Góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992:

"Tư nhân hóa đất đai trong giai đoạn hiện nay là quá sớm"

28/02/2013 14:12
Ngọc Quang
(GDVN) - “Những yếu tố chưa hiệu quả, gây bức xúc, tiêu cực trong vấn đất đai thì lỗi không bắt nguồn từ chế định, mà do chúng ta thể chế hóa pháp luật về chế định đất đai là sở hữu toàn dân là chưa đầy đủ; thứ hai là những bức xúc, tiêu cực, không hiệu quả trong quản lý đất đai có nguyên nhân từ yếu kém trong quản lý đất đai từ địa phương. Như vậy cần tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, còn những hạn chế nêu trên sẽ phải khắc phục”, ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư Pháp bày tỏ.

Quyền sở hữu đất đai của người dân tiếp tục được bảo vệ

Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 tại Điều 58 có quy định rõ “Quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ”; “Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội”. Trong quá trình góp ý kiến, có quan điểm cho rằng, quy định trên nên thay cụm từ “thu hồi đất”, bằng cụm từ “trưng mua quyền sử dụng đất”.

Theo ông Hoàng Thế Liên – Thứ trưởng Bộ Tư Pháp, đất đai là vấn đề rất phức tạp, trong quá trình soạn thảo có 3 quan điểm khác nhau. Nhóm quan điểm thứ nhất cho rằng quay trở lại Hiếp pháp 1959 là đa dạng hình thức sở hữu đất đai; nhóm ý kiến thứ hai là vẫn giữ sở hữu toàn dân về đất đai nhưng đất ở và đất nông nghiệp bảo đảm như quyền sở hữu; nhóm ý kiến thứ ba là giữ nguyên như hiện nay.

“Qua tổng kết, có thể khẳng định những yếu tố chưa hiệu quả, gây bức xúc, tiêu cực trong vấn đất đai thì lỗi không bắt nguồn từ chế định, mà do chúng ta thể chế hóa pháp luật về chế định đất đai là sở hữu toàn dân là chưa đầy đủ; thứ hai là những bức xúc, tiêu cực, không hiệu quả trong quản lý đất đai có nguyên nhân từ yếu kém trong quản lý đất đai từ địa phương. Như vậy cần tiếp tục khẳng định đất đai thuộc sở hữu toàn dân, còn những hạn chế nêu trên sẽ phải khắc phục”, ông Liên nói.

Ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư Pháp.
Ông Hoàng Thế Liên - Thứ trưởng Bộ Tư Pháp.

Vị Thứ trưởng Bộ Tư pháp cũng khẳng định, lần này chúng ta khẳng định quyền sử dụng đất là quyền tài sản là bước tiến mới trong tư duy và rất có lợi cho người dân, và quyền này được pháp luật bảo vệ đầy đủ.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính Bộ Tư Pháp bày tỏ: “Hiện tài sản lớn nhất của người dân là đất đai, nếu vì lợi ích an ninh, quốc phòng, cộng đồng thì người dân phải hy sinh nhưng phải được bồi thường và trong trường hợp này theo tôi là gọi là trưng mua. Còn đối với các dự án phát triển kinh tế xã hội thì ảnh hưởng vô cùng đến người dân, vì vậy theo tôi cần phải thảo luận thận trọng về những trường hợp cần thu hồi đất”.


Còn theo ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Bộ Tư Pháp thì nhận định: “Chúng ta đang bàn về một vấn đề lớn của Hiến pháp và Luật Đất đai, có nhiều vấn đề phức tạp.

Thứ nhất, đất đai là sở hữu toàn dân hay sở hữu nhà nước? Vấn đề này đã bàn rồi và vẫn quy định là sở hữu toàn dân.

Thứ hai, có tư nhân hóa đất đai hay không? Theo tôi thì tư nhân hóa đất đai trong giai đoạn hiện nay là quá sớm.

Thứ ba, khi nào nhà nước thu hồi đất? Việc khiếu kiện về thu hồi đất hiện nay người dân quan tâm nhất là thu hồi có đúng pháp luật hay không; mức độ bồi thường có thỏa đáng không?".

Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Bộ Tư Pháp.
Ông Dương Đăng Huệ - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Kinh tế Bộ Tư Pháp.

Theo ông Huệ, trong quá trình sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai đặt ra vấn đề về hình thức thu hồi đất. Trước đây thì thu hồi đất là quyết định hành chính, quan điểm khác hiện này là dùng từ trưng mua. “Quan điểm của tôi là nên dùng từ thu hồi vì thể hiện đúng bản chất nhà nước đại điện quyền sở hữu toàn dân về đất. Cá nhân, tổ chức chỉ được giao quyền sử dụng, vì vậy khi cần thiết thì phải thu hồi, trưng mua chỉ phù hợp với tài sản là sở hữu của cá nhân hay tổ chức”, ông Huệ bày tỏ.

“Quốc hội làm luật” hay “Quốc hội thông qua luật”?

