Tàu điện HN: Cách chức những ai để xảy ra sự cố, kỷ cương sẽ nghiêm!

10/03/2014 09:29
Ngọc Quang (Thực hiện)
(GDVN) - Đây là nhận định của TS Nguyễn Xuân Thủy về dự án đường sắt đô thị Hà Nội khi trao đổi với PV Báo Giáo dục Việt Nam.


Sẽ chẳng quy được trách nhiệm cho ai?

- Thưa TS Nguyễn Xuân Thủy, trong một cuộc họp mới đây, ông Nguyễn Thế Thảo – Chủ tịch TP Hà Nội đã nổi cáu khi dự án tuyến số 3 (Nhổn – ga Hà Nội) chậm tiến độ. Ở góc nhìn của một chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị, ông có thể nói gì về những thiệt hại từ dự án này?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Bây giờ nhiều người đã chán nói đến dự án này rồi, chậm là chuyện hiển nhiên, vì người ta có hiểu gì về tàu điện đâu, có biết gì đâu mà làm. Trong vấn đề quản lý dự án này, vai trò của Chủ tịch TP Hà Nội rất quan trọng, không phải ở vấn đề chuyên môn... nhưng quan trọng là ông ấy phải chọn ra được người có chuyên môn tốt, biết cách thúc đẩy dự án cho đúng tiến độ.

Bên cạnh đó, Chủ tịch TP cũng có vai trò rất quan trọng trong công tác giải phóng mặt bằng, còn cứ chờ địa phương báo cáo lên, vòng vèo qua hết cửa nọ, cửa kia thì đến bao giờ mới xong. Một dự án tốn kém hơn 1 tỷ USD mà chậm tiến độ đến thế này thì không thể chấp nhận được, nó không chỉ gây thiệt hại về tiền của, mà thiệt hại cả về thời gian và nhiều thứ kéo theo.

Có một điều chắc chắn là dự án này phải chi thêm cả trăm tỷ đồng cho đơn vị tư vấn, vì hợp đồng cũ đã hết rồi, bây giờ làm tiếp thì đương nhiên phải trả tiền người ta.

Cứ đà này thì không biết dự án còn chậm đến bao giờ, mà hoàn thành rồi thì không chắc là công suất sử dụng, chất lượng có đảm bảo nổi không. Hay là lúc đó thì lại đổ lỗi là vì dự án mới nên thiếu kinh nghiệm? Rồi những ông lãnh đạo thực hiện dự án bây giờ có khi lúc ấy nghỉ hưu hết cả rồi, nên chẳng quy trách nhiệm được cho ai. Không có ai phải chịu trách nhiệm thì tàu điện Hà Nội dở bét là phải.

TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị. Ảnh: Giáo dục Việt Nam
TS Nguyễn Xuân Thủy - chuyên gia nghiên cứu giao thông đô thị. Ảnh: Giáo dục Việt Nam

- Nhưng thưa ông, trong một trả lời mới đây của ông Nguyễn Quang Mạnh – Trưởng Ban quản lý dự án đường sắt đô thị Hà Nội cho biết, dự án này chậm không chỉ vì GPMB mà còn do các thủ tục khác. Ông nhận định thế nào?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Thủ tục thế nào là do các cơ quan chức năng, mà cụ thể là do những người đứng đầu các tổ chức ấy, chứ nhân dân người ta không quan tâm tới thủ tục. Bây giờ, tôi chỉ biết rằng hợp đồng ký từ năm 2007, chi ra hàng chục triệu Euro thuê tư vấn, bây giờ hết hạn rồi mà chưa làm được ra cái gì, vậy bây giờ ký tiếp thì phải trả thêm tiền. Tiền đó ai trả? Tất nhiên không phải tiền túi của mấy ông cán bộ, mà là tiền dân đóng. Thế có ai bị cách chức không? Tôi nghĩ cũng chẳng có ai bị đâu.

Thế giới đã có gần 100 thành phố có tàu điện ngầm, bao gồm cả những thành phố cổ kính, lâu đời. Ở Nga có gần chục thành phố có tàu điện ngầm, bao gồm Matxcơva, Xanh-Petecbua; Ucraina thì có Khắc-cốp, Ki-ép; Mỹ cũng rất nhiều là Washington, NewYork, Philadelphia; Chicago. Đặt biệt, NewYork có một mạng lưới tàu điện ngầm gần 500km, nhiều hơn cả Matxcơva của Nga.

