TS Nguyễn Nhã bật khóc trước lá thư của học sinh gửi lãnh đạo TQ

03/04/2013 07:13
Minh Tuệ
(GDVN) - TS. Nguyễn Nhã nói: “Việc con người sợ hãi là một điều gì đó là không tránh khỏi nhưng lịch sử của Việt Nam cho biết một điều rằng mỗi một khi đất nước nguy khốn thì người dân sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng. Biết bao thế hệ thanh niên đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ tổ quốc”.
TS. Nguyễn Nhã.
TS. Nguyễn Nhã.

Là nhà nghiên cứu Sử học, TS. Nguyễn Nhã (SN 1939) nổi tiếng với công trình khoa học nghiên cứu về lịch sử xác lập chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Ông cũng đã từng tham gia nhiều hội thảo về Biển Đông và nhiều lần xúc động, rơi nước mắt mỗi khi nghe tin tức về các tàu cá Việt Nam bị tàu Trung Quốc xua đuổi, gây thiệt hại. Một ngày đầu tháng 4/2013, TS. Nguyễn Nhã đã dành cho báo Giáo dục Việt Nam một buổi trò chuyện về vấn đề này.

"Trong lịch sử chưa có hành động nào man rợ như thế”
Nghẹn ngào xúc động và có những lúc ông đã bật khóc khi nghe bức thư của một học sinh lớp 4 gửi lãnh đạo Trung Quốc và khi được hỏi cảm nhận về việc tàu cá của ngư dân Việt Nam bị bắn cháy cabin vừa qua, ông Nguyễn Nhã chia sẻ:
“Trước hết tôi cũng rất xúc động khi có những bức thư như thế. Tôi thấy trong lịch sử loài người, chưa có tiền lệ nào về việc một tàu được trang bị vũ trang của một nước lại nã đạn vào tàu của ngư dân một nước khác như Trung Quốc vừa làm vừa qua với Việt Nam. Dù có lý do chính đáng nào đi chăng nữa thì cũng không thể có những hành động tàn nhẫn, vô nhân đạo, man rợ như vậy, chứ chưa kể là tàu cá đó của Việt Nam lúc đó đang ở trong vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Đó là một sự đáng tiếc”. TS. Nguyễn Nhã nói tiếp: “Tôi rất khâm phục các sử thần của TQ như Thái Sử Bá, xưa kia khi họ không sợ bị chém đầu mà nhất quyết viết đúng sự thật. Chẳng hiểu sao, đến nay, truyền thống đó  TQ không còn giữ được, nhất là về sự thật chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa mà Trung Quốc từ đầu thế kỷ XX mới gọi là Tây Sa và Nam Sa.
Đề văn cô Đặng Nguyệt Anh ra cho học sinh lớp 4 Trí Đức.
Đề văn cô Đặng Nguyệt Anh ra cho học sinh lớp 4 Trí Đức.
Một đoạn trong bức thư gửi lãnh đạo TQ của em Vũ Tuyên Hoàng.
Một đoạn trong bức thư gửi lãnh đạo TQ của em Vũ Tuyên Hoàng.
Trong khi nhiều tài liệu Phương tây từ thế kỷ XIX  ghi rõ Paracel là Cát Vàng tức Hoàng Sa. TQ đang muốn vươn lên làm một siêu cường trên thế giới, những những hành động vừa qua của họ trên Biển Đông và với Việt Nam thì chỉ gây bất lợi cho họ.

Dù sao chăng nữa, Việt Nam có một câu triết lý: “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn”. Tôi nghĩ rằng, trong thời đại này, cả trái đất này là một “giàn” thì chỉ cần một sự hung hãn nào đó thì cả trái đất có thể bị tiêu diệt luôn vì kho vũ khí hạt nhân hay vũ khí hóa học còn rất lớn. Nếu không có sự thay đổi thái độ thì đến một lúc nào đó, thế giới này không còn nữa”.

“Trong những hội thảo về Biển Đông, có nhiều học giả quốc tế nói rằng: “E rằng châu Á sẽ xảy ra những bi kịch giống như của châu Âu ở thế kỷ XX vừa qua khi các hành động hung dữ cứ tiếp tục xảy ra”. Sự lo ngại của các vị học giả đó không phải không có lý khi TQ liên tục có những hành động hung hãn trên khu vực Biển Đông”, TS. Nguyễn Nhã nói.

"Nhiều người dân Việt Nam do lợi mà đã vô tình bị TQ xúi giục”?

