"Thế là anh em tôi đã âm dương cách biệt, nước mắt nhạt nhòa..."

18/02/2015 06:00
Liên Hương
(GDVN) - Tôi nhớ nhiều lần anh ra đây trầm ngâm châm điếu thuốc mời ba rồi ngồi lặng lẽ hút thuốc như đàm đạo điều gì với người cha đã mất ở tuổi 40.

Hôm nay, ông Nguyễn Bá Thanh sẽ được đưa về khu mộ của gia tộc để an táng. Cùng lúc, Tòa soạn nhận được một bài viết dài của bà Đào Thị Liên Hương - Trưởng ban đối ngoại, Hiệp hội các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam (AVUC), Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và Ngôn ngữ thế giới (FELCA). Bức thư kể lại câu chuyện của bà trong chuyến đi thăm viếng ông Nguyễn Bá Thanh-người mà bà gọi một cách thân tình là "anh"-lần cuối.

Nhiều tình tiết riêng tư rất cảm động đã được tác giả nêu ra, mà ở đó, chắc chắn có sự đồng cảm của nhiều bạn đọc, đặc biệt là người Đà Nẵng.

Trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết này.

Không chỉ người dân Đà Nẵng bàng hoàng mà nhiều người dân Việt Nam đều nghẹn ngào, không tin đây là sự thật. Những chuyến bay tăng chuyến về Đà Nẵng...

Khi biết tin tôi vào thắp hương cho anh Thanh (xin cho phép tôi được gọi "anh" một cách trìu mến như thế-Tác giả), nhiều bạn bè Hà Nội đã nhắn gửi những câu thơ, những lời yêu thương vô bờ bến dành cho anh và nhờ tôi chuyển dùm tới anh tấm lòng của họ, thắp dùm họ cho anh nén hương.

Tôi đã tâm sự với anh hơn 4 trang trong sổ tang, trong đó có cả những gửi gắm của bạn bè đó.

Khóc Bá Thanh

“Bá Thanh ơi! Bạn Bá Thanh ơi!

Nước mắt dài lăn trên má bao người

Làm thức tỉnh bao trái tim đồng đội

Bạn đi thật rồi… một thần tượng của tôi

Bá Thanh ơi! Anh Nguyễn Bá Thanh ơi!

Anh ra đi chỉ nhiêu vậy của để dành

Chẳng phải tiền tài và danh vọng

Mà hàng triệu con tim ghi khắc bóng hình anh

Đồng đội cũ xin ngả mũ tiễn Bá Thanh

Siêu thoát nhé về miền tiên cảnh

Đà Nẵng cùng bao người mãi nhớ anh

Ngày tình yêu 14/2/2015

Bạn cũ LQD

“Cả nước tái tê, Đà Nẵng đẫm lệ

Có cái gì đấy như như sự dồn nén...

Phải đối mặt với sự thật mà sự mất mát, nỗi đau chẳng thể cất thành lời.

Thôi cũng mừng rằng người đời đã ghi công của bác. Mong bác thanh thản nơi suối vàng và tiếp tục phò trợ cho quốc gia đại sự…” NH.

Chạy vào Đà Nẵng, tới thắp hương cho vong linh anh xong, lòng tôi cũng chỉ dịu đi bớt chút. Tôi tới những nơi anh em tôi thường hay đến để nhớ về anh; tôi đến đền Thoại Ngọc Hầu kêu ông thu anh vào đội ngũ của ông. 

Chị Truyền, người trông đền đã bao ngày nay thắp hương kêu ông đỡ cho anh qua khỏi cơn bạo bệnh này, nước mắt lưng tròng nói: trước khi sang Mỹ trị bệnh, anh qua đây ngồi hơn một tiếng dặn dò chị và mọi người trông ngôi đền ông Thoại nhớ mở cửa hàng ngày cho mọi người ai có oan khuất, bệnh tật, các cháu đi thi… tới thắp hương giúp cho họ giữ được niềm tin vào bản thân hơn.

Nhiều lần chúng tôi đã làm lễ ở đền ông kêu ông chống những cơn bão đang tiến vào Đà Nẵng, kêu ông đỡ những cơn mưa giữ cho những lễ hội bắn pháo hoa được suôn sẻ…

Nhớ khi xưa anh học trường Đại học Nông nghiệp bên Gia Lâm, không hiểu sao, chàng sinh viên Bá Thanh lại lọt vào mắt ông Cao Bá Quát từ lúc đó hay sao mà ông luôn đâu đó trong cuộc đời anh. 

Cứ năm hết tết đến, anh em tôi thường sang Chùa Sủi, thắp hương cho ông Cao Bá Quát. Anh ngậm ngùi cho số phận  tài hoa nhưng kém may mắn của Thánh Quát, Thoại Ngọc Hầu.

"Thế là anh em tôi đã âm dương cách biệt, nước mắt nhạt nhòa..." ảnh 1

Tác giả bên khu mộ dòng họ Nguyễn Bá

Bức tượng đồng đặt trong đền ông Cao Bá Quát cũng do anh em tôi góp làm. Nhìn bức tượng cụ tóc búi kiểu cụ đồ, dáng kiêu hãnh tay cầm bút mắt ngắm nhành mai, chúng tôi thích lắm.

