Thực hư hang “quan tài bay” trên vách núi ở Sơn La

03/04/2012 18:24
Theo Ngọc Tú/Hôn nhân và Pháp luật
Từ lâu, người ở bản Pư Lai tỉnh Sơn La luôn lấy làm kỳ lạ bởi sự xuất hiện của cỗ “quan tài bay” bí ẩn được gác lên những vách núi cheo leo.
Đã từ rất lâu, người ở bản Pư Lai (xã Suối Bàng, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) luôn lấy làm kỳ lạ bởi sự xuất hiện của cỗ “quan tài bay” được gác lên những vách núi cheo leo. Người dân vẫn rỉ tai nhau về những câu chuyện rùng rợn từ “hang ma”.

Theo chân người thanh niên bản Đoàn Văn Đức chúng tôi leo gần 10 km đường rừng dốc để lên đến đỉnh của ngọn núi nơi có những chiếc “quan tài ma” được treo lên các vách đá dựng đứng và gắn liền với đó là bao câu chuyện rùng rợn, khiến những người dân bản phải khiếp sợ, không dám bén mảng tới quấy phá…

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Đêm nghe chuyện “hang ma” ở bản Pưa Lai

Vốn được nghe từ anh bạn làm báo Sơn La kể về những chiếc “quan tài ma” kỳ lạ đã tồn tại từ rất lâu ở Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La, trong một lần ngồi trò chuyện cùng nhau về những đề tài về miền rừng núi Tây Bắc, tôi và anh bạn cùng cơ quan liền rủ nhau đi đến tận nơi để được “mục sở thị” một trong những thứ cổ xưa mang đậm màu sắc huyền bí vẫn còn tồn tại cho đến tận ngày nay.
Hành trình đi vào xã Suối Bàng của chúng tôi bắt đầu bằng những đoạn đường bê tông đã xuống cấp trầm trọng. Đi vào sâu bên trong càng tồi tệ hơn khi đoạn đường biến thành những đầm lầy nhão nhoét. Chắc ở đây có cả ô tô trọng tải lớn đi vào nên đường chi chít vết bánh xe cày sâu hoắm khiến con đường vằn vện những rãnh bùn đọng nước. Đúng là trời không chiều lòng người, hai chúng tôi đành cố nhắm mắt mà đi nhưng vì đường trơn trượt quá nên một người phải xuống đi bộ còn một người đi xe phải cài số 1 rồi cố bò qua đoạn đường đầm lầy.
Cực nhọc đi được 4km, tôi và anh bạn đồng nghiệp gần như đã “thở bằng tai”, đường đồi núi đất đỏ bắn tung tóe bám bẩn lấm lem, cả người và xe đỏ quạnh từ đầu đến chân, thành thử dù chưa đến được “hang ma”, chúng tôi trông cũng đã “bẩn như ma” mất rồi. Vào đại nhà của một phụ nữ dân tộc xin chén nước cho đỡ khát, người này cho biết còn những hơn 5km đường đầm lầy nữa phía trước, thật là một thử thách đáng sợ.

Mặc dù nơi này còn cách cổ mộ khá xa, nhưng nhân tiện tôi thử hỏi thăm về “hang ma” huyền bí được nhiều người đồn đại thì bất chợt người phụ nữ này tỏ ra sợ hãi lạ thường nói rằng: “Úi giời, mấy cái quan tài trên đó đáng sợ lắm, bao nhiêu người phải chết rồi, các chú đi vào đó làm gì”.

Thật không ngờ là người này cũng nghe về những ngôi cổ mộ, tôi với anh bạn đưa mắt nhìn nhau cười để đánh trống lảng rồi cám ơn rồi tiếp tục đẩy xe, cố thoát khỏi đoạn đường đầy bùn đất.
Sau hơn 3 tiếng ròng rã cố đi hết đoạn đường xấu, trời đã nhá nhem tối, biết không thể đi tiếp được, chúng tôi xin ngủ ở nhà anh Đinh Văn Đức, người dân tộc Thái trắng ở bản Pưa Lai, Suối Bàng, Mộc Châu, Sơn La.