Rưng rưng nói về truyền thống chống giặc ngoại xâm hào hùng của dân tộc, ông Nhã cho rằng: “Việc con người sợ hãi là một điều gì đó là không tránh khỏi nhưng lịch sử của Việt Nam cho biết một điều rằng mỗi một khi đất nước nguy khốn thì người dân sẵn sàng hy sinh tất cả, kể cả tính mạng.

Biết bao thế hệ thanh niên đã sẵn sàng hy sinh cả tính mạng của mình để bảo vệ tổ quốc. Việt Nam chưa bao giờ tự coi là một nước nhỏ cả. Và việc đó đã được thể hiện qua cách đặt quốc hiệu của các triều đại trong lịch sử: Đại Cồ Việt, Đại Việt, Đại Nam và các vua Việt Nam luôn tự xưng hoàng đế từ ngàn năm nay…”

Liên hệ đến những sự việc vừa qua như SGK có cờ Trung Quốc, thương lái trộn lẫn hàng của Trung Quốc vào hàng của Việt Nam để bán cho dễ, đèn lồng có chữ “TAM SA”…, TS. Nguyễn Nhã cho hay: “Trung Quốc có nhiều chiêu trò và những việc mà chúng ta thấy vừa qua như SGK có cờ Trung Quốc, đèn lồng của TQ ở Hội An được treo tràn lan, Hải Phòng có chữ “TAM SA”, nho ở siêu thị được dán cờ Trung Quốc, nước tương thay thế nước mắm khắp các nhà hàng một cách vô tư… không phải là một sự ngẫu nhiên, vô tình.

Nhiều người dân Việt Nam do lợi mà đã vô tình bị TQ xúi giục. Nhiều người lớn chúng ta khi đọc được bức thư gửi ông Tập Cận Bình của một cháu nhỏ lớp 4 có lẽ sẽ phải cảm thấy xấu hổ và hãy lấy đó là tiếng chuông thức tỉnh để không còn những nhầm lẫn tai hại như trên”.

TS. Nguyễn Nhã nói tiếp: “Bài học lịch sử cho thấy mình cứ lùi thì người ta cứ lấn tới. Cho nên chúng ta phải có thái độ dứt khoát trước những hành động xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Như tôi từng phát biểu tại Hội thảo Biển Đông tại Hà Nội, nên thêm 1K nữa là “K : Không sợ” vào 8K chỉ đạo. Bởi nếu Biển Đông nổi sóng thì chẳng có ai được lợi cả , song thiệt hại nhất chính là Trung Quốc, làm sao trở thành siêu cường được!.

Các ngư dân của chúng ta vẫn tiếp tục ra khơi, bám biển quê hương để bảo vệ chủ quyền. “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”. Cả nước sẽ cùng hướng về những ngư dân ra khơi đánh cá và để thể hiện chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông đồng thời có những biện pháp giúp đỡ họ khi họ gặp khó khăn. Các tàu kiểm ngư, của Cảnh sát biển cũng phải đi cùng để bảo vệ và hỗ trợ các ngư dân”.

Các ngư dân của chúng ta cũng nên ghi lại các hành ảnh về việc đe doạ, xua đuổi của tàu TQ với tàu cá Việt Nam trong vùng biển thuộc chủ quyền của chúng ta. Cần có một sự thay đổi là: Hãy để cho các ngư dân của chúng ta phản ứng khi cần thiết, la toáng lên cho cả thế giới biết sự thật tàn nhẫn vô nhân đạo mà cả loài người không ai chấp nhận như thế!

Chia sẻ với báo Giáo dục Việt Nam về những cảm xúc trong từng giọt nước mắt mỗi khi nghe tàu cá của Việt Nam ở Hoàng Sa bị TQ xua đuổi, gây thiệt hại, TS. Nguyễn Nhã nói: "Từ hồi năm 1975, tôi bắt đầu xúc cảm như vậy.

Tôi xúc cảm như vậy từ thân phận của những nước nhỏ như Việt Nam thì có thể là nạn nhân của thời cuộc quốc tế. Tất cả những cảm xúc ấy cứ dồn nén.

Nói đến Hoàng Sa là nhớ tới biến cố năm 1974 và năm 1975 kỷ niệm 1 năm TQ dùng vũ lực đánh chiếm Hoàng Sa. Và từ đó cho đến nay, mỗi khi nhắc đến Hoàng Sa tôi lại có xúc cảm như thế.

Vì khi đó, mình thành cường quốc như những nước khác rồi thì không ai bắt nạt được nữa, không bị xử ép nữa, không bị làm nhục nữa. Đó là tâm trạng trong tim của mình không kìm nén được chứ những việc khác, ít khi tôi tâm trạng lắm".

Minh Tuệ