Tố lốc làm đổ cột đường dây 500 kV, vườn chuối không sao là không chấp nhận được

04/05/2016 07:03
XUÂNG QUANG
(GDVN) - Chủ đầu tư, đơn vị thi công đều đưa ra nhận định ban đầu, cột truyền tải đường dây 500 KV bị đổ "có thể do… gió lốc".

Cột truyền tải "gục ngã" do thời tiết?

Hôm 24/4, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về sự cố cột đường dây truyền tải 500 KV, Quảng Ninh - Hiệp Hòa vừa bị đổ sáng 22/4 tại Bắc Giang, phía đơn vị chủ đầu tư, đơn vị thi công đều cho rằng, nguyên nhân ban đầu có thể do lốc xoáy.

“Người dân địa phương cho biết, thời điểm trước khi xảy ra sự cố, họ phát hiện có gió lốc mạnh. Các hộ gia đình phải đóng kín cửa để tránh thiệt hại. Do đó, nguyên nhân gió lốc gây đổ cột điện là không thể bỏ qua.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là phản ánh của người dân, sự việc cụ thể như thế nào, chúng tôi vẫn đang trong quá trình tìm hiểu”, ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện 1, đơn vị chủ đầu tư công trình cho biết.

Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (ảnh: XUÂN QUANG).
Ông Nguyễn Tuấn Tùng - Phó Tổng giám đốc Công ty Truyền tải điện 1 (ảnh: XUÂN QUANG).

Trong khi đó, nhiều ý kiến trái chiều khác cho rằng, sự cố cột truyền tải 500 KV xuất phát từ chất lượng thi công công trình (?).

Về việc này, ông Tùng nói: “Chúng tôi chưa dám nhận định”.

“Nếu đo kích thước bên ngoài, thì thi công đạt chuẩn theo quy định.

Sau khi xảy ra sự cố, một số người dân cũng phản ánh chất lượng xi măng tại khu vực chân đế của công trình chưa đảm bảo. Theo đó, phần xi măng bị bong tróc ra ngoài, có thể dùng tay bẻ được. Tuy nhiên, đây chỉ là nhận định cảm tính, rất khó đánh giá đúng sai.

Hiện tại, để xác định rõ nguyên nhân sự cố, chúng tôi đã đề nghị đơn vị tư vấn, thiết kế vào cuộc đánh giá toàn bộ các khâu liên quan tới công tác xây dựng cột truyền tải. Nếu lỗi do chủ quan, trách nhiệm đầu tiên thuộc về đơn vị thi công”, ông Tùng cho biết.

Cũng theo lãnh đạo Tổng Công ty Truyền tải điện 1, sau khi xảy ra sự cố tại cột đường dây 500 kV, đơn vị sẽ phối hợp thực hiện rà soát tổng thể hệ thống cột truyền tải, nhằm tránh trường hợp tương tự có thể xảy ra.

Về phía đơn vị thi công, ông Trịnh Văn Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần xây lắp điện 1 đưa ra nhận định tương tự: “Nguyên nhân gây ra sự cố nói trên là do yếu tố thời tiết”.

“Không có chuyện nó (cột truyền tải - PV) đổ một cách bình thường được. Nếu cột đổ do thi công yếu kém thì cột phải chùn xuống, hoặc bật ra ngoài khỏi xi măng…

Còn bình thường khó mà cắt đứt được chân cột như thế.

Tố lốc làm đổ cột đường dây 500 kV, vườn chuối không sao là không chấp nhận được ảnh 2

Cột đường dây 500KV bị đổ, lộ đế mỏng manh, chân thép bé như chiếc đũa

Do đó, theo nhận định ban đầu, sự cố trên phần nhiều do tác động của lốc xoáy.

Còn cụ thể lốc mạnh như thế nào thì chúng tôi chưa thể biết được”, ông Tuấn nhận định.

Về phương án khắc phục sự cố, đơn vị thi công cho biết: “Để đảm bảo an ninh lưới điện, chúng tôi đã huy động nhiều đơn vị thi công, tập trung khắc phục sự cố trong thời gian sớm nhất. Phương án được đưa ra là lấy 2 cột tương đương ở công trình khác để thay mới cột gãy đổ”, ông Tuấn cho biết

Cũng theo đại diện đơn vị thi công, hiện tại chưa ước tính được thiệt hại do sự cố gây ra.

