Sông Hồng và lịch sử chống ngoại xâm dưới góc nhìn của Đại tá quân đội

10/05/2016 06:00
Đại tá Đặng Việt Thủy
(GDVN) - Dòng sông Hồng - nơi ghi dấu chiến công trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Do vậy, khi làm một dự án cần phải thật cẩn trọng, cân nhắc kỹ lưỡng.

LTS: Dự án giao thông đường thủy xuyên Á kết hợp thủy điện do Công ty TNHH Xuân Thiện, thành viên Tập đoàn Thái Group (trước là Tập đoàn Xuân Thành) đề xuất đã chính thức được Bộ Kế hoạch - đầu tư trình Thủ tướng xem xét.

Dự án này tham vọng sẽ tạo một tuyến giao thông từ Hà Nội lên phía Bắc, xuôi xuống một số vùng biển, nạo vét 288 km đường sông và kết hợp làm thủy điện, trong đó sẽ xây dựng 6 nhà máy thủy điện nhỏ trên sông với công suất khoảng 228 MW. 

Nhiều ý kiến chuyên gia khuyến cáo rằng, nếu làm đập thủy điện đụng đến sông Hồng sẽ mất vựa lúa.

Với tư cách là một Đại tá quân đội đã nghỉ hưu, Đại tá Đặng Việt Thủy nhìn nhận vai trò của sông Hồng ở khía cạnh lịch sử dân tộc nhằm cảnh báo một số hậu quả trước khi dự án đi vào thực hiện. 

Tòa soạn trân trọng gửi tới độc giả ý kiến của Đại tá. 


Sông Hồng có tổng chiều dài là 1.149 km bắt nguồn từ Trung Quốc chảy qua Việt Nam và đổ ra biển Đông. Đoạn chảy qua đất Việt Nam dài 510 km. 

Sông Hồng còn có nhiều tên gọi khác như Hồng Hà hay sông Cái.

Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung Quốc được gọi là Nguyên Giang, đoạn đầu nguồn có tên là Lễ Xã Giang.

Đoạn chảy qua Phú Thọ (Việt Nam) gọi là Sông Thao.

Đoạn qua Hà Nội gọi là Nhĩ Hà hoặc Nhị Hà.

Từ Lào Cai “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt”, sông Hồng còn chảy qua các tỉnh (thành phố): Yên Bái, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Nam Định, Hà Nam, Thái Bình. 

Sông Hồng – con sống gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta (Ảnh: Hoàng Lực)
Sông Hồng – con sống gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta (Ảnh: Hoàng Lực)

Sông Hồng góp phần quan trọng trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt đời sống của nhân dân ta. Phù sa giúp cho đồng ruộng thêm màu mỡ, đồng thời bồi đắp và mở rộng vùng châu thổ ở vùng duyên hải thuộc hai tỉnh Thái Bình, Nam Định.

Nguồn cá bột ở sông Hồng đã cung cấp giống đáng kể cho nghề nuôi cá nước ngọt ở đồng bằng Bắc Bộ.

Với vị trí địa lý như vậy, từ xa xưa nhân dân ta đã liên tục đấu tranh chế ngự sông Hồng với những công trình đắp đê ngăn lũ, “nghiêng sông đổ nước vào đồng”, xây cầu, đào kênh… để phục vụ sản xuất và sinh hoạt. 

Đi đôi với cuộc đấu tranh chế ngự sông Hồng, từ bao đời nay nhân dân ta còn tiến hành những cuộc đấu tranh oanh liệt và vĩ đại khác, đó là đấu tranh chống ngoại xâm trên lưu vực con sông còn có tên “rồng đỏ” này.

Sông Hồng đã chứng kiến những cảnh đau thương tang tóc của nhân dân ta khi bị ngoại bang xâm lấn. 

Trên lưu vực sông Hồng đã diễn ra bao cảnh giết chóc dã man, phá hoại khủng khiếp của giặc ngoại xâm như Triệu, Hán, Đường, Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Pháp, Nhật và sau này là chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ. 

