Tết này đi đâu?

01/02/2014 07:47
Hạ Thương
(GDVN) - Tết này du xuân ở đâu là câu hỏi nhiều người, nhiều gia đình đặt ra. GDVN xin được giới thiệu đến bạn đọc một số địa điểm du xuân lý tưởng trong Tết Giáp Ngọ.

1. Mộc Châu

Không ồn ào tấp nập nhưng Cao nguyên Mộc Châu những ngày đầu xuân thật nhiều hoa đào hồng thắm, hoa mận nở trắng núi rừng và những nét hoang sơ tự nhiên của núi non, hồ nước khiến nhiều người chọn Mộc Châu là điểm đến du xuân cho cả gia đình.

Thác Dải Yếm - Mộc Châu
Thác Dải Yếm - Mộc Châu

Cao nguyên Mộc Châu nằm ở độ cao 1.050m so với mặt biển, cách Hà Nội gần 200 km về phía Tây Bắc theo Quốc lộ 6. Đây là cao nguyên lớn trải dài khoảng 80 km, rộng 25 km, với 1.600 ha đồng cỏ. Nhiệt độ trung bình là 20°C. Nếu như ví Sơn La là thiếu nữ ngọc ngà bên suối, thì Mộc Châu mang dáng vẻ đôi mắt huyền ảo của nữ sơn cước. Vẻ đẹp bao la, khoáng đạt và thơ mộng của Mộc Châu đã làm đắm say bao hồn du khách.

Những ngày Xuân sau Tết, cao nguyên Mộc Châu như nàng tiên vừa bừng dậy sau giấc ngủ, khoác trên mình váy áo mới trắng tinh khiết được tạo nên bởi hoa mơ, hoa mận, hoa cải...

Cao nguyên Mộc Châu giờ đây đã trở nên gần gũi với những người thích đi du lịch. Bốn mùa thời tiết mát mẻ đã tạo cho cao nguyên này một vẻ đẹp mộc mạc, bình yên. Đó là những đồi chè mướt xanh, những trảng cỏ voi xanh mởn nhũng nhẵng đàn bò sữa gặm cỏ, tới những đồi mận, mơ và những cánh đồng cải nở trắng độ xuân về...

2. Sa pa

Cũng là một lựa chọn không tồi cho kỳ nghỉ tết miền Bắc, Sapa nổi tiếng với cảnh đẹp núi non trong mây mù và sắc màu thổ cẩm của các dân tộc miền núi. Bạn có thể ghé thăm Cổng trời, các thung lũng nở hoa, bản Tả Phìn… và thưởng thức trứng nướng, khoai nướng thơm, ấm cùng các món ăn dân tộc ngon lạ khi đêm xuống khi đến du lịch Sapa.

Thị trấn Sa Pa cách thành phố Lào Cai 38 km và cách Hà Nội 376 km. Ngoài con đường chính từ thành phố Lào Cai, để tới Sa Pa còn một tuyến giao thông khác, quốc lộ 4D nối từ xã Bình Lư, Lai Châu sang. Hoàng Liên Sơn là dãy núi cao nhất Việt Nam, trong đó có đỉnh Fansipan cao 3.143m.

Vào những ngày đẹp trời, trên đỉnh Fansipan nhìn xuống lưng chừng núi phía Đông, bạn sẽ thấy các thung lũng uốn cong xuống như những cánh hoa hướng lên trời cao, các dải ruộng bậc thang đẹp như tranh vẽ bao quanh các dòng suối lớn như những sợi chỉ trắng dài. Ở đúng nơi các miệng thung lũng này dâng lên và quây lại như tâm của một đài hoa, nhụy hoa, đó chính là Sa Pa.

Nằm ở độ cao 1.600m so với mực nước biển, Sa Pa như lẫn trong mây. Không có nơi nào trong vùng núi rừng Hoàng Liên Sơn có được một vị trí địa lý đẹp và khí hậu tuyệt vời như ở Sa Pa. Một ngày ở đây có đủ bốn mùa: Xuân, Hạ, Thu, Đông. Nhiệt độ trung bình năm của Sa Pa là 15°C. Ngay cả mùa hè, nhiệt độ ở Sa Pa chỉ khoảng 20°C-25°C vào ban ngày và khoảng 13°C-15°C vào ban đêm. Mùa đông thường có mây mù bao phủ và lạnh, nhiệt độ có khi xuống dưới 0°C. Nếu may mắn, bạn có thể được thưởng thức tuyết rơi ở Sa Pa.

Mây trắng chính là một báu vật riêng có của Sa Pa. Trong bất kỳ bức ảnh nào trên các tờ lịch, bưu thiếp, hay các tờ báo, tạp chí, Sa Pa luôn ẩn hiện giữa trời mây trắng. Đến Sa Pa, du khách luôn có cảm giác mình được bồng bềnh trong một biển mây. Mây mù dày đặc, cách chỉ vài mét đã không nhìn rõ mặt nhau. Có lúc mây dãn mỏng và loãng như sương khói, tạo thành những dải lụa trắng đục kéo ngang mặt đường, ngọn cây, len lỏi vào từng góc sân, vạt cỏ.

Sa Pa quanh năm mây mù, nhưng cũng có khi sau cơn mưa rào, trời quang đãng. Sa Pa se se lạnh, phố xá sạch sẽ. Vào tuần trăng, ánh trăng toả ánh sáng lung linh như dát vàng xuống từng con đường nhỏ.