"Đổ lỗi do thời tiết là thiếu khách quan"

Dưới góc nhìn pháp lý vụ việc, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách, Pháp luật và Phát triển cho rằng, muốn xác định đúng nguyên nhân sự cố cột truyền tải 500 kV, cần tập trung phải xem xét thiết kế và xây dựng công trình.

“Phải xem xét tỉ mỉ việc thi công có phù hợp với các quy chuẩn, thông số kỹ thuật theo thiết kế hay không?

Nếu đưa ra kết luận là lốc xoáy gây đổ cột mà chưa tính tới yếu tố thiết kế, thi công thì hoàn toàn không thuyết phục.

Cũng không thể dựa vào kết luận chủ quan của những người trong cuộc làm căn cứ để đánh giá sự cố được bởi lẽ, không ai làm sai lại tự kết luận mình làm sai cả.

Do đó, cần đơn vị giám định độc lập về mặt kỹ thuật, để đảm bảo tính khách quan trọng việc nhận định nguyên nhân sự cố”, Tiến sĩ, Luật sư Hoàng Ngọc Giao nêu quan điểm.

Cột truyền tải đường dây 500kV bị đổ gục hôm 22/4 (ảnh: Anh Minh)
Cột truyền tải đường dây 500kV bị đổ gục hôm 22/4 (ảnh: Anh Minh)

Phân tích sâu hơn về sự cố này trên tờ Đất Việt, Tiến sĩ Phạm Sỹ Liêm - Phó Chủ tịch Tổng Hội Xây dựng Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng cho rằng, rất ít khi xảy ra những trường hợp cột điện bị quật đổ vì giông lốc trong khi cây cối vẫn hoàn toàn bình thường.

“Những người liên quan bảo rằng gió lốc lớn dẫn đến đổ cột điện thì tôi nghĩ là không đúng.

Tôi đã trực tiếp nhìn xung quanh, những cây chuối bên cạnh lá vẫn còn nguyên, không xơ xác. Tất nhiên là gió ở trên cao bao giờ cũng mạnh hơn ở dưới thấp.

Có thể cây chuối ở dưới mặt đất sẽ không chịu sức gió lớn như cột điện cao 30m, tuy nhiên nếu cột điện bị quật đổ thì ở dưới cũng phải bật cây chuối. Điều này hết sức vô lý”, ông Liêm nói.

Ngoài ra, khi nhìn hiện trường, vị chuyên gia khẳng định ý kiến của nhiều người về việc chất lượng công trình thi công không đảm bảo là có cơ sở.

“Cột chính bị bật gốc chứ cột vẫn thẳng đứng vẫn dài không làm sao cả, chỉ bị vặn một chút thôi. Những bu lông để cố định cột, neo cột vào móng bị lôi lên rất ngắn. Điều này chứng tỏ neo chưa đủ lực, với những neo như thế thì gió chưa cần đổ mạnh đã bật rồi

Thứ hai, những mảnh bê tông ở trụ cột khi bị cậy vụn vặt, chứng tỏ chất lượng rất kém. Bê tông chất lượng kém, neo không đảm bảo và cuối cùng khi chịu sức gió nó bật cái neo ra dẫn đến cột bị đổ.

Nếu móng tốt, neo đúng quy chuẩn chất lượng thì khi đó cột sẽ bị gãy chứ không thể bật cả gốc lên mặt đất được”, vị chuyên gia phân tích.

Trong một diễn biến có liên quan, mới đây, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam tập trung khắc phục nhanh sự cố đổ cột điện trên đường dây 500 KV Hiệp Hòa - Quảng Ninh (trên địa bàn huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang), bảo đảm truyền tải và cung cấp điện an toàn, ổn định; tổ chức điều tra, xác định nguyên nhân sự cố, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả. 

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn cung cấp điện trong thời gian khắc phục sự cố; chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra hành lang tuyến, chất lượng các công trình đường dây nói chung và đặc biệt là công trình đường dây 500 KV, bảo đảm vận hành an toàn, tin cậy trong mùa mưa bão.

XUÂNG QUANG