Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (8)

18/02/2018 06:56
Đại tá Đặng Việt Thuỷ
(GDVN) - Vào dịp Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ...

LTS: Tiếp tục loạt bài viết về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, Đại tá Đặng Việt Thuỷ chia sẻ bài viết tóm lược lại những ngày chiến đấu anh hùng của đồng bào, chiến sĩ tại khu vực Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, ở Khu 5 và Tây Nguyên, ngoài Đà Nẵng còn có các thành phố, thị xã Nha Trang, Tuy Hòa, Buôn Ma Thuột, Pleiku, Kon Tum, Quy Nhơn đã nổ súng sớm hơn một ngày so với kế hoạch chung.

Tại thị xã Tuy Hòa (tỉnh Phú Yên), đúng giao thừa (theo lịch cũ), địch trong thị xã và các cứ điểm ở vùng ven bắn súng đón năm mới. 

Lợi dụng pháo sáng của địch, quân ta nhanh chóng áp sát mục tiêu, đồng loạt tiến công nhiều vị trí, cơ quan đầu não địch trong thị xã và các huyện trong tỉnh. 

Đại đội đặc công 202 của tỉnh tập kích trung đoàn bộ trung đoàn 47 ngụy và khu cố vấn Mỹ, diệt 78 tên, làm chủ trận địa. 

Trung đội Quyết thắng của thị xã tập kích Ty cảnh sát ngụy, diệt gần hết địch ở đây trừ một số ít bỏ chạy. 

Tiểu đoàn 12 kiên cường đánh địch, đẩy lui nhiều đợt phản kích của quân Mỹ và quân ngụy ở khu nhà 18 gian thuộc phường 2 thị xã.

Ở vòng ngoài, ta tiến công vào sở chỉ huy trung đoàn 28 thuộc sư đoàn Bạch Mã (Nam Triều Tiên), sân bay Đông Tác ở nam sông Đà Rằng. 

Hàng ngàn nhân dân các huyện Tuy Hòa, Tuy An, Đồng Xuân xuống đường biểu tình, thị uy...

Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968. Ảnh: TƯ LIỆU/ Baobariavungtau.com.vn
Hồ Chủ tịch chủ trì cuộc họp của Bộ Chính trị bàn về cuộc Tổng tiến công mùa xuân 1968. Ảnh: TƯ LIỆU/ Baobariavungtau.com.vn

Tính chung, trong đợt tổng tiến công và nổi dậy đầu tiên (từ đêm 29/1 đến 5/2/1968), các lực lượng vũ trang Phú Yên đã loại khỏi vòng chiến đấu 1.114 tên địch, trong đó có 349 tên Mỹ, 464 lính Nam Triều Tiên, phá hủy 47 máy bay các loại, 28 xe quân sự, 5 xe M113 và M118, 10 khẩu pháo từ 105mm đến 155mm.

Tại tỉnh Khánh Hòa, do vị trí ở xa hậu phương nên việc vận chuyển, tiếp tê, bổ sung lực lượng gặp khó khăn. 

Chuẩn bị cho tiến công và nổi dậy, ngoài Trung đoàn 20 chủ lực mới xây dựng, tỉnh có bốn đại đội đặc công, bốn đại đội bộ binh, một đại đội công binh. 

Trọng điểm tiến công và nổi dậy của tỉnh là thành phố Nha Trang. 

Mở đầu, ta pháo kích vào Trung tâm huấn luyện hải quân. Tiếp đó, lực lượng vũ trang tỉnh đánh chiếm Đài phát thanh, Tiểu khu Khánh Hòa, Tỉnh đường, sở chỉ huy tiếp vận 5, tiểu đoàn 651 truyền tin. 

Chỉ sau 10 phút chiến đấu ta đã làm chủ khu vực Tỉnh đường, sở chỉ huy tiếp vận 5, tiểu khu và tiểu đoàn truyền tin 651. 

Riêng Bộ tư lệnh đặc biệt ở ngay trung tâm thành phố không bị tiến công. 

Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (8) ảnh 2Tổng tiến công, nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 mãi là biểu tượng sáng ngời

Tên tư lệnh lực lượng đặc biệt kiêm chỉ huy trưởng Yếu khu Nha Trang khi nắm được tình hình các nơi báo về, y lập tức điều động lực lượng đặc biệt cùng các lực lượng khác tổ chức phản kích. 

Nhiều trận đánh ác liệt diễn ra trong thành phố ngay sau đó.

Tiêu biểu là các trận đánh ở sở chỉ huy tiếp vận 5 và đồi Trại Thủy.

Cuộc chiến đấu trong thành phố còn dai dẳng đến ngày mồng 6 Tết. Song áp lực của địch ngày càng tăng, ta không đủ sức dứt điểm, buộc phải rút ra. 

Trong lúc đó, ở hai huyện Diên Khánh, Vĩnh Xương, Trung đoàn 20 phối hợp với các lực lượng địa phương đánh địch, hỗ trợ đồng bào phá ấp, diệt tề, trừ gian, cắt đường 21 và quốc lộ 1, cô lập địch ở từng khu vực, tạo thế phục vụ kế hoạch lâu dài.

Ở tỉnh Gia Lai, lực lượng Mỹ có tới hai sư đoàn là sư đoàn kỵ binh không vận số 1 đóng sở chỉ huy ở An Khê và sư đoàn bộ binh số 4 đóng sở chỉ huy ngay tại thị xã Pleiku.

Đúng 0 giờ ngày 29/1/1968, lực lượng ta chia làm nhiều cánh đánh thẳng vào trung tâm thị xã, chiếm Khu cảnh sát vùng 2, Khu hành chính, Khu biệt động ngụy, Tỉnh đoàn bảo an, phá ba nhà lao giải thoát cho 2.000 đồng bào yêu nước bị địch giam giữ. 

Đáng chú ý là các trận đánh của Tiểu đoàn 408 đặc công vào sân bay Arêa, phá hỏng 15 máy bay lên thẳng và 35 xe các loại; trận Trung đoàn 95 diệt một đoàn xe 26 chiếc trên đường 19; trận pháo kích vào Sở chỉ huy Quân đoàn II ngụy và khu ra đa. 

Chỉ trong ngày đầu tiến công và nổi dậy, 11 xã vùng ven được giải phóng.

Ở Kon Tum, Tiểu đoàn 304 của tỉnh và Tiểu đoàn 406 đặc công đánh chiếm Khu hành chính, Tiểu khu và sân bay Kon Tum, Biệt khu 24, phá hủy nhiều kho tàng, đạn dược, làm chủ một nửa thị xã trong đê.

Mờ sáng, địch tung quân phản kích, Tiểu đoàn 304, 406 chống trả quyết liệt, bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ trận địa. 

Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (8) ảnh 3Toàn cảnh cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968

Nổi bật là tấm gương chiến đấu dũng cảm của các chiến sĩ A Xâu, A Thang...

Ở vòng ngoài, ta bao vây đồn Kleng ở phía tây; diệt địch, giải phóng bảy ấp chiến lược dọc tỉnh lộ 5 ở phía đông thị xã, mở rộng vùng làm chủ trên các trục lộ Krông - Kon Tum và Kon Tum - Kon Brai, đánh chiếm và làm chủ thị trấn Tân Cảnh.

Nổi bật hơn cả trong Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 trên địa bàn Tây Nguyên là cuộc tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột (Đắc Lắc).

0 giờ 40 phút ngày 29/1/1968, ta dùng cối và ĐKZ bắn phá sân bay Hòa Bình, Bộ tư lện sư đoàn 23 ngụy, sở chỉ huy trung đoàn 45... 

Cùng lúc, trên hướng tây bắc, tiểu đoàn 301 và 401 cơ động của tỉnh đánh vào căn cứ pháo binh của địch (tiểu đoàn 231 và 232) sau đó phát triển sang Khu hành chính, chiếm Ty ngân khố. 

Cánh khác, do Tiểu đoàn 3 đặc công (mới được trên bổ sung) làm nhiệm vụ đánh vào khu thiết giáp (Thiết đoàn 8). 

Đội hình hành quân bị lạc nên gần sáng ta mới tiếp cận được mục tiêu. 

Chỉ có một tổ đặc công lọt được vào bên trong, dùng thủ pháo diệt được hai xe thiết giáp của địch. 

Lúc này, Thiết đoàn 8 của địch được lệnh xuất kích đi cứu nguy cho các vị trí bị ta tiến công trong đêm. 

Một chiếc vừa ra khỏi cổng đã bị chiến sĩ ta dùng súng B40 diệt tại chỗ. 

Chiếc thứ hai liều mạng xông ra chạy về hướng Ty ngân khố cũng bị diệt. Trong ngày đầu tiên, tám xe thiết giáp địch bị bắn cháy ngay trong thị xã.

Hướng đông nam, Trung đoàn 33 từ suối Ea Knao tiến công Bộ tư lệnh sư đoàn 23, Tòa hành chính tỉnh, bộ chỉ huy tiểu khu, đại đội 514 vận tải...

Ở phía tây nam, Tiểu đoàn 39 đánh chiếm Đài phát thanh, sau đó phát triển tiến công vào căn cứ của tiểu đoàn 4, trung đoàn 45 ngụy và Trại huấn luyện nghĩa quân, diệt 200 tên, bắt hơn 100 tù binh. 

Địch huy động bộ binh, cơ giới đến phản kích hòng chiếm lại căn cứ, thêm hai chiếc M113 bị bắn cháy, hai trực thăng bị bắn rơi, buộc chúng phải tháo lui.

Trưa ngày 30/1/1968, Bộ tư lệnh sư đoàn 23 ngụy điều tiểu đoàn 2 (trung đoàn 45) về cứu nguy cho thị xã. 

Đơn vị này tức tốc hành quân về đến gần thị xã thì bị ta chặn lại, mãi tới chiều mới vào được nội đô để cùng với Chiến đoàn 318 giải tỏa Ty ngân khố. 

Ý đồ này địch không thực hiện được, bởi ngay sau khi xuất kích một chiến xa đi đầu bị diệt, chúng phải lui quân.

Phối hợp với đòn tiến công quân sự, lực lượng chính trị của quần chúng trong nội đô cũng như các huyện xung quanh thị xã xuống đường với khí thế mạnh mẽ đấu tranh với địch, hỗ trợ cho bộ đội đánh chiếm các mục tiêu.

Ngay trong ngày đầu cuộc tiến công, hàng ngàn đồng bào các huyện 6, 8, Buôn Hồ kéo vào thị xã bao vây căn cứ trung đoàn 45 ngụy, kêu gọi binh lính địch quay về với cách mạng. 

Địch phản kích, nhân dân mang bàn, tủ, thậm chí cả bàn thờ ra đường dựng chiến lũy ngăn chặn xe tăng địch, tạo điều kiện cho bộ đội đánh lui các đợt phản kích của quân ngụy.

Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (8) ảnh 4Chủ trương chiến lược của ta trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

Với tinh thần dũng cảm, kiên cường, quân dân thị xã Buôn Ma Thuột nói riêng, Đắc Lắc nói chung đã đánh chiếm tỉnh lỵ và trụ lại được sáu ngày đêm trong thị xã.

Tại Bình Định, tỉnh xác định trọng điểm tiến công và nổi dậy là thành phố Quy Nhơn và huyện lỵ Phù Mỹ.

Để đánh địch, Tiểu đoàn đặc công Liên ấp 3 được tổ chức gồm các đại đội Đ10, 30, 117B và 598 đặc công nước sáp nhập lại. 

Tiểu đoàn này cùng Tiểu đoàn 50 (của tỉnh), lực lượng biệt động, tự vệ mật có nhiệm vụ đánh chiếm những mục tiêu chủ yếu trong thành phố.

