Trường Sa-máu thịt của tổ quốc luôn trong trái tim mỗi người Việt Nam!

29/04/2013 15:24
Ngọc Trung
(GDVN) - Trong vô vàn những cảm xúc, những câu chuyện về Trường Sa mà một phóng viên trẻ như tôi thu nhận được sau chuyến đi mà cả đời tôi sẽ chẳng thể nào quên, có một cảm giác rất kì lạ. Kì lạ thật, khi chúng tôi lênh đênh giữa biển suốt mấy ngày liền, khi đất liền - nơi chúng tôi sống - đã ở xa lắm rồi... thì đặt chân lên đảo, chúng tôi lại thấy mình như đang trở về một nơi thân thuộc và gắn bó lắm. Bởi vì đất mẹ cũng chính là đây, ở giữa biển Đông mênh mông này...

Đất mẹ! Với cờ Tổ quốc, với từng mái nhà, với ngôi chùa, với những con người Việt Nam mình... Giữa biển cả mênh mông vẫn có đất đai của người Việt, vẫn có những con người Việt Nam mình, những chiến sĩ, những gia đình và những tiếng cười con trẻ...

Chúng tôi xúc động nhận ra rằng, mình đang trở về chứ không phải đi tới một nơi rất xa xôi. Bởi Trường Sa ở gần lắm! Ở ngay trong mỗi chúng tôi thôi. Trường Sa trong trái tim Hà Nội và trong trái tim từng người dân Việt Nam.

“Máu thịt của tổ quốc”

Sau 2 ngày rong ruổi, tới khi tôi bắt đầu quen với sóng biển dập dềnh và với sóng... điện thoại chẳng có vạch sóng nào, thì cũng là lúc con tàu HQ 571 đưa đoàn chúng tôi tới với Song Tử Tây, đảo đầu tiên trong chuyến hành trình của đoàn cán bộ thành phố Hà Nội đến thăm Trường Sa.

>>>Xem thêm ảnh: Một thoáng Trường Sa

Vẻ đẹp đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nhìn từ ngọn hải đăng.
Vẻ đẹp đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa nhìn từ ngọn hải đăng.

4 rưỡi sáng, trời tờ mờ vẫn còn nhìn thấy trăng của ngày cũ...

Mấy anh em phóng viên chúng tôi rủ nhau lên mũi tàu. Chẳng phải vì muốn “bon chen” để trở thành những người đầu tiên trong đoàn được nhìn thấy Song Tử Tây, mà là để “săn” những hình ảnh đầu tiên về hòn đảo thân yêu của Tổ quốc vào lúc bình minh, chuyển về với độc giả trong đất liền.

Nhưng hóa ra không phải chỉ có chúng tôi mới lên boong tàu sớm thế.

5 giờ sáng...

Mũi tàu đã nhộn nhịp, râm ran những câu chuyện. Các chú, các anh chị trong đoàn bàn tàn sôi nổi, háo hức về mảnh đất thiêng liêng mà chúng tôi sắp được đặt chân đến. Khi trời bắt đầu tỏ mặt, một vệt nhỏ mờ mờ nhô lên khỏi mặt biển ở phía xa, mà chúng tôi biết chắc, đó là Song Tử Tây.

Cái vệt đó cứ lớn dần, lớn dần... thành hình một dải đất. Rồi Song Tử Tây hiện ra, với lớp áo màu xanh của cây phong ba, cùng ngọn hải đăng cứng cỏi, vươn cao trên bầu trời xanh, từ xa đã thấy. Ngọn hải đăng ban đầu bé bằng cây kim, rồi lớn dần, lớn dần...

5 rưỡi sáng...

Trời đã sáng rõ, đảo cũng nhìn rõ lắm rồi. Và tôi bất chợt có một cảm giác gì đó rất lạ, nó cũng đang rõ dần, lớn dần, dâng trào lên từ sâu thẳm trong mình.

- Lần đầu ra đảo, cảm xúc thế nào hả cháu? Nhà thơ Phạm Xuân Nguyên đứng đằng sau vỗ vai hỏi tôi - một câu hỏi phỏng vấn ngược, bởi theo lẽ thường đáng nhẽ ra một phóng viên như tôi cần phải phỏng vấn những bậc thầy về cảm xúc như chú trong lúc này, để mà viết bài.

- Cháu cũng chẳng biết nói thế nào chú ạ! Tôi chỉ trả lời được có thế, rồi cười chữa ngượng cho cái sự “bí từ” của mình.

- Ừ, thì cũng giống chú lần đầu ra Trường Sa, chú cũng thế. Ông chú có mái đầu bạc dài lòa xòa mà tôi hay gọi đùa là “vua sư tử” chia sẻ cùng tôi.

Nhưng có lẽ, cả hai chú cháu tôi đều biết, đó thực ra chẳng phải là cái sự “bí từ” trong việc diễn đạt...

Còn 30 phút nữa, tàu sẽ đến Song Tử Tây...

Không khí ở mũi tàu chợt lặng dần đi. Những hồ hởi, háo hức, vui mừng giờ nhường chỗ cho một sự xúc động từ thẳm sâu trái tim những con người, từ một phóng viên trẻ hay một người đã từng trải như chú nhà văn già “vua sư tử”...

Tất cả đều đang lặng đi để cảm nhận trọn vẹn. Ngay lúc này đây, “Trường Sa - máu thịt của tổ quốc” đang gần, rất gần với chúng tôi.

Chậu nước ngọt, hay cái tình ngọt ngào của người lính đảo

Nước ngọt ở đảo quý đến từng giọt, nhưng chúng tôi tới đảo nào cũng có những chậu nước như thế này để khách đến thăm đảo rửa tay, rửa mặt. Chậu nước ngọt rửa tay có cả vị ngọt của cái tình người lính biển...

