Thái Thùy Linh bị "ám ảnh" bởi những con số ở Nậm Mười

25/10/2011 14:23
Văn Trinh
(GDVN) - Với Thái Thùy Linh, đĩa sắn luộc mà các em học sinh vùng cao tặng chị sau khi biểu diễn còn ý nghĩa hơn nhiều những bó hoa lớn, đắt tiền ở Hà Nội.

Sau hành trình mang bữa cơm có thịt đến với học sinh vùng cao Nậm Mười, Văn Chấn (Yên Bái), ca sỹ Thái Thùy Linh tâm sự rằng: chuyến đi đã ám ảnh chị từ lúc trở về từng giờ phút một - dù cuộc sống ở Hà Nội quá nhiều bận rộn, xô bồ. Có tận mắt chứng kiến cuộc sống học sinh nghèo vùng cao chỉ chưa đầy 1 ngày trọn vẹn đủ khiến chị hiểu, các bạn nhỏ Nậm Mười khó khăn tới mức nào.


Trao đổi với PV Báo GDVN sau chuyến đi chị tâm sự, kỷ niệm không bao giờ quên được chính là đêm giao lưu văn nghệ với các em học sinh dân tộc nội trú ở Nậm Mười tối 23/10.

Đêm đó, trên nền đất bụi bặm với hệ thống âm thanh tiêu chuẩn “xã” và ánh sáng le lói của chiếc bóng đèn mắc trên cột gỗ, Thái Thùy Linh đã hát bằng tất cả cảm xúc, bằng con tim trước sự hào hứng, cổ vũ chân tình nơi đồng bào vùng cao Nậm Mười.
Thái Thùy Linh nhận được rất nhiều hoa rừng của học sinh Nậm Mười. Ảnh: Văn Trinh.
Thái Thùy Linh nhận được rất nhiều hoa rừng của học sinh Nậm Mười. Ảnh: Văn Trinh.
- Trở về Hà Nội sau hành trình mang bữa cơm có thịt đến với học sinh vùng cao Nậm Mười cùng Báo Giáo dục Việt Nam, chị cảm nhận được gì?


Bên cạnh nhiều niềm vui, thật lòng, tôi cảm thấy hơi bùi ngùi. Lên Nậm Mười, tôi mới thấy tận mắt, sờ tận tay và nghe tận tai về cuộc sống, những câu chuyện, con số khiến bản thân phải đắn đo suy nghĩ.  

Tối 23, sau tất cả những sự rộn rã, vui vẻ của đêm giao lưu văn nghệ, tôi có ngồi lại trao đổi với thầy hiệu trưởng trường THCS Nậm Mười để tìm hiểu rõ hơn về cuộc sống ở đây. Tôi thực sự xót xa khi nghe thầy nói ra con số 650đ/bữa ăn của 1 học sinh! À, không phải, chính xác là 1.300đ cho 3 bữa ăn trong một ngày. Thực sự, số tiền ấy cho 3 bữa ăn (sáng các bạn ăn cháo) đã nói lên rất nhiều điều.

Trong chuyến đi, tôi được ăn thử thức ăn của các em: Một đĩa rau rừng xào và cơm trắng. Bữa ăn đó chưa bằng một phần ăn bình dân nhất ở Hà Nội mà tôi từng biết. Thực sự là nó quá đạm bạc, lại chia đều cho 6 bạn nhỏ.

- Ngoài con số 1.300đ cho 3 bữa ăn/1 học sinh trong một ngày. Liệu còn một vài con số nào khác “ám ảnh” chị?

Thầy hiệu trưởng nói về một số em học sinh cách trường 21 km, cứ buổi trưa thứ 7, các em phải đi bộ đường rừng về nhà để lấy gạo, tiền, rau và củi. Ở nhà một buổi, chiều chủ nhật lại đến trường, vác trên vai ít nhất 3kg gạo, một bó củi to và rau.

