Quan chức Quốc hội lý giải tại sao có “hiện tượng Nguyễn Bá Thanh”

09/07/2012 06:03
Tuệ Minh
(GDVN) - "“Việc “truyền lửa” sự quyết liệt ấy vào các phiên chất vấn của Quốc hội là rất cần. Tuy nhiên, ở mức độ quốc gia thì điều đó rất khó. Chúng ta có văn hóa nghị trường".
Việc "truy tận gốc, bắt tận ngọn" giữa các đại biểu HĐND và Chủ tịch HĐND TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh với Giám đốc Sở Xây dựng Phạm Việt Hùng trong phiên chất vấn ngày 4/7 vừa qua của kỳ họp thứ 4 HĐND TP. Đà Nẵng khoá VIII đã thu hút được sự quan tâm và ủng hộ của nhiều người. Tiếp tục đi tìm lời giải đáp về “hiện tượng” này và trước một số ý kiến cho rằng sự quyết liệt đó cần phải được “truyền” vào các kỳ chất vấn ở Quốc hội, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên – Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Tôi có theo dõi thông tin về sự truy vấn đến cùng của Bí thư TP. Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh đối với GĐ Sở Xây dựng Đà Nẵng trong kỳ họp HĐND vừa qua. Sự quyết liệt của đồng chí Nguyễn Bá Thanh là rất tốt.

Trong phạm vi một thành phố, việc thể hiện sự quyết liệt ấy rất thuận lợi vì đồng chí Thanh đã làm Bí thư Thành ủy Đà Nẵng nhiều năm mà TP. Đà Nẵng nhỏ nên đồng chí ấy đã theo dõi rất sâu sát, nắm rất vững và chắc vấn đề. Và một người lãnh đạo cuộc họp cần phải truy vấn đến tận cùng của một vấn đề”.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Văn Tiên nói: “Đồng chí Thanh là một người lãnh đạo xuất sắc ở địa phương. Đó là một người có kinh nghiệm lãnh đạo, có thời gian dài làm lãnh đạo mà lại là lãnh đạo cao nhất, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội nên ông ấy nắm rất vững, toàn diện các vấn đề của địa phương. Thêm nữa, do lãnh đạo ở Đà Nẵng đã lâu nên đồng chí ấy nắm tình hình cán bộ rất vững. Đó là một sự thuận lợi cộng thêm phong cách lãnh đạo khiến đồng chí ấy tạo được dấu ấn cá nhân riêng như vậy”.

Sự quyết liệt cùng việc truy đến tận cùng của vấn đề đã khiến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trở thành "hiện tượng" (Ảnh: Nguyễn Đông)
Sự quyết liệt cùng việc truy đến tận cùng của vấn đề đã khiến Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh trở thành "hiện tượng" (Ảnh: Nguyễn Đông)

Nói về những kỳ họp HĐND các tỉnh, thành phố khác, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Nếu trong cả nước, HĐND nào cũng làm được như HĐND ở TP. Đà Nẵng vừa qua thì quá tốt. Tuy nhiên, rất hiếm địa phương nào có được sự thuận lợi về công tác cán bộ như ở Đà Nẵng. Ở nhiều tỉnh khác, có Bí thư không làm Chủ tịch HĐND hoặc chỉ làm một nhiệm kỳ rồi thuyên chuyển công tác và lãnh đạo mới lên thay khiến cho khả năng nắm tình hình ở địa phương của lãnh đạo không thật tốt. Tôi nghĩ tỉnh nào được thuận lợi như Đà Nẵng thì cũng sẽ làm được điều tương tự như vừa qua”. 

Ông Nguyễn Văn Tiên nói tiếp: “Việc “truyền lửa” sự quyết liệt ấy vào các phiên chất vấn của Quốc hội là rất cần. Tuy nhiên, ở mức độ quốc gia thì điều đó rất khó. Chúng ta có văn hóa nghị trường. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày còn làm Chủ tịch Quốc hội đã nói rằng chất vấn nhẹ nhàng nhưng kiên quyết thì như "lạt mềm buộc chặt", chứ “đao to búa lớn” thì chưa chắc đã giải quyết được vấn đề.
Ở nghị trường, sự quyết liệt trong các chất vấn của các đại biểu quốc hội được thể hiện qua việc một số vị đại biểu hỏi lại những vấn đề còn chưa rõ sau câu trả lời của Bộ trưởng ngành liên quan. Sau mỗi lần trả lời chất vấn, Quốc hội sẽ rất khéo, không trực tiếp phê bình ai cả mà chỉ nhắc chung. Còn việc đánh giá chất lượng trả lời chất vấn thuộc về các cử tri: Bộ trưởng nào trả lời chưa tốt, chưa đúng vấn đề…”. 

Giải thích về việc cùng là hiện tượng được báo chí phản ánh nhưng sự tích cực của “hiện tượng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng” lại không tồn tại được lâu trong lòng người dân như “hiện tượng Bí thư Nguyễn Bá Thanh”, ông Nguyễn Văn Tiên cho biết: “Cả hai đồng chí ấy đều là những vị lãnh đạo quyết liệt. Tuy nhiên, Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra nhiều vấn đề đụng chạm đến quyền lợi của nhân dân, còn ông Nguyễn Bá Thanh đưa ra các vấn đề đụng chạm đến các vị lãnh đạo là chính: chấn chỉnh tác phong làm việc của lãnh đạo…

Chính vì đụng chạm đến quyền lợi của nhiều người dân nên khi những ý tưởng của Bộ trưởng Đinh La Thăng đưa ra, dư luận ào ào “đánh sập” ý tưởng ấy. Và cũng vì sự bộc trực của Bộ trưởng Thăng nên “hiện tượng Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng” đã không tồn tại được lâu trong lòng người dân”.
Tuệ Minh