Thanh Hóa sáp nhập thôn, tổ dân phố và bài học sức mạnh quần chúng

26/07/2018 07:27
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
(GDVN) - "Quan điểm trong việc thực hiện sáp nhập thôn là không được duy ý chí mà phải thực hiện trên cơ sở thực tế, khoa học và sự đồng thuận của nhân dân".

Tiếp theo kỳ trước

LTS: Song song với việc kiện toàn lại hệ thống chính trị, các chức danh hoạt động không chuyên trách ở các thôn, tổ dân phố mới theo quy định cũng được các địa phương nhanh chóng thực hiện. Tuy nhiên, để kịp thời tháo gỡ những khó khăn trong quá trình sáp nhập thôn phát sinh tại cơ sở, cần sự chung tay, góp sức của lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh. Về vấn đề này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa.

Chủ trương hết sức đúng đắn
 
Phóng viên: Thưa ông, việc sáp nhập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa thời gian qua có ý nghĩa như thế nào trong việc triển khai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tại khu dân cư?
 
Ông Đầu Thanh Tùng: Có thể nói việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đã và đang đạt được những kết quả bước đầu, tạo ra hiệu ứng, sức lan tỏa tích cực và sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân trong tỉnh.

Điều này đã khẳng định việc sáp nhập thôn, tổ dân phố là chủ trương đúng đắn, phù hợp với thực tiễn của địa phương; có ý nghĩa quan trọng trong thực hiện Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị về việc tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa. Ảnh do nhân vật cung cấp.
Ông Đầu Thanh Tùng, Giám đốc Sở Nội vụ Thanh Hóa. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Việc sáp nhập sẽ làm tăng quy mô của thôn, tổ dân phố, góp phần đảm bảo các tiêu chí, tiêu chuẩn theo quy định. Sáp nhập thôn, tổ dân phố góp phần thu gọn đầu mối, tinh giản số lượng người hoạt động không chuyên trách, qua đó sẽ giảm chi ngân sách Nhà nước, góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư cho thôn, tổ dân phố, từng bước nâng phụ cấp cho người hoạt động không chuyên trách.
 
Việc tổ chức triển khai sáp nhập thôn, tổ dân phố giúp tăng quy mô các thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh, góp phần kiện toàn, củng cố các tổ chức chính trị - xã hội ở thôn, tổ dân phố mạnh về số lượng, chất lượng; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; trong triển khai nhiệm vụ do cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội cấp trên giao; bảo đảm đoàn kết, dân chủ, công khai, minh bạch; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn xã hội và vệ sinh môi trường;

Phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp ở địa phương; xây dựng, giữ vững danh hiệu thôn văn hóa, tổ dân phố văn hóa; phòng chống các tệ nạn xã hội và xóa bỏ hủ tục trong việc xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, hiện đại; phát triển sản xuất; xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phúc lợi; xóa đói, giảm nghèo.

Tập trung tháo gỡ khó khăn
 
Thực tế tại một số địa phương, sự khác biệt về phong tục tập quán, tôn giáo, địa hình chia cắt, gây ra những khó khăn không nhỏ trong quá trình thực hiện sáp nhập thôn, tổ dân phố. Cấp có thẩm quyền đã đưa ra những giải pháp nào để tháo gỡ những khó khăn này, thưa ông?
 
Ông Đầu Thanh Tùng: Thời gian qua, công tác sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh đã được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện; tạo thành đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp từ tỉnh đến cơ sở;

Hoạt động tuyên truyền được chú trọng, tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân. Điều này thể hiện ở kết quả thực hiện vượt mục tiêu đề án đã đề ra.

Thanh Hóa sáp nhập thôn, tổ dân phố và bài học sức mạnh quần chúng ảnh 2Mới chỉ sáp nhập thôn, Thanh Hóa đã giảm hơn 9.000 cán bộ

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cũng có một số khó khăn nhất định, như: Ở một số đơn vị mặc dù thôn có quy mô nhỏ, nhưng do sự khác biệt về phong tục tập quán, tôn giáo, truyền thống văn hóa, đặc biệt là sự chia cắt về địa lý, nên việc sáp nhập gặp khó khăn;

Phương án sáp nhập còn một số nơi xây dựng chưa khoa học, chia nhỏ các thôn lớn để sáp nhập nên không đảm bảo yếu tố lịch sử, truyền thống văn hóa của thôn, tổ dân phố. 
 
Đối với các đơn vị này, cấp ủy chính quyền tiếp tục thực hiện vận động, tuyên truyền về tầm quan trọng, ý nghĩa chủ trương, đồng thời rà soát, xây dựng phương án sáp nhập thôn, tổ dân phố phù hợp, khoa học, phù hợp với đặc điểm, thực tế của địa phương để tạo sự đồng thuận trong nhân dân, nhằm đạt hiệu quả về việc sáp nhập.

Quan điểm trong việc thực hiện sáp nhập thôn là không được duy ý chí mà phải thực hiện trên cơ sở thực tế, khoa học và sự đồng thuận của nhân dân.
 
Thưa ông, tên đơn vị thôn, tổ dân phố, một số giấy tờ cá nhân của người dân sẽ bị thay đổi theo sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố. Vậy cấp có thẩm quyền đã chỉ đạo hoặc hỗ trợ người dân giải quyết vấn đề này ra sao?
 