Anh Đức cùng người vợ đón tiếp chúng tôi rất nhiệt tình, sau khi bày tỏ mục đích của mình đi tìm kiếm những ngôi cổ mộ trên vách đá, anh Đức liền vỗ vai tôi nói: “Hóa ra các anh đi kiếm mấy chiếc quan tài gỗ kỳ lạ đó à? ở bản Pưa Lai này cũng có, nhưng toàn trên vách núi cheo leo, nếu thích sớm mai tôi sẽ dẫn các anh đi xem, cả bản này chỉ có tôi và vài thanh niên hồi bé đi rừng cùng ông, cha nên biết đường thôi”. Câu nói của anh Đức làm chúng tôi như mở cờ trong bụng, tươi vui hẳn lên sau chuyến hành trình mệt mỏi rã rời.
Cùng nhau nâng những ly rượu ngô thơm phức, trong ánh đèn lờ mờ của thứ ánh sáng thiếu điện nơi núi rừng, anh Đức kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện rùng rợn về những ngôi mộ cổ ở đây. Anh Đức kể lại: “Hồi trước có nhiều người đi chặt củi, lên trên núi thấy có quan tài gỗ mới cậy, phá rồi mang về nhà thì bỗng bị phát điên, đêm hôm cứ gầm rú như tiếng hổ gầm, rồi cứ bỏ ăn đến chết mà không ai biết là bệnh gì.”
Rồi cũng chỉ cách đây có vài năm, trong làng có mấy thanh niên nghịch ngợm trèo lên núi, đến nơi có các cổ mộ nghịch ngợm, cả lũ hò nhau mở nắp quan tài thấy nguyên cả bộ xương người. Có đứa láo lếu cầm điếu thuốc nhét vào chỗ xương hàm làm trò vui. Thế rồi mấy đứa đấy sau về nhà đứa thì ốm, đứa kêu đau đầu, đứa lên rừng rồi mất tích không ai biết đâu mà tìm được nữa?

Kinh hoàng hơn cả là có người khác vì tham lam những tấm gỗ Đinh thối quý hiếm có thể chống lại mục rữa từ những quan tài ở cổ mộ mà đã tìm đến để ăn trộm đem đi bán rồi về đang uống rượu ăn mừng thì mắt mũi trợn ngược, máu mồm cứ ồng ộc tuôn ra lênh láng không gì cầm được cho tới khi mất mạng (?). Những đêm trời mưa phùn, người dân ở đây còn nghe những tiếng rên rỉ, kêu la rợn người phát ra từ những ngọn núi nơi có những cổ mộ. Tất cả những điều đó đã khiến cổ mộ trở thành một trốn kiêng kị của người dân bản Pưa Lai này”.

Lúc này sương đã xuống, gió lùa hơi lạnh cắt da cắt thịt len qua những khe nhà sàn thổi vào tê buốt, lại thêm những câu chuyện của anh Đức về cổ mộ khiến chúng tôi không khỏi “lạnh gáy”, nổi da gà. Vậy nhưng, vì tò mò, chúng tôi lại càng thêm háo hức mong chờ được tận mắt khám phá bí mật về ngôi mộ cổ của người dân tộc Thái.

Anh Đức cũng cho biết rằng, mặc dù anh biết những quan tài trên núi từ bé, nhưng cũng đã gần 10 năm rồi, anh chưa dám quay lại, nhưng vì chúng tôi lặn lội từ xa nên sẽ dẫn đường giúp. Anh còn hứa rằng sau khi đi xong “hang ma” ở Pưa Lai này sẽ dẫn chúng tôi đến nơi có nhiều quan tài nhất nằm ở bản Nà Lồi.
“Quan tài bay”?
Cả đêm hôm đó tôi cứ chập chờn mãi không tài nào ngủ được, phần vì lạ nhà, phần vì cứ nghĩ miên man về những hang động ma kỳ bí kia. Bởi vậy, mới vừa hửng sáng, tôi đã vỗ vai anh bạn dậy để chuẩn bị cho hành trình đi tìm những cổ mộ trên núi. Trên rừng thực phẩm kham hiếm, bữa sáng chúng tôi được chị vợ anh Đức “chiêu đãi” ngô luộc. Sau khi mỗi người lót dạ mấy bắp chúng tôi bắt đầu lên đường.
Lúc vừa bước ra khỏi nhà, anh Đức khẽ cười cười bảo: “Chuẩn bị tinh thần đi, mệt lắm đấy, gần 10km đường rừng, lại dốc chứ chẳng chơi đâu, sợ các anh đi không quen”.
Đường đi vào hang cổ mộ chính là cánh rừng rậm rạp, um tùm gần nhà anh Đức ở bản Pưa Lai này. Mới đầu, con đường đất dẫn lên hang còn ra hàng ra lối để đi, nhưng càng vào trong càng rậm, hoang vu tạo nên cảm giác vắng vẻ đến rờn rợn. Anh Đức đi đầu liên tục dùng dao phạt các cây rừng để chúng tôi có lối đi.
Leo được khoảng 3km, đường quá dốc chúng tôi phải xin nghỉ một lát mới có thể tiếp tục, cả tôi và anh bạn đều thở hồng hộc bằng mồm khi phải đi bộ lên ngọn núi cheo leo này. Lên cao thêm nữa, chúng tôi bắt đầu đến khu vực sương bao phủ dày đặc, khí lạnh thấu sương lan tỏa khắp nơi. Đường đi giờ đã không còn, chỉ có đường do chúng tôi phạt cây tự tạo, khổ nỗi sương dày quá nên cả ba người phải đi chậm và bám sát vào nhau để tránh bị lạc.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.


