Quyền lực công hay quyền ông?

12/01/2019 07:28
Trương Khắc Trà
(GDVN) - Đáng quan ngại thay cho những suy nghĩ xe công là “xe ông”, quyền lực công là “quyền lực ông”. Đó mới là thứ cần chống để tránh tha hóa quyền lực.

Không phải đến lúc một chiếc xe công đỗ xịch ngay dưới chân cầu thang máy bay để đón một nhân vật được hưởng…hơi của “VIP” thì dư luận bất ngờ hỏi lại: Sao có chuyện nhức mắt này?

Sao không thể đón đưa người thân Bộ trưởng bằng một chiếc xe bình thường?

Sao lại sử dụng thứ xa xỉ nhất là “ngoại lệ” của ngành hàng không để phục vụ cho một cá nhân chẳng có ảnh hưởng hay đóng góp gì đến vận mệnh đất nước…?

Quyền công hay công quyền là khái niệm dùng để chỉ một loại quyền lực nhà nước, thứ quyền ấy là của chung, nhưng oái ăm ở chỗ nó được trao vào tay một người. Biết sử dụng đó là sức mạnh vô biên, mất kiểm soát nó sẽ mang đến tai họa.

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Tôi xin gửi lời xin lỗi đến Nhân dân

Xe công là chỉ một loại phương tiện phục vụ cho quyền lực công, nó cũng là của chung và đương nhiên không dành riêng cho ai cả, nó là một loại đặc ân tạm thời.

Mang quyền lực công đi xài riêng là một dạng đánh cắp tài sản công. Bởi, quyền lực công ở đây không phải thuộc về “một” hoặc “một vài” mà đích thị nó phải thuộc về tất cả, ở đây là NHÂN DÂN.

Sự “lạm dụng vô tư” dường như có mặt khắp nơi trong một xã hội còn đặc quánh niềm tự hào với câu cửa miệng “một người làm quan cả họ được nhờ”.

Nhưng, nếu điều đó khiến một cá nhân tầm cỡ Bộ trưởng phải trả giá bằng uy tín và danh dự thì không còn là sự vô tư đơn thuần.

Mà đó là một biểu hiện nhức nhối của tư duy thiếu chuyên nghiệp của những người có chức trách.

Nó không những là hình ảnh tai hại dưới chân cầu thang máy bay ở Nội Bài, mà còn trước cổng chùa ngày nghỉ, bên ngoài trung tâm tiệc tùng cưới hỏi, sinh nhật, thậm chí quán nhậu.

Đáng quan ngại thay cho những suy nghĩ xe công là “xe ông”, quyền lực công là “quyền lực ông”. Đó mới là thứ cần chống để tránh tha hóa quyền lực chứ không phải là hàng tá quy định trên trời dưới đất về “đạo đức công vụ”.

Sau bê bối “đón đưa” ở Bộ Công thương, liệu những người có chức trách, có cái nhìn cận cảnh hơn về mất kiểm soát quyền lực công và đặt ra một dấu hỏi cho cái gọi là “kiểm soát quyền lực công như thế nào?”.

Vấn đề kiểm soát quyền lực đang được thực hiện như thế nào? (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).
Vấn đề kiểm soát quyền lực đang được thực hiện như thế nào? (Ảnh minh họa: tuyengiao.vn).

Điều gì khiến một tiêu chuẩn hàng không - vốn nghiêm ngặt có nguy cơ bị phá vỡ bởi một văn bản? Mà nội hàm của sự việc đã cho thấy không đúng với tính chất của một công văn nhân danh một tổ chức lớn!

Vì sao người ta tặc lưỡi chấp nhận dù biết rằng mình bị “qua mặt”? Phải chăng, bóng dáng của quyền lực công là quá lớn.

Hẳn “người trong cuộc” phải biết rằng, như thế là lạm dụng quyền lực, mà sao sự việc vẫn đươc tiến hành trơn tru.

Phải chăng, trong hệ sinh thái quan trường Việt Nam, người ta đã mặc nhiên chấp nhận “người nhà” của những người có quyền lực cũng trở nên có quyền lực tương tự?

Người Việt có câu “thần thiêng nhờ bộ hạ”. Sau lời xin lỗi “thông qua các cơ quan báo chí, truyền thông”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh hứa “rà soát kiểm tra lại toàn bộ vụ việc…”, nhưng e rằng một khi dư luận lắng xuống, sự vụ cũng chìm theo chăng?

Hóa ra, rò rỉ quyền lực không nằm ở đâu xa xôi khi nó hiển hiện ngay bên cạnh những người có quyền lực; không gian nơi quyền lực bị mất kiểm soát không phải là sự cám dỗ vật chất như thường quan niệm, mà nó diễn ra xung quanh sự thân hữu, ngay trong “bộ hạ” của “thần thiêng”.

Tôi muốn biết, xin lỗi xong thì Bộ trưởng sẽ làm gì?

Rõ ràng, đây không phải là một sai lầm do ngộ nhận, mà sự “bài bản” của nó đã cho thấy một thói quen như điều đương nhiên có khả năng lặp đi lặp lại!

Không một ai muốn mang đến tai vạ cho người thân của mình, với những gia đình danh giá điều đó lại càng nên kiêng cữ.

Sự vụ rùm beng này một lần nữa cho thấy sự kỷ cương lỏng lẻo ở chốn công quyền.

Lời xin lỗi, dù được phát ra từ đâu - nếu chân thành, đều mang ý nghĩa tích cực, là điều cần thiết ở những người buộc phải đảm bảo về đạo đức, tư cách, nó cần thiết phải trở thành một chuẩn văn hóa ứng xử.

Nhưng, một khi có quá nhiều sự việc phải xin lỗi lại là chuyện khác. Bởi, quyền lực công - là thứ vô hình và vô biên, nhưng đừng tưởng là bất tận, sẽ cạn kiệt dần nếu như bị “phung phí” vào những việc vô bổ.

Trương Khắc Trà