“Phở chửi” ở Hà Nội chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”

23/02/2013 07:37
Nguyễn Huệ
(GDVN) - “Nếu được gặp người đã mô tả phở Hà Nội: “món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ…”, tôi sẽ nói với họ rằng, dù là những thành phố sạch nhất cũng có bụi bẩn nhưng không vì một vài hạt bụi ấy mà đánh giá cả thành phố ấy bẩn được”,

Nhà văn Lê Lựu đã bắt đầu câu chuyện về văn hóa phở Hà Nội bằng những tiếng lòng của một người con sinh ra và lớn lên luôn thuộc về mảnh đất ấy...

Nhà văn Lê Lựu đã nhiều lần bài trừ "phở chửi"

Trước đó, trong bài viết mới đây, phóng viên Cat Barton của AFP ngoài việc hết lời khen ngợi sự tinh tế, thanh lịch của phở Hà Nội, cũng đã mô tả “món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ”…

Ngay lập tức, bài viết này đã nhận được sự quan tâm của dư luận trong nước nhất là ở Hà Nội và với những ai yêu quý món ăn này.

Suốt nhiều năm nay, nhà văn Lê Lựu vẫn giữ cho mình thói quen ăn phở về đêm, nhất là những bát phở “bốc mả” (là những bát phở cuối cùng trong ngày, nước phở đậm, đặc ngầu những... cấn nồi),  nhưng phở chưa bao giờ đi vào những sáng tác văn học của nhà văn mang đậm hồn quê và chất lính này.

Ấy thế mà khi đề cập tới những câu viết của một nhà báo nước ngoài về phở Hà Nội được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ, nhà văn đã rất buồn, giọng nói lạc đi kèm theo cả sự tức giận. Với ông, phở là một trong những món ngon Hà Nội, góp phần làm nên diện mạo ẩm thực Hà Nội, làm nên hương vị cuộc sống truyền đời.

Suốt nhiều năm nay, nhà văn Lê Lựu vẫn giữ cho mình thói quen ăn phở về đêm (Ảnh do nhân vật cung cấp).
Suốt nhiều năm nay, nhà văn Lê Lựu vẫn giữ cho mình thói quen ăn phở về đêm  (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Nhà văn Lê Lựu nói: "“Phở chửi”, Hà Nội có; phở bày bán ở những nơi không sạch sẽ, Hà Nội cũng có. Bản thân tôi cũng đã từng gặp hiện tượng ấy và đã từng “bài trừ” nó. Nhưng tất cả những thứ ấy ít thôi, chỉ là “con sâu làm rầu nồi canh”. Không đáng để ai đó nhận xét cả về một món ăn đã trở thành đặc sản không chỉ Hà Nội mà cả Việt Nam.

Thương hiệu phở của Việt Nam đã sang cả tới những đất nước xa xôi như Mỹ, Pháp, Phần Lan… Ai ăn rồi cũng gật gù khen ngon. Để rồi đi đâu họ cũng nhớ về và có thể kể vanh vách tên của từng món phở với những cửa hàng nổi tiếng”, kí ức về một món ăn luôn gắn bó với mình như những dòng chảy đang hiển hiện trước mắt nhà văn.

Ngày trước phở Hà Nội “sạch”. “Sạch” cả trong cách chế biến và phong cách của người phục vụ. Nhưng sự phát triển của kinh tế thị trường, sự pha trộn của nhiều luồng văn hóa, cũng khiến phở Hà Nội không còn “sạch” như trước nữa. Đó cũng là quy luật tất yếu của sự phát triển”

Để chứng minh cho cái “sạch”, cái ngon của phở, nhà văn Lê Lựu nhắc tới những áng văn bất hủ miêu tả về món ăn này trong tác phẩm “Phở” của nhà văn Nguyễn Tuân: “Trong muôn vàn thực tế phong phú của nhân dân Việt Nam, có một cái thực tế mà ít ai nỡ tách rời nó, tức là cái thực tế phở. Cái thực tế phở ấy, lồng vào trong những cái thực tế vĩ đại của dân tộc...”.

