"Tôi tự tin khi tham gia bảo hiểm xã hội và có thẻ bảo hiểm y tế"

28/11/2018 15:55
Đỗ Thơm
(GDVN) - Thông điệp này được đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mong muốn sinh viên Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội chia sẻ sau cuộc tọa đàm vừa diễn ra.

Ngày 28/11/2018, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) phối hợp với Bảo hiểm xã hội Việt Nam tổ chức tọa đàm “Nâng cao nhận thức và sự chủ động của sinh viên trong việc tham gia Bảo hiểm Xã hội, Bảo hiểm y tế và Bảo hiểm thất nghiệp” cho hơn 500 sinh viên của trường.

Khách mời tham gia tọa đàm là bà Tống Thị Song Hương - Phó Tổng thư ký, Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế và bà Trần Thị Thúy Nga - Phó Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục nghề nghiệp và nghề công tác xã hội Việt Nam, nguyên Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm xã hội.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.

Xã hội càng văn minh bảo hiểm càng đóng vai trò then chốt

Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn – Phó Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội cho biết, tỷ lệ sinh viên của trường tham gia bảo hiểm y tế trong năm học 2018 - 2019 đạt 98%.

Trong đó sinh viên năm thứ nhất đạt 98,4%, sinh viên năm thứ hai và ba đạt 98%, sinh viên năm cuối đạt 97,4%.

Việc tuyên truyền giáo dục về chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp luôn được nhà trường quan tâm sát sao.

Thầy Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: “Chúng ta ngày càng nhận thấy vai trò quan trọng của bảo hiểm trong xã hội hiện nay”.

Vị Phó Hiệu trưởng nhà trường ví dụ: “Ngay cả vấn đề chính trị thế giới như bầu cử Tổng thống Mỹ, bảo hiểm cũng là một trong vấn đề nghị sự lớn của chính trường Mỹ.

Từ thời Tổng thống Obama rồi đến Tổng thống Donald Trump thì bảo hiểm là vấn đề nghị sự lớn mang tính quốc gia. Xã hội càng văn minh, hiện đại thì bảo hiểm càng đóng vai trò then chốt, có ý nghĩa trong đời sống con người”.

Ông đánh giá, nhận thức sinh viên ở các trường đại học về bảo hiểm càng ngày càng cao. Ông nhắn nhủ đến các sinh viên của mình hãy đặt nhiều câu hỏi để được các chuyên gia giải đáp cụ thể.

Trong phát biểu của mình ông Trần Đức Toàn – Phó Giám đốc Trung tâm truyền thông (Bảo hiểm xã hội Việt Nam) chia sẻ: “Hôm nay, tôi đến trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn rất sớm từ khi cuộc tọa đàm chưa diễn ra. Và, tôi rất ấn tượng với thông điệp được các bạn truyền đi là “Tôi tự tin khi tôi được hiến máu. Một thông điệp cực kỳ nhân văn.

Vì thế, sau ngày hôm nay khi được các chuyên gia đầu ngành về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội của chúng tôi trao đổi, các bạn hãy truyền đi thông điệp “Tôi tự tin khi tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội và khi tôi có thẻ bảo hiểm y tế”.

Sinh viên tham gia các sự kiện để hội tụ và tỏa sáng. Hôm nay, chúng ta tham gia sự kiện này để hiểu biết và lan tỏa.

Tất cả băn khoăn thắc mắc của các bạn về các nội dung trên, các bạn hoàn toàn có thể đặt ra để chuyên gia của chúng tôi giải đáp”.

Lãnh đạo nhà trường và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các khách mời tham dự tọa đàm.
Lãnh đạo nhà trường và Bảo hiểm xã hội Việt Nam cùng các khách mời tham dự tọa đàm.

Tại cuộc tọa đàm, bà Tống Thị Song Hương và bà Trần Thị Thúy Nga đã thông tin tới sinh viên các chính sách mới nhất của bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội. Đồng thời trực tiếp giải đáp các thắc mắc của sinh viên.

Hay lo về mặt tinh thần, thể chất đã có bảo hiểm xã hội

Đặc biệt tại cuộc tọa đàm, sinh viên đã được nghe những người đã và đang được thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm y tế chia sẻ câu chuyện của "người trong cuộc".

Giảng viên Trần Thị Hạnh – khoa Triết học của Trường đã khiến cả hội trường nín lặng theo dõi câu chuyện của chính cô. Ngồi ở cương vị là khách mời tham gia tọa đàm, ít ai biết được cô là người bệnh của bệnh viện K.

Ròng rã 4 năm qua, cô Hạnh đã khám và điều trị tại khoa Ngoại bệnh viện K.

Cô tâm sự: “Ít ai biết cuộc đời mình sẽ gặp những biến cố gì trong cuộc sống. Bệnh tật là điều không ai muốn, đặc biệt là căn bệnh nguy hiểm.

Một ngày đẹp trời tôi nhận được tin mà mình không muốn nhận. Tôi đã sốc mất một tháng nhưng sau đó với tất cả bản lĩnh mà ngành Triết đã tôi luyện cho mình 30 năm, tôi vực dậy và chiến đấu với bệnh tật.

Rất may, tôi chỉ phải lo về mặt tinh thần còn thể chất đã có bảo hiểm xã hội lo (cười).

Giờ đều đặn vài tháng/1 lần, tôi đến bệnh viện K kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ”.

Cô Hạnh nhắn nhủ với tất cả sinh viên: “Ngay từ khi còn trẻ, còn khỏe, các em hãy học tập, rèn luyện sức khỏe và chuẩn bị những gì có thể để đảm bảo cho tương lai của chính mình. Tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là cách dễ dàng, đơn giản nhất mà chúng ta cần làm”.

Quang cảnh tọa đàm.
Quang cảnh tọa đàm.

Cũng là người mới được thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm y tế, sinh viên Lê Minh Hoàng – lớp Quản lý chất lượng cao tâm sự: “Năm ngoái, em tham gia thể thao và không may bị chấn thương đứt dây chằng.

Cuộc phẫu thuật tốn 80 triệu đồng nhưng rất may nhờ tham gia bảo hiểm y tế, phần lớn gánh nặng tài chính cho cuộc phẫu thuật đã được bảo hiểm chi trả.

Giả sử nếu em không tham gia bảo hiểm thì gia đình em sẽ phải rất vất vả để lo và trả nợ đủ số tiền trang trải cho cuộc phẫu thuật. Thật may mắn là em đã tham gia bảo hiểm y tế”.

Bà Tống Thị Song Hương cũng chia sẻ thông tin, theo thống kê của cơ quan chức năng trong năm học 2017 – 2018, một học sinh mắc bệnh máu đã được bảo hiểm chi trả 1,8 tỷ đồng điều trị bệnh. Tính theo mệnh giá mua bảo hiểm y tế của học sinh, sinh viên, số tiền này tương đương với khoảng 3.000 học sinh đóng góp.

Không chỉ nâng cao nhận thức, sử chủ động của hơn 500 sinh viên tham gia tọa đàm, ban tổ chức cũng vận động những người tham gia lan tỏa thông điệp của sự kiện.

Ngay trong thời gian diễn ra tọa đàm, các bạn sinh viên, khách mời tham dự đã cùng chia sẻ trên trang cá nhân các thông điệp liên quan đến tọa đàm.

Đỗ Thơm