Tướng Phan Khắc Hy: “Nghe miền Nam giải phóng, ai cũng mừng rơi nước mắt"

29/04/2015 06:34
Thế Quân
(GDVN) - Khi nghe tin miền Nam hoàn toàn giải phóng, Thiếu tướng Phan Khắc Hy, đồng đội ai cũng vui mừng đến rớt nước mắt, ai cũng cảm thấy sung sướng, nhảy cẫng lên.

Nhân kỷ niểm 40 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, chúng tôi đến thăm Thiếu tướng Phan Khắc Hy – Nguyên Phó tự lệnh Đoàn 559 – Bộ đội Trường Sơn tại một căn nhà nhỏ nằm sát sân bay Tân Sơn Nhất. 

Ở vào độ tuổi gần 90, vị tướng quân đội dũng mãnh này vẫn còn rất minh mẫn, khỏe mạnh. Bằng một giọng nói rất mạch lạc, từ tốn, dù đã ở độ tuổi “đại thọ”, nhưng Tướng Hy vẫn nhớ rất rõ những ngày tháng chiến đấu anh dũng của mình.

Sinh năm 1927 tại miền đất Quảng Bình “khô cằn, sỏi đá”, cho tới nay, với cuộc đời binh nghiệp hàng chục năm của mình, ông đã trải qua rất nhiều binh chủng như: bộ binh, không quân, hậu cần...

Vào năm 1971, khi đang là Chính ủy Bộ Tư lệnh không quân, ông được cấp trên điều về làm Phó Tư lệnh Bộ tư lệnh Trường Sơn để tăng cường công tác chỉ huy, chi viện cho tuyến đường chiến lược của ta, đường Trường Sơn.

Vào đầu mùa khô năm 1971 – 1972, tướng Hy tham gia chỉ huy mở chiến dịch vận tải chi viện cho chiến trường miền Nam.

Khi đó, Bộ đội Trường Sơn hoạt động theo phương thức hợp đồng giữa các binh chủng với nhau, có nghĩa là khi tất cả đã chuẩn bị sẵn sàng thì mới ra lệnh cho trung đoàn, sư đoàn xe chuyển quân và hàng hóa xuất phát đi vào chiến trường miền Nam ác liệt.

Toàn bộ các xe đi đều đặt dưới sự yểm trợ của các lực lượng trong hợp đồng binh chủng.

Bộ đội Trường Sơn đưa người và hàng ra chiến trận (Ảnh internet)
Bộ đội Trường Sơn đưa người và hàng ra chiến trận (Ảnh internet)

Đế quốc Mỹ khi đó nhận thấy, tuyến đường Trường Sơn là một tuyến đường mạch máu nối liền giữa Nam và Bắc, nếu cắt đứt được tuyến đường này thì có thể ngăn chặn được sự chi viện của miền Bắc đối với miền Nam.

Do vậy, lúc nào đường Trường Sơn cũng là mục tiêu đánh phá hàng đầu của đế quốc Mỹ, với hình thức sử dụng không quân và nhiều hình thức tấn công khác như từ trên bộ, kết hợp với nhiều loại vũ khí tối tân, hiện đại sử dụng rất nhiều chất độc và vũ khí hóa học, hay thậm chí là dùng cả mưa nhân tạo để chống phá ta.

Khi đó, xuyên suốt chiều dài của con đường Trường Sơn dày đặc các loại bom, mìn, kể cả những loại mới nhất của Mỹ đã được cài đặt như: Bom nổ chậm, bom từ trường, bom napan…

Chia sẻ với chúng tôi, tướng Hy nhấn mạnh: Trước sự chống phá quyết liệt của đế quốc Mỹ, bộ đội Trường Sơn khi đó đã phải chọn giải pháp tổ chức thành các hợp đồng binh chủng, nếu đi riêng lẻ mà không có sự chung tay bảo vệ, hỗ trợ của bộ đội Trường Sơn thì chắc chắn không thể vượt qua được.

Cho tới nay, Thiếu tướng Phan Khắc Hy vẫn còn nhớ rất rõ một kỷ niệm. Một kỷ niệm mà theo ông nói là nó sẽ đi chung với ông đến hết cả cuộc đời.

Đó là vào tháng 10/1971, khi ông đang đi kiểm tra công tác chuẩn bị tại binh trạm 12 ở đường 12, dù trước khi cho xe đi kiểm tra, lực lượng công binh đã tổ chức rà soát, phát hiện có một quả bom được địch khoan sâu xuống lòng đất.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trong một lần về thăm các cựu quân nhân Bộ đội Trường Sơn ở TP.HCM (ảnh tư liệu)
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và phu nhân trong một lần về thăm các cựu quân nhân
Bộ đội Trường Sơn ở TP.HCM (ảnh tư liệu)

Khi các đơn vị công binh cho xe từ từ đi qua, thì không thấy quả bom nổ, nên đã nghĩ đây có lẽ là quả bom nổ chậm. Chính vì vậy, đoàn kiểm tra đã quyết định cho xe của quân đội đi qua nhanh, để tránh quả bom này phát nổ.

Thế nhưng, khi xe vừa đi ngang qua, bất ngờ quả bom phát nổ rất lớn, làm Tướng Hy bị thương nặng, còn đồng chí trạm trưởng hy sinh. Sau một thời gian được điều trị thì tướng Hy lại sống lại trong đợt đó.

Về sau này, Tướng Hy mới biết đó là loại bom từ trường của Mỹ đã được cải tiến đến lần thứ 3, có cài sẵn chương trình hẹn giờ của ngòi nổ, khi xe của ta đi từ từ qua thì ngòi nổ đang được cài ở chế độ tắt, nên bom đã không phