Tranh luận "nảy lửa" chuyện phong hàm cho quân nhân chuyên nghiệp

13/08/2015 15:36
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Huỳnh Ngọc Sơn: “Không phải cứ Tiến sĩ là Thượng tá còn Thạc sĩ là Trung tá. Việc thăng cấp bậc quân hàm còn căn cứ vào cống hiến và nhiều yếu tố khác".

Sáng nay (13/8), tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ- Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày tờ trình dự án Pháp lệnh Quân nhân chuyên nghiệp và công nhân, viên chức quốc phòng.

Theo đó, đối với quân nhân chuyên nghiệp, để tiết kiệm nguồn nhân lực trong Quân đội, giảm chi phí đào tạo thay thế số quân nhân chuyên nghiệp thôi phục vụ tại ngũ và phát huy được trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn của quân nhân chuyên nghiệp còn đủ sức khỏe; đồng thời khắc phục tình trạng hằng năm phải kéo dài độ tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp với số lượng lớn.

Dự thảo Pháp lệnh đã quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp theo cấp bậc quân hàm là: Cấp uý quân nhân chuyên nghiệp: nam 50 tuổi, nữ 50 tuổi; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp: nam 56 tuổi, nữ 55 tuổi.

Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, đối với quân nhân chuyên nghiệp có nhiều vi trí quan trọng nên có thể nâng quân hàm lên Đại tá (theo dự thảo Pháp lệnh, cấp bậc cao nhất là Thượng tá). ảnh: TTXVN.
Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, đối với quân nhân chuyên nghiệp có nhiều vi trí quan trọng nên có thể nâng quân hàm lên Đại tá (theo dự thảo Pháp lệnh, cấp bậc cao nhất là Thượng tá). ảnh: TTXVN.

Riêng đối với một số chức danh như chiến đấu viên, đặc công, trinh sát đặc nhiệm, chống khủng bố, thợ lặn, tiêu binh danh dự, vận động viên thể dục thể thao, phục vụ trên tàu ngầm, kíp xe tăng, thiết giáp, diễn viên múa nếu quy định hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ như trên thì không phù hợp về sức khỏe để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Do đó, dự thảo đã quy định cụ thể hạn tuổi cao nhất phục vụ tại ngũ cho các đối tượng này và khi hết hạn tuổi phục vụ, nếu có đủ điều kiện thì được xem xét để chuyển sang đảm nhiệm vị trí chức danh khác.

Việc quy định tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp là nữ như tuổi của quân nhân chuyên nghiệp nam cùng cấp bậc quân hàm để thực hiện quy định của pháp luật về bình đẳng giới; quy định tuổi phục vụ tại ngũ của quân nhân chuyên nghiệp nữ là 55 tuổi để phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động.                                       

Tranh luận "nảy lửa" chuyện phong hàm cho quân nhân chuyên nghiệp  ảnh 2

Đại tướng Phùng Quang Thanh: Không phong Tướng, anh em tâm tư

(GDVN) - Sau giải phóng miền Nam có 36 tướng nhưng đánh tan nhiều đế quốc. Nhu cầu phong tướng của ta là gì? Có phải do nhu cầu tác chiến?

Ngoài quy định hạn tuổi phục vụ cao nhất, dự thảo Pháp lệnh còn quy định quân nhân chuyên nghiệp được tự nguyện phục vụ tại ngũ từng thời hạn là 06 năm cho đến hết hạn tuổi cao nhất theo cấp bậc quân hàm và khi Quân đội có nhu cầu, quân nhân chuyên nghiệp có đủ phẩm chất, trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ giỏi, sức khoẻ tốt và tự nguyện thì được xem xét kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 năm đến 5 năm nhưng không quá 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ.

Đối với quân nhân dự bị, hạn tuổi cao nhất phục vụ trong ngạch dự bị cũng được quy định phù hợp với quy định của Pháp lệnh này.

Theo dự thảo Pháp lệnh, cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp được xác định tương ứng với trình độ chuyên môn kỹ thuật, nghiệp vụ và mức lương để đáp ứng yêu cầu công tác chỉ huy, quản lý trong Quân đội nhân dân.

Cấp bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp thuộc hệ thống cấp bậc quân hàm trong Quân đội nhân dân, gồm có: Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp; Đại úy quân nhân chuyên nghiệp; Thượng úy quân nhân chuyên nghiệp; Trung úy quân nhân chuyên nghiệp; Thiếu úy quân nhân chuyên nghiệp.

Bậc quân hàm cao nhất của quân nhân chuyên nghiệp có trình độ cao cấp là Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ trung cấp là Trung tá quân nhân chuyên nghiệp; có trình độ sơ cấp là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp.

Tuy nhiên, Ủy ban An Ninh Quốc phòng của Quốc hội đề nghị quy định phù hợp từng trình độ cụ thể hơn. Cụ thể, quân nhân chuyên nghiệp có trình độ sơ cấp cao nhất là Trung úy; Trình độ trung cấp cao nhất là Đại úy và trình độ đại học cao nhất là Thiếu tá; Trình độ Thạc sĩ cao nhất là Trung tá; Trình độ Tiến sĩ cao nhất là Thượng tá.

Cho ý kiến vào dự thảo Pháp lệnh, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Huỳnh Ngọc Sơn nhận định: “Không phải cứ Tiến sĩ là Thượng tá còn Thạc sĩ là Trung tá. Việc thăng cấp bậc quân hàm còn căn cứ vào cống hiến và nhiều yếu tố khác. Nhiều người giàu kinh nghiệm và giỏi chuyên môn trong lực lượng nhưng có văn bằng Tiến sĩ đâu”.

Cũng theo ông Sơn, về cấp bậc có thể nâng lên tới Đại tá, vì có nhiều vị trí quan trọng, nhưng tiêu chuẩn chế độ, quy định phải rõ ràng. Hạn chế thấp nhất giao cho Chính phủ và Bộ Quốc phòng.

Đồng tình với quan điểm này, ông Đào Trọng Thi – Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cũng cho rằng, trình độ đào tạo chỉ là điều kiện để xét chứ không thể gắn luôn với bậc quân hàm.

Trước những băn khoăn vì sao không có quân hàm Đại tá với quân nhân chuyên nghiệp, đại diện Bộ Quốc Phòng cho hay, thực tiễn cho thấy khi đến cấp bậc Thượng tá là hết tuổi tại ngũ. Nếu phong Đại tá thì sẽ có thêm nhiều thang bậc lương.

Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ lý giải, bậc quân hàm của quân nhân chuyên nghiệp tương ứng với thang lương, nhưng đó là biểu trưng danh dự, không liên quan đến văn bằng Cao đẳng, Đại học hay Thạc sĩ, Tiến sĩ.

Ngọc Quang