Từ quốc lộ để vào được Nậm Mười, chúng tôi phải đi thêm 18 km đường núi đá lổn nhổn gập ghềnh khá vất vả. Trên đường đi, có những đoạn đường khiến tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng, thậm chí căng cứng người vì mải nhìn đường và bám giữ vào xe. Vậy, mà các em lớp bé lớp 6-7 vốn dĩ rất còi cọc phải đi bộ một mình 21 km đường rừng mang theo nhiều thực phẩm, thực sự tôi không tưởng tượng được.
Bữa cơm đạm bạc chỉ có cơm và canh của học sinh Nậm Mười khiến ca sỹ Thái Thùy Linh phải nghẹn lòng. Đoàn công tác Báo Giáo dục VN đã chuẩn bị một sẵn một chút thức ăn mang lên góp vào bữa ăn của các em. Ảnh: Văn Trinh
Bữa cơm đạm bạc chỉ có cơm và canh của học sinh Nậm Mười khiến ca sỹ Thái Thùy Linh phải nghẹn lòng. Đoàn công tác Báo Giáo dục VN đã chuẩn bị một sẵn một chút thức ăn mang lên góp vào bữa ăn của các em. Ảnh: Văn Trinh
Theo lời thầy hiệu trưởng THCS Nậm Mười, trong số hơn 200 em học sinh, có khoảng 15-20 em rất nghèo. Đồ dạc trong nhà hoàn toàn không có gì đáng giá và thường xuyên phải nợ tiền ăn của nhà trường - mà số tiền đó chỉ có 10 nghìn đồng thôi! Như tuần mới đây nhất (từ ngày 16 đến 23/10) nhà trường có 171 học sinh ăn ở trường, mà mới chỉ thu được 360 nghìn, tức là chỉ có 36 học sinh có tiền để đóng tiền ăn. Qua lời các thầy cô giáo, các em không có tiền đóng chứ không phải có tiền mà không đóng. Thế mới biết, việc học của các em quá là vất vả.

Từ chuyến đi trở về, tôi không dám nói trước điều gì, nhưng con số mà tôi biết sẽ nằm trong suy nghĩ và công việc của tôi sắp tới. Tôi sẽ phải suy nghĩ nhiều hơn về chuyến đi cùng Báo Giáo dục Việt Nam.  Tôi rất muốn đồng hành cùng Báo một cách lâu dài, mạnh mẽ hơn nữa.

Tôi hy vọng chương trình "Bữa ăn có thịt" của Báo nhận được nhiều sự chia sẻ, không chỉ ở các mạnh thường quân, các doanh nghiệp hay cơ quan đoàn thể mà từ mỗi 1 cá nhân trong cộng đồng. Bởi, với 1 mức sống ở Hà Nội, bất kể học sinh từ mầm non, tiểu học hay đến sinh viên đều có thể góp 1 bữa ăn có thịt cho các em học sinh vùng cao. Chỉ 2000đ có thể giúp các em một bữa ăn có thịt, sẽ là 1 vấn đề khác hẳn chuyện 2000đ mua hành, mua tỏi - có cũng được mà không cũng chẳng sao.

- Trong chương trình giao lưu văn nghệ với trường THCS Nậm Mười tối 23/10, Thái Thùy Linh đã hát rất ngẫu hứng trước đồng bào dân tộc nơi đây. Nếu làm một phép so sánh, chị thấy biểu diễn ở nơi heo hút, hẻo lánh trên nền đất như vậy khác gì với những sân khấu lớn mà chị từng tham gia?

Tôi đã có một đêm biểu diễn đúng nghĩa, trên sân khấu đúng nghĩa, trước những khán giả vô cùng đáng quý. Bởi tôi chắc rằng, không phải bất cứ 1 chương trình âm nhạc hoành tráng nào, người nghệ sỹ cũng có nhiều khán giả đáng quý như thế! Tôi vô cùng sung sướng vì thấy sự nghiệp âm nhạc mà bản thân nỗ lực suốt nhiều năm qua đã có nơi để đem tặng, dâng hiến một cách có ý nghĩa.  

Trong đêm giao lưu văn nghệ, tôi hát 6 bài và muốn hát nhiều hơn nữa nếu chương trình cho phép. Phải nói thật, cũng rất lâu rồi, tôi không biểu diễn ở đâu nhiều bài hát như vậy. Người ta vẫn nói “đi với bụt mặt áo ca sa, đi với ma mặc áo giấy”, với những chương trình thương mại, đôi khi ca sỹ chúng tôi phải tính tiền, bài hát còn hát ở Nậm Mười, tôi không mang chút toan tính nào, mà thực sự sung sướng khi được cất lên tiếng hát trước các em học sinh. Đó là điều tiền không mua được.

- Ở Hà Nội hoặc nhiều nơi biểu diễn khác, hoa khán giả dành tặng chị, chắc chắn rất đẹp và được gói ghém cẩn thận. Ngược lại, ở vùng cao Nậm Mười, điều chị nhận lại ở các em học sinh chỉ là những bó hoa rừng đơn giản, thậm chí có phần thiếu cẩn thận. Chị nghĩ gì về những bó hoa rừng đó?


Trong cuộc đời đi hát, tôi từng nhiều lần gặp cảnh trớ trêu ở phòng trà hoặc nhà hàng là hát xong nhà hàng, phòng trà đó sẽ “xin” lại bó hoa đó. Và, với 1 người khái tính như tôi, đó là một vết xước trong tâm trí.

Lên sân khấu, ca sỹ nào chẳng muốn nhận được tình cảm từ phía khán giả như tràng vỗ tay, ánh mắt thiện cảm và những bó hoa cho mình. Điều đó là hiển nhiên. Tôi cũng vậy thôi! Có điều, tình cảm của khán giả dành cho nghệ sỹ xuất phát từ đâu mới là điều tôi quan tâm, còn hình thức chỉ rất nhỏ.

