Tăng cường vận động phòng chống mua bán người qua biên giới

27/09/2017 09:00
Bảo Bảo
(GDVN) - Tại Yên Bái, tình trạng một số đối tượng xấu trong tỉnh câu kết đối tượng tỉnh ngoài, người nước ngoài mua bán người, gây bất ổn ở vùng cao.

Yên Bái là tỉnh miền núi, có hơn 30 dân tộc sinh sống, đời sống của một bộ phận đồng bào khó khăn, một số tập tục lạc hậu như: “Bắt vợ”, hôn nhân cận huyết thống, tảo hôn... vẫn diễn ra ở các huyện vùng cao.

Theo đại tá Lưu Văn Ký, Trưởng phòng  Phòng Cảnh sát điều tra và phòng chống tội phạm về trật tự xã hội (PC45) Công an tỉnh Yên Bái cho biết, trong những tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 10 vụ mua bán người, tăng sáu vụ so với năm 2016;

Cơ quan công an đã khởi tố điều tra bảy vụ, 20 bị can phạm tội mua bán người, với 13 nạn nhân bị mua bán; qua phối hợp các lực lượng khác, bắt giữ một đối tượng bị truy nã với tội mua bán người bỏ trốn lâu năm ở nước ngoài là Trần Thị Lý, sinh năm 1960, trú tại xã Hào Phú, huyện Sơn Dương (Tuyên Quang).

Tội phạm mua bán người tại Yên Bái tập trung ở địa bàn người dân tộc thiểu số, vùng cao hẻo lánh, trình độ dân trí thấp.

Các đối tượng thường làm quen qua điện thoại, mạng xã hội, hoặc trực tiếp gặp gỡ rủ nạn nhân đi làm các công việc nhàn hạ, với mức thu nhập cao; rủ đi lấy chồng người Trung Quốc hứa hẹn cuộc sống sung sướng; giả vờ yêu nhau, đưa đi chơi, đưa về thăm gia đình... sau đó lừa bán ra nước ngoài làm gái mại dâm hoặc làm vợ bất hợp pháp.

Điển hình vụ Thào A Vinh, Sinh năm 1998, trú tại bản Hủa Khắt, xã Nậm Khắt, huyện Mù Cang Chải cùng đồng bọn phạm tội mua bán hai trẻ em.

Khoảng tháng 3/2017, Vinh cùng đối tượng Lờ A Thông, Sinh năm 1991, trú tại bản Cáng Dông, xã Lao Chải, lừa bán hai học sinh cùng sinh năm 2002 cho hai người Trung Quốc lấy 18 nghìn nhân dân tệ (khoảng hơn 50 triệu đồng).

Thời gian sau, một trong hai cháu lợi dụng lúc người mua sơ hở, đã trốn thoát và tìm đến đồn công an Trung Quốc trình báo, sau đó được trao trả qua cửa khẩu quốc tế Lào Cai.

Sau khi cháu bé đến công an huyện Mù Cang Chải trình báo, đơn vị đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam hai tên Vinh và Thông để truy tố trước pháp luật. Đến nay, cháu bé còn lại bị lừa bán vẫn lưu lạc xứ người, không có thông tin gì.

Thào A Vinh và Lờ A Thông (Ảnh cơ quan chức năng).
Thào A Vinh và  Lờ A Thông (Ảnh cơ quan chức năng).

Trinh sát Trần Quyết Tiến, Phòng phòng  Phòng Cảnh sát điều tra và phòng chống tội phạm về trật tự xã hội, là người trực tiếp lăn lộn điều tra phá án nhiều vụ mua bán người trên địa bàn cho biết, ngoài việc nắm chắc tâm lý đối tượng và thông thạo địa hình, cần làm tốt công tác dân vận và dựa vào dân, biết rõ phong tục tập quán của từng dân tộc thiểu số, từ đó khai thác, mở rộng nguồn tin để phá án.

Ngay trong tháng 1/2017, Lở A Trứ, cùng Giàng A Trứ ở xã Lao Chải, câu kết với Lở A Vàng tìm phụ nữ trẻ lừa bán ra nước ngoài. Chúng đã lừa bán được một nữ dân tộc Mông ở xã Khau Phạ, huyện Mù Cang Chải qua biên giới.

Sau khi nạn nhân trốn khỏi nơi bị bán trở về địa phương, phải khéo vận động thì nạn nhân mới tố cáo những kẻ bán người, qua đó công an bắt tạm giam hai đối tượng, truy nã một đối tượng về hành vi buôn bán người.

Tăng cường vận động phòng chống mua bán người qua biên giới ảnh 2Hiệu quả các mô hình phòng, chống tội phạm, buôn bán người ngay tại cộng đồng

Để đấu tranh có hiệu quả với loại tội phạm nêu trên, tỉnh Yên Bái có nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt, trong đó chú trọng công tác truyền thông, giáo dục tại cộng đồng, tiếp nhận và hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán người từ nước ngoài trở về.

Các tổ chức hội phụ nữ, đoàn thanh niên, hội nông dân... đã tuyên truyền cho hơn 50 nghìn hội viên; tập huấn, hội thảo, tọa đàm về nâng cao năng lực phòng chống mua bán người với hơn 1.200 hội viên thông qua các nội dung người thật, việc thật để tuyên truyền, giáo dục ý thức cảnh giác của người dân trong tìm kiếm việc làm ở nước ngoài.

Ngành văn hóa cùng công an đã xuất bản đĩa CD song ngữ Việt- Mông phát hành đến các thôn bản vùng cao; xây dựng cơ sở nắm tin để phát hiện, tố giác tội phạm mua bán người.

Một số tổ chức quốc tế đã tư vấn, hỗ trợ ban đầu, duy trì vốn phát triển kinh tế cho gần 40 nạn nhân trên địa bàn, bước đầu giúp họ tái hòa nhập cộng đồng.

Bảo Bảo