Nhân dân ta với tinh thần bất khuất đã kiên quyết bảo vệ lãnh thổ của mình, trong đó có lưu vực sông Hồng yêu quý với những chiến công vô cùng oanh liệt vang dội núi sông.

Từ đời Hùng Vương, giặc Ân đã bị phá tan ở tả ngạn sông Hồng vùng Bắc Ninh. Đời An Dương Vương, thế kỷ thứ III trước Công nguyên, quân Triệu Đà đã phải nhiều phen thất bại trước thành Cổ Loa (tả ngạn sông Hồng) trước khi cướp được Âu Lạc. 

Trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc, nhân dân lưu vực sông Hồng đã không ngừng đứng lên chống giặc, điển hình như:

Sông Hồng và lịch sử chống ngoại xâm dưới góc nhìn của Đại tá quân đội ảnh 2

"Siêu dự án" trên sông Hồng, tư nhân làm nhưng tiền của nhà nước

(GDVN) - “Trên danh nghĩa doanh nghiệp tư nhân là chủ đầu tư nhưng tiền lại của nhà nước, của nhân dân”, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định về dự án trên sông Hồng.

 
- Năm 40, sau khi đánh đuổi quân Tây Hán ra khỏi đất nước, Bà Trưng đã đóng đô ở Mê Linh (tả ngạn sông Hồng). 

- Giữa thế kỷ thứ VI, Lý Bí và Triệu Quang Phục đã dùng các căn cứ địa Khuất Lão (Tam Nông, Phú Thọ, hữu ngạn sông Hồng), Dạ Trạch (Khoái Châu, Hưng Yên, tả ngạn sông Hồng) để chống cự với quân Lương và cuối cùng đã thu được thắng lợi. 

- Hơn hai thế kỷ sau, khoảng những năm 766-779, Phùng Hưng cùng hai em là Phùng Hải và Phùng Dĩnh (người đất Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội, hữu ngạn sông Hồng) hiệu triệu dân Việt nổi lên chống lại và đánh đuổi quân Đường khỏi thành Long Biên…

Đến thời kỳ tự chủ, vào đời nhà Trần thế kỷ thứ XIII, ba lần quân Nguyên sang xâm lược nước ta thì cả ba lần đều bị quân dân nhà Trần đánh bại.

Những chiến thắng ở Hàm Tử, Chương Dương, Tây Kết, trên những khúc sông Hồng, ở kinh thành Thăng Long… mãi mãi đi vào lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Năm 1390, danh tướng Trần Khát Chân đã chỉ huy quân đội nhà Trần đánh tan quân Chiêm Thành ở vùng ngã ba sông Luộc và sông Hồng, bắn chết vua Chiêm là Chế Bồng Nga, chấm dứt nạn xâm lăng nội địa nước ta đến tận Thăng Long của quân Chiêm luôn mấy lần trong khoảng một chục năm. 

Năm 1408, Giản Định Đế Trần Ngỗi (còn gọi là Trần Quỹ) đánh tan quân Minh ở bến Bồ Cô (Nam Định), chém tướng Minh là Lữ Nghị làm chùn hẳn bước tiến quân của giặc.

Sau đó, khởi nghĩa Lam Sơn và chiến tranh giải phóng chống quân Minh (1418-1427) xâm lược do Lê Lợi lãnh đạo đã kết thúc thắng lợi sau 10 năm chiến đấu kiên cường, gian khổ, buộc chủ tướng giặc phải đầu hàng ở thành Đông Quan (Hà Nội) và rút quân về nước.

Cuối năm 1788 đầu năm 1789, Hoàng đế Quang Trung Nguyễn Huệ lấy lưu vực sông Hồng làm trục hành binh đã lần lượt đánh tan quân Thanh và quân bù nhìn Lê Chiêu Thống ở các trận Gián Khẩu, Thanh Quyết, Phú Xuyên, Hà Hồi, Ngọc Hồi, Đống Đa, Thăng Long… ở hữu ngạn sông Hồng. 