Ông Đầu Thanh Tùng: Trong quá trình xây dựng đề án, tỉnh Thanh Hóa cũng đã đánh giá những tác động cũng như ảnh hưởng của việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố mới, trong đó có thay đổi định danh trong giấy tờ của công dân (sổ hộ khẩu, chứng minh thư nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất), địa chỉ liên lạc...

Tuy nhiên, từ kinh nghiệm thực tế trong công tác chia tách, sáp nhập, thành lập đơn vị hành chính trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây cho thấy, về cơ bản các thông tin trong giấy tờ tùy thân của người dân không có thay đổi nhiều.

Vì vậy, người dân cũng không gặp nhiều vướng mắc trong lập hồ sơ, giao dịch. Trường hợp đặc biệt, việc thay đổi thông tin (định danh) cần cấp lại (thay thế) giấy tờ cũ thì các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh sẽ tạo điều kiện và giải quyết nhanh gọn, đảm bảo đúng quy trình, thủ tục. 
 
Đặc biệt, những năm qua, Thanh Hóa cũng như nhiều địa phương trên cả nước đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính Nhà nước, mà trọng tâm là đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người dân khi có yêu cầu thực hiện thủ tục hành chính nói chung cũng như giải quyết những thủ tục phát sinh do việc sáp nhập thôn, tổ dân phố nói riêng.
 
Sáp nhập thôn, tổ dân là chủ trương lớn của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa, nhưng khi bắt tay vào thực hiện thì không hề đơn giản vì nó là một công việc phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp tới công việc, vị trí của cán bộ, đảng viên ở thôn, tổ dân phố. Để cán bộ không tâm tư khi thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập thôn, tổ dân phố, tỉnh đã có cơ chế chính sách gì hỗ trợ đối với những đối tượng bị “tinh giản” này?
 
Ông Đầu Thanh Tùng: Song song với việc ban hành đề án sáp nhập thôn, tổ dân phố, Ủy ban nhân dân tỉnh đã trình Hội đồng nhân dân tỉnh thông qua Nghị quyết số 48/2017/NQ-HĐND ngày 12/7/2017 về việc ban hành chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới;

Ủy ban nhân dân tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 3635/2017/QĐ-UBND ngày 26/9/2017 quy định về biện pháp thi hành chính sách hỗ trợ đối với những người hoạt động không chuyên trách thôi đảm nhiệm chức danh sau khi sáp nhập để thành lập thôn, tổ dân phố mới.

Theo đó, những người thôi đảm nhiệm chức danh được tỉnh hỗ trợ một lần. Mức hỗ trợ căn cứ vào thời gian thực tế tham gia công tác và mức phụ cấp khi đang thực hiện nhiệm vụ.

Việc triển khai thực hiện hỗ trợ đối với những người thôi đảm nhiệm chức danh sau khi nghỉ việc sẽ được thực hiện ngay sau khi hoàn thành việc kiện toàn các tổ chức ở thôn, tổ dân phố.

Ngân sách tỉnh phân bổ để thực hiện việc trợ cấp này và người nghỉ việc sẽ được nhận trợ cấp tại địa phương sau khi được cấp có thẩm quyền phê duyệt.
 
Mới đây, Bộ Nội vụ  ban hành Thông tư số 09/2017 ngày 29/12/2017 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04 hướng dẫn về tổ chức hoạt động của thôn, tổ dân phố. Đáng chú ý, thông tư 09 quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới (nâng quy mô tổ chức thôn, tổ dân phố), trong khi đó, nhiều địa phương trong tỉnh đã, đang thực hiện việc sáp nhập thôn, tổ dân phố theo Thông tư số 04. Về việc này, tỉnh đã chủ động xử lý những khó khăn này ra sao?

Ông Đầu Thanh Tùng: Hiện nay, nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang thực hiện việc sáp nhập thôn, thành lập tổ dân phố dựa trên Thông tư 04/2012/TT-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ.

Tuy nhiên nếu theo quy định điều kiện thành lập thôn mới, tổ dân phố mới tại Thông tư số 09 thì việc triển khai sẽ gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt, đối với các địa phương đã hoàn thành mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi công cộng đã được xây dựng hoàn thiện.
 
Về việc này, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã có văn bản xin ý kiến và được Bộ Nội vụ đồng ý cho tỉnh tiếp tục triển khai thực hiện đề án theo mục tiêu, lộ trình đã đề ra gắn với việc thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. 

Một góc thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh). Ảnh của Văn phòng Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.
Một góc thị trấn Bến Sung (huyện Như Thanh). Ảnh của Văn phòng Đảng ủy Khối doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa.

Trên cơ sở đó, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Văn bản số 3457/UBND-THKT ngày 3/4/2018 về việc triển khai Thông tư 09/2017/TT-BNV và đề án sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh ngày 3/4/2018.

Theo đó, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các cơ quan liên quan tiếp tục thực hiện việc sáp nhập, thành lập thôn, tổ dân phố theo mục tiêu đề ra trong đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3507/QĐ-UBND ngày 18/9/2017 theo tinh thần Thông tư 04 và Chỉ thị 12CT/TU ngày 25/10/2017 của Tỉnh ủy Thanh Hóa. 
 
Đối với những nơi đáp ứng được điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh, ổn định đời sống và được nhân dân đồng thuận thì có thể áp dụng ngay về tiêu chí, quy mô số hộ tại Thông tư 09/2017/TT-BNV. Phấn đấu từ năm 2021 đến 2030 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp, thu gọn các đơn vị hành chính cấp huyện, xã, thôn, tổ dân phố. 
 
Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Còn nữa

QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)