Còn biết bao kỷ niệm đầy vơi mà anh em chúng tôi đã có với nhau từng ấy năm trời. Được làm em của anh quả là một niềm hạnh phúc lớn. Được tâm sự, sẻ chia, bàn bạc những bất công trong cuộc sống, những cay đắng của thất bại, những niềm vui khi những cây cầu mới bắc qua sông, của những công trình để đời, những quy hoạch cho một thành phố hiện đại vắt tới tương lai, của những lối sống văn minh làm rạng danh người Đà Nẵng.  

Dân quê anh, họ biết đến anh bởi chính anh là người lo cho họ, lắng nghe họ, giải quyết các khúc mắc của họ. 

Anh thật hạnh phúc vì được dân yêu, dân quý đến vậy. Chúng tôi đi ăn với nhau, biết bao lần khi ra trả tiền đã có người trả dùm và họ ghi lại dòng chữ: “xin mời anh Thanh bữa ăn này vì anh là thần tượng của tôi” , hoặc: tôi là người Đà Nẵng, rất cảm ơn anh đã làm thay đổi quê hương mình….”

Rời khỏi đền Ông, tôi đi về Hòa Tiến, Hòa Vang quê hương anh. Đường làng năm xưa, nay đã thành những con đường thênh thang 4 làn xe với những ngôi nhà như ở thành phố khang trang. 

Về tới khu mộ gia tiên dòng họ Nguyễn Bá, nơi tôi đã cùng anh và cậu em Bá Bình bao lần về quê thắp hương cho gia tiên vào dịp Thanh Minh tiết tháng 3, rằm tháng 7, cuối năm … lần này tôi ra đây không có anh. 45 ngôi mộ của gia tộc Nguyễn Bá, kể cả chị Hoa – người chị kế trên anh – đã mất khi còn trẻ  - đã được hai anh em Thanh - Bình sửa sang lại hồi năm ngoái. 

Tôi tưởng sẽ phải một mình âm thầm làm việc ân nghĩa thay anh, nào ngờ cả một toán trẻ khoảng chục cậu bé chạy ùa ra giúp chúng tôi: trồng hoa, thắp hương, tô chữ trên bia mộ đã mờ, dâng chè, thuốc, nước rất nhiệt tình.

Tôi đến bên mộ ông nội kêu ông xá tội thay anh.

Mộ ba anh cũng giản dị như những ngôi mộ của đồng đội mình. Tôi nhớ nhiều lần anh ra đây trầm ngâm châm điếu thuốc mời ba rồi ngồi lặng lẽ hút thuốc như đàm đạo điều gì với người cha đã mất ở tuổi 40. Có lúc anh còn đùa vui: “khi xưa ông là tỉnh ủy viên, nay mình là Bí thư tỉnh ủy, vậy là con hơn cha rồi!”.

"Thế là anh em tôi đã âm dương cách biệt, nước mắt nhạt nhòa..." ảnh 2

Vòng hoa tưởng nhớ ông Nguyễn Bá Thanh.

Thế là anh em tôi đã âm dương cách biệt, nước mắt nhạt nhòa, lòng buồn đau không sao kể xiết.

"Thế là anh em tôi đã âm dương cách biệt, nước mắt nhạt nhòa..." ảnh 3

"Cán bộ, đảng viên là công bộc của dân, không được xa dân"

(GDVN) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời dạy ấm áp ấy khi tới dâng hương tưởng niệm Bác Hồ tại Nhà 67 trong Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhìn đám trẻ, tôi chợt nghĩ về cậu con trai Bá Thanh của Hòa Tiến năm xưa, cũng trạc tuổi này đã tham gia cách mạng, khi bị lộ, anh đã một mình trốn vào tận Sài Gòn để khỏi bị bắt bớ, rồi tập kết ra Bắc học tập  từ năm 1968 cho tới tận lúc giải phóng miền nam, tốt nghiệp đại học mới về lại quê hương. 

Biết đâu trong đám trẻ nhỏ này sẽ có những tài năng mới góp phần xây dựng Hòa Tiến và Đà Nẵng? 

Rời quê Hòa Tiến về lại nhà anh ở đường Cách Mạng Tháng Tám, trời đã tối. Dòng người đến viếng ngày càng đông…mắt ai cũng đỏ hoe và ai cũng đến bên linh cữu, nhìn lần cuối hình ảnh người ân nhân thân thiết của họ. 

Mong sao anh mau chóng siêu thoát để quay về đời giúp cho em Bá Bình và hai con Bá Cảnh, Hoài An có thêm sức mạnh và nghị lực như anh để tiếp nối anh, thực hiện nốt những công việc dở dang...

Rời Đà Nẵng, nghe tin người dân nơi đây đã đề xuất với thành phố ngừng khai trương con đường hoa, ngừng bắn pháo hoa hoa vào dịp tết này để bày tỏ lòng thương nhớ anh. Và người dân vẫn đang kiến nghị đổi tên cầu Rồng thành cầu Nguyễn Bá Thanh, hoặc đặt tên anh cho cây cầu vượt trên quốc lộ 1 ra Huế sắp khánh thành vào dịp kỷ niệm giải phóng Đà Nẵng 28/3 tới… Thực ra dấu ấn của anh có ở khắp nơi trên những con đường khang trang, những cây cầu mang vẻ đẹp hiện đại, trong từng cuộc sống của bà con nơi đây. 

Liên Hương