Biểu diễn ở Nậm Mười, tôi vô cùng hạnh phúc khi nhận được hoa rừng từ các em học sinh - những bó hoa không phải các em giật vội ở đâu đấy mà được bọc giấy báo rất trang trọng. Cách tặng cũng vô cùng trang trọng, lịch sự: Em tặng chị! Em tặng cô!

Các em còn tặng tôi một loài hoa vô cùng đặc biệt mà dưới thành phố không bao giờ có: “hoa sắn”. Sau chương trình giao lưu, tôi rất cảm động khi các em học sinh mang cho đoàn công tác rất nhiều sắn luộc rất ngon. Tôi gọi đĩa sắn luộc đó là “hoa sắn”, vì tôi thấy nó ý nghĩa hơn rất nhiều bó hoa lớn, đắt tiền ở Hà Nội.
Các em học sinh háo hức khi được gặp Thái Thùy Linh. Ảnh: Văn Trinh.
Các em học sinh háo hức khi được gặp Thái Thùy Linh. Ảnh: Văn Trinh.
- Trong đêm văn nghệ, chị ký tặng rất nhiều, lúc thì trên những tờ giấy nhàu nát, lúc thì trên lưng áo, hay một cuốn vở không còn lành lặn. Với cái “tôi” nghệ sỹ, chị có cảm thấy tự ái?


Nói thật là ký nhiều… cũng mệt thật! Vì các em đông, lại xin chữ ký rải rác nữa. Nhưng không sao, tôi hiểu rằng, đã từ lâu lắm các em không có một đoàn công tác nào dưới xuôi lên thăm như thế. Dù có ký mỏi tay đến đâu chăng nữa, tôi vẫn rất vui vẻ bởi biết rằng, chỉ một hành động nhỏ của mình cũng đủ mang lại niềm vui lớn đến cho các em.

Tiếp xúc với đồng bào vùng cao, tôi thấy mình may mắn, tin yêu vào cuộc sống, thấy cần thêm nỗ lực trong sự nghiệp của mình. Điều đó vô cùng quan trọng, chính nó nuôi dưỡng cảm xúc cho một người nghệ sỹ để cống hiến và có ích hơn trong xã hội.

- Theo quan điểm của chị, người thành phố có nên để con cái tham gia vào những chuyện đi từ thiện lên vùng cao không?


Rất nên. Chuyến đi sẽ là dịp giúp con trẻ có thêm nhiều trải nghiệm cuộc sống. Tận mắt nhìn thấy những số phận vất vả, thiếu thốn, thiệt thòi hơn mình, các em sẽ thấy bản thân cần phải thay đổi.

Khi biết mẹ tham gia chuyến đi lên vùng cao Nậm Mười, con gái tôi và 2 chị họ của bé (một học lớp 3, một học lớp 7) rất muốn tham gia. Nhưng đây là chuyến đi đầu tiên của tôi lên vùng cao ở miền Bắc nên chưa hình dung mọi việc thế nào, cộng thêm việc các cháu vẫn phải học nữa, nên tôi chưa muốn cho các con đi cùng. Các cháu buồn lắm nên đã xin phép mẹ đập lợn gửi quà cho các bạn vùng cao. Các cháu đập ra được 380 nghìn đồng, thấy lẻ quá nên xin thêm mẹ 20 nghìn cho chẵn và gửi lên cho các bạn vùng cao. Những chuyến đi khác, tôi sẽ đưa con hoặc các cháu mình đi cùng.

- Sau chuyến đi trở về, chị sẽ nói gì với con, các cháu của mình?

Tôi có chụp lại một số hình ảnh về cuộc sống các em học sinh vùng cao và tôi nghĩ, không có một lời dạy nào thuyết phục hơn những hình ảnh đó. Tôi sẽ đưa các cháu xem ảnh rồi hỏi các cháu hỏi là món ăn gì? Nấu cho bao nhiêu bạn ăn? Rồi muốn các cháu so sánh với bữa ăn của mình ở nhà.

Dự kiến cứ 2 - 3 tuần, Báo Giáo dục Việt Nam sẽ tổ chức một chuyến đi thăm và tặng quà tới các em học sinh vùng cao. Báo rất mong  tiếp tục nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của quý bạn đọc trong thời gian tới.

Mọi sự ủng hộ xin gửi về:

- Báo điện tử Giáo dục Việt Nam

- Địa chỉ: số 147 Mai Dịch, Cầu Giấy, Hà Nội

- Tel: 04.6261.0666 – 04.6261.0888

- Tài khoản số: 1507201058249 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn, chi nhánh Cầu Giấy

- Email: toasoan@giaoduc.net.vn


Văn Trinh