Ở đảo thì nước ngọt quý lắm và cái thứ quý giá ấy, các anh dành để đón tiếp chúng tôi, để chúng tôi rửa mặt, rửa tay cho hết cái dính dính, mặn chát của nước biển khi đi xuồng vào đảo. Mùa này, Trường Sa đang thiếu nước lắm. Đảo nổi còn đỡ, vì có nhiều nơi để tích trữ nước. Nhưng nghe anh em trên các đảo chìm kể chuyện mới thấy thương. Các anh kể: Những hôm thấy trời mưa to, anh em mừng lắm, lấy đầy nước hết các thùng phi, các téc, bể ngầm, các chậu. Nhưng rồi lại tiếc đứt ruột khi trời vẫn cứ mưa mà không lấy đâu ra chỗ để giữ thêm nước nữa, nước cứ thế trôi xuống biển không sao giữ lại được...

Đảo xa đón khách từ đất liền.
Đảo xa đón khách từ đất liền.

Một anh phóng viên đi cùng đoàn công tác với tôi, đã từng ra Trường Sa trong những chuyến trước kể lại rằng: Có những tháng trời thiếu mưa, đất liền phải đưa cả tàu ra tiếp nước. Lần ấy, anh đi theo tàu chở nước để tiếp tế cho các đảo. Vì đảo chìm ở những nơi nước nông, tàu lớn không vào được, phải neo ở xa.

Các chiến sĩ hải quân đóng trên đảo phải chạy xuồng ra, kéo đường ống dẫn nước ngọt vào đảo. Gặp anh em chiến sĩ, thấy anh em vất vả, có chú trong đoàn công tác trên tàu nói rằng: Anh em thiếu gì mà ở trên tàu có thì anh em cứ nói đừng ngại, chúng tôi sẽ đáp ứng ngay, không tiếc bất cứ thứ gì. Mấy anh lính trẻ chỉ nói rằng: “Cho bọn em tranh thủ... tắm trên tàu một cái rồi về đảo. Mấy tuần nay bọn em chỉ... dám lấy khăn ẩm lau qua người”...

Sóng di động vượt sóng biển

Một chiến sĩ trẻ trên đảo Sơn Ca từng chia sẻ rất thật với chúng tôi: “Chúng em phải biết ơn Viettel. Vì nhờ Viettel phủ sóng điện thoại và mạng Internet 3G tại Trường Sa mà chúng em bớt nhớ nhà, đỡ buồn nhiều”.

Vượt sóng biển ra Trường Sa, chúng tôi được nghe rất nhiều những câu chuyện xung quanh chiếc điện thoại di động. Trong đoàn chúng tôi đi có ca sĩ Hải Yến (Trung tâm Văn hóa Nghệ thuật tỉnh Bắc Giang). Lần ấy, khi đang ngồi hát giữa các chiến sĩ, Hải Yến bất ngờ hỏi xin số điện thoại di động của... vợ các anh ở trong đất liền: “Các anh để em gọi điện về cho các chị, để đỡ tốn tiền điện thoại của các anh”.

Cô ca sĩ lần lượt gọi điện cho 3 người vợ chiến sĩ nơi hậu phương, đang ở Hà Tĩnh, Hà Nội và Nam Định. Hải Yến nói: “Em may mắn hơn chị là đang ở Trường Sa, em đang được ngồi nói chuyện trực tiếp với các anh. Em sẽ hát tặng chị bài hát mà chúng em vừa hát với các anh, để chị cảm thấy gần Trường Sa hơn, gần các anh hơn”. Những lời nói và lời hát ấy đã làm tất cả mọi người có mặt ở đó đều lặng đi vì xúc động.

Trường Sa ở gần lắm trong mỗi trái tim người Việt Nam.
Trường Sa ở gần lắm trong mỗi trái tim người Việt Nam.

Chàng trai Phạm Văn Miền (quê ở Thái Bình) chia sẻ với chúng tôi niềm hạnh phúc được làm bố và chuyện trực vợ đẻ qua điện thoại. Vợ anh, một cô gái sống ở 15 Hàng Điếu (Hà Nội) sinh con trai ngày 7/5/2012, đúng ngày thành lập Quân chủng Hải quân. Anh chia sẻ: “Con trai em được 3,9kg. Được tin vợ trở dạ, em mừng lắm! Em đã trực vợ đẻ trên điện thoại. Nhưng phải một năm nữa em mới về được, khi đó con trai em đã 1 tuổi rồi”. Giản đơn, mộc mạc, nhưng xúc động lắm, đó là cách thể hiện niềm vui của người lính.

Ở nơi này, Trường Sa, mỗi con người, mỗi cảnh vật, hay cả những con vật dường như cũng đều là một câu chuyện đáng để người ta phải suy ngẫm và trân trọng. Trân trọng những con người ở đây và rồi trân trọng hơn những gì mình đang có trong cuộc sống ở đất liền... Tất cả đó đều là những câu chuyện về sự kiên cường, về nghị lực, về tinh thần lạc quan của con người cho tới từng cái cây, ngọn cỏ ở nơi đầu sóng ngọn gió này. Đó đều là câu chuyện về những trái tim Việt Nam quả cảm bảo vệ máu thịt của Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió.

Sau tất cả, Trường Sa không xa, bởi tất cả người dân Việt Nam luôn hướng trái tim về Trường Sa - và các anh, những người lính đảo, những người dân trên đảo - đều nhận ra rằng: Trường Sa gần lắm, với đất liền!

Không xa đâu Trường Sa ơi! Không xa đâu Trường Sa ơi!

Vẫn gần bên em vì Trường Sa luôn bên anh, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em!

>>>Xem thêm ảnh: Một thoáng Trường Sa

Ngọc Trung