Tàu điện ngầm xuất hiện sớm nhất trên thế giới là ở Luân-đôn, đã hơn 1 thế kỷ rồi, và bây giờ họ đã phát triển trên 400km. Những thành phố như NewYork, Washington, Tokyo đều có tàu điện ngầm từ trước những năm 20 của thế kỷ trước, còn Matxcơva có tàu điện ngầm vào năm 1935. Trung Quốc thì có Bắc Kinh, Vũ Hán, Quảng Châu, Triều Tiên có Bình Nhưỡng.

Ngay so sánh với những quốc gia ở Đông Nam Á như Singapore, Bangkok của Thái Lan, Thủ đô Kuala lumpur của Malaysia thì Hà Nội chúng ta cũng đã lạc hậu rồi.

- Nhưng ông Nguyễn Quang Mạnh cũng đưa ra một lý giải khá hợp lý, rằng thực tế thì đây là một dự án hoàn toàn mới ở Việt Nam, cho nên Hà Nội chưa lường hết khó khăn?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Ông ấy nói thế vì không hiểu biết tường tận về giao thông đô thị, cách lý giải như vậy chứng tỏ có sự thiếu trách nhiệm trước nhân dân. Người dân đâu có cần biết là thủ tục thế nào, cái dân cần là một dự án đảm bảo chất lượng và tiến độ, chứ giải thích cái kiểu trây ì như vậy thì cần gì đến lãnh đạo.

Qua chuyện này cũng thấy là chuyện sắp xếp nhân sự làm các dự án quan trọng ở ta đang rất rắc rối, đưa vào những vị trí vô cùng quan trọng cả những con người chuyên môn yếu thì làm sao mà chẳng chậm tiến độ. Từ lúc Hà Nội lập dự án này tới nay đã thay mấy ông trưởng ban rồi, cứ nhìn vào đó là thấy có vấn đề không bình thường.

Công tác quy hoạch còn quan trọng hơn cả kỹ thuật, phải trả lời được bốn câu hỏi: Làm cái gì? Mức độ bao nhiêu? Làm lúc nào? Hiệu quả ra sao? Dự án gì mà chậm tới, chậm lui, rồi đổ tại cái nọ, cái kia… không thể chấp nhận được.

Và rồi cho đến bây giờ thì họ mới làm cái việc mà chúng tôi nói cách đây gần 15 năm, rõ ràng là tầm nhìn quy hoạch không ổn, mà nếu cứ thế này thì còn phải tiếp tục trả giá cho sự lãng phí.

Tôi mong rằng, Nhà nước sẽ có cơ chế siết chặt hơn nữa, hàng năm phải có thống kê và công bố cho nhân dân biết, xem số tiền đầu tư sử dụng ra sao, hiệu quả của nó tới đâu và để quy trách nhiệm cho những người gây lãng phí. Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng rất quan tâm tới việc chống tham ô, quan liêu, lãng phí. Người gọi đó là ba thứ giặc nội xâm, nguy hiểm không kém gì giặc ngoại xâm.

Cách chức để giữ nghiêm kỷ cương?

- Cho đến bây giờ ông có thay đổi quan điểm về thiết kế của tuyến tàu điện này không?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Qua theo dõi và nghiên cứu, tôi bảo lưu quan điểm việc đưa ra các tuyến tàu điện ngầm ở Hà Nội là quá xa vời, nói cách khác thì đó là quy hoạch ảo, thiếu thực tế. Thí dụ, quy hoạch xây dựng đường sắt đô thị cho Hà Nội đang có phương án là trên 100km trong đó có tàu điện ngầm, trong đó có những tuyến với ra tận Như Quỳnh, rồi tuyến Ngọc Hồi với ra tới sân bay Nội Bài. Tôi thấy phương án này là không khả thi.

Kinh nghiệm xây dựng đường sắt đô thị trên thế giới cho thấy, người ta thường áp dụng biện pháp “hoa nở”, tức là từ một trạm trung tâm phát triển ra theo dòng hành khách, theo lưu lượng khách phát triển.

