chuyện hạn chế đăng ký xe máy ở một số thành phố thời gian trước đây khiến nhiều người dân chẳng có cách nào khác là phải bà con, bạn bè ở vùng không bị cấm đăng ký, đứng tên giúp. Khi ấy, họ đã phải nộp các loại thuế theo luật định, chỉ có cái tên đăng ký của người khác.

Ông Quang phân tích: “Như vậy, theo Thông tư 12 thì khi chuyển đổi tên họ vẫn phải nộp các loại thuế chuyển dịch, nhưng thực chất là mua xe của chính mình. Bi hài là ở chỗ họ phải nộp hai lần thuế cho chiếc xe mình bỏ tiền ra mua. Vậy những thiệt hại này của người dân do lỗi của cơ quan nhà nước ban hành văn bản quy phạm pháp luật vi hiến, nên chăng bây giờ phải bồi thường cho dân”.

Trước đó, trong quá trình lấy ý kiến các cơ quan liên quan về việc xử phạt xe không chính chủ cũng có nhiều quan điểm khác nhau giữa các cơ quan chuyên môn của Bộ GTVT và Bộ Công an. Vì vậy, trong dự thảo đăng tải trên website của Bộ GTVT đã để cả 2 quan điểm nhằm trưng cầu ý kiến nhân dân.

Quan điểm thứ nhất: Đề nghị tiếp tục quy định xử phạt đối với hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định 71 sửa đổi để buộc chủ phương tiện phải tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật về đăng ký phương tiện, nhưng mô tả lại hành vi vi phạm và điều chỉnh lại mức phạt phù hợp với quy định của Luật Giao thông đường bộ và các văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật có liên quan.

Quan điểm thứ hai: Chưa quy định xử phạt đối với các hành vi vi phạm nói trên trong Nghị định 71 sửa đổi, vì mức xử phạt quá cao, qua thực tiễn triển khai thực hiện Nghị định này cho thấy tính khả thi chưa cao, chưa nhận được sự đồng thuận của đại đa số quần chúng nhân dân. Ngoài ra, các quy định hiện hành liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu phương tiện (đăng ký lại phương tiện sau khi được mua, cho, tặng, thừa kế) còn chưa thật sự thuận lợi dẫn đến còn tồn đọng một số lượng lớn xe chưa chuyển quyền sở hữu.

Tại thời điểm đưa ra những quan điểm trái chiều của Bộ GTVT và Bộ Công an thì có tới gần 90% ý kiến thông qua website của Bộ Giao thông ủng hộ chủ trương chưa xử phạt xe không chính chủ, và chỉ có 5% ủng hộ quan điểm xử phạt của Bộ Công an.

Ngọc Quang