Sư đoàn 3 của Quân khu V được giao nhiệm vụ đánh chiếm quận lỵ Phù Mỹ và sẵn sàng đánh địch (trung đoàn 41, sư đoàn 22 của Vùng II chiến thuật) ứng cứu, hỗ trợ quần chúng kéo vào thành phố, nổi dậy giành chính quyền.

Tiểu đoàn 405 đặc công quân khu tiến công khu kho Đèo Son. 

Lực lượng vũ trang huyện và du kích các địa phương đánh chiếm các huyện lỵ, cắt phá giao thông địch trên quốc lộ 1, hỗ trợ quần chúng nổi dậy giành chính quyền ở huyện, xã, giải phóng nông thôn.

1 giờ 15 phút ngày 29/1/1968, cuộc tiến công vào thành phố Quy Nhơn bắt đầu bằng trận đánh chiếm Đài phát thanh ở trung tâm thị xã. 

Sau đó ta phát triển đánh chiếm các mục tiêu Dinh tỉnh trưởng, Ty cảnh sát, quân cảng, bến xe, nhà ga... Địch đưa quân đến phản kích hòng chiếm lại các vị trí đã mất. 

Các chiến sĩ ta kiên cường đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch. 

Đặc biệt, Tiểu đoàn đặc công Liên ấp 3 ngoan cường đánh địch tại khu vực Đài phát thanh và các khu 1, 2 trong thành phố, hy sinh đến người cuối cùng.

Ở vòng ngoài, Trung đoàn 12 (Sư đoàn 3 chủ lực Quân khu V) tiến công quận lỵ An Nhơn, sở chỉ huy trung đoàn quân Nam Triều Tiên ở Phú Kiều. Trung đoàn 2 đánh địch ở Phù Mỹ. 

Phía nam, Trung đoàn 10 đánh chiếm đèo Cù Mông, làm chủ quốc lộ 1 từ đèo Cù Mông đến đèo Thị Nại. Hàng vạn quần chúng nổi dậy bao vây các thị trấn, quận lỵ trong tỉnh.

Hai tỉnh duy nhất của Khu V nổ súng đúng thời gian theo chỉ thị lùi lại một ngày của Bộ Tổng Tư lệnh là Quảng Nam và Quảng Ngãi.

Quảng Nam theo tên gọi hành chính của chính quyền Sài Gòn là Quảng Đà với thủ phủ là thị xã Tam Kỳ. 

Về phía ta, trong kế hoạch Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân của Khu V, thì Quảng Nam cùng Đà Nẵng là một trong bốn hướng và là hướng tiến công quan trọng nhất của Khu. 

Mặc dù Đà Nẵng đã nổ súng trước, nhưng Quảng Nam do kịp thời nhận được chỉ thị của trên lùi cuộc tiến công lại một ngày để phối hợp chung với toàn Miền. 

Rạng ngày 30/1/1968, cùng lúc ta đồng loạt pháo kích vào các cơ sở hành chính và mục tiêu quân sự của địch, song các mũi tiến công lại tập trung chủ yếu vào Tòa hành chính, bộ chỉ huy tiểu khu, sở chỉ huy trung đoàn 6, tiểu đoàn 22 pháo binh và cổng 4 ga xe lửa.

Tại Tòa hành chính và bộ chỉ huy tiểu khu, bộ đội ta chiến đấu quyết liệt và cắm được cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam lên nóc Tòa hành chính.

Ta còn bắn phá sân bay Chu Lai, sở chỉ huy sư đoàn Amêricơn. 35.000 nhân dân các vùng nông thôn tràn vào thị xã, thị trấn vây bắt ác ôn, giành quyền làm chủ ở một số nơi.