Đặc biệt, khi trốn chạy khỏi kinh thành Thăng Long bằng cầu phao bắc qua sông Nhị, chủ tướng giặc là Tôn Sĩ Nghị  sợ quân Tây Sơn lợi dụng cầu phao đuổi theo, chỉ lo bảo toàn tính mạng của bản thân, y đã không ngần ngại ra lệnh cắt đứt cầu phao để chặn phía sau. 

Hành động ích kỷ và tàn nhẫn của Tôn Sĩ Nghị đã làm cho hàng vạn quân Thanh bị dòng nước sông Nhị cuốn trôi. “Cầu gãy, người bị chết vô kể” và “nước sông Nhị vì thế mà tắc nghẽn không chảy được” (Ngô gia văn phái, Hoàng Lê nhất thống chí).

Cuối thế kỷ XIX, thực dân Pháp sang xâm chiếm nước ta. Khi ra Bắc, chúng chủ yếu tiến theo dọc sông Hồng để đánh các căn cứ của quân ta. Nhưng chính ven bờ sông Hồng suốt từ Lào Cai ra đến biển cũng là những nơi quân khởi nghĩa Việt Nam nổi lên chống lại quân Pháp.

Sông Hồng và lịch sử chống ngoại xâm dưới góc nhìn của Đại tá quân đội ảnh 3

Chính phủ chưa phê duyệt bất kì dự án thủy điện nào trên sông Hồng

(GDVN) - Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, chưa có bất kì dự án thủy điện nào trên sông Hồng nằm trong diện quy hoạch được Chính phủ phê duyệt.

 
Không những thế, dọc theo các nhánh của sông Hồng cũng là những cứ điểm của quân khởi nghĩa, khiến cho địch rất nhiều khó khăn trong việc “bình định” miền Bắc. Tiêu biểu là: 

- Năm 1883, Quản Kỳ khởi nghĩa ở vùng Hưng Yên, tả ngạn sông Hồng.

- Năm 1885, Nguyễn Thiện Thuật lấy Bãi Sậy (gồm địa phận ba huyện Văn Giang, Mỹ Hào, Khoái Châu tỉnh Hưng Yên) làm căn cứ để chống Pháp. 

- Năm 1886, nghĩa quân nổi dậy chống Pháp ở các vùng Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu (thượng lưu sông Đà); Đề Kiều, Đốc Ngữ là những thủ lĩnh xuất sắc trong các cuộc khởi nghĩa ở vùng này thời đó. 

- Từ năm 1890 đến 1895, rất nhiều cánh quân khởi nghĩa đã đồng thời nổi lên dưới sự lãnh đạo của các thủ lĩnh: Đốc Thực ở tả ngạn thượng lưu sông Hồng; Đốc Đức, Đốc Dụng ở vùng Chợ Bờ, trung lưu sông Đà; Lãnh Tanh, Đội Khoát, Tán Rật, Đề Thượng… ở Phú Thọ, giữa khoảng sông Hồng và sông Lô; Quản Tha ở vùng thượng lưu sông Lô…

- Năm 1909, Tổng Khiêm lãnh đạo nhân dân địa phương đánh chiếm tỉnh lỵ Hòa Bình ở trung lưu sông Đà. 

- Năm 1918, Ba Chai, thủ lĩnh người Mèo nổi dậy chống Pháp ở thượng lưu sông Đà. 

- Năm 1930, nhiều địa điểm dọc theo sông Hồng đã được Việt Nam Quốc dân Đảng chọn làm mục tiêu tấn công quân Pháp và đi vào lịch sử như Yên Bái, Hưng Hóa, Lâm Thao. 

Từ khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời lãnh đạo cách mạng Việt Nam, phong trào đấu tranh của nhân dân ta đã có những bước phát triển vượt bậc. 

