Suối cá thần ở Thanh Hoá:Bí ẩn chờ giải mã

30/06/2012 13:11
Sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá.

Nằm khép mình bên chân núi Trường Sinh hùng vĩ, thuộc bản Ngọc, xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, Thanh Hoá; "suối cá thần" từ lâu luôn ẩn chứa những câu chuyện huyền bí xung quanh nguồn gốc của suối cá…Sự bí ẩn cùng với những câu chuyện mang đậm chất liêu trai đã giữ được vẻ tự nhiên, nguyên sơ "độc nhất vô nhị" của suối cá.

Suối cá thần ở Thanh Hoá:Bí ẩn chờ giải mã ảnh 1

Cửa hang cá ra vào.

Tạo hóa bí ẩn

 "Suối cá thần" có từ bao giờ? Đó là loài cá nào? Cá sống ra sao? Tất cả vẫn đang còn là câu hỏi. Sự tồn tại của suối cá này gắn liền với đời sống tâm linh của người dân bản địa.

Từ thế hệ này sang thế hệ khác, người dân ở đây vẫn truyền miệng về nguồn gốc của loài cá bắt đầu từ một truyền tích về thần rắn: Xưa có vợ chồng tuổi đã cao vẫn chưa có con. Một hôm người vợ đi xúc cá vô tình xúc được một quả trứng lạ. Bà mang về, vợ chồng bàn nhau đem cho gà ấp thử. Một hôm thấy gà cục tác, bà ra xem thì thấy trứng nở được một con rắn. Hoảng quá hai vợ chồng mang rắn ra suối Ngọc để thả, kì lạ thay cứ thả thì tối lại thấy rắn về nhà. Như một cơ duyên, hai vợ chồng quyết định nuôi rắn. Từ khi có rắn trong nhà, ruộng đồng có đủ nước cấy cày, cảnh hạn hán kéo dài trong vùng không còn. Chàng Rắn sống với gia đình và bản làng người Mường trong cảnh thanh bình, no ấm... Bỗng một đêm trời mưa to, sấm chớp ầm ầm, sáng ra dân làng thấy xác chàng Rắn nằm chết dạt vào chân núi Trường Sinh. Thương tiếc chàng Rắn, dân làng chôn chàng ngay dưới chân núi và lập đền thờ ngay trên mộ chàng. Sau đó dân làng được thần linh báo mộng cho biết, chàng Rắn đã đánh nhau với thủy quái về phá hoại bản làng và được Thượng đế phong thần hiệu "Tứ phủ Long Vương"... Cũng từ đó, suối Ngọc trước cửa đền thờ có đàn cá cả ngàn con ngày đêm về chầu và người dân trong vùng không bao giờ ăn cá suối Ngọc.

Có rất nhiều câu chuyện lý giải về nguồn gốc của suối cá, các bậc cao niên trong làng lại giải thích rằng vào thế kỷ 19 có một trận lụt lịch sử đã đưa loài cá Dốc từ Sông Mã về sống tại suối Ngọc (con suối này nằm cách sông Mã chưa đầy 2km), gặp nguồn nước ấm chúng đã không quay trở về sông Mã nữa...?

Đến "Suối cá thần" chúng ta sẽ không khỏi ngỡ ngàng bởi sự xuất hiện của hàng nghìn con cá. Hình thù của những con cá ở đây trông cũng rất khác lạ: mình giống mình cá trắm, bụng căng tròn, vẩy giống vẩy cá chép, môi màu phớt hồng, vây và đuôi màu đỏ rất bóng, có những con vây và môi đều phớt hồng trông rất đẹp.

Cá ở đây có nhiều kích cỡ, có những con chỉ bằng chuôi dao, nhưng cũng có những con khối lượng lên tới 7- 8kg. Người dân nơi đây cho biết, cá Chúa còn có khối lượng lên tới 30kg. Cứ mỗi buổi sáng, đàn cá lại từ trong hang chui ra như đã có hẹn từ trước. Đây là thời gian lý tưởng để khách thăm quan có thể chiêm ngưỡng hết vẻ đẹp của dòng suối bên chân núi Ngọc.

Chiều tối, đàn cá lại rủ nhau về hang trú ẩn. "Suối cá thần" được bắt nguồn từ chân của dãy núi đá. Các loài cá ở đây thân thiện, gần gũi với con người và rất phàm ăn. Cá sống và sinh sản chủ yếu bằng thức ăn rong, rêu và các loại lá cây hai bên bờ suối rụng xuống như: lá dâu da xoan, lá cây long lạnh, lá bưởi, lá lim... (một loại lá rất độc).

Theo lời kể của người dân thì vào năm 1958 đã từng có người trong làng chui vào trong hang thám hiểm và cho biết trong lòng núi Trường Sinh có rất nhiều suối ngầm nông, sâu khác nhau, nước trong suốt. Trong suối ngầm lại chia thành hai dòng nước nóng- lạnh. Đàn cá bám theo dòng nước ấm và nơi lý tưởng nhất mà chúng tìm được là quanh khu vực có nguồn nước tinh khiết chảy ra từ dòng suối. Điều kỳ lạ dù là nơi thường xuyên bị lũ lụt nhưng cá trong suối không bao giờ trôi đi, khi nước lớn tràn vào suối, những con cá lớn chui vào hang, hốc để trốn, những con nhỏ nếu bị nước cuốn đi cũng có thể tự biết đường bơi trở lại. 

Từ khi phát hiện ra "Suối cá thần" người dân trong bản đã lập ban thờ bên cạnh khu vực hang động nằm cách suối cá 10m để thờ Thần Cá.
 