Bàn về Điều 74 trong dự thảo, Thứ trưởng Hoàng Thế Liên chia sẻ: “Quốc hội có 3 chức năng là lập pháp, giám sát tối cao, quyết định những vấn đề quan trọng. Theo tôi, nên đổi mới cách thức xây dựng luật. Trước đây, cơ quan làm soạn thảo, trình dự án luật thì phải bảo vệ dự án luật đó trước Quốc hội.

Thực tiễn mà tôi từng chứng kiến là năm 1995 khi Chính phủ trình Luật Dân sự, Bộ trưởng Tư pháp khi đó đã phải bảo vệ trước Quốc hội gần 2 tuần liên tục. Điều đó thể hiện sự thống nhất của Chính phủ, cơ quan trình còn quyết định là của Quốc hội. Sau này, chúng ta đổi sang 2 giai đoạn là trong giai đoạn trình thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ huy.

Theo tôi, Quốc hội chỉ quyết định những chính sách lớn nhất, nếu thấy được thì thông qua và chưa được thì trả lại, tức là đồng ý hay không đồng ý để tránh tình trạng “làm văn” tập thể, sau khi cơ quan soạn thảo trình thì Quốc hội lại giữ quyền chỉnh sửa và có thể dự thảo luật sẽ đi xa hơn chủ trương ban đầu”.

Ông Liên chỉ rõ, lần này quy định rõ Quốc hội quyết định những mục tiêu, chỉ tiêu lớn, còn lại là của Chính phủ. Thí dụ, dự thảo bỏ quy định về thẩm quyền quyết định kế hoạch phát triển KT-XH của Quốc hội. Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu lớn đó, Chính phủ sẽ lập kế hoạch để thực hiện. Ngoài ra, chỉ quyết định dự toán, phân bổ ngân sách trung ương còn ngân sách địa phương thì giao về cho địa phương, đó là cách để tăng quyền tự chủ cho HĐND.

Lần này, dự thảo cũng quy định Quốc hội chỉ bầu Chủ tịch Hội đồng, Chủ nhiệm các Ủy ban, còn trước đây thì Quốc hội bầu cả Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng và các thành viên. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm (phát hiện người không đủ uy tín để đưa ra bỏ phiếu tín nhiệm) đối với các chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn do số lượng nhiều.

Thứ trưởng Liên cũng đề cập tới một vấn đề quan trọng nữa về thẩm quyền Quốc hội là xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm Thẩm phán TAND tối cao. Đây là cơ sở hiến định để tiến hành cải cách tư pháp. “Tôi thấy, ở nhiều nước, Toà án tối cao có nhiều nhất là 15 – 17 thẩm phán, bình thường là 9 thẩm phán. Riêng ở nước ta, Tòa án tối cao có 120 thẩm phán. Lần này, quy định ở tầm Hiến pháp như vậy thì buộc chúng ta phải cải cách về tư pháp”, ông Liên nói.

Bà Nguyễn Kim Thoa nhận định, đã có sự thay đổi đáng kể trong dự thảo so với bản Hiến pháp hiện hành. Quy định trước đây Quốc hội là cơ quan duy nhất có quyền lập hiến, lập pháp thì nay bỏ từ “duy nhất”. Hiện nay người dân đang tham gia xây dựng hiến pháp, vì hiến pháp là do toàn dân tham gia góp ý vào, được các cơ quan chức năng góp ý, sau đó Quốc hội thảo luận thông qua, cả quá trình làm hiến pháp là quá trình tham gia.

Bà Nguyễn Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính Bộ Tư Pháp.
Bà Nguyễn Kim Thoa - Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hành chính Bộ Tư Pháp.

Bà Thoa nhấn mạnh: “Nếu hiểu theo đúng nghĩa quyền năng đích thực của nó, thì tôi cho rằng  QH là chức năng thông qua luật, còn thông qua hiến pháp hay không thì phải suy nghĩ thêm. Vì nếu chúng ta gọi Quốc hội là cơ quan duy nhất thông qua hiến pháp thì sẽ không có vấn đề trưng cầu dân ý. Nếu người dân được phép thông qua thì sẽ có trưng cầu dân ý, trong đó có một số vấn đề liên quan tới nội dung cơ bản của hiến pháp thì người dân cùng với QH thông qua hiến pháp.

Tôi đặt vấn đề nếu chúng ta bỏ từ duy nhất thì có điểm thuận vì thực ra trên thực tế chúng ta đã làm rồi, trong thời gian qua, người dân  tham gia rất sâu vào quá trình làm luật, điều đó đã được chứng minh ở Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nếu trở lại vấn đề duy nhất thì tôi chỉ đồng ý một nửa, còn một nửa chưa đồng ý. Nửa sau chúng ta nên thay đổi “Quốc làm luật” bằng “Quốc hội thông qua luật”.

Quá trình làm luật như tôi vừa trình bày, đa phần là Chính phủ hoạch định chính sách. Ở các nước trên thế giới, gần 90% đề xuất xây dựng luật là của Chính phủ, bởi Chính phủ điều hành, quản lý là người thấy rõ nhất cái gì bất cập và phương án xử lý như thế nào còn người có quyết hay không gọi là thông qua”.

Ngọc Quang