Trung Trung Bộ, Tây Nguyên và Đông Nam Bộ trong Tổng tiến công Xuân Mậu Thân (8) ảnh 5Bộ đội đặc công, biệt động trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ở Quảng Ngãi, mặc dù địch đã được báo động trước về cuộc tiến công của ta, song lực lượng của chúng ở các đơn vị đi nghỉ Tết khá đông. 

2 giờ 30 phút ngày 30/1/1968, cuộc tiến công vào Quảng Ngãi bắt đầu. 

Sau loạt đạn pháo bắn vào sân bay, bộ tư lệnh sư đoàn 2 ngụy và trung tâm huấn luyện nghĩa quân, ta đánh chiếm điểm cao 45 (căn cứ Núi Ông), trung đoàn 4 bộ binh, Ty cảnh sát, Tỉnh đoàn bảo an, nhà lao... làm chủ phần lớn thị xã và trụ lại đánh địch suốt ngày 30/1.

Đêm 30/1/1968, ta phải rút khỏi thị xã ra vùng ven vừa bám trụ đánh địch vừa củng cố sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới.

Ở Khu VI, đến những ngày giáp Tết, Khu ủy và Bộ tư lệnh quân khu mới nhận được lệnh tiến công vào lúc giao thừa Tết Mậu Thân. 

Hướng Phan Thiết là hướng trọng điểm, theo kế hoạch, thì cuộc tiến công vào thị xã thực hiện trên ba hướng:

Từ hướng đông, Tiểu đoàn 840, đại đội 3 (Tiểu đoàn 481 đặc công thị xã) đánh thẳng vào bộ chỉ huy tiểu khu, Tòa hành chính, Tỉnh đoàn bảo an và các ty, sở xung quanh.

Hướng bắc, tiểu đoàn 482 (thiếu), đại đội 2 (Tiểu đoàn 481), đại đội trinh sát, đại đội trợ chiến của tỉnh, theo đường 8 đánh diệt đồn Trịnh Tường, sau đó phát triển đánh chiếm Biệt khu Bình Lâm (trại Quang Trung) và trại Đinh Công Tráng, chiếm và kiểm soát các ty, sở trong khu vực.

Từ hướng tây nam, đại đội 1 (Tiểu đoàn 481), đại đội 3 (Tiểu đoàn 482), đại đội 480 Phan Thiết, đại đội 30 trợ chiến quân khu đánh vào căng Êxêpíc, cổng chữ Y, Chi cảnh sát Châu Thành, trụ sở cơ quan MACV của Mỹ.

Đến giờ nổ súng, Tiểu đoàn 840 chưa kịp đến nên hướng đông vẫn yên lặng.

Ở hướng bắc, thực hiện đúng kế hoạch, ta đánh đồn Trịnh Tường. Sau một ngày chiến đấu quyết liệt, ta chiếm 2/3 đồn. 

Địch đưa lực lượng lớn có cả máy bay, pháo binh và xe tăng yểm trợ cho bộ binh phản kích sáu lần nhưng không chiếm lại được đồn. 

Đến 16 giờ ngày 30/1/1968, bị thiệt hại nặng, địch dùng máy bay ném bom hủy diệt toàn bộ khu vực này. Ta phải rút ra ngoài củng cố.

Từ ngày 1/2/1968, ta chuyển qua bao vây, dựa vào các khu phố và công sự đánh địch phản kích. 

Lúc này ở cánh 1, Tiểu đoàn 840 đã tiếp cận mục tiêu, 24 giờ ngày 31/1, từ hướng đông, đơn vị nổ súng đánh chiếm Tỉnh đoàn bảo an, Ty cảnh sát, uy hiếp tiểu khu Bình Thuận. 

Cánh 3, ta đánh cảng Êxêpíc, hậu cứ Chiến đoàn 506 Mỹ và cổng chữ Y.

Sau bốn ngày đêm chiến đấu ác liệt, ta đã đánh chiếm được một số khu vực, mục tiêu quan trọng trong nội đô, gây cho địch nhiều thiệt hại. Sau đó rút ra bám trụ ở vùng ven.