Hay những câu văn đi từ những lần Vũ Bằng quan sát từ xa các “Miếng ngon Hà Nội” mà phở luôn đứng đầu bảng của những miếng ngon ấy: “Ngay từ đằng xa, mùi phở cũng đã có một sức huyền bí, quyến rũ ta như mây khói chùa Hương, đẩy bước chân ta, thúc bách ta...”.

Phóng viên AFP cũng đã có cái nhìn rất thâm thúy về phở Hà Nội

Ông Lê Lựu cho rằng, phóng viên Cat Barton của AFP cũng đã có cái nhìn rất thâm thúy về phở Hà Nội với những lời khen ngợi sự tinh tế, thanh lịch của món ăn này. Còn việc chê phở Hà Nội, có lẽ phóng viên Cat Barton đi một vài lần, qua một vài nơi ở Hà Nội và bắt gặp hiện tượng ấy. Đấy chỉ là cái nhìn trong chốc lát của một con mắt qua đường. Còn chúng ta là người trong cuộc, những người sống cả đời với phở, với những nét mang đậm “hồn Việt”, nên chúng ta hiểu hơn về món ăn ấy.

Và nói như nhà văn, những lời lẽ thô lỗ ấy là kiểu “cơm hàng cháo chợ”. Mà giờ không chỉ có ở những nơi hàng quán, chợ búa mới xảy ra hiện tượng đó. Đi ngoài đường nhiều nam thanh, nữ tú họ cũng dành cho nhau không ít lời tục tĩu. Nhà văn Lê Lựu rất buồn với “văn minh” của lớp người ấy. Nhưng đó chỉ là một bộ phận người Việt. Và những sự pha trộn ấy, nước nào cũng có chứ không chỉ Hà Nội hay Việt Nam.

Hoài niệm về thói quen ăn đêm của mình, đôi mắt nhà văn Lê Lựu như đang vẽ ra khung cảnh của những con hẻm nơi chợ Đồng Xuân, nơi nhà văn vẫn thường mang cạp lồng ra vào lúc 11h đêm mua về bát phở “bốc mả”, để làm “yên lòng” cái dạ dày trong những giờ thức đêm, tìm cảm hứng văn chương cùng ông.

Phở đã trở thành món ăn đặc sản không chỉ Hà Nội mà cả Việt Nam (Ảnh minh họa).
Phở đã trở thành món ăn đặc sản không chỉ Hà Nội mà cả Việt Nam (Ảnh minh họa).

Ngày ấy, những ồn ào của các con phố vào ban ngày, nhiều lúc khiến nhà văn phân tán nên ông thường chọn cho mình cách làm việc về đêm. Và đêm nào cũng thế, cứ độ 11h là… đói và ông lại tìm tới món ăn quen thuộc về đêm của mình. “Bụng ấm rồi thì viết bao nhiêu cũng được”, nhà văn cười, nụ cười của một người luôn dành cho cuộc sống những cái nhìn rất ưu ái.

Bạn bè của ông nhiều lắm, trải dài từ Bắc vào Nam thậm chí cả ở nước ngoài. Khoái khẩu với món ăn này là vậy, nhưng nhà văn rất ít khi mang đề tài phở ra để bàn luận, giới thiệu cùng bạn bè. Vì: “Những gì đã tồn tại trong mình thì nghiễm nhiên sẽ mãi tồn tại chứ không phải cứ mang ra bàn luận mới là thể hiện ta đang nghĩ, đang nhớ, đang khao khát nó”, nhà văn tâm sự.

Và: “Nếu được gặp người đã mô tả phở Hà Nội: “món ăn này được bán ở những cửa hàng không sạch sẽ, với những người bán hàng thô lỗ…”, tôi sẽ nói với họ rằng, dù là những thành phố sạch nhất cũng có bụi bẩn nhưng không vì một vài hạt bụi ấy mà đánh giá cả thành phố ấy bẩn được”, vẫn giữ cho mình nụ cười lạc quan, nhà văn Lê Lựu chia sẻ thêm.

Nguyễn Huệ