Còn nói riêng về tuyến Nhổn – ga Hà Nội thì tôi thấy buồn cười là người ta làm tới 8 ga trên cao, chỉ có 4 ga dưới lòng đất, ấy thế mà chi phí hết hơn 1 tỷ USD. Còn về khía cạnh kỹ thuật, cách bố trí như vậy cũng không thuận lợi, thế giới rất ít nơi làm nhiều ga trên cao như vậy. Tôi đã nói mãi rồi nhưng người ta chẳng nghe, 

Trước đây, Hà Nội dỡ bỏ khoảng 40km tàu điện do người Pháp xây dựng. Tàu điện là loại phương tiện không bao giờ thiếu được với sự phát triển của các đô thị trên thế giới. Nó an toàn, có khả năng chịu tải cao. Đáng lý ra người ta phải duy trì và phát triển nó thì vào năm 1989 lại dỡ bỏ với lý do ‘đường chật chội’, tất nhiên sau này có nhận ra sai lầm thì cũng khó lòng mà xây dựng lại, vì phá đi thì dễ chứ làm lại thì tốn kém vô cùng.

Thời ấy, tôi đang là chuyên viên nghiên cứu giao thông của Bộ Giao thông đã có 4 bài viết phản đối việc dỡ bỏ hệ thống đường sắt này, nhưng người ta không nghe.

Ts Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, tình trạng không có người chịu trách nhiệm sẽ gây thiệt hại lớn cho tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội.
Ts Nguyễn Xuân Thủy cho rằng, tình trạng không có người chịu trách nhiệm sẽ gây thiệt hại lớn cho tuyến tàu điện Nhổn - ga Hà Nội.

- Theo ông, cần làm gì để ngăn chặn tình trạng chậm tiến độ dẫn tới thiệt hại cho ngân sách như dự án Nhổn – ga Hà Nội?

TS Nguyễn Xuân Thủy: Trước đây, Hà Nội đã có một loạt công trình khác tốn kém và không đạt hiệu quả, điều đó cũng thể hiện tầm nhìn của những người được giao trọng trách làm công tác quy hoạch, đó là: Xây dựng cầu Thăng Long quá sớm, vào năm 1985 một cây cầu đồ sộ tốn nhiều tỷ đồng hoàn thành, nhưng đáng tiếc khi hoàn thành rồi mới thấy rất ít phương tiện đi lại. Và cho tới cả chục năm sau này khi mà cây cầu đã có nhiều triệu chứng hỏng thì mới thực sự khai thác được. Trong khi đó cầu Long Biên thì quá cũ và ùn tắc, và việc hoàn thành cầu Chương Dương vào năm 1986 cũng không đủ đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, vì cây cầu này quá nhỏ.

Hà Nội cũng đã dỡ bỏ khoảng 40km tàu điện do người Pháp xây dựng. Tàu điện là loại phương tiện không bao giờ thiếu được với sự phát triển của các đô thị trên thế giới. Nó an toàn, có khả năng chịu tải cao. Đáng lý ra người ta phải duy trì và phát triển nó thì vào năm 1989 lại dỡ bỏ với lý do đường trật chội.
Trong khi đó, xây dựng các cầu vượt sông Hồng và cầu vượt ở các ngã tư lập thể lại quá chậm. Sau gần 25 năm kể từ khi hoàn thành cầu Chương Dương, chúng ta mới có thêm cầu Thanh Trì và cầu Vĩnh Tuy, tốc độ xây dựng cầu như vậy là quá chậm, trong khi ở những quốc gia tiên tiến thì ở thành phố có con sông lớn như vậy họ phải đặt tới cả chục cây cầu.
Còn cầu vượt ở ngã tư lập thể  thì chúng tôi đã từng cảnh báo và nói rất nhiều lần nhưng 10 năm sau TP.HCM và Hà Nội mới làm, và cứ đổ lỗi cho ý thức của người tham gia giao thông kém.
Gần nhất, những cây cầu bộ hành ở nút giao cắt Bạch Mai - Đại Cồ Việt và Kim Mã - Deawoo, làm chưa xong bao lâu lại bị dỡ bỏ, gây tốn kém nhiều tỷ đồng. Tuy nhiên, không có ai đứng ra chịu trách nhiệm, thậm chí những người có trách nhiệm trong ngành giao thông của thành phố lại coi đó là chuyện bình thường..
Gần đây, tôi thấy nhiều người nói về việc phải gắn trách nhiệm của cá nhân lãnh đạo ở từng tổ chức với công việc. Tôi ủng hộ điều đó, làm như vậy là đúng, như vậy sẽ loại bỏ được tình trạng núp bóng tập thể để ra quyết định. Cứ cách chức hết những ông để xảy ra sự cố thì kỷ cương sẽ nghiêm cả thôi.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Ngọc Quang (Thực hiện)