Đà Lạt, trọng điểm 2 của Khu VI, nằm trong bối cảnh chung là lệnh đến chậm, việc triển khai lực lượng gặp nhiều khó khăn. 

So với hiệp đồng chung của toàn khu và toàn miền, Đà Lạt nổ súng chậm hơn một ngày.

Vào lúc 1 giờ 45 phút ngày 31/1/1968, tiếng súng đầu tiên nổ ở Đà Lạt. 

Từ hướng tây nam (hướng tiến công chủ yếu), ta tiến công bộ chỉ huy tiểu khu, chiếm khu vực Paxtơ, Ty Mục súc. Song lực lượng có hạn nên không dứt điểm được, đến sáng phải rút ra.

Đêm 1/2/1968, có thêm lực lượng, ta tiếp tục tiến công tiểu khu và làm chủ được 2/3 vị trí cùng 9 ty, sở xung quanh.

Hướng tây bắc và hướng đông nam, ta tiến công quyết liệt nhưng không dứt điểm được.

Sau bảy ngày chiến đấu liên tục, đến ngày 7/2 ta phải rút ra ngoài củng cố, trừ hướng tây bắc, bộ đội ta vẫn bám trụ đánh địch tại một số khu phố, đến ngày 11/2 mới rút hết.

Tính chung trong đợt chiến đấu đánh vào Đà Lạt, ta đã diệt 1.450 tên địch, phá hủy 22 xe quân sự trong đó có 10 xe bọc thép, bắn rơi 11 máy bay, bắn bị thương 4 chiếc khác, làm chủ một số khu phố.

Ở miền Đông Nam Bộ, phối hợp với trọng điểm Sài Gòn, hầu hết các tỉnh lỵ, thị xã, thị trấn như Biên Hòa, Long Khánh, Thủ Dầu Một, Tân An... quân và dân ta tiến công và nổi dậy làm chủ nhiều thôn ấp, mở rộng vùng giải phóng.

Tại thành phố Biên Hòa, đúng giao thừa - theo lịch miền Nam lúc đó (đêm 29 rạng ngày 30/1/1968), Sư đoàn 5 chủ lực Miền cùng đặc công và các lực lượng vũ trang địa phương tiến công sân bay Biên Hòa, tổng kho Long Bình, bộ chỉ huy dã chiến số 2 Mỹ. 

Sau bốn ngày chiến đấu, ta diệt 5.500 tên, làm chủ ngã ba Tam Hiệp.

Tại Long Khánh, ta chiếm được phần lớn thị xã và trụ lại đánh địch phản kích.

Ở thị xã Thủ Dầu Một, Tiểu đoàn Phú Lợi cùng các chiến sĩ biệt động thị xã đánh vào Thành công binh, Tòa hành chính tỉnh và một số mục tiêu khác. 

Địch phản kích quyết liệt. Bộ đội ta kiên cường bám trụ đến chiều tối này 30/1 buộc phải rút ra.

Tại Bình Long, quân ta tiến công vào các mục tiêu trong thị xã An Lộc như Tòa hành chính, Dinh tỉnh trưởng, cứ điểm Técních, Ty cảnh sát... làm chủ được phần phía bắc thị xã.

Tại Phước Long, Tiểu đoàn 186 của tỉnh tiến công mãnh liệt thị trấn Phước Bình, diệt hàng trăm tên địch, đánh sập hai lô cốt, làm chủ khu phố Kiến Thiết trong hai ngày.

Như vậy, cùng với ba trọng điểm lớn Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, vào dịp Tết Mậu Thân 1968, lực lượng vũ trang và nhân dân ta đã đồng loạt tiến công và nổi dậy ở nhiều thành phố, thị xã, thị trấn, quận lỵ trên toàn miền Nam nước ta.

Tài liệu tham khảo:

- Bộ Quốc phòng - Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Lịch sử kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975" Tập V, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội - 2001.

- Thành ủy - Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, "Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968", Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội - 1998.

Đại tá Đặng Việt Thuỷ