Thủ tướng lo lắng thực phẩm bẩn làm giảm uy tín của Việt Nam với quốc tế

28/04/2016 06:54
Ngọc Quang
(GDVN) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế".

Ngày 27/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "An toàn thực phẩm không chỉ ảnh hưởng đến giống nòi mà còn là uy tín quốc tế. Do đó, chúng ta cần biện pháp mạnh, kiên quyết, toàn diện, để công tác này đạt kết quả tốt hơn, đáp ứng sự mong đợi của nhân dân”.​

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn hệ thống chính trị tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu toàn hệ thống chính trị tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm.

Trước thực trạng rất đáng lo ngại trên, Thủ tướng yêu cầu thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới:

Trước hết cả hệ thống chính trị các cấp cần vào cuộc, làm tốt công tác này. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm quản lý, nhất là trách nhiệm cá nhân đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm.

“Nếu không quy trách nhiệm cụ thể thì sẽ khó thành công”, Thủ tướng nói.

Theo đó, Thủ tướng yêu cầu người đứng đầu chính quyền địa phương phải chịu trách nhiệm nếu để xảy ra vi phạm trên địa bàn của mình.

Thủ tướng nêu rõ, phải có bộ máy tổ chức đủ mạnh làm công tác này và huy động các lực lượng đoàn thể vào cuộc.

Thủ tướng lo lắng thực phẩm bẩn làm giảm uy tín của Việt Nam với quốc tế ảnh 2

Các Bộ phối hợp chặt chẽ, sao dân vẫn phải ăn đồ bẩn?

Về vấn đề kinh phí, Thủ tướng đồng ý để các địa phương ứng trước ngân sách dành cho việc quản lý an toàn thực phẩm, đồng thời các địa phương cần đẩy mạnh xã hội hóa, đầu tư thiết bị kiểm tra sau đó thu phí và hoàn vốn.

Thủ tướng cũng nhất trí cho phép các địa phương chủ động sử dụng toàn bộ số tiền phạt vi phạm an toàn thực phẩm để phục vụ cho công tác này.

Thủ tướng chỉ đạo, xử lý hành chính ở mức cao nhất, kể cả xử lý hình sự; tăng cường thanh tra, kiểm tra; tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất thay đổi tư duy, nhận thức rõ vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm.

Các cơ quan thông tin truyền thông phải vào cuộc tích cực, thông tin đầy đủ, toàn diện về công tác này.

Thủ tướng yêu cầu phải thay đổi cách tiếp cận trong quản lý an toàn thực phẩm, nêu rõ những bất cập, đề ra những giải pháp cụ thể, trước mắt lựa chọn các loại thực phẩm cụ thể, nhất là thực phẩm tươi sống - gắn bó thường nhật với đời sống người dân để tập trung giám sát nhằm tạo chuyển biến rõ nét về quản lý an toàn thực phẩm.

Sau cuộc họp này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành một chỉ thị về việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng bảo đảm an toàn thực phẩm.

Vấn đền an toàn thực phẩm đang rất được dư luận quan tâm thời gian qua. Tại diễn đàn Quốc hội, bà Lê Thị Nga - Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã nói thẳng: “Không ít người  hoặc do thiếu hiểu biết hoặc chạy theo lợi nhuận mà bất chấp hậu quả đối với sức khỏe và an toàn của cộng đồng; vô cảm, thậm chí tàn ác khi trục lợi trên sự sống, chết của đồng bào mình. Đạo đức xuống cấp và pháp luật không nghiêm đã dung dưỡng cho họ”.

Trước đó trong cuộc họp của Chính phủ ngày 26/3, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng bày tỏ bức xúc: "Đây là vấn đề liên quan tới sức khỏe, an toàn tính mạng của người dân. Toàn xã hội quan tâm và có nhiều vấn đề bức xúc.

Đây không chỉ là vấn đề thực thi pháp luật, không chỉ là vấn đề điều hành của của các cấp mà còn là minh chứng cho sự xuống cấp đạo đức xã hội”.

Ngọc Quang