Thoại Ngọc Hầu – người anh hùng đất Quảng Nam

08/01/2015 11:38
Đào Thị Liên Hương
(GDVN) - Ông Thoại Ngọc Hầu thật khác người khi cho xây dựng ngôi đền này. Có ở đâu cho phép người đến xem lại ngồi cao hơn các bức tượng trong đền?

Dư luận đang dành nhiều sự quan tâm đến tình hình sức khỏe của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng ban Nội chính Trung ương, một người con xứ Quảng. Tác giả Đào Thị Liên Hương - nguyên Trưởng ban đối ngoại của VIPUA, Tổng thư ký Liên đoàn các Hiệp hội tư vấn giáo dục và Ngôn ngữ thế giới (FELCA) đã có bài viết gửi về Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Đây là bài nêu lên cảm nhận và góc nhìn riêng của bà về danh tướng Thoại Ngọc Hầu- cũng là một người con đất Quảng. Tòa soạn trân trọng giới thiệu cùng độc giả.

Nhân dịp đi Phú Quốc dự lễ chung kết cuộc thi Hoa hậu Việt Nam vừa rồi, tôi ghé qua Châu Đốc- An Giang thắp hương cho bà Thánh Mẫu và ông Thoại Ngọc Hầu.

Khu di tích lăng ông Thoại và Miếu Bà nằm ngay dưới chân ngọn núi Sam – sát biên giới. Từ trên đỉnh núi đã nhìn rõ đất nước bạn với những mênh mông ruộng đồng thẳng cánh cò bay, thấp thoáng những cây thốt nốt cao vút xanh mướt, men theo bờ ruộng tạo thành những đường ren xanh óng ánh dưới nắng.

Phong cảnh thanh bình nơi đây khiến chẳng ai có thể nghĩ rằng đây chính là nơi đã xảy ra cảnh tượng chém giết tàn bạo của quân Khơ Me Đỏ đối với người dân tại biên giới Tây Nam vào năm 1979. Sau biết bao vật đổi sao dời của thời cuộc, càng thấm thía những hành động của cụ Thoại là mang tính chiến lược.

Lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc, An Giang. (Ngồn: vhttdlkv3.vn)
Lăng Thoại Ngọc Hầu ở Châu Đốc, An Giang. (Ngồn: vhttdlkv3.vn)

Từ đền Bà Chúa Sứ, chúng tôi rảo bước sang lăng mộ của ông Thoại và hai bà vợ ông. Lăng của ông nằm uy nghi bên sườn núi, tôi bỗng chợt nghĩ tới đền ông tại Đà Nẵng – cũng nằm trên con đường Hà Thị Thân – tên của bà Chúa Sứ - Thánh Mẫu – theo như cách gọi của dân nơi đây. Trong đền ông, ngay sau ban chính thờ, ở giữa là ban thờ bà Chúa Sứ. Sao cụ Thoại lại luôn gắn liền với các bà Chúa Sứ nơi ông sinh ra và lập nghiệp đến vậy?

Mỗi lần đến thắp hương cho ông, tôi đều kính cẩn thắp hương cho bà và kêu bà phù hộ độ trì cho chúng sinh. Ở Việt Nam, văn hoá Mẫu hiển hiện ở khắp mọi nơi, hầu hết các đền chùa đều có ban thờ Tam Toà Thánh mẫu cùng các cô Tám, cô Chín, các Chầu, các cô Sơn Trang… đó phải chăng là hiện thân của người Mẹ, luôn che chở cho đàn con mình?

Rồi chúng tôi quay về Thoại Sơn nơi có ngôi đền chính thờ ông. Ngôi đền trông thật uy nghi, ngự trên một ngọn đồi dưới chân núi Thoại Sơn, ngôi đền và mọi thứ bên trong đều còn y nguyên như hồi ông xây. Đây là lần đầu tiên tôi được thấy trong một ngôi đền lại có một sân khấu tuồng với hai hàng ghế ngồi như kiểu ở sân vận động thời nay, đủ chỗ cho gần một trăm người ngồi xem.

Trên sân khấu là một chiếc trống rất to, chắc để dành cho ông khai hội.

Ông Thoại thật khác người khi cho xây dựng ngôi đền này. Có ở đâu cho phép người đến xem lại ngồi cao hơn các bức tượng trong đền? Tôi có thể hình dung ra không khí nhộn nhịp của những buổi diễn tuồng khu Năm mà ông khao quân lính của mình sau những giờ làm việc vất vả: đào những con kinh kỳ diệu- hoạch định biên giới Việt Miên, khiến đời đời con cháu được sống trong thái bình, không lo lắng gì về biên giới với nước láng giềng nữa.

Chúng tôi vừa sắp lễ vừa kể cho người dân nơi đây nghe về quê hương ông Thoại tại Quảng Nam cũ – nay đã nằm ngay khu phố mới của Thành phố Đà Nẵng, bên kia bờ sông Hàn. Trải qua bao cuộc chiến tranh, bao nhiêu tàn phá mà ngôi đền thờ ông không hề bị trúng đạn bom gì, chỉ bị thấp hơn so với những nhà xung quanh. 

