Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan: "Ăn của dân không từ một cái gì"

11/09/2013 15:13
Theo Tuổi Trẻ
(GDVN) - Phó chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn dẫn câu chuyện nhân bản kết quả xét nghiệm ở bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) ví đó như tội ác và bình luận rằng: “Làm việc như vậy thì phải mang ra bắn chứ đừng có đùa".

Sáng nay (11-9), Ủy ban thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012. Những vấn đề bất cập nhất được đề cập là chất lượng khám chữa bệnh với người có thẻ bảo hiểm y tế, việc cấp trùng hàng trăm ngàn thẻ bảo hiểm y tế…

Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau - Ảnh tư liệu
Phiếu xét nghiệm huyết học tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức (Hà Nội) của hai người khác nhau nhưng các kết quả xét nghiệm lại hoàn toàn giống nhau - Ảnh tư liệu

Người có thẻ bị chích đau hơn người có tiền

Ông Huỳnh Ngọc Sơn đề nghị báo cáo trình Quốc hội phải nêu rõ việc thực hiện khám chữa bệnh thế nào, y đức trong việc khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế ra sao? “Tôi đi tiếp xúc cử tri, các bác về hưu nói đi khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế mà không có tiền là mệt, cô y tá chích vào người cũng đau hơn…” - ông Sơn nói.

“Hiện nay số kết dư quỹ bảo hiểm y tế 13.000 tỷ. Số này chưa chắc đã tốt, bởi nó liên quan đến việc chi trả cho người bệnh. Người có thẻ bảo hiểm kêu là được cấp toàn thuốc vớ vẩn, đi bệnh viện rất cực. Đa phần người có bảo hiểm y tế đến bệnh viện là than vãn” - phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan lên tiếng.

Tuy nhiên, bà Doan cũng chia sẻ rằng “bức xúc ngành y tích tụ từ trước đến nay, chứ không phải chỉ ở nhiệm kỳ này, cho nên nhiều lúc bộ trưởng cũng bị oan”.

Nhân phát biểu về bảo hiểm y tế, phó chủ tịch nước nói về hàng loạt tiêu cực xảy ra trong xã hội khiến bà rất đau lòng: “Sáng nay tôi xem truyền hình biết tin một số cán bộ Mặt trận tổ quốc Việt Nam tại một số xã ở Hà Tĩnh biển thủ tiền của người nghèo, đau lòng quá. Tôi nghĩ bảo hiểm y tế có những mảng tối cần phải chỉ ra. Ví như chuyện những người có thẻ bảo hiểm y tế không được đối xử công bằng như những người có tiền. Địa phương muốn giữ người có bảo hiểm không muốn chuyển lên tuyến trên dẫn đến bệnh thêm trầm trọng. Rồi chuyện chi trả chậm, bớt xén. Vậy khắc phục tình trạng này thế nào?”.

Bà Doan tiếp lời: “Đến tiền của các cháu dân tộc thiểu số mà hiệu trưởng cùng với một số cán bộ còn biển thủ đến gần 3 tỷ, vừa rồi mới khởi tố. Cái liều vacxin tiêm cho một cháu, nhưng lại san ra tiêm cho hai cháu ngay tại Hà Nội… Tôi càng đi càng thấy buồn, ăn của dân không từ một cái gì”.

Một người có nhiều thẻ bảo hiểm y tế

Chủ tịch Hội đồng dân tộc Ksor Phước cho biết: “Có tỉnh nghèo như Gia Lai mà chi không hết tiền bảo hiểm y tế nên phải trả lại trung ương. Hỏi ra thì mới biết khi khám chữa bệnh bà con phải cùng chi trả một phần, tỷ lệ ít thôi nhưng đồng bào không có tiền để nộp, nên không thanh toán được bảo hiểm.Tôi hỏi chẳng lẽ không có thuốc thì cho bà con về à? Lãnh đạo tỉnh bảo cuối cùng phải chi tiền ngân sách tỉnh ra để bù vào”.

“Trong khi đó, có anh cán bộ người dân tộc khoe với tôi là bản thân em có ba cái thẻ bảo hiểm. Quản lý như thế nào mà để xảy ra tình trạng như vậy?” - ông Ksor Phước hỏi.

Ông Phước cũng đặt vấn đề về tình trạng bệnh viện quá tải, tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến. “Hiện nay quá tải là quá tải ở những bệnh viện chuyên khoa, phải xử lý kỹ thuật cao. Điều này liên quan đến quy hoạch bệnh viện các tuyến rất hạn chế. Cả khu vực miền Trung, Tây Nguyên bây giờ mới làm cái bệnh viện ung bướu ở Đà Nẵng” - ông nói.

Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cảm ơn các ý kiến góp ý và cho rằng đó là những ý kiến thẳng thắn về những bất cập đang tồn tại trong lĩnh vực này. “Hạn chế thì chắc chắn hạn chế rất nhiều. Và vài thập kỷ nữa vẫn còn hạn chế. Bởi vấn đề an sinh xã hội thì phải luôn cần được cải thiện” - bà nói.

Theo bà Tiến, ở các nước, người ta có bộ y tế và an sinh xã hội, tức là phải hai bộ của mình ghép vào nhau. Bảo hiểm y tế nó đặc thù, cần quản lý đặc thù, nhưng ở ta thì quản lý rất chồng chéo, phức tạp.

“Bộ Y tế quản lý nhà nước nhưng không được quản lý tiền. Chủ tịch quỹ là ở Bộ Tài chính, còn quỹ bảo hiểm y tế thuộc bảo hiểm xã hội quản. Như vậy là chúng tôi quản lý nhà nước về ngành, nhưng tiền cũng không có, quân cũng không có, quyền thì không đủ” - bà Tiến trình bày.

Bà Tiến nói: “An sinh xã hội của ta cũng tốt hơn nhiều nước. Vì vậy cũng không nên kết luận bức tranh xám quá”.

Theo Tuổi Trẻ