"Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm để kiện toàn, hoàn thiện"

24/02/2014 11:07
Minh Hồng (Tổng hợp)
(GDVN) - Đó là ý kiến chung của nhiều Đại biểu Quốc hội cũng như người dân sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm.

Sau khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp Quốc hội tháng 5 tới đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn đã có nhiều ý kiến khác nhau. Nhìn chung, người dân và các đại biểu đều nhất trí với ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Trả lời Tuổi Trẻ, Đại biểu Quốc hội Lê Nam (phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) nêu quan điểm: Tôi đồng tình với các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội là nên có điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung một số quy định trong nghị quyết 35 để việc lấy phiếu tín nhiệm có hiệu quả, thực chất hơn. 

Đại biểu bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 năm 2013. Ảnh: TTXVN.
Đại biểu bỏ phiếu đánh giá tín nhiệm tại kỳ họp thứ 5 năm 2013. Ảnh: TTXVN.

Theo Đại biểu Quốc hội Lê Nam việc lấy phiếu tín nhiệm thực hiện lần đầu nhưng đã ghi nhận là dấu ấn, là “thương hiệu” của Quốc hội, được dư luận đánh giá cao và cử tri hoan nghênh. Thậm chí, có nhiều ý kiến cho rằng trong lúc lòng tin đang bị suy giảm, mất mát ở nhiều nơi thì hoạt động lấy phiếu tín nhiệm đã đem lại lòng tin của cử tri vào Quốc hội.

Tương tự, TS Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng, việc lấy phiếu tín nhiệm như vừa qua là một cơ chế rất Việt Nam, nghĩa là chưa có ở bất kỳ nước nào. Chính vì vậy nhiều ý kiến khác nhau là dễ hiểu, cuối cùng những người phiếu thấp hơn không hẳn là những người không làm việc tốt hơn. 

Cũng theo ông Dũng: "Nếu chúng ta muốn hiện đại hóa nền quản trị quốc gia thì phải theo chuẩn mực của thế giới, trong đó các cơ quan quyền lực kiểm soát nhau, một trong những công cụ kiểm soát của quyền lực lập pháp đối với quyền lực hành pháp là bỏ phiếu tín nhiệm. Thế giới tiến hành bằng hai cách. Nếu hành pháp cảm thấy những phê phán đối với mình không công bằng thì có thể đề nghị cơ quan lập pháp bỏ phiếu tín nhiệm, nếu bên lập pháp tín nhiệm thì tiếp tục làm, còn không thì thôi”.

Trong khi đó liên quan đến ý kiến tạm dừng lấy phiếu tín của Ủy ban Thường vụ Quốc hội người dân cũng đưa ra nhiều ý kiến đóng góp thiết thực. Phản hồi bài viết “Quốc hội dừng lấy phiếu tín nhiệm” trên VnExpress, độc giả Hồng Lĩnh chia sẻ: Lấy phiếu tín nhiệm dừng lại là hợp lý. 

“Theo cá nhân tôi nghĩ nên đánh giá kết quả công việc, trên cơ sở đó đánh giá từng thành viên đứng đầu cơ quan và sau đó xếp hạng từng cơ quan. Nếu trong 3 năm liền số hạng không thay đổi thì nên xem xét lại cơ quan đó (trong đó 30% lấy ý kiến người dân, 30% lấy ý kiến của các cơ quan cùng cấp và 40% lấy ý kiến của cơ quan cấp trên. Đối với cơ quan cao nhất lấy 50% ý kiến người dân, 30% ý kiến của cấp dưới và 20% ý kiến của những tiền bối đi trước hoặc hội đồng cố vấn,...)”, độc giả  Hồng Lĩnh đưa ý kiến.

Nhìn lại việc lấy phiếu tín nhiệm năm 2013, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước nhận xét, điểm yếu của lấy phiếu là “chỉ đánh giá được một bộ phận cán bộ chứ không phải toàn bộ”. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm năm 2013 cho thấy, hầu hết cán bộ cơ quan của Quốc hội, HĐND tín nhiệm cao nhưng ở khối hành pháp thì tín nhiệm thấp, thậm chí là dưới 50%.

Xung quanh hạn chế này, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cho rằng cần phải thực hiện lấy phiếu tín nhiệm cả 2 bộ phận hành pháp và lập pháp. Chia sẻ với quan điểm của ông Ksor Phước, độc giả Rosa Nguyễn nêu ý kiến: Nếu đã lấy phiếu là lấy phiếu toàn bộ, dừng là dừng toàn bộ, không thể lấy theo cục bộ các bộ phận vì lấy phiếu năm 2013 mới chỉ là lần thử nghiệm đầu tiên nên không thể kết luận được, phải rất nhiều năm chúng ta mới có thể rút kinh nghiệm được. 

Cũng đồng tình với Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Ksor Phước, độc giả bshung2001 bày tỏ quan điểm: “Tôi nghĩ cần lấy phiếu tín nhiệm của cả khối lập pháp và hành pháp. Tuy nhiên, cách thức đánh giá và lấy phiếu tín nhiệm phải khác nhau để phù hợp với đặc thù riêng của mỗi khối và nên chỉ có 2 mức là Tín nhiệm hoặc không tín nhiệm. Nếu không tín nhiệm thì phải bãi nhiệm ngay để bầu người khác lên thay. Từ đó tạo chuyển biến tích cực trong thực tiễn của đất nước.

Nếu không lấy phiếu tín nhiệm của khối lập pháp thì tôi nghĩ không ổn và thiếu công cụ đánh giá năng lực của cán bộ của khối này”.    

Minh Hồng (Tổng hợp)