Thủ tướng và 4 Bộ trưởng sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội

04/06/2015 15:31
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội thông tin như vậy với báo chí vào sáng nay (4/6). Thời gian chất vấn từ ngày 11 đến hết sáng 13/6.

Bốn Bộ trưởng trả lời chất vấn tại Quốc hội trong kỳ họp này gồm: Ông Phạm Vũ Luận – Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; ông Nguyễn Quân – Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ; ông Cao Đức Phát – Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; ông Vũ Huy Hoàng – Bộ trưởng Bộ Công thương.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, trong số 4 vị Tư lệnh ngành nói trên thì ông Cao Đức Phát - Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn nhận được nhiều câu hỏi nhất từ các đại biểu.

“Theo kết quả thì chọn từ phiếu cao nhất xuống, nhưng vẫn phải bảo đảm hài hòa kinh tế - xã hội. Trong nhóm này có ba Bộ trưởng phụ trách lĩnh vực kinh tế, một Bộ trưởng – lĩnh vực xã hội.

Bộ Văn hóa Thể thao & Du Lịch cũng có một số câu hỏi chất vấn, nhưng Bộ Giáo dục & Đào tạo có số phiếu cao hơn nên được lựa chọn”, ông Phúc cho biết.

Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ trả lời chất vấn trước Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.

Ngoài 4 Bộ trưởng nói trên sẽ trả lời chất vấn chính thì còn một số Bộ trưởng, trưởng ngành sẽ cùng tham gia trả lời làm rõ các thông tin xung quanh. Đáng chú ý trong số này, ông Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận được 6 câu hỏi chất vấn.

Trước những thắc mắc, ở kỳ họp trước Bộ trưởng nào chưa đăng đàn trả lời chất vấn lần nào thì có thể đăng đàn để trả lời chất vấn tại kỳ họp lần này không?

Ông Phúc cho biết: “Một nguyên tắc rất quan trọng là khi quyết định chất vấn Bộ trưởng là phải có đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.

Nếu không có câu hỏi chất vấn thì sẽ không có cơ sở để đưa bộ trưởng trả lời chất vấn được, như Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Ngoại giao, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước”.

Ngoài các Bộ trưởng, đại biểu cũng rất quan tâm và gửi câu hỏi tới Thủ tướng Chính phủ.

“Đã có 8 câu hỏi của đại biểu Quốc hội chất vấn Thủ tướng, đa số ý kiến chất vấn tập trung vào các vấn đề kinh tế xã hội, trong đó có vấn đề về Biển Đông.

Trong thiết kế thì ghi Thủ tướng sẽ trả lời chất vấn, nhưng Thủ tướng có thể ủy quyền cho Phó Thủ tướng trả lời chất vấn. Việc ủy quyền là thẩm quyền của Thủ tướng”, ông Phúc nói.

Điểm khác biệt ở kỳ họp này là Quốc hội chỉ dành 2,5 ngày cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn (kỳ trước là 3 ngày).

Theo lý giải của ông Phúc thì 2 ngày sẽ chia đều cho 4 vị Bộ trưởng và nửa ngày còn lại dành cho Thủ tướng. Ở kỳ họp trước phải kéo dài hết 3 ngày là vì có thêm chuyện rà lại việc làm, giám sát việc trả lời chất vấn thực hiện từ kỳ họp 6 và 7.

“Rút kinh nghiệm từ kỳ họp trước, kỳ họp này lấy ý kiến các đại biểu Quốc hội liên quan đến chất vấn thông qua đoàn thư ký. Thư kỳ đoàn có trách nhiệm thu phiếu và ký nhận, như vậy thì biết được ai gửi, ai chưa gửi.

Chính vì thế, phiếu thu về vừa rồi được 435 phiếu tất cả - đây là số phiếu cao nhất từ trước đến giờ”, ông Phúc cho hay.

Theo ông Phúc, nhiều câu hỏi của các vị Đại biểu Quốc hội tập trung vào vấn đề thời sự, đó là trong xu thế hội nhập thì làm thế nào để hàng hóa Việt Nam khi hội nhập không bị thua thiệt trên thị trường? Làm sao sản xuất hàng ra bảo đảm chất lượng?

Đáng chú ý, tại kỳ họp này, Quốc hội yêu cầu Phó Thủ tướng báo cáo 15 – 20 phút, mỗi Bộ trưởng trình bày tóm tắt không quá 5 phút, dành phần lớn thời gian thực hiện chất vấn và trả lời chất vấn.

Ngọc Quang