Khi UBND Thành phố Đà Nẵng quyết định xây lại ngôi đền, những nhà xung quanh đền ông đã tình nguyện di dời đi chỗ khác. Để đền ông có sân rộng hơn, khang trang hơn. Để chiều chiều học sinh của trường chuyên Lê Quý Đôn có chỗ chơi và sang học những bài học lịch sử, để buổi tối, trẻ em tại khu phố tụ tập vui chơi ngắm trăng. 

Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Thành phố Đà Nẵng). Ảnh Liên Hương
Đền thờ Thoại Ngọc Hầu (Thành phố Đà Nẵng). Ảnh Liên Hương

Tôi thầm biết ơn ông Nguyễn Bá Thanh đã có một quyết định táo bạo xây lại cho ông một ngôi đền đẹp đẽ và khang trang đến vậy. 

Cứ mỗi lần vào Đà Nẵng, tôi đều đến thăm ông, thầm thì với nắng, gió đang vờn những chiếc lá xanh rì của cây sanh đứng giữa sân đền, những lời biết ơn ông, cảm ơn mảnh đất Quảng Nam Đà Nẵng đã sinh ra  người anh hùng cho đất nước như Thoại Ngọc Hầu cùng nhiều bậc hào kiệt như: Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương, Trần Quý Cáp, Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Thái Phiên, Trần Cao Vân và thời nay có Nguyễn Văn Trỗi, Trịnh Tố Tâm… Dân tộc Việt Nam sẽ đời đời xây đền, dựng tượng, thắp hương cho họ vì những đóng góp to lớn của họ cho đất nước này. 

Nhớ về ông Thoại, người ta có thể quên đi những chi tiết như: ông sống ở đời vua nào? Ai là người đã đưa ông vào tận mảnh đất cực Nam này? Có phải vì ông tài giỏi, khác người quá nên ông luôn bị đưa tới những nơi xa xôi, nơi  xảy ra những xung đột chăng? Từ Lạng Sơn, Sơn Tây đến Châu Đốc, Hà Tiên… nơi nào khó là ông được điều tới. Và phần thưởng dành cho ông chỉ đơn giản thế này thôi: ông đào con kinh ư? Cho con kinh lấy tên ông: Thoại Giang, Thoại Hà. Khi con sông được hình thành mới nhìn ra ngọn núi bên dòng kinh rất đẹp, cho đặt tên ngọn vô danh trên mang tên ông: Thoại Sơn. Đào kinh nữa? cho lấy tên vợ ông đặt tên cho nó: Kinh Vĩnh Tế… 

Thoại Ngọc Hầu – người anh hùng đất Quảng Nam ảnh 3Khả năng hồi phục của ông Nguyễn Bá Thanh đang ở mức nào?

Những thông tin mới nhất về tình hình sức khỏe của Trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Bá Thanh đã được công bố.

Thế là tại nơi đây, với những khai phá và mở mang của mình, nhiều địa danh nơi đây đã mang tên ông… Thế cũng có thể thấy cách khen thưởng của các vị vua chúa thời xưa cũng rất công minh và sáng tạo.  

Nếu như đi trên những đường phố của các thành phố lớn của Việt Nam, chúng ta đều gặp tên những vị anh hùng của đất nước như Trần Hưng Đạo, Quang Trung, Lê Lợi…thì tại mảnh đất An Giang này đâu đâu cũng gặp ông Thoại. Đất đã làm rạng danh ông và ông cũng làm rạng danh cho mảnh đất vùng biên ải này.

Ấy vậy mà sau khi ông mất, bị những lời dèm pha của nịnh thần kèn cựa với ông mà ông còn bị giáng chức ba lần, từ Nhị phẩm xuống Thất phẩm! Sau này khi ông được giải oan, triều đình vẫn không phục hồi chức vị cho ông!  

Đọc những lời mà tự tay ông soạn trên bia tại đền vào năm 1822, nguyên Thủ tướng Võ Văn Kiệt không khỏi xúc động, ông muốn đưa tấm bia đá to để ngay cửa đền, để mọi người qua lại, đến thăm đền sẽ đọc được khí phách một anh hùng hào kiệt hiếm có trên đời này. Nhờ vậy, hôm nay khi đến thăm đền, tôi mới hiểu kỹ hơn về con người ông, nhân cách ông: bộc trực, khảng khái, không luồn cúi, tuy thô vụng nhưng rõ ràng, bởi vậy, có lẽ vì thế mà ông không được về triều đình.Chưa kể, ông là tướng tài giỏi và không khéo léo  rồi.

Cứ nghe văn bia thì biết:

“Kể từ thuở trởi đất bắt đầu phân chia thì núi này đã có từ lâu rồi nhưng tên ngọn núi này thì thực đến nay mới là bắt đầu, huống hồ tên núi lại là đặc ân của Vua ban.

……..