Sau hơn 4 tiếng đồng hồ mệt nhoài vừa đi vừa nghỉ, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến được nơi cất giữ những ngôi mộ cổ mà theo lời đồn là của người Thái cổ. Anh Đức chỉ tay tỏ vẻ ngạc nhiên nói: “Lâu lắm mới trở lên đây, trước đây quan tài đều treo trên các vách đá cơ, giờ có mấy chiếc đã bị mưa, gió tụt xuống rồi”.

Trước mắt chúng tôi là những chiếc quan tài được làm bằng những thân gỗ nguyên, được bổ đôi cân đối, khoét lõi và cho xác vào bên trong rồi gác lên các vách đá, có hình dáng gần như một chiếc xuồng độc mộc. Mỗi quan tài đều được khóa chặt bằng một chốt gỗ nối liền hai nửa thân quan tài lại với nhau. Ngoài những quan tài gần chỗ chúng tôi nhất là do đã bị mưa gió làm rơi, còn rất nhiều các quan tài khác ở trên tận gần đỉnh núi cheo leo, nếu không có dụng cụ bảo vệ và là một tay leo núi cừ khôi thì chắc chắn chẳng thể nào mà trèo lên được.
Cũng chính điều đó đã làm tôi nảy sinh băn khoăn tại sao người Thái cổ lại có thể mang những chiếc quan tài nặng nề này lên tận ngọn núi cao đến gần 1.000m rồi bằng công cụ nào mà họ gác được chúng lên những gác núi dựng đứng nguy hiểm đến như vậy, thật khó có thể hình dung được. Khẽ tiến tới gần những cổ mộ kỳ lạ này, tôi bỗng ngửi thấy một mùi thối nồng nặc đến nhức óc, thấy vậy anh Đức cho biết: “Đó là mùi của gỗ Đinh thối, gỗ này quý lắm, theo lời ông cha tôi kể lại thì ngày xưa rừng còn nhiều loại gỗ này nên họ hay dùng nó làm quan tài. Mùi thối của gỗ để không cho các loài mối mọt xâm nhập, hơn nữa còn đuổi một số loài thú dữ khác khi muốn đến tìm cách ăn thây người quá cố. Các thân gỗ bị mối mọt chí ít phải chịu nhiều mưa gió qua vài trăm năm mới mục nát.”
Còn đang lúi húi chụp lại những bức hình quý giá anh Đức bỗng bảo bọn tôi: “Tiếc quá, mấy chiếc quan tài này bị rơi xuống lâu ngày đã bị mối mọt tàn phá nên xương bên trong quan tài mục vụn nát cả rồi, trước kia vẫn còn nguyên cả bộ cơ. Nhưng không sao, ngay sau khi trở xuống tôi sẽ dẫn các anh đi “hang ma” ở Nà Lồi, dù cách đây hơi xa nhưng nơi đó là hang khổng lồ nhất ở Suối Bàng, quan tài nằm trong hang nên không bị mưa gió tàn phá mấy”.
Tuy không được nhìn thấy những mảnh xương nguyên vẹn trong quan tài, nhưng kỳ thực việc được tận mắt chứng kiến những ngôi cổ mộ huyền bí cũng đã khiến chúng tôi phấn khởi lắm rồi. Ấy vậy, lời hứa hẹn đi “hang ma” Nà Lồi của anh Đức khiến chúng tôi tò mò quá, nên quyết định sau khi trở lại xuống dưới sẽ nhờ anh dẫn đi nơi có nhiều cổ mộ nhất…

(Còn nữa)
Theo Ngọc Tú/Hôn nhân và Pháp luật