Thầy giáo cắm bản từng bị hiểu lầm là đi… bắt vợ

05/09/2017 06:00
XUÂN QUANG
(GDVN) - Có trường hợp, giáo viên đến nhà vận động học sinh tới trường thì bị phụ huynh xua đuổi vì tưởng đến bắt vợ...”, thầy Hùng kể.

"Dở khóc, dở cười" chuyện vận động học sinh... 

Chúng tôi đặt chân tới bản Ngàm, xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa) cũng là lúc trời nhá nhem tối. Ông bạn đồng hành thở phào nhẹ nhõm vì vừa trút bỏ được quãng đường dài vượt núi: “Thế là đã tới nơi an toàn”.

Thầy Lê Xuân Hùng – Hiệu trưởng Trường trung học cơ sở Yên Thắng hồ hởi đón khách, không quên mở lời động viên: "Đường núi dốc đá khó đi, các chú không phải là dân bản, mà chinh phục được quãng đường núi 25 km là thành công rồi đấy”.

Cái bắt tay chắc nịch của thầy Hùng, cùng mâm cơm đạm bạc, thêm một chai rượu sắn được chuẩn bị từ trước để tiếp đón khách khiến chúng tôi cảm thấy ấm lòng.

Nhâm nhi ly rượu sắn vừa được dân bản tặng, thầy Hùng nói vui: “Trên này không giống dưới xuôi. Dân bản quý người nào mới tặng rượu uống. Làm phật lòng họ thì có lỗi với họ đấy!".

Để đến được trường học, các em học sinh phải vượt quãng đường núi cả chục km, rất nhiều đoạn lầy lội. Ảnh: DU THIÊN.
Để đến được trường học, các em học sinh phải vượt quãng đường núi cả chục km, rất nhiều đoạn lầy lội. Ảnh: DU THIÊN.

Như đoán trước được mục đích của các vị khách lạ khi lên vùng cao công tác, thầy Hùng chủ động mở lời: "Các chú cứ ở lại đây một thời gian sẽ hiểu phần nào giáo dục vùng cao.

Trên này, ngoài công việc chuyên môn, giáo viên cắm bản còn phải kiêm nhiệm cả công tác vận động các em tới trường. Có học sinh phải đi vận động nhiều lần mới tới lớp.

Việc vận động phải làm thường xuyên, không những ngay từ đầu năm học mà suốt quá trình học tập của học sinh cho đến khi các em ra trường. 

Nhiều khi chúng tôi hay nói đùa với nhau rằng: “Anh

Thầy giáo cắm bản từng bị hiểu lầm là đi… bắt vợ ảnh 2

Thót tim cảnh hàng chục học sinh băng qua suối chảy xiết bằng cầu tạm

em mình làm giáo viên, nhưng cũng như bộ đội, đó là làm dân vận, bám bản và vận động học sinh đến lớp, ngăn chặn tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng…”, thầy Hùng nói.

Sau hàng chục năm từ dưới xuôi lên vùng cao công tác, thầy Hùng đã rất thân thuộc nếp sống của bà con dân bản, cũng như việc vận động học sinh tới trường.

Thầy Hùng cho biết, ở vùng cao này, có rất nhiều câu chuyện vận động học sinh bỏ học ra lớp, đẫm nước mắt nhưng cũng rất hài hước.

Đó là những kỷ niệm không thể nào quên đối với giáo viên cắm bản.

Thầy kể: “Mấy năm trước, có trường hợp nữ sinh lớp 8 đột nhiên nghỉ học. Hôm khai giảng, giáo viên chủ nhiệm không thấy em ấy đến lớp nên chúng tôi vào tận nhà tìm hiểu thì bố mẹ học sinh nói: “Nó đi lấy chồng rồi. Các thầy lên xã Yên Khương mà gặp nó. 

Tin này khiến anh em giáo viên bất ngờ vì con bé ngoan và học rất tốt so với các bạn. Thế rồi chúng tôi bàn bạc với nhau, kiên trì vận động để học sinh đó đến trường. 

Sau nhiều lần tới nhà, thuyết phục, vận động, cuối cùng gia đình nhà chồng cũng đồng ý cho em ấy đến trường tiếp tục theo học. 

Nhưng chỉ ít lâu sau đến ngày nhà giáo Việt Nam, học sinh này bất ngờ đem một bó hoa rất đẹp đến tặng các thầy cô, kèm lời chúc: “Chúc mừng thầy, cô ngày nhà giáo việt Nam. Em xin phép không đi học nữa, về nhà lấy chồng”. 

Lúc đó, chúng tôi thấy rất thương con bé, nhưng ngay lúc ấy không còn cách nào khác ngăn cản vì đó là tập tục của dân bản trước đây.

Đến khi học sinh này về nhà chồng, chúng tôi vẫn tiếp tục đi vận động em đó tới trường.

Sau nhiều lần cố gắng, cuối cùng học sinh này cũng đồng ý đi học trở lại”, thầy Hùng kể lại.

Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi qua suối, phụ huynh luôn luôn phải đi cùng các em từ nhà tới trường. Ảnh: DU THIÊN.
Để đảm bảo an toàn cho học sinh khi qua suối, phụ huynh luôn luôn phải đi cùng các em từ nhà tới trường. Ảnh: DU THIÊN.

Theo mạch cảm xúc, thầy Hùng tiếp tục chia sẻ, ở những vùng đặc biệt khó khăn, có những trường hợp học sinh không thể quyết định được việc đến trường mà do bố mẹ.

Nhưng để đưa các em đến được trường, giáo viên đôi khi phải chấp nhận “điều kiện” rất buồn cười do phụ huynh đưa ra.

“Có em học sinh khi chúng tôi vào nhà vận động chỉ gặp mỗi bố. Phụ huynh thì say (rượu) bí tỉ, gọi mãi mới chịu dậy.

Một lát sau thấy phụ huynh xách chai rượu từ trên gác xuống rồi nói: “Nhà không có nước, thầy giáo uống rượu tạm cho đỡ… khát”. 

Ban đầu, giáo viên cũng tính nhấm nháp đôi chén cho phụ huynh vừa lòng rồi vào việc chính.

Ai ngờ cứ hễ đề cập tới chuyện đưa học sinh tới trường thì phụ huynh lại gạt đi, rồi bảo: “Thầy giáo cứ uống say đi mai tôi sẽ cho nó sẽ đi học. Không uống là không cho đi học”.

Khi đó, chúng tôi không dám nói gì mà chỉ biết nâng chén, vì sợ phụ huynh đổi ý thì thiệt thòi cho học sinh.

Khi uống gần hết chai rượu, giáo viên xin phép phụ huynh và dìu nhau về. Hôm đó, mấy thầy cô được một bữa chuếnh choáng.

Nhiều khi anh em hay nói đùa với nhau, làm giáo viên miền núi, ngoài chuyên môn còn phải biết uống tí rượu mới làm được việc”, thầy Hùng nhớ lại.

Thầy Hùng cho biết, người trên này (dân bản) họ rất tốt, chỉ có điều, do trình độ nhận thức có hạn, nên nhiều khi họ không hiểu hết tầm quan trọng của sự học đối với con cái.

“Có lần chúng tôi đến vận động học sinh tới lớp thì bị phụ huynh lớn tiếng quát: “Cái đầu là của nó, nó đi học hay không là do nó, thầy giáo bảo nó đi được thì thầy giáo bảo! Tôi chịu nó đấy! 

Có trường hợp học sinh bỏ học, giáo viên phải nhiều lần đến tận nhà vận động nhưng quyết không đi.

Gia đình thì nói sẽ động viên em ấy đến trường. Chúng tôi ra về với niềm hy vọng, nhưng hết ngày này đến ngày nọ, học sinh vẫn không đến trường. 

Tìm hiểu ra mới biết, học sinh muốn có một chiếc áo ấm để mặc đến trường, nhưng gia đình không quan tâm đến suy nghĩ của con em họ, một phần cũng do điều kiện hoàn cảnh không đáp ứng được cho con cái. 

Để đáp ứng nguyện vọng của học sinh, giáo viên đã bỏ tiền mua áo ấm cho em và tặng thêm sách vở, động viên, học sinh mới đến trường.

Lại có trường hợp, giáo viên đến nhà vận động học sinh tới trường thì bị phụ huynh xua đuổi vì tưởng đến bắt vợ. Phải thuyết phục mãi họ mới chịu nghe”, thầy Hùng kể.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Yên Thắng cho biết thêm, để làm tốt công tác vận động học sinh trở lại lớp, yếu tố quan trọng nhất là hiểu được tâm lý các em.

"Các em học sinh vùng cao rất nhút nhát, ít nói và có tâm lý sợ hãi khi gặp người lạ, cho nên giáo viên cũng phải hiểu các em, mềm mỏng, cứng rắn đúng lúc đúng chỗ.

Còn nhớ, năm học 2010-2011, chúng tôi quyết tâm đưa số học sinh bỏ học trước kia ra lớp, duy trì sĩ số và tạo phong trào học tập…

Các bước thực hiện thống kê xin mở lớp, lập danh sách gửi cho địa phương đã hoàn tất, nhưng từ tháng 7 đến gần hết tháng 8 vẫn không có em nào đăng ký.

Giáo viên phải chia nhau vào từng bản vận động, rất mừng là sau một thời gian ngắn đã có 19 em trở lại lớp.

Nhưng để các em đi học chuyên cần, giáo viên hôm nào cũng phải động viên các em bằng kẹo, bánh...

Thậm chí, học sinh đang học giữa chừng thì xin về vì lý do gia đình, giáo viên cũng phải chấp nhận… Nếu không đáp ứng các lý do đó thì các em không đến lớp.