Xưa kia, núi này thuộc vùng ranh giới, thường gọi là Núi Sập... Nhưng cây cối hoang dại vẫn che phủ um tùm, và là nơi hang ổ cho hươu nai, còn cảnh đẹp này thì vẫn bị chôn vùi không biết bao nhiêu năm vậy.

Thoại Ngọc Hầu – người anh hùng đất Quảng Nam ảnh 4Để được dân tin

Những lãnh đạo có lời nói khôn khéo có thể trấn an người dân, những lãnh đạo có tâm huyết và hành động thực sự vì dân mới giành được trái tim họ.

Sau đó lại kính theo chỉ dụ của nhà vua, vì tước hiệu của lão thần là Thoại Ngọc, lại thực là người trông coi việc đào con kinh này, nên mới ban tên cho núi là núi Thoại Sơn, kinh Đông Xuyên để biểu dương lão thần, vậy nên lão thần cũng nhờ ngọn núi mà được ban cho niềm vinh dự lớn lao ấy vậy. Mùa xuân năm Mậu Dần 1818, Lão Thần vâng chỉ giám sát đôn đốc việc đào kinh Đông Xuyên. Ngày nhận mệnh vua, lão Thần sớm khuya kính sợ, lo phát cỏ dại, cùng vét cát bùn, đã đào được con kinh dài 12.410 tầm. Sau một tháng thì hoàn thành, nghiễm nhiên trở thành một dòng sông Lớn, mãi mãi tiện lợi cho thuyền bè qua lại, mà núi này cao trên 10 trượng, chu vi 2.478 tầm, xanh biếc um tùm cheo leo vách đá, nằm bên dòng kinh sống động như rồng thần giỡn nước, như phượng đẹp tắm sông, đó chẳng phải là cảnh đẹp của tạo hóa đã chung đúc nên hay sao? Nhưng bấy lâu trời đất che dấu, chân người ít qua. Một sớm con kinh này đào xong, cùng ngọn núi đều được đưa vào bức họa đồ bình lên cho Vua xem, có lẽ đó cũng là cái duyên kỳ ngộ của ngọn núi này vậy.

Trộm nghĩ, lão thần là người Quảng Nam, từ nhỏ trốn tránh vào Nam, rồi theo việc quân, theo hầu bên Vọng các (Bangkok-nv), nhờ ơn tri ngộ, bôn tẩu trên miền thương đạo, qua lại các nước Xiêm La, Ai Lao, Cao Miên, được trấn giữ hai nơi còn khuyết chức là Lạng Sơn định tướng, lại kính cẩn nhận mệnh vua, làm quan tiết trấn Vĩnh Thanh và được ban ấn bảo hộ, trải nhiêu năm cai giữ thành Châu Đốc. Trong thời gian này dã đào kinh Vĩnh tế... dù bản chức thô vụng, lập được chút công lao, nhưng cứ khư khư công danh mà bản thân lại không được như khấu chuẩn lo việc then chốt...

Nào ngờ việc đào kinh lại được ơn vua soi xét, đã lấy tên của lão thần đặt tên cho núi này, như thế núi này tức là lão thần. Lão thần tức là núi này sẽ sừng sững lâu dài cùng trời đất, mãi mãi không bao giờ bị tiêu mòn vậy.

Từ nay về sau, khách thuận dòng đi qua chân núi, chắc không ai là không chỉ vào núi mà cùng nhau vui vẻ say sưa chuyện trò, tưởng nhớ đến...

Đó là nguyên do được ban tên của ngọn núi này, vinh dự thay cho tên gọi ấy, vinh dự thay cho ngọn núi này: có lẽ vinh dự không riêng cho núi, mà càng vinh dự đời đời cho lão thần về cuộc hạnh ngộ này nữa vậy.

Kính xin dựng ngôi Miếu Sơn Thần nơi chân núi và khắc đá làm bia, ghi to hai chữ “Thoại Sơn” (Núi Thoại) đồng thời kể lại lai lịch tên núi, những mong được lưu truyền muôn đời bất hủ.

Sau ngày Đông chí nam Nhâm Ngọ, niên hiệu Minh Mệnh thứ 3 (1822)."

Những người tài thường có tật: họ có thể ngạo mạn hơn người, dám quyết hơn người, nói mạnh hơn người… chắc chắn họ sắc sảo hơn, không tròn trịa, luồn cúi. Mà như vậy thì lời nói của họ khó lọt tai, những hành động của họ thường cấp tiến, những tầm nhìn thường đi trước thời đại mà không phải ai cũng kịp hiểu… vậy là khó cho họ rồi.

Ôi, nghĩ mà thương cho cụ Thoại biết bao!

Kết thúc khóa lễ, chúng tôi phóng sinh 108 con chim sẻ đá lên trời và thả xuống sông 7 quả trứng để cầu cho mưa thuận gió hòa, con người không gây tai ương cho nhau, cho chúng sinh. Muôn loài yên ổn sinh sống, rắn lục về rừng.. và mong đất Việt luôn đoàn kết đi lên.

Hà Nội 8/1 /2015

Đào Thị Liên Hương