Thượng nghị sĩ Mỹ bàn về vấn đề Biển Đông

25/08/2011 13:30
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - TNS Mỹ nói về giải pháp đối với vấn đề biển Đông, Lầu năm góc công bố sức mạnh quân sự của TQ, Philipines đánh giá thỏa hiệp tranh chấp biển Đông...

“Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” - Bức tranh tem “độc bản”

Bức tranh tem “độc bản” “Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải” vừa được Đoàn Thanh niên Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) trao tặng nhân dân và chính quyền huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi). Thông tin từ báo Nhân dân.

 

Đây là bức tranh được ghép từ 10 nghìn con tem với sự kỳ công, miệt mài của cả tập thể đoàn viên, thanh niên, ncán bộ công nhân viên Tập đoàn VNPT, đặc biệt là những họa sĩ nhiều kinh nghiệm của công ty Tem thuộc VNPT.

Bức tranh đã vượt gần 1.000 cây số từ Hà Nội ra đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) mang tình yêu của những người con đất liền đến với người dân hải đảo xa xôi. Dường như bức tranh đã tiếp thêm sức mạnh cho ngư dân nơi đây có đủ thêm dũng khí để vượt qua muôn vàn khó khăn trong cuộc sống.

Thượng nghị sĩ Mỹ: Vấn đề biển Đông cần giải pháp đa phương

“Vấn đề biển Đông giải pháp song phương sẽ không giải quyết được tình hình, vì vậy giải pháp đa phương là cần thiết”, Thượng nghị sỹ Mỹ Jim Webb phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam.

Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong buổi gặp báo chí tại Hà Nội (Ảnh VOV)
Thượng nghị sĩ Mỹ Jim Webb trong buổi gặp báo chí tại Hà Nội (Ảnh VOV)

Theo thông tin được đăng tải trên các báo, sáng 24.8, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp thân mật Thượng nghị sỹ Jim Webb, Chủ tịch tiểu ban Đông Á - Thái Bình Dương thuộc Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ đang có chuyến thăm Việt Nam. 

Trong buổi họp báo chiều cùng ngày, ông Jim Webb, cho biết “đối với vấn đề biển Đông giải pháp song phương sẽ không giải quyết được tình hình, vì vậy giải pháp đa phương là cần thiết”. Theo đó, không nước nào trong khu vực có vị thế ngang với Trung Quốc, nên đàm phán giải quyết song phương sẽ rất khó khăn, đặc biệt biển Đông lại là vấn đề phức tạp.

Vì vậy, ông Jim Webb cho rằng cần tiếp cận giải quyết vấn đề biển Đông theo hình thức đa phương và tiếng nói của ASEAN đối với vấn đề này rất có giá trị. Việt Nam đang tham gia vào các công việc quốc tế như là đối tác quan trọng của Mỹ ở khu vực, mối quan hệ Việt - Mỹ đang diễn ra tốt đẹp và việc xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước.

Philippines cân nhắc mua thêm tàu chiến

Theo thông tin được đăng tải trên tiền phong: Tổng thống Philippines Benigno Aquino  nói rằng, nước này đang xem xét mua một tàu ngầm mới, nhập thêm hai chiến hạm lớp Hamilton, một số tàu tuần tra, máy bay trực thăng… để hiện đại hóa hải quân.

BRP Gregorio del Pilar, tàu chiến lớn nhất của Philippines, về đến Manila hôm 23-8 Ảnh: Philippine Star
BRP Gregorio del Pilar, tàu chiến lớn nhất của Philippines, về đến Manila hôm 23-8 Ảnh: Philippine Star

Ông Aquino nói rằng, một nước ở Đông Nam Á đã mua một tàu ngầm cũ với giá 12 triệu USD nhưng phải chi thêm để sửa tàu phù hợp với điều kiện nhiệt đới, với tổng số tiền bỏ ra tương đương giá một chiếc tàu mới.

“Chúng ta có thể cung cấp cho binh lính, cảnh sát những vũ khí hiện đại hơn, tàu tuần tra nhanh hơn, thiết bị hiệu quả hơn mà không làm lãng phí ngân sách nhà nước. Chúng ta sẽ mua chúng với giá phù hợp”, ông Aquino nói.

Tư lệnh Hải quân Philippines, Phó đô đốc Alexander Pama, nói lực lượng của ông đang cân nhắc mua 1 tàu ngầm và mua thêm 2 tàu lớp Hamilton của Mỹ. Ngày 23-8, tàu BRP Gregorio del-Pilar lớp Hamilton (trọng tải 3.390 tấn, dài 115m, có bãi đáp trực thăng, có thể hoạt động 1 tháng mà không cần tiếp nhiên liệu) về đến Philippines, trở thành tàu chiến lớn nhất của hải quân nước này.

Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của Mỹ bán chiếc tàu 46 tuổi này cho Philippines với giá gần 10,5 triệu USD. Tương lai, tàu có thể được lắp thêm hệ thống radar và tên lửa nhập từ Pháp, Đức, Ý hoặc Mỹ.

“Con tàu biểu tượng cho năng lực canh phòng, bảo vệ, chiến đấu vì lợi ích quốc gia. Đây mới chỉ là khởi đầu, chúng ta sẽ không dừng lại ở con số một tàu”, Tổng thống Aquino nói tại lễ đón del-Pilar. Tàu del-Pilar sẽ nâng cao năng lực bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế của Philippines, ông nói.

Philippines ký hợp đồng mua tàu del-Pilar hồi đầu năm, trước khi bùng phát căng thẳng với Trung Quốc về chủ quyền trên biển Đông. Báo chí Trung Quốc tháng này cảnh báo Philippines có thể phải “trả giá cao” cho việc tăng cường hiện diện quân sự ở biển Đông. Tuần tới, Tổng thống Aquino sẽ thăm Trung Quốc.

