Kết luận thanh tra đất đai ở Đà Nẵng:

Thanh tra đất ở Đà Nẵng: Bộ tư pháp khẳng định TT Chính phủ làm đúng

17/03/2013 06:42
Thái Sơn - Hoàng Anh/thanhnien
Bộ Tư pháp vừa có Công văn số 1547/BTP-PLDSKT báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ sở pháp lý một số nội dung liên quan đến Kết luận của Thanh tra Chính phủ về quản lý đất đai tại Đà Nẵng.

Đầu tháng 1.2013, Thanh tra Chính phủ (TTCP) công bố thông tin Kết luận thanh tra (KLTT) số 2852/KL-TTCP, ngày 2.11.2012, về trách nhiệm của Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng trong việc chấp hành pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, thanh tra một số dự án. Tiếp đó, ngày 5.3, KLTT này được công bố công khai tại đơn vị được thanh tra.

Nhiều khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng thấp hơn giá đất thành phố quy định, gây thiệt hại lớn cho ngân sách - Ảnh: Nguyễn Tú
Nhiều khu đất được chuyển đổi mục đích sử dụng thấp hơn giá đất thành phố quy định, gây thiệt hại lớn cho ngân sách - Ảnh: Nguyễn Tú

Trong KLTT, TTCP cho rằng đối tượng thanh tra đã có dấu hiệu cố ý làm trái, vi phạm các quy định của pháp luật đất đai và đầu tư xây dựng; hành vi chuyển nhượng đất trái pháp luật thu lợi số tiền lớn, gây thất thu ngân sách nhà nước số tiền trên 3.400 tỉ đồng. Những nội dung trong kết luận của TTCP đã gây ra phản ứng trái chiều của dư luận. Trong đó, lãnh đạo TP.Đà Nẵng cho rằng không “phục” KLTT và đã chính thức có văn bản gửi tới một số cơ quan chức năng để phản đối.

Trong Công văn 1547 của Bộ Tư pháp đề cập đến nhiều nội dung của KLTT và cho rằng căn cứ để TTCP kiểm tra, ra kết luận là đúng theo quy định pháp luật.

Cụ thể, với nội dung 44 dự án mà UBND TP.Đà Nẵng không thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất theo quy định của luật Đất đai và Quyết định số 216/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng đây là các trường hợp bắt buộc phải đấu giá, không có trường hợp nào được miễn đấu giá theo quy định hiện hành.

Về việc sử dụng hình thức ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Bộ Tư pháp cho rằng theo quy định tại khoản 4 điều 5 luật Đất đai năm 2003 thì nhà nước thực hiện việc trao quyền sử dụng đất thông qua các hình thức là giao đất, cho thuê đất và công nhận bằng các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, chứ không phải bằng việc ký các hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với các bên có nhu cầu. Vì vậy, việc UBND TP.Đà Nẵng giao các ban quản lý dự án hoặc các công ty ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho các nhà đầu tư là trái pháp luật.

Về nội dung UBND TP.Đà Nẵng quyết định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn bảng giá đất do UBND TP ban hành, Bộ Tư pháp cho rằng căn cứ vào các quy định pháp luật gồm Nghị định 198/2004/NĐ-CP về thu tiền sử dụng đất và Nghị định 17/2006/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành luật Đất đai, thì những trường hợp UBND TP.Đà Nẵng xác định giá thu tiền sử dụng đất thấp hơn bảng giá đất do UBND TP.Đà Nẵng ban hành (sau khi đã lấy ý kiến của HĐND TP) theo quy định của Chính phủ trong thời gian từ ngày 24.12.2004 - 27.2.2006 là không phù hợp với quy định của pháp luật.

Đối với nội dung TP.Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất phải nộp cho những hộ được bố trí đất tái định cư, cho các tổ chức cá nhân được TP giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, Bộ Tư pháp cho rằng theo quy định tại điều 13 Nghị định số 198, các hộ được bố trí đất tái định cư không thuộc đối tượng được giảm tiền sử dụng đất phải nộp.

Đối với các tổ chức, cá nhân có dự án đầu tư thì chỉ được giảm tiền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về khuyến khích đầu tư. Việc UBND TP.Đà Nẵng quyết định giảm 10% tiền sử dụng đất cho các hộ được bố trí tái định cư và cho tất cả các tổ chức, cá nhân được TP giao đất, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất là trái pháp luật.

Hàng loạt nội dung khác như thời hạn nộp tiền sử dụng đất, thời gian công khai trước khi tiến hành đấu giá... cũng được Bộ Tư pháp nhận định kết luận của TTCP “làm đúng, có cơ sở pháp lý” và TP.Đà Nẵng đã làm sai...

Chiều qua, trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Bộ Tư pháp cho biết công văn của Bộ Tư pháp xuất phát từ yêu cầu của Văn phòng Chính phủ, bởi trước đó dư luận đã có nhiều ý kiến cho rằng kết luận của TTCP mang tính áp đặt, thiếu cơ sở pháp lý khiến Đà Nẵng không “tâm phục khẩu phục”.

Thái Sơn - Hoàng Anh/thanhnien