Những năm gần đây, việc vận động học sinh cấp 2 tới trường gặp ít nhiều khó khăn vì một số phụ huynh không đồng ý cho con đi học.

Các em đang độ tuổi lớn nên phải ở nhà phụ giúp bố mẹ vào rừng săn bắt, đi làm lâm sản", thầy Hùng cho biết.

Tuổi thanh xuân gắn bó với giáo dục vùng cao

Thầy Lê Xuân Hùng chia sẻ, học sinh Trường tiểu học Yên Thắng là con em đồng bào dân tộc thiểu số sống rải rác ở các bản Ngàm, Peo, Pốc, Vặn, Cơn, Vịn, Vần trong, Vần ngoài, Tráng, Yên Thành. Địa phương có hơn 40% hộ nghèo.

Số học sinh bỏ học giữa chừng, hoặc đến độ tuổi vào lớp nhưng không đến trường là thử thách không nhỏ đối với nhà trường và địa phương. 

“Nguyên nhân là do gia đình không quan tâm. Mặt khác, khi lên tới cấp 2, các em phần lớn trở thành lao động chính trong gia đình, thường xuyên phải phụ giúp cha mẹ lên nương rẫy để thu hoạch nông sản hoặc làm thuê, làm mướn, kiếm thu nhập.

Có tình trạng học sinh bỏ học sớm để lập gia đình.

Bên cạnh đó, để học sinh đến được trường học, các em phải đi lại vất vả, lội sông, qua suối, vượt đèo hàng chục km.

Nhất là mùa mưa, bão, mùa đông giá rét, các em không có áo ấm, ăn uống sinh hoạt thiếu thốn, dẫn đến việc nhiều em bỏ học giữa chừng hoặc đến lớp không đầy đủ. 

Điều này dẫn đến hệ lụy, một số em bị lôi kéo bởi những đối tượng xấu, hoặc đi theo con đường tuyển dụng lao động bất hợp pháp, bỏ trốn khỏi địa phương”, thầy Hùng cho biết.

Thầy Hà Văn Cúc - Giáo viên Trường trung học cơ sở Yên Thắng đi vận động học sinh đến trường sau mưa bão. Ảnh: DU THIÊN.
Thầy Hà Văn Cúc - Giáo viên Trường trung học cơ sở Yên Thắng đi vận động học sinh đến trường sau mưa bão. Ảnh: DU THIÊN.

Thầy Hùng cho biết thêm, trong thời gian gần đây, công tác vận động học sinh đến lớp, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng đang được triển khai với nhiều giải pháp hay và hiệu quả.

“Ngoài thực hiện tốt chủ trương chính sách của Nhà nước đối với học sinh thì phải kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình với chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động, sâu sát với từng hộ gia đình, hiểu rõ hoàn cảnh từng em đã giúp việc vận động học sinh đến lớp đạt kết quả khá tốt.

Bên cạnh đó, nhà trường còn chú trọng công tác chủ nhiệm,

Thầy giáo cắm bản từng bị hiểu lầm là đi… bắt vợ ảnh 5

Thầy cô băng rừng, vượt suối vận động học sinh đến trường sau mưa bão

thường xuyên báo cáo về tình hình học sinh. Quyên góp ủng hộ học sinh khó khăn, nắm bắt diễn biến tâm lý học sinh, quan tâm đặc biệt đến đối tượng học sinh vận động và học sinh yếu kém để có những biện pháp can thiệp, giúp các em đến trường kịp thời.

Tổ chức tốt các phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, thu hút học sinh đến trường tham gia. Xây dựng hội khuyến học xã, Ban cha mẹ học sinh ở các làng bản để vận động các em ra lớp học tập.

Phối hợp tốt với chính quyền địa phương, thôn bản nhất là công an trong việc quản lý tạm trú, tạm vắng, xin xác nhận hồ sơ đi làm ăn xa.

Gắn tiêu chí thôn bản văn hóa với việc học tập của học sinh. Tuyên truyền pháp luật, trong đó có luật hôn nhân và gia đình tới từng hộ gia đình.

Mặt khác, sự chỉ đạo quan tâm của chính quyền các cấp, các ngành, phòng Giáo dục và Đào tạo, đặc biệt chính quyền địa phương đã góp phần ngăn chặn hiệu quả tình trạng học sinh bỏ học", thầy Hùng cho biết.

Thầy Hùng chia sẻ thêm, ở vùng đặc biệt khó khăn như Yên Thắng, Lang Chánh, ngoài vận động học sinh tới trường, còn rất nhiều câu chuyện xúc động khác về những thầy cô giáo miền xuôi lên đây công tác và cắm bản.

Đã có những giáo viên hy sinh cả tuổi thanh xuân cho giáo dục vùng cao xã Yên Thắng.

Họ chưa có dịp chia sẻ về chuyện đời, chuyện nghề, nhưng trong từng cử chỉ, việc làm của họ luôn hướng tất cả về giáo dục vùng cao.

XUÂN QUANG