Tham luận của Đại sứ Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thành lập ASEAN tại Ba Lan

15/09/2017 12:28
Nguyễn Thức Tuấn
(GDVN) - Ngày 13/9, Ủy ban ASEAN tại Warszawa (Ba Lan) đã tổ chức Hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN.

Ngày 13/9, Ủy ban ASEAN tại Warszawa (Ba Lan) đã tổ chức Hội thảo kỷ niệm 50 năm ngày thành lập ASEAN.

Tham dự và trình bày tham luận tại Hội thảo có Thứ trưởng Ngoại giao Ba Lan Marek Magierowski, Đại sứ các nước ASEAN tại Ba Lan (Indonesia, Malaysia, Philippines, Thái Lan và Việt Nam).

Hội thảo còn có sự hiện diện của Đại sứ các nước đối tác của ASEAN gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và các học giả, phóng viên báo chí tại Ba Lan.

Các vị đại sứ tham gia đã nối vòng tay lớn vì sự ổn định và thịnh vượng của ASEAN.
Các vị đại sứ tham gia đã nối vòng tay lớn vì sự ổn định và thịnh vượng của ASEAN.

Tại hội thảo, các phái đoàn ngoại giao đã trình bày tham luận của mình. Các Những người tham gia hội thảo có thể trao đổi, đối thoại trực tiếp với các vị đại sứ trong sự kiện này.

Nội dung của các tham luận và đối thoại được mở rộng trên nhiều khía cạnh như kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường và những thách thức trong phát triển bền vững của ASEAN,...

Đại sứ Việt Nam tại Ba Lan, ông Vũ Đăng Dũng, đã có bài tham luận về vấn đề chính trị và an ninh của ASEAN.

Bài tham luận của ông Dũng cho thấy những hiểu biết sâu sắc và tầm nhìn chiến lược của Đại sứ Việt Nam đối với tình hình ASEAN và đã được những người tham dự đánh giá cao.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng trình bày tham luận tại hội thảo.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng trình bày tham luận tại hội thảo.

Ông Dũng cho rằng, qua 50 năm hình thành và phát triển, ASEAN có 2 thành tựu rất ấn tượng, đó là:

Thứ nhất, nhờ có ASEAN mà tình trạng đối đầu giữa hai khối ở Đông Nam Á đã chấm dứt.

Những quốc gia cựu thù đã trở thành bạn bè và đối tác, hợp tác trên tất cả các lĩnh vực phát triển cùng có lợi.

Với Hiến chương ASEAN năm 2007 và sự ra đời của Cộng đồng ASEAN vào năm 2015, ASEAN đang trở nên thống nhất, gần gũi và có pháp nhân tập thể mạnh, chỉ đứng sau Liên minh Châu Âu hiện nay.

Thứ hai, đối với các nước ngoài khu vực, ASEAN cũng mang lại nhiều lợi ích, cho phép họ tận dụng lợi thế từ sự hợp tác của mình, đặc biệt là các cường quốc.

Các cơ chế mà ASEAN thành lập như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Hội nghị các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN (ADMM +), Cơ chế ASEAN + 1 và ASEAN +3 đã thu hút các cường quốc tham gia, kể cả các đối tác chính của EU.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng cùng tham gia trao đổi, đối thoại tại hội thảo.
Đại sứ Vũ Đăng Dũng cùng tham gia trao đổi, đối thoại tại hội thảo.

Những thách thức mà ASEAN đã vượt qua trong suốt 50 năm qua cả từ bên trong lẫn bên ngoài là rất lớn.

Và hiện nay, nhiều vấn đề an ninh, chính trị mới nổi lên đang ảnh hưởng đến nền hòa bình và ổn định của khu vực này, bao gồm cả những thách thức truyền thống lẫn phi truyền thống như: an ninh hàng hải, các tranh chấp về lãnh thổ, hải đảo, tài nguyên, khủng bố và các tội phạm xuyên quốc gia, an ninh nước và môi trường sinh thái,...

