"Tôi vẫn nhớ như in lời dạy của Đại Tướng Võ Nguyên Giáp"

12/10/2013 07:39
Đoàn Lan
(GDVN) - Tôi được bác Giáp dạy: “Cố gắng bám sát thực tiễn để giảng dạy cho tốt vì giảng dạy báo chí cũng như làm báo, phải có thực tế”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đi là nỗi mất mát lớn đối với toàn thể dân tộc Việt Nam, người dân lặng đi trong sự đau thương, 30 Hoàng Diệu là địa chỉ quen thuộc của mà nhiều người dân, đồng bào nhớ đến trong những ngày này với một tâm nguyện từ đáy lòng đến tiễn biệt vị Đại tướng vĩ đại nhất của lòng dân. Phóng viên Báo Giáo Dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Ts Trần Bảo Khánh, nguyên giảng viên khoa PTTH Học Viện Báo Chí Và Tuyên Truyền, Ts đã may mắn được gặp mặt và nói chuyện với Đại Tướng trong những 2003.
Ts Trần Bảo Khánh chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2003 (ảnh do TS Trần Bảo Khánh cung cấp)
Ts Trần Bảo Khánh chụp ảnh kỷ niệm với Đại tướng Võ Nguyên Giáp năm 2003 (ảnh do TS Trần Bảo Khánh cung cấp)
Khi nghe tin Đại tướng mất tôi hụt hẫng, biết đó là quy luật sinh – lão – bệnh – tử nhưng sao xót xa vô cùng. Ts Khánh chia sẻ: “Bức ảnh này tôi được chụp với Đại tướng khi ông về thăm trường đại học Tuyên giáo (nay là Học viện Báo chí và Tuyên truyền). Đồng chí Hiệu trưởng Tô Huy Rứa giao cho tôi nhiệm vụ quay phim và chụp ảnh Đại tướng trong lúc ông nói chuyện với cán bộ, giảng viên, cho nên tôi có điều kiện gần ông trong suốt thời gian ông ở trường. Khi nghỉ giải lao, chắc ông thấy tôi loay hoay hết chụp lại quay nên kéo tôi lại ngồi gần. Ông hỏi tôi làm ở báo nào? Tôi trả lời: Cháu là giảng viên khoa Báo chí. Ông hỏi tôi về gia đình và nói tôi cố gắng bám sát thực tiễn để giảng dạy cho tốt vì giảng dạy báo chí cũng như làm báo, phải có thực tế. Thời gian ở gần Đại tướng không nhiều, nhưng tôi không sao quên được cảm giác gần gũi, thân thiết như một người cha với con trai và chưa bao giờ tôi quên lời dạy của ông, dù đã hơn 20 năm trôi qua. Nghe tin Đại tướng qua đời, tôi tìm lại bức ảnh và trong lòng nhói đau khi nhớ lại cảm giác được ngồi bên ông, nghe ông căn dặn việc giảng dạy về Báo chí và tôi hiểu rằng, mình đã có một kỉ niệm, một tài sản vô giá khi được ngồi bên một con người vĩ đại về chiến công và vĩ đại về nhân cách”
Lịch sử lật trang đời tên gọi: “ngày mai”
Không còn vị tướng già ấy nữa
Chiến tranh trở thành pho sách cũ
Chuyện qua rồi ai nhớ? Ai quên?
Từ một thời lừng lẫy Điện Biên
Cả thế giới biết tên nhắc mãi
Đến hôm nay điều gì còn ở lại?
………….
Vững bàn chân đứng trước cuồng phong
Trước bom đạn vẫn một lòng sắt đá
Trái tim nhiệt tình vì nhân dân tất cả
Ngưng đập rồi, mùa thu lá nhiều hơn.
Vị tướng già như vầng sáng lúc hoàng hôn
Gác lại trăm năm mặt trời luôn rực cháy
………….
Một con đường nơi ấy có bình minh
Đoàn Lan