Trung Quốc được đằng chân sẽ lân đằng đầu

07/05/2014 14:07
VIẾT CƯỜNG
(GDVN)- Theo nhà nghiên cứu Dương Danh Dy, tính chất của lần vi phạm chủ quyền lần này của TQ rất rõ rệt và nguy hiểm, một là chính trị và hai là kinh tế

Liên quan đến việc Trung Quốc đưa giàn khoan trái phép đến vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, nhà nghiên cứu Dương Danh Dy - nguyên Bí thư thứ nhất Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, nguyên Tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu, Trung Quốc, nhận định đây là một bước tiến xa của Trung Quốc trong âm mưu thôn tính biển Đông.

Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy
Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy

Ông Dy bình luận, hành động này của láng giềng Trung Quốc nhằm hai mục đích, một là vi phạm chủ quyền – tức mục đích về chính trị và hai là khai thác dầu lửa – mục đích về kinh tế.

“Tính chất của lần vi phạm này rất rõ rệt và nguy hiểm, chúng ta không thể coi thường” – nhà nghiên cứu Dương Danh Dy khẳng định.

Về cách ứng xử của Việt Nam, ông Dy cho rằng việc lên tiếng phản đối là điều cần thiết.

Trước băn khoăn của phòng viên, chúng ta phản đối nhưng Trung Quốc vẫn cứ lấn tới thì sao? Về việc này ông Dy nói, Việt Nam dứt khoát cần phải thể hiện việc bảo vệ chủ quyền của mình, không thể nói suông được.

Ông Dương Danh Dy nhận định: “Không làm lần này, Trung Quốc sẽ còn được đằng chân lân đằng đầu. Hôm nay khai thác ở đây, ngày mai sẽ khai thác chỗ khác. Lúc đó tàu bè của Việt Nam đi ra các đảo sẽ bị chèn ép, rất khó khăn”.

Nhà nghiên cứu cũng lưu ý, khi mà tranh chấp về chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư giữa Nhật và Trung Quốc còn đang căng thẳng, trong chuyến thăm Nhật Bản mới đây của Tổng thống Mỹ, ông Obama khẳng định sẽ chống lại bất cứ mưu định nào nhằm làm tổn hại quyền kiểm soát của chính quyền Nhật ở các hòn đảo đang tranh chấp, cụ thể là lực lượng Mỹ sẽ bảo vệ Senkaku/Điếu Ngư nếu như Trung Quốc cố tình muốn cưỡng chiếm bằng vũ lực.

Ông Dương Danh Dy cho rằng, Trung Quốc có phần e dè trước động thái trên của Mỹ, do đó hành động đưa giàn khoan đến vùng biển Việt Nam là nhằm “vớt vát” ý định thôn tính biển Đông.

“Ngoài việc lên tiếng phản đối và có những hành động quyết liệt, chúng ta cần phải tranh thủ sự ủng hộ từ dư luận quốc tế”– Nhà nghiên cứu Dương Danh Dy nói.

Trước đó, hãng tin Reuters cho biết, Cục Hải sự Trung Quốc ngày 5/5 đã mở rộng bán kính cấm tàu thuyền lai vãng quanh giàn khoan Hải Dương 981 đang ở trái phép trên vùng biển Việt Nam lên 3 dặm (4,8 km) so với 1 dặm công bố ngày 3/5.

981 được cho là giàn khoan siêu sâu hàng đầu của Trung Quốc
981 được cho là giàn khoan siêu sâu hàng đầu của Trung Quốc

Giàn khoan dầu khí nửa nổi nửa chìm này trước đó hoạt động ở vùng biển phía nam Hồng Kông và đảo Hải Nam, đã được dời xuống gần quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và ở trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý (221 km). Tập đoàn dầu khí CNOOC lớn thứ 3 Trung Quốc ngang ngược tuyên bố tiến hành khoan thăm dò từ ngày 4/5 đến 15/8/2014 tại khu vực này.

Chiều 06/5/2014, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc điện đàm với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì về việc giàn khoan HD-981 và nhiều tàu của Trung Quốc hoạt động tại khu vực thuộc lô dầu khí 143 thuộc thềm lục địa Việt Nam từ ngày 01/5/2014 đến nay.

Tại cuộc điện đàm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh việc Trung Quốc đơn phương đưa giàn khoan HD-981 và một lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự vào hoạt động ở khu vực này là bất hợp pháp, đi ngược lại luật pháp và thông lệ quốc tế, vi phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa, quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Bên cạnh đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này.

VIẾT CƯỜNG