Ngoài ra, còn có những tác động bất lợi từ sự cạnh tranh giữa các cường quốc đến ASEAN.

Đại sứ Vũ Đăng Dũng nêu ra 3 bài học lớn đã giúp ASEAN phát triển ổn định và nâng cao uy tín trong thời gian qua.

Đó là:

Thứ nhất, tôn trọng sự “độc lập và tự chủ” của các quốc gia. Đây là một giá trị cốt lõi, hình thành trong lịch sử của ASEAN và cũng là tương lai của tổ chức này;

Thứ hai, xây dựng được sự "đoàn kết và thống nhất" trong khối.

Lịch sử đã chứng minh rằng bất cứ khi nào ASEAN thống nhất trên cơ sở hài hòa lợi ích chung của nhau thì vai trò và tiếng nói của Hiệp hội sẽ được tôn trọng và gìn giữ;

Thứ ba, ASEAN cũng như mỗi thành viên của mình có thể nắm giữ vai trò trung tâm trong các cơ chế hợp tác khu vực.

Một ASEAN gắn bó thống nhất, vững mạnh và có quan hệ đối tác, hợp tác tốt với bên ngoài, thì hoàn toàn có thể đóng vai trò trung gian hòa giải tích cực, giúp hóa giải các xung đột lợi ích và duy trì hòa bình, an ninh và ổn định trong khu vực, cũng như trên thế giới.

Các đại sứ đối thoại về những vấn đề của ASEAN.
Các đại sứ đối thoại về những vấn đề của ASEAN.

Cũng trong tham luận của mình, Đại sứ Vũ Đăng Dũng đã khẳng định rằng, trong suốt 22 năm gia nhập ASEAN, Việt Nam luôn nỗ lực hết mình để đóng góp tích cực và có trách nhiệm trước các công việc của Hiệp hội, nhằm duy trì và thúc đẩy một trật tự ở khu vực Đông Nam Á, dựa trên những nguyên tắc của khu vực và phù hợp với luật pháp quốc tế.

Việt Nam sẽ tiếp tục chủ động làm việc với các nước, cùng phấn đấu để đạt được mục tiêu mà Cộng đồng ASEAN đã đề ra, đó là “sự thịnh vượng và thống nhất trong đa dạng” của tất cả các quốc gia thành viên.

Trong phần đối thoại, các vị đại sứ và những người tham dự đã bày tỏ quan điểm rất cởi mở, kể cả những góc nhìn trên tư cách cá nhân, vì một tương lai ASEAN phát triển ổn định và thịnh vượng.

Đại sứ Indonesia phân tích về sự khác biệt giữa môi trường chính trị, tôn giáo, văn hóa giữa Châu Âu và Đông Nam Á khiến ASEAN chưa thể nâng mức hợp tác lên như EU.

Một số nhà ngoại giao Châu Âu lo ngại rằng nếu ASEAN không thực sự thống nhất thì ngay cả khi EU muốn tăng cường hợp tác ở tầm khu vực, góp tiếng nói cho sự phát triển ổn định của Đông Nam Á cũng rất khó.

Vì một số quốc gia có thể lấy lý do nào đó để khước từ sự hiện diện của EU trong các hoạt động chính thức của ASEAN.

Trao đổi bên lề hội thảo, Đại sứ Vũ Đăng Dũng cho rằng, mặc dù vẫn có những ý kiến tỏ ra nghi ngờ về sự toàn cầu hóa, nhưng thực tế thì quá trình toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ.

ASEAN là một định chế theo xu hướng đó. Nếu ASEAN bị chia nhỏ, tan rã thì các quốc gia trong khối đều phải đối diện với những bất lợi về quan hệ quốc tế, nhất là trước các đối tác quá lớn mạnh.

Nguyễn Thức Tuấn