Sáng nay, nhà sư "nhất bộ nhất bái" đến suối Giải Oan - Yên Tử

19/11/2012 07:20
Thảo Lăng
(GDVN) - Chiều 18/11/2012, phóng viên báo điện tử giaoduc.net.vn đã liên hệ với một cán bộ thuộc Ban quản lý Di tích Yên Tử và được biết, dự kiến 5h sáng nay, 19/11, nhà sư sẽ đến địa phận bến xe Giải Oan (trung tâm di tích Yên Tử).

Theo thông tin mới nhất báo điện tử giaoduc.net.vn mới nhận được từ một cán bộ Ban quản lý di tích Yên Tử, 5 giờ sáng 19/11/2012, Đại đức Thích Tâm Mẫn đã về tới khu vực bến xe Giải Oan - Trung tâm di tích Yên Tử.

Theo lời cán bộ này, hiện tại sức khỏe nhà sư khá tốt. Và do chuyện “Nhất bộ nhất bái” là sự phát nguyện cá nhân của nhà sư, do đó, Ban trị sự chùa Yên Tử sẽ tổ chức đón tiếp nhà sư một cách đơn giản, đầm ấm.

Khi phóng viên nhắc tới “tin đồn” nhà sư có ý định viên tịch tại chùa Yên Tử, cán bộ Ban quản lý Di tích Yên Tử cho hay, chưa từng nghe nhà sư nói hoặc được thông báo về điều này.

Được biết, Đại Đức Thích Tâm Mẫn, tên tục là Lê Minh, sinh năm 1977, tại Quảng Nam. Xuất gia tu học tại chùa Hoằng Pháp, Hóc Môn (TP HCM) từ năm 2004. Thầy có ước mơ làm một sĩ quan quân đội, một giáo viên nhưng không thành công khi hai lần thi đại học vào hai ngành này đều trượt. Sau đó, thầy vào chùa Hoằng Pháp tập sự xuất gia năm 24 tuổi, xuống tóc năm 27 tuổi. Năm 32 tuổi, khi là một Đại Đức, thầy phát đại nguyện “Nhất bộ nhất bái”.

Sáng nay, Đại đức Thích Tâm Mẫn vào tới trung tâm Yên Tử.
Sáng nay, Đại đức Thích Tâm Mẫn vào tới trung tâm Yên Tử.

TOÀN BỘ HÀNH TRÌNH “NHẤT BỘ NHẤT BÁI" CỦA ĐẠI ĐỨC THÍCH TÂM MẪN QUA ẢNH

 Sau khi được cấp giấy phép thực hiện đại nguyện của mình trong 6 năm, sáng mùng 2 Tết Kỷ Sửu (ngày 27/1/2009) với bốn câu kệ "Sám hối tội lỗi - Cầu nguyện hòa bình - Chí đạt quả Phật - Hóa độ chúng sanh", Đại Đức Thích Tâm Mẫn bắt đầu hành trình xuyên Việt dọc theo quốc lộ 1A, dài khoảng 1.800 km từ TP HCM đến Yên Tử (Quảng Ninh), mỗi ngày dự kiến đi được khoảng 2 km, kéo dài khoảng 4 năm.

Nếu đến đích, thầy sẽ lạy được khoảng 3 triệu lạy và niệm được khoảng 6 triệu câu hồng danh A Di Đà Phật. Về lý do phát nguyện thực hiện chuyến hành hương này, thầy Thích Tâm Mẫn xin được giữ kín những ước nguyện cá nhân, chỉ cho biết thầy vừa hành hương vừa cầu nguyện cho quốc thái dân an. Hành lý mà thầy trò Đại Đức mang theo, ngoài 3 cây quạt lớn để phục vụ cho việc lễ lạy, vật dụng cần thiết nhất có lẽ là kinh sách và lều chõng bởi trong cuộc hành hương kéo dài hàng năm, việc phải dừng chân nghỉ ngơi bên đường là điều tất yếu.

Trước đó, trong cuộc trò chuyện sau một ngày hành lễ của mình, Đại đức Thích Tâm Mẫn khiêm tốn nói rằng: “Theo truyền thống Phật giáo Việt Nam, núi Yên Tử là cái nôi trong Phật giáo Việt Nam. Đó cũng là nơi Phật hoàng Trần Nhân Tông tu tập sau khi nhường ngôi cho con. Con cháu nước Việt cần tìm hiểu để hiểu nguồn gốc tâm linh của tổ tiên...

Những gì Thầy đang làm thì cũng không có gì đặc biệt đâu bởi vì chư Phật chư Tổ cũng như nhiều vị khác cũng đã làm rồi. Thì con cháu của chư Phật chư Tổ cũng đi theo con đường đã có sẵn thôi. Nói chung, nó thể hiện tinh thần Phật học của người công Phật”.

TOÀN BỘ HÀNH TRÌNH “NHẤT BỘ NHẤT BÁI" CỦA ĐẠI ĐỨC THÍCH TÂM MẪN QUA ẢNH

HÌNH ẢNH NHÀ SƯ "NHẤT BỘ NHẤT BÁI" THÍCH TÂM MẪN Ở YÊN TỬ

“Lúc trình bày nguyện vọng của mình với sư phụ về chuyến bộ hành này thì Thầy nói rằng Thầy đi với tinh thần thứ nhất là để sám hối tội nghiệt của mình. Thứ hai là để cầu nguyện cho thế giới hòa bình. Tiếp theo là có thể đem những điều mình làm được để cùng chúng sinh chia sẻ và thực hành những điều Phật dạy. Gọi chung là hóa độ chúng sinh”.

Trên đường nhất bộ nhất bái, nhà sư “Nhất bộ nhất bái” đã có những buổi thuyết giảng Phật pháp tại một số chùa như: chùa Giai Lam (Hà Tĩnh) ngày 30-10-2011, chùa Mậu Chữ (Hà Nam) ngày 24-6-2012 …

Trên hành trình “Nhất bộ nhất bái”, đoàn hộ tống nhà sư đã nhiều lần “gây hấn” đánh đuổi những người dân địa phương nơi họ đi qua. Dù bất bình với thái độ, hành động hung hãn của đoàn tháp tùng này, nhưng đa số những người dân và Phật tử địa phương đều cảm phục ý nghĩa cao cả của hành trình “Nhất bộ nhất bái” của vị sư nói trên.

Thảo Lăng