Trung Quốc vẫn là “thị trường” chính của tội phạm buôn người

25/07/2017 16:00
Bích Phương
(GDVN) - Theo thống kê của các cơ quan chức năng, trong 5 năm gần đây, số vụ mua bán người sang Trung Quốc chiếm 81,1% tổng số vụ phát hiện được.

Đây là thông tin mà Thượng tá Lê Khắc Sơn - Phó trưởng Phòng cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hà Nội (PC45) cho biết vào chiều 25/7 tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội.

Tại buổi giao ban, cơ quan Công an Thành phố Hà Nội đã có các thông tin liên quan đến việc mua bán người trên địa bàn thành phố.

Theo Thượng tá Lê Khắc Sơn, tình hình tội phạm mua bán người trên địa bàn Hà Nội có nhiều tiềm ẩn phức tạp.

Người dân ở các tỉnh, thành phố đến Thành phố Hà Nội ngày càng tăng; số lượng các cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện, nhạy cảm về an ninh trật tự như vũ trường, quán bar, karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, massage, tẩm quất… cũng tăng theo.

Thượng tá Lê Khắc Sơn phát biểu tại buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Hanoimoi)
Thượng tá Lê Khắc Sơn phát biểu tại  buổi giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội (Ảnh: Hanoimoi)

Việc thông thương đi lại giữa Việt Nam với Trung Quốc và các nước trong khối ASEAN có nhiều thuận lợi cho các loại tội phạm hình sự nói chung, trong đó có tội phạm mua bán người nói riêng hoạt động phạm tội.

Tội phạm mua bán người lợi dụng vào việc thành lập các công ty có chức năng tuyển dụng, cung cấp nhận lực trong nước và nước ngoài hoặc công tu du lịch lữ hành để hoạt động mua bán người.

Nhiều trường hợp, các đối tượng mua bán người thường có mối quan hệ với đối tượng là người Trung Quốc hoặc người Việt Nam đã sang làm ăn, lấy chồng tại Trung Quốc.

Bên cạnh đó, nhiều trường hợp là nạn nhân bị đưa sang Trung Quốc bán nay quay trở lại dụ dỗ, lừa phụ nữ, trẻ em đưa sang Trung Quốc bán, đặc biệt có người quay lại lừa cả người thân, họ hàng bán sang Trung Quốc.

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc này như hạn chế về nhận thức, đói nghèo, thất học và thất nghiệp, thiếu sự quan tâm dạy dỗ của gia đình. Đặc biệt, ham lợi ích vật chất là yếu tố đầu tiên dẫn đến việc buôn bán phụ nữ và trẻ em, do cả hai phía là kẻ buôn người và nạn nhân.

Thủ đoạn của tội phạm mua bán người thường hoạt động ngày càng tinh vi, xảo quyệt, có tổ chức chặt chẽ và có tính xuyên quốc gia.

Những đối tượng này chủ yếu lợi dụng sự kém hiểu biết của người dân ở vùng nông thôn, những người không có việc làm, có hoàn cảnh khó khăn… để chủ động làm quen rồi dùng những lời nói “đường mật”, hứa hẹn tìm việc làm có thu nhập cao, rủ đi chơi, mua sắm để lừa bán vào các “động mại dâm trá hình” tại Việt Nam hoặc ra nước ngoài (chủ yếu là sang Trung Quốc) để làm gái mại dâm.

Trung Quốc vẫn là “thị trường” chính của tội phạm buôn người ảnh 2Phụ nữ vùng cao – đích ngắm của tội phạm buôn người

Thượng tá Sơn cho biết thêm, một số đối tượng đã sử dụng mạng internet, điện thoại… để lừa gạt học sinh, sinh viên hay thiết lập các đường dây hoạt động mại dâm dưới hình thức “gái gọi” qua mạng và tổ chức các chuyến “du lịch tình dục” xuyên quốc gia với mục đích để bán các nạn nhân hoặc công khai rao bán phụ nữ trên mạng.

“Kẻ buôn người bất chấp pháp luật và đạo lý bởi một “hình thức kinh doanh” không mất vốn mà lại thu được số lợi nhuận quá nhẹ nhàng.

Nạn nhân bị hấp dẫn bởi những “chiếc bánh vẽ” ngon lành về lợi ích kinh tế mà bọn buôn người đưa ra, kết cục là sa vào bẫy của bọn chúng”, ông Sơn nói thêm.

Trong 3 năm từ năm 2015 đến 6 tháng đầu năm 2017, Công an Thành phố Hà Nội đã phá 7 vụ, trong đó có 2 vụ mua bán trẻ em, 5 vụ mua bán người; bắt giữ 10 đối tượng, xác định 14 nạn nhân.

Trong đó, năm 2015 bắt 3 vụ (5 đối tượng, 3 nạn nhân); năm 2016, bắt 2 vụ (2 đối tượng, 6 nạn nhân). 5 vụ mua bán ra nước ngoài và 2 vụ mua bán trong nội địa.

Bích Phương