Ở nhiều đô thị lớn và những vùng dân cư thuộc lưu vực sông Hồng đã nổ ra những cuộc đấu tranh rầm rộ của các tầng lớp nhân dân. Trong cao trào tiền khởi nghĩa, lưu vực sông Hồng và các nhánh sông lại là những lò lửa cách mạng rừng rực cháy, những căn cứ vững chắc đánh Pháp đuổi Nhật. 

Sông Hồng và lịch sử chống ngoại xâm dưới góc nhìn của Đại tá quân đội ảnh 4

Công ty Xuân Thiện không đủ khả năng thực hiện siêu dự án trên sông Hồng

(GDVN) - PGS.TS Phạm Quý Thọ thẳng thắn cho rằng, với siêu dự án trên sông Hồng, một doanh nghiệp tư nhân như Xuân Thiện không có khả năng hoàn thành.

Cùng với Thủ đô Hà Nội, các địa phương thuộc lưu vực sông Hồng cũng như cả nước đã phất cao lá cờ đỏ sao vàng làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám kỳ diệu, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời, chấm dứt ách thống trị của thực dân, phong kiến.

Nước Việt Nam đã giành được độc lập nhưng thực dân Pháp lại dã tâm xâm lược nước ta một lần nữa. Nhân dân Việt Nam kiên quyết đứng lên kháng chiến và lưu vực sông Hồng cùng các nhánh sông khác lại là mồ chôn của quân Pháp.

Bẻ gãy gọng kìm phía tây của cuộc tấn công với quy mô lớn vào Việt Bắc năm 1947 của Pháp là những trận địa pháo binh ta bắn chìm hàng loạt tàu chiến và ca nô giặc trên sông Lô ở Đoan Hùng và ngã ba sông Lô - sông Gâm. 

Tiếp đó ta lại bẻ gãy cuộc tấn công của giặc dọc theo sông Lô năm 1949, 1952; tiêu diệt hơn một vạn tên địch ở Ba Vì, Tu Vũ, Hòa Bình dọc theo sông Đà đông xuân 1951-1952… 

Ngoài ra còn có hàng trăm trận đánh du kích ở tả ngạn, hữu ngạn cũng như chi lưu sông Hồng của bộ đội địa phương và dân quân du kích trong suốt cuộc kháng chiến, góp phần giành thắng lợi cuối cùng.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, miền Bắc thực sự là hậu phương lớn, vững mạnh, chi viện sức người sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam. Quân và dân miền Bắc đã đánh bại chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ.

Sông Hồng và các con sông, nhánh sông khác một lần nữa lại dậy sóng nhấn chìm những máy bay “Con ma”, “Thần sấm”, “Cánh cụp cánh xòe” và cả máy bay ném bom chiến lược B52… của không lực Hoa Kỳ. 

Bên dòng sông Hồng đỏ nặng phù sa, quân và dân Hà Nội đã làm nên “Trận Điện Biên Phủ trên không” lịch sử vào tháng 12 năm 1972, góp phần vào việc đánh thắng cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ. 

Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh bị thất bại về cơ bản, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Pa-ri năm 1973, rút hết quân Mỹ và quân các nước phụ thuộc Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam, cam kết tôn trọng độc lập chủ quyền thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.

Ngày nay trên lưu vực sông Hồng còn lưu lại rất nhiều di tích lịch sử. Từ những di tích về đồ đá cũ, đồ đá mới, đồ đồng đến những di tích khác như đền Hùng, đền Tản Viên, đền Phù Đổng, bãi Tự Nhiên, đền Cổ Loa… 

Dòng sông Hồng cũng là nơi ghi dấu những chiến công trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc ta. Tìm hiểu về sông Hồng không chỉ về địa lý mà còn về lịch sử và văn hóa cũng như an ninh, quốc phòng của dân tộc. Quá khứ, hiện tại, tương lai là một dòng chảy vô tận của thời gian.

Do vậy, khi làm một dự án hay quy hoạch nào đó đối với sông Hồng, con người cần phải thật cẩn trọng và cân nhắc rất kỹ trước khi quyết định.

Đại tá Đặng Việt Thủy