Gặp gỡ TQ – Philippines: Khó đạt được thỏa hiệp về tranh chấp trên biển Đông

Theo thông tin từ Pháp luật TP: Ngoại trưởng Philippines Albert del Rosairo tuyên bố dù còn nhiều điểm bất đồng nhưng Trung Quốc vẫn là nước láng giềng gần gũi, người bạn tốt và là đối tác quan trọng đối với Philippines.

Nhưng, trong họp báo hôm 23-8, bà Cristina Ortega, trợ lý Ngoại trưởng Philippines, cho biết một thỏa hiệp về tranh chấp trên biển Đông giữa hai nước sẽ rất khó đạt được trong chuyến thăm lần này. Bà nói: “Về vấn đề biển Đông, có thể ông Aquino chỉ nói vài lời đại loại như đồng ý hay không đồng ý mà thôi”

Tổng thống Philippines luôn cứng rắn với TQ trong vấn đề biển Đông
Tổng thống Philippines luôn cứng rắn với TQ trong vấn đề biển Đông

Hôm 23-8, tức vài ngày trước chuyến đi Trung Quốc, nhân sự kiện tàu chiến BRP Gregorio del Pilar được mua từ Mỹ về cập vịnh Manila, Tổng thống Aquino đã nhấn mạnh: “Đây chỉ là khởi đầu. Chúng tôi sẽ không dừng lại ở một tàu chiến”. Cùng ngày, ông đã từ chối dự buổi lễ tưởng niệm tám du khách Hong Kong bị một cựu cảnh sát Philippines bắn chết hồi năm ngoái và từ chối xin lỗi về vụ này.

Động thái này đã gây phẫn nộ trong dư luận Trung Quốc. Ông Aquinto cho biết: “Xin lỗi có nghĩa là chúng tôi đã làm hại họ. Tôi nghĩ điều này không đúng. Chúng tôi cảm thông nhưng chúng tôi thực sự không muốn thảm kịch xảy ra”. 

Mỹ nhận định Trung Quốc tập trung vào sức mạnh hải quân

Tờ Tuổi trẻ đưa tin: Bộ Quốc phòng Mỹ đã công bố bản báo cáo thường niên về sức mạnh quân sự Trung Quốc vào ngày 24-8. Bản báo cáo năm nay của Lầu Năm Góc dành một phần đặc biệt về tham vọng hàng hải của Trung Quốc và việc nước này phát triển vũ khí công nghệ cao.

Mỹ nhận định Trung Quốc tập trung vào sức mạnh hải quân - Ảnh: AFP
Mỹ nhận định Trung Quốc tập trung vào sức mạnh hải quân - Ảnh: AFP

Trung Quốc đã đẩy nhanh nỗ lực xây dựng tên lửa chống hạm, cải tiến hệ thống radar nhắm mục tiêu, mở rộng hạm đội tàu ngầm và tàu chiến, đạt được những bước phát triển trong công nghệ vệ tinh và quan tâm đến thu thập thông tin tình báo mạng... Đó là những điểm chính trong báo cáo về quân sự Trung Quốc của Bộ Quốc phòng Mỹ, theo AFP.

"Các nhà lãnh đạo Trung Quốc đã nhiều lần khẳng định hải quân sẽ giữ vai trò then chốt trong Giải phóng quân Trung Quốc (PLA)". Báo cáo mô tả trong khi hải quân Trung Quốc "vẫn giữ mục tiêu trọng tâm trong khu vực", những tàu chiến của nước này "sẽ được nâng cao vai trò trong việc bảo vệ các lợi ích xa xôi của Trung Quốc".

Đầu tháng này, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc đã chạy thử nghiệm. Mặc dù trên tàu chưa có máy bay và chưa được trang bị nhiều, nhưng Lầu Năm Góc nhận định "đây là nền tảng trong việc huấn luyện và đánh giá". Các chỉ huy quân đội Mỹ lo ngại Trung Quốc có thể vượt mặt và đe dọa sự thống trị lâu dài của quân đội Mỹ tại Thái Bình Dương.

Mặc dù có sự phát triển chênh lệch ở một số ngành then chốt, phần lớn thiết bị lạc hậu và thiếu kinh nghiệm vận hành vũ khí, nhưng PLA đang từng bước khắc phục những lỗ hổng về kỹ thuật bằng các lực lượng vũ trang hiện đại.

Những vũ khí như máy bay tàng hình J-20 và các tên lửa đạn đạo tầm dài "có thể cải thiện khả năng tấn công vào các căn cứ không quân, cơ sở hậu cần và cơ sở hạ tầng trên mặt đất trong khu vực". Báo cáo của Mỹ cho thấy Trung Quốc đang quan tâm phát triển hình thức thu thập thông tin tình báo mạng và tấn công hệ thống máy tính toàn cầu.

Mặc dù đang ra sức củng cố và trang bị cho quân đội như vậy, nhưng Bộ Quốc phòng Mỹ nhận định Bắc Kinh sẽ không thể trở thành một sức mạnh quân sự vững chắc và có sức chiến đấu cường độ cao cho đến năm 2020.

Bộ Quốc phòng Mỹ hằng năm phải trình quốc hội một đánh giá nhận định về sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Bản báo cáo này lẽ ra sẽ được công bố vào tháng 3, nhưng bị trì hoãn khá lâu do phải gửi đi nhiều cơ quan chính phủ để xem xét.

Hải Hà (tổng hợp)