Quốc hội nghỉ họp sớm: Đại biểu đồng tình hay thiếu nhiệt huyết?

10/06/2015 07:41
Ngọc Quang
(GDVN) - Quốc hội nghỉ họp sớm tới hơn 2 tiếng đồng hồ có phải là một sự lãng phí? Đại biểu Quốc hội không có ý kiến vì tất cả đều đồng tình hay thiếu nhiệt huyết?

Sáng ngày 9/6, Quốc hội thảo luận về dự kiến chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016. Tuy nhiên, sau phần trình bày của ông Nguyễn Hạnh Phúc – Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thì không có Đại biểu nào bấm nút phát biểu ý kiến.

Sau một lúc chờ đợi, Phó chủ tịch Quốc hội – ông Huỳnh Ngọc Sơn đã tuyên bố kết thúc buổi họp Quốc hội sớm hơn 2 tiếng so với dự kiến.

Đây là một sự việc hy hữu xảy ra tại kỳ họp thứ 9 Quốc hội thứ 13.

Vấn đề đặt ra là vì sao Đại biểu Quốc hội không có ý kiến gì? Tất cả đều đồng tình hay thiếu nhiệt huyết?

Và liệu đó có phải là một sự lãng phí? Lãng phí cả về vật chất và cả về thời gian của hàng trăm Đại biểu Quốc hội?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội sáng 9/6. ảnh: TTXVN.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc trình bày dự kiến chương trình giám sát của Quốc hội sáng 9/6. ảnh: TTXVN.

Có ý kiến cho rằng, Quốc hội đã nghỉ quá sớm, mà đáng lẽ ra phải bổ sung ngay nội dung khác vào thảo luận, bởi trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giáo dục, y tế hay thương mại… đều có những vấn đề gây bức xúc trong dư luận.

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, đây là chương trình đã định sẵn nên rất khó thay đổi. Và điều dễ nhận thấy là các phiên họp của Quốc hội chỉ đến 5 giờ chiều hàng ngày là kết thúc, ngay cả khi còn nhiều đại biểu muốn phát biểu thì cũng "xin mời gửi lại ý kiến cho đoàn thư ký".

Trả lời báo chí bên lề kỳ họp chiều 9/6, ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, trước đó đã gửi gửi phiếu xin ý kiến và có 53 đoàn gửi đề nghị với 180 nội dung. Sau khi đối chiếu với những nội dung giám sát tại khóa XII và từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Thư ký kỳ họp khoanh lại 2 nội dung.

Thông thường một năm Quốc hội thực hiện giám sát tối cao 2 nội dung, nhưng năm 2016 có rất nhiều việc nên chỉ tiến hành giám sát một nội dung.

Tuy nhiên, để đảm bảo khách quan, 2 nội dung vẫn được trình ra để đại biểu thảo luận. Tuy nhiên, do đại biểu đồng thuận cao nên sau phiên làm việc hôm nay, sẽ tiến hành ngay công tác gửi phiếu xin ý kiến. Cuối cùng, nội dung nào có phiếu cao nhất sẽ được chọn thực hiện giám sát vào năm 2016.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc nói thêm: “Điểu Quốc hội dù phát biểu ở đâu cũng đều có giá trị như nhau. Các ý kiến trên hội trường, tại tổ, trong đoàn đều được bóc băng, tập trung để Đoàn Thư ký kỳ họp tổng hợp, chuyển cho cơ quan trình dự án, cơ quan thẩm tra tiếp thu”.

Ngọc Quang