Chuyện về cá mẹ
Những câu chuyện ly kỳ xung quanh suối cá thần là đề tài thu hút khách thập phương gần xa. Người dân ở đây tin rằng sự sung túc của bầy cá là biểu tượng của sự bình yên, no ấm. Họ cho rằng suối cá rất linh thiêng, ai dám bắt và ăn thịt các loại cá trên dòng suối này đều bị xem là hành động xúc phạm đến thần linh, chẳng những gây tai họa cho mình mà còn cho cả cộng đồng. Hằng năm, lễ tế thần núi, thần sông, thần cá bên bờ suối được mở từ ngày 8-15 tháng Giêng âm lịch, đông đảo người dân gần xa đến chiêm ngưỡng và cầu may.
Xung quanh suối cá kỳ lạ này có rất nhiều câu chuyện huyền bí được người dân kể lại: Có một đôi vợ chồng làng khác vì đói quá nên đã đến suối bắt "cá thần" về nấu ăn. Nhưng khi nấu lên không thấy cá đâu mà chỉ thấy một nồi nước trong veo, vợ chồng họ hoảng sợ quá nên mang lễ vật đến đền Ngọc thờ "Tứ phủ Long Vương" để xin thần cá cùng trời đất ân xá (?!).

 Lại có câu chuyện đồn rằng có một đôi thanh niên từ thành phố Thanh Hóa lên xem "cá thần". Sau đó vì tò mò họ đã dùng đá đập chết một con cá, trên đường quay trở về, hai thanh niên đã gặp tai nạn và tử vong. Những người dân trong bản đều tin rằng nếu ai trêu đùa, làm hại cá thần hay làm bẩn nước, nhẹ sẽ bị ốm, còn nặng sẽ bị "mất mạng"?

Những câu chuyện kiểu như thế xung quanh suối cá thần chưa được kiểm chứng nhưng chuyện người dân trong bản luôn xem loài cá này là cá thần và không dám ăn cá là có thật. Ông Nguyễn Văn Mạnh, người dân địa phương cho biết: Trên đầu nguồn suối Ngọc có một con cá mẹ nặng hàng trăm kg, là thủy tổ của cá suối Ngọc. Trước kia cá Mẹ thường hay xuống dạo chơi cùng các con nhưng bây giờ già yếu rồi nên không xuống nữa.

Có người kể lại rằng cá Mẹ chỉ nằm một chỗ, ít khi di chuyển ra ngoài thung, khoảng 5 năm mới ra ngoài một lần và năm nào cá Mẹ xuất hiện thì dân quanh vùng đều được mùa, làm ăn phát đạt. Người dân địa phương cho rằng: Không phải cá ở đây không chết mà chúng có thể chết ở một hang hốc nào đó, hy hữu lắm mới thấy một vài con chết bên bờ suối.

Bà Nguyễn Thị Minh, 76 tuổi- người hay chôn cất cá cho biết: "Khi cá chết chúng tôi phải tế lễ để xin phép thần Rắn rồi mới được phép đem chôn, mộ của cá cũng phải được đánh dấu đàng hoàng". Trước đây, khi suối cá chưa trở thành khu du lịch người dân vẫn đến suối lấy nước dùng cho sinh hoạt gia đình bởi nước suối không hề có mùi tanh và luôn trong vắt, có thể nhìn thấy đá ở đáy suối.
Suối cá thần ở Thanh Hoá:Bí ẩn chờ giải mã ảnh 2
Người dân đang xem và cho cá ăn.

Tiềm năng  du lịch cần đánh thức

Để vào được suối cá người ta phải đi qua một chiếc cầu treo bắc qua sông Mã. "Suối cá thần" đã làm cho phong cảnh bản Ngọc trở nên "sơn thủy hữu tình".

 Cá ở đây rất hiền, bơi một cách chậm chạp dưới dòng suối tĩnh lặng và trong vắt. Du khách sẽ luôn cảm thấy thoải mái trước nhịp sống rất chậm ở nơi đây, họ có thể cho cá ăn bỏng ngô, bim bim, các loại rau...Một số người hiếu kỳ còn lội xuống dòng suối vuốt ve sống lưng "cá thần".

Thỉnh thoảng người ta còn đựợc chiêm ngưỡng hình ảnh những con cá to lớn nhảy lên khỏi mặt nước trông rất thích mắt. Đến bản Ngọc du khách không chỉ được tham quan "suối cá thần", mà còn có cơ hội thưởng thức các món ăn đặc sản miền sơn cước như cơm lam, ngô nướng. 

Tuy " Suối cá thần" được đánh giá là có tiềm năng du lịch nhưng trên thực tế vẫn chưa được đầu tư đúng mức và đồng bộ như những điểm du lịch khác trong tỉnh. Cơ sở hạ tầng còn đơn giản, đội ngũ hướng dẫn viên, nhiếp ảnh chưa được đào tạo bài bản, các nhà nghỉ, nhà trọ rất ít, chất lượng còn rất thấp.

Ngoài " Suối cá thần" (Mó Ngọc)  Cẩm Lương, trên địa bàn huyện Cẩm Thủy còn có " suối cá thần" (Mó Đóng) thuộc bản Rùng, xã Cẩm Liên cách thị trấn Cẩm Thủy 15km về phía Tây. Hai suối cá này ở hai bờ khác nhau của sông Mã. Gần đây nhất người dân đã phát hiện thêm một "suối cá thần" ở bản Chiềng Ban, xã Văn Nho, huyện Bá Thước - đây là "suối cá thần" thứ 3 được phát hiện ở Thanh Hóa.
Ngọc Hưng- Nguyễn Hiền/Gia đình và Xã hội