Quy trình “méo”, nhìn từ vụ bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải

27/07/2017 07:46
Nguyễn Hoàng
(GDVN) - Vụ việc này đã được Văn phòng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2017.

Thời gian vừa qua, dư luận liên tục đón nhận nhiều thông tin chẳng hay ho gì về những vụ thăng tiến bất ngờ, từ chuyện lái xe bay lên ghế Phó Chánh văn phòng huyện, cho tới bổ nhiệm “thần tốc” Trần Vũ Quỳnh Anh làm Trưởng phòng của Sở Xây dựng (đều diễn ra tại tỉnh Thanh Hóa).

Rồi ông Vũ Minh Hoàng từng được trao quyết định làm Phó vụ trưởng Vụ kinh tế - Ban chỉ đạo Tây Nam Bộ ở tuổi 26, dù chưa có đóng góp gì đáng kể, vì thế cũng được dư luận đánh giá là thăng tiến “thần tốc”.

Ông Vũ Quang Hải (con trai ông Vũ Huy Hoàng) được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Sabeco sai quy định.

Tại Sở Lao động Thương binh và Xã hội tỉnh Hải Dương xảy ra chuyện có đến 44/46 người giữ các chức vụ khác nhau.

Còn tại Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thái Nguyên cũng xảy ra chuyện bổ nhiệm “thừa” đến 23 cán bộ.

Mới đây nhất lại có thông tin từ tờ Nông nghiệp Việt Nam khiến dư luận nổi sóng, đó là chuyện ông Nguyễn Xuân Sang – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam dù chưa có chứng chỉ chuyên viên chính (thi trượt).

Ông Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm theo Quyết định số 2468/QĐ- BGTVT ngày 9/7/2015 của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải lúc đó là ông Đinh La Thăng.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 1/8/2017. ảnh: vinamarine.gov.vn
Văn phòng Chính phủ yêu cầu Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang giữ chức Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam trước ngày 1/8/2017. ảnh: vinamarine.gov.vn

Điều đáng nói là chính Bộ Giao thông Vận tải đã tự tạo mâu thuẫn trong công tác quản lý khi ra Quyết định số 3688/QĐ-BGTVT ngày 15/11/2013 “Ban hành quy định tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải”.

Kèm theo quyết định này có quy định “Tiêu chuẩn chức danh lãnh đạo, quản lý các đơn vị trực thuộc Bộ Giao thông Vận tải”.

Tại mục 2 “Tiêu chuẩn đối với lãnh đạo đơn vị hành chính” áp dụng với Vụ trưởng và tương đương nói rõ về trình độ “Đạt tiêu chuẩn chuyên môn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên”.

Nhưng kỳ lạ là cũng trong ngày 15/11/2013, Bộ Giao thông Vận tải ra Quyết định 3689/QĐ-BGTVT “Ban hành quy định trình tự, thủ tục bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, biệt phái, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với chức danh lãnh đạo quản lý các đơn vị thuộc Bộ Giao thông Vận tải”, tạo ra mâu thuẫn với Quyết định số 3688.

Cụ thể là tại quy định trình tự thủ tục (điều 6) cho phép: “... Nếu nhân sự chưa đủ tiêu chuẩn về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, ngạch công chức, viên chức theo quy định thì cấp có thẩm quyền xem xét từng trường hợp và hoàn cảnh cụ thể để bổ nhiệm vào vị trí lãnh đạo, quản lý; sau khi được bổ nhiệm, nhân sự và đơn vị quản lý có trách nhiệm hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu”.

Và, quy định ấy chính là một lỗ hổng rất lớn trong công tác cán bộ, để rồi ông Nguyễn Xuân Sang được bổ nhiệm làm Cục trưởng Cục Hàng hải. Bi hài lại ở chỗ, ông Sang được “nợ” khi đã thi trượt chứ không phải “sắp thi”.

Đến năm 2016, ông Nguyễn Xuân Sang mới thi lại chuyên viên chính và theo Thông báo số 105 ngày 29/12/2016 của Bộ Nội vụ thì ông Sang được công nhận chuyên viên chính từ tháng 4/2017.

Chẳng lẽ ông Sang là trường hợp “đặc biệt”, là trường hợp duy nhất bắt buộc phải lựa chọn cho chức vụ Cục trưởng Hàng hải dù đã “thi trượt”?

Hiện nay, vụ việc này đã được Văn phòng Chính phủ giao cho Bộ Nội vụ kiểm tra, làm rõ và báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 1/8/2017.

Nhìn vào vụ việc bổ nhiệm ông Nguyễn Xuân Sang và trước đó là hàng loạt vụ bổ nhiệm “thần tốc”, rất nhiều người ví von đó là “quy trình méo”. Và từ đó lại phải đặt ra câu hỏi: Kiểm soát quyền lực thế nào để vấn đề bổ nhiệm cán bộ thực sự tường minh?