Một quà tặng nữa mà đất trời ban cho Sa Pa, đó là hoa đào. Đào Sa Pa nhiều cành, nhiều nhánh, tự tạo ra nhiều thế đào khác nhau, khi thì gợi vẻ cổ kính, có lúc lại mang dáng khoẻ khoắn, thanh tân. Trên mỗi nhánh đào là cả một tập hợp những nụ hoa chắc mẩy, đang phấp phỏng chờ đợi được cựa mình khoe sắc. Vào dịp xuân, đi ở những vùng núi Ô Quý Hồ, Tả Phìn, Sa Pả... trong ánh nắng xuân vàng dịu, hoa đào bung cánh mỏng manh trong sương sớm. Hoa mận cũng đua nở trắng tựa mây.

3. Hội An

Trong những ngày tết Nguyên đán, tại TP.Hội An (Quảng Nam), lễ hội đèn lồng Hội An được xem là một điểm nhấn vô cùng đặc sắc, thu hút không ít khách thập phương đến thưởng lãm...

Phố cổ Hội An vào những đêm không thắp đèn điện, ánh sáng lung linh của đèn lồng tô điểm giữa những căn nhà cổ rêu phong, thật lung linh, giàu xúc cảm. Đi sâu vào trong phố cổ giữa ánh sáng huyền hoặc của những chiếc đèn lồng, có cảm giác như lạc vào xứ sở thần tiên...

Những chiếc đèn lồng đủ mọi kiểu dáng, hình dạng như hình trái bí, củ tỏi, lục giác, đu đủ, bánh ú, hình cái dù... Nhiều nghệ nhân đèn lồng còn điêu luyện tạo nên những chiếc đèn hình rồng, hình cá, hình bông hoa.. rất đẹp mắt và đầy tính nghệ thuật. Không chỉ phục vụ trang trí cho phố cổ, từ hàng chục năm nay, những chiếc đèn lồng trở thành một món quà lưu niệm mà du khách chọn lựa khi đến Hội An. Chính vì vậy, lễ hội Lồng đèn thực sự là một sân chơi mà du khách vô cùng trông đợi.

Đây là lần thứ sáu lễ hội Lồng đèn Hội An được tổ chức. Mỗi năm, vào dịp tết Nguyên đán, lễ hội Lồng đèn Hội An là một trong những sự kiện rất được chờ đợi. Năm nay, theo Ban tổ chức lễ hội Lồng đèn Hội An, lễ hội sẽ diễn ra từ đêm 28.1 (28 tháng Chạp Quý Tỵ) đến 5.2 (mồng 6 tết Giáp Ngọ) với nhiều phần thi hấp dẫn, thu hút nhiều nghệ nhân đèn lồng tham dự.

Lễ hội với nhiều cuộc tranh tài thú vị như: thi lồng đèn nghệ thuật, thi lồng đèn thương mại và nghệ thuật sắp đặt lồng đèn, tạo nên không gian ánh sáng và sắc màu tại khu phố cổ và vườn tượng An Hội... Những chiếc đèn lồng dự thi trong những lễ hội năm trước luôn mang đến cho người thưởng lãm những bất ngờ, bởi sự tài tình của những nghệ nhân làm đèn lồng. Lễ hội Lồng đèn năm nay còn có cuộc thi Ngày hội tuổi thơ với đèn lồng Hội An, diễn ra tại vườn tượng An Hội, giúp các em thiếu nhi của Hội An cũng như các nơi có được những trải nghiệm tuyệt vời với nghề thủ công truyền thống này...

Cùng với nhiều hoạt động mừng xuân được TP.Hội An tổ chức, vô cùng phong phú và đặc sắc, thì lễ hội Lồng đèn Hội An thực sự là một hoạt động đáng để du khách dừng bước tại Hội An trong những ngày tết Nguyên đán, để có những trải nghiệm vô cùng thú vị...

4. Đà Lạt

Xuân về, Đà Lạt bỗng rộn lên với đủ sắc màu vì khắp các loài cây, cỏ đều nở hoa; từ những loài sang trọng, điệu dà như phong lan, trà mi, đổ quyên... đến những hoa chỉ thấy ở ngoại thành như cà rốt, khoai tây...

Hằng năm, những cơn mưa đã thưa dần, đôi khi sáng chiều bầu trời Sài Gòn bỗng chuyển màu bàng bạc với chút gió lạnh miên man cũng là lúc ở Tây Nguyên dã quỳ đã dát vàng những ngọn đồi, con dốc. Chỉ chờ có thế, cư dân xứ nóng lại rủ nhau đi Đà Lạt ngắm hoa. Hẹn hò đã nhiều năm nhưng năm nào tôi cũng lỗi hẹn.

Xuân đến, khắp các phố phường Đà Lạt lại điểm thêm màu hồng ngọt ngào của những cây hoa đào vừa mới bung nụ. Không chỉ vậy, để chuẩn bị đón Tết, nhiều nhà vườn dựng lán ven đường bán hoa lan với đủ chủng loại, màu sắc làm ai bàng quan lắm với chuyện Tết nhất cũng phải nôn nao. Men ra ngoại thành, càng ngất ngây hơn với đủ những loài hoa cỏ đồng nội mà người đồng bằng mới thấy lần đầu.

Hạ Thương