Quảng cáo bị gắn nội dung độc hại vô cùng nguy hiểm cho trẻ nhỏ

16/12/2017 15:09
Diệu Linh
(GDVN) - Cơ quan quản lý phải vào cuộc xử lý triệt để, đồng thời doanh nghiệp hoàn toàn có thể tẩy chay quảng cáo trên các kênh yếu kém kiểm soát, gây hại cho trẻ nhỏ.

Từ đầu năm 2017 đến nay, Bộ Thông tin và Truyền thông, trực tiếp là Cục Phát Thanh, Truyền Hình và Thông tin điện tử đã triển khai hàng loạt biện pháp để chấn chỉnh tình trạng quảng cáo gắn vào các video clip xấu, độc trên Youtube.

Sau gần 1 năm, Google đã gỡ bỏ khoảng hơn 5.000 video clip có nội dung xấu, độc, vi phạm pháp luật trên nền tảng Youtube và chiếm tỷ lệ 90% so với những yêu cầu từ phía Bộ Thông tin và Truyền thông.

Từ tháng 3/2017, các doanh nghiệp và nhiều đại lý quảng cáo cũng tạm dừng đăng quảng cáo trên Youtube, để yêu cầu Google giải quyết triệt để, không tái diễn tình trạng quảng cáo của họ bị gắn vào những video clip xấu, độc.

Tuy nhiên, gần đây, tình trạng trên lại tái diễn. Một số doanh nghiệp đã quảng cáo trở lại và quảng cáo đó gắn với những viedeo clip xấu, độc trên Facebook, Google.

Nguyên nhân là do các doanh nghiệp có nhu cầu thật sự để được quảng cáo trên trên mạng xã hội mà trực tiếp là Google, Youtube, Facebook.

Đánh giá ở góc độ xã hội, những clip có chứa nội dung “ấu dâm” có ảnh hưởng như thế nào tới trẻ nhỏ và các cơ quan chức năng cần phải làm gì để giải quyết vấn đề này trên Youtube?

Theo số liệu của Bộ Lao động Thương binh Xã hội tại Việt Nam, cứ 400 trẻ em thì có 78% trẻ có sử dụng Internet. Việc để các nội dung xấu phát tán tới đối tượng người xem là trẻ nhỏ có ảnh hưởng rất lớn tới thế hệ tương lai khi mà các em còn non nớt về nhận thức, chưa phân biệt được cái xấu, cái tốt.

Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Ngọc Bảo – Đại biểu Quốc hội khóa 13 nhận định, môi trường mạng là nơi cung cấp nhiều kiến thức nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nhất là đối với trẻ nhỏ khi chúng còn chưa phân biệt được cái gì tốt, cái gì xấu.

“Trẻ nhỏ chỉ đơn giản là vào xem các clip vì nhu cầu giải trí, nhưng chúng không hề biết đâu đó lại có nội dung xấu gắn vào đó, rồi có cảnh những bình luận xấu, có tính ấu dâm thì vô cùng nguy hại.

Để giải quyết vấn đề này thì cơ quan quản lý phải vào cuộc xử lý triệt để, đồng thời doanh nghiệp hoàn toàn có thể tẩy chay quảng cáo trên các kênh yếu kém kiểm soát, gây hại cho trẻ nhỏ và gián tiếp ảnh hưởng tới thương hiệu”.

Ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh với những trường hợp đưa quảng cáo có gắn nội dung xấu. ảnh: NQ.
Ông Nguyễn Ngọc Bảo đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm minh với những trường hợp đưa quảng cáo có gắn nội dung xấu. ảnh: NQ.

Trong thời gian vừa qua, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có nhiều bài viết phản ánh tình trạng quảng cáo của các doanh nghiệp khi phát trên Youtube và một số mạng xã hội đã bị gắn vào những nội dung xấu, bình luận có tính “ấu dâm” vô cùng nguy hại cho trẻ nhỏ.

Trước thực trạng này, ông Nguyễn Ngọc Bảo đưa ra lời khuyên, các bậc cha mẹ cần phải bảo vệ con mình, phải kiểm soát được nội dung mà bé xem.

“Các cơ quan chức năng cần phải thật nghiêm khắc với những trường hợp quảng cáo có gắn nội dung xấu, hoặc ngay cả khi không kiểm soát được các bình luận cũng phải có biện pháp ngăn chặn. Nếu luật chưa bao quát hết thì phải đề nghị sửa luật để kiểm soát tốt vấn đề này. Những doanh nghiệp nào tái phạm cần phải rút giấy phép kinh doanh”, ông Bảo nêu quan điểm.

Quảng cáo bẩn cũng gây hại cho thương hiệu của doanh nghiệp

Trước đó, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư-Tiến sĩ Bùi Thị An (Đại biểu Quốc hội khóa 13) nhận định: “Ở Việt Nam hay bất kỳ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, trẻ em luôn phải được bảo vệ tốt nhất, không chỉ là vấn đề thân thể, mà phải bảo vệ các em trước sự tác động của các thông tin độc hại, nhất là khi mà trẻ có thể tiếp cận các thông tin trên internet từ khi còn rất nhỏ.

Quảng cáo bị gắn nội dung độc hại vô cùng nguy hiểm cho trẻ nhỏ ảnh 2

Nhiều doanh nghiệp lớn dừng quảng cáo trên YouTube vì sợ thương hiệu bị hủy hoại

Khi đã xảy ra chuyện quảng cáo dung tục, có tính ấu dâm như báo chí đã nêu thì các cơ quan chức năng cần đưa ra các tiêu chí cụ thể và xử phạt thật nghiêm khắc với quảng cáo phản cảm, gây hại cho trẻ nhỏ”.

Phó Giáo sư Bùi Thị An nêu quan điểm: “Đây không phải là việc nhỏ, vì nó hoàn toàn có thể gây tác động xấu đến hàng triệu trẻ em của Việt Nam.

Do đó, các cơ quan chức năng dứt khoát phải xử lý kiên quyết sự việc này. Dù là bất kỳ ai, bất kỳ doanh  nghiệp nào, khi hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam thì phải tuân theo luật pháp của Việt Nam.

Khi anh kinh doanh, quảng cáo mà lại gây ra những sự việc như vậy thì chính anh phải chịu trách nhiệm. Theo tôi, phải xử phạt thật nghiêm khắc và đồng thời nếu cần thiết phải thu hồi giấy phép kinh doanh của những đơn vị để xảy ra sự việc này, chỉ có như vậy thì mới chấm dứt được sự nguy hại cho trẻ nhỏ”.

Nhiều quảng cáo phát trên youtube và các mạng xã hội có gắn nội dung xấu, gây hại cho trẻ nhỏ.
Nhiều quảng cáo phát trên youtube và các mạng xã hội có gắn nội dung xấu, gây hại cho trẻ nhỏ.

Liên quan tới sự việc nhiều quảng cáo bị gắn các nội dung phản cảm, dung tục, thậm chí có tính “ấu dâm” trên Youtube, trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư-Tiến sĩ Vũ Thái Hà - Chủ tịch Công ty Luật YouMe cho biết, mục đích của quảng cáo là để thu hút sự chú ý của khách hàng, thuyết phục hoặc củng cố niềm tin của người tiêu dùng về những lợi ích, sự hấp dẫn của sản phẩm.

“Các mục tiêu chính nêu trên của doanh nghiệp không những không đạt được khi các quảng cáo sản phẩm xuất hiện trên, bên cạnh những nội dung dung tục, mà ngược lại, nó còn tạo ra những ảnh hưởng tiêu cực từ phía người tiêu dùng khi xem những quảng cáo này.

Trong trường hợp tiêu cực nhất, người tiêu dùng có thể sẽ tẩy chay những sản phẩm được quảng cáo xuất hiện trên hoặc bên cạnh các clip có nội dung xấu”.

Theo Luật sư Vũ Thái Hà, đã có rất nhiều thương hiệu lớn trên thế giới khi quảng cáo trên YouTube và Google bị dính bê bối quảng cảo độc hại trong thời gian qua.

Cũng chính điều này đã làm dấy lên làn sóng tẩy chay YouTube và Google lan rộng tại nhiều quốc gia. Rất nhiều cơ quan chính phủ, nhiều doanh nghiệp lớn đã ngừng quảng cáo trên YouTube và trên nhiều nền tảng khác của Google.

“Để bảo vệ thương hiệu của mình, tránh không xuất hiện trong những nội dung độc hại, các nhanh nhất mà các doanh nghiệp nên áp dụng là ngừng quảng cáo trên các kênh có nội dung không lành mạnh này.

Việc tẩy chay, hay ngừng quảng cáo sẽ gây áp lực lên chính các nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo, buộc họ phải có biện pháp “làm sạch” kênh quảng cáo của mình.

Việc các doanh nghiệp có thể khởi kiện, yêu cầu bồi thường thiệt hại đối với nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo hay không phụ thuộc vào thỏa thuận quảng cáo giữa hai bên”, Luật sư Hà cho biết.

Ông Lê Quang Tự Do – Phó Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử: “Chúng tôi đang tham mưu, sửa đổi những quy định về nội dung quảng cáo trên môi trường mạng nói chung và mạng xã hội nói riêng, vì hiện nay quy định về quảng cáo trên mạng xã hội đặc biệt là mạng xã hội của nước ngoài cung cấp xuyên biên giới vào Việt Nam vẫn còn kẽ hở để những kẻ xấu, doanh nghiệp nước ngoài lợi dụng để vi phạm.

Chủ trương chung của Chính phủ đã được Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an khẳng định trên diễn đàn Quốc hội kỳ họp vừa qua: Việt Nam không có chủ trương ngăn chặn mạng xã hội.

Chúng ta chỉ đấu tranh ngăn chặn những hành vi lợi dụng dụng mạng xã hội để vi phạm pháp luật. Điều này hoàn toàn phù hợp với các quy định của pháp luật trong nước và thông lệ quốc tế”.

Diệu Linh