Quy trình “méo”, nhìn từ vụ bổ nhiệm Cục trưởng Hàng hải ảnh 2

Cán bộ làm sai, xử được mấy người?

Điều đó sẽ dẫn tới những hệ lụy không thể lường hết! Có lần ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã cảnh báo: “Nếu chúng ta không xử lý tốt vấn đề cán bộ, không nghiêm khắc với những sai phạm của cán bộ thì không những nền kinh tế thiệt hại mà nguy hiểm hơn là nó dẫn tới sự thoái đạo đức lối sống, sự phai nhạt lý tưởng cách mạng, ích kỷ, quan liêu, xa dân, vô cảm trước khó khăn, bức xúc của dân”.

Quy định của Đảng, Nhà nước, cho tới các văn bản Chính phủ ban hành luôn yêu cầu thực hiện chặt chẽ trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, nhưng trên thực tế các bước trong quy trình chuẩn đã bị những người có quyền “bóp méo”.

Sau nhiều vụ việc bổ nhiệm cán bộ có những dấu hiệu bất thường, vào tháng 4 vừa qua, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Tổ chức Trung ương nghiên cứu sửa đổi các quy định liên quan, nhằm khắc phục những lỗ hổng trong công tác bổ nhiệm cán bộ.

Theo quy định trước đây, việc bổ nhiệm nhân sự được tiến hành theo 3 bước: Họp ban thường vụ xin chủ trương và chốt danh sách; Lấy ý kiến trong hội nghị cán bộ chủ chốt; Tổ chức hội nghị Ban Chấp hành về công tác cán bộ.

Quy trình này đã bộc lộ nhiều hạn chế, có trường hợp còn mang tính hình thức, có thể bị chi phối. Do đó, cần phải cải tiến quy trình, thủ tục theo hướng mở rộng dân chủ hơn, giúp cấp có thẩm quyền có sự lựa chọn, quyết định chuẩn xác hơn trong bổ nhiệm cán bộ.

Việc quy định bổ nhiệm cán bộ theo quy trình mới có 5 bước gồm: Tổ chức Hội nghị ban thường vụ (lần 1); hội nghị ban chấp hành (lần 1); hội nghị ban thường vụ (lần 2); hội nghị cán bộ chủ chốt và hội nghị ban chấp hành (lần 2) về công tác cán bộ sẽ giúp ban chấp hành, ban thường vụ xem xét nguyện vọng, tín nhiệm một cách kỹ lưỡng, dân chủ để bỏ phiếu một cách chính xác hơn.

Đối với các ban, bộ, ngành, cơ quan, đơn vị ở trung ương, quy trình cũng gồm 5 bước. Trong đó tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo để xem xét, quyết định giới thiệu nhân sự được tổ chức tới 3 lần (ở các bước 1, 3, 5).

Bước 2 là tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng (với thành phần: tập thể lãnh đạo, đảng ủy, vụ trưởng, trưởng đơn vị trực thuộc và các tổ chức đoàn thể; đối với tổ chức bầu cử là hội nghị ban chấp hành); ở bước 4 là lấy ý kiến cán bộ chủ chốt và đảng ủy cơ quan, đơn vị.

Ông Thang Văn Phúc - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: "Việc sửa đổi, bổ sung quy định về bổ nhiệm cán bộ theo quy trình 5 bước nhằm mở rộng dân chủ, công khai, minh bạch và nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, của Ban Thường vụ trong việc bổ nhiệm cán bộ.

Việc bổ nhiệm cán bộ có trách nhiêm của cấp uỷ, của ban thường vụ. Nếu xảy ra sai xót, tiêu cực, không đúng người thì chứng tỏ cấp uỷ chưa chấp hành đúng nguyên tắc của Đảng, chứ không không thể đổ lỗi cho cá nhân, người này, hay người khác".

Quả thực quy định, quy trình đánh giá, bổ nhiệm cán bộ ngày càng chặt chẽ là vô cùng cần thiết, nhưng bên cạnh những quy định ấy luôn có một yếu tố khác hết sức quan trọng đó là lãnh đạo đứng đầu các cơ quan nhà nước phải thật sự công tâm, khách quan khi lựa chọn, đào tạo, đề bạt và kiểm tra cán bộ.

Nếu tâm của người lãnh đạo ấy không sáng, thậm chí bị che mờ bởi một lý do nào đó thì họ vẫn sẽ nghĩ ra cách này hay cách khác để "bóp méo quy trình".

Tài liệu tham khảo:

http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20170425/bit-lo-hong-cong-tac-nhan-su/1303674.html 

http://www.tienphong.vn/xa-hoi/bit-lo-hong-bo-nhiem-can-bo-bang-quy-trinh-5-buoc-1139754.tpo

http://www.baomoi.com/bo-nhiem-cuc-truong-hang-hai-viet-nam-co-gi-khuat-tat/c/22797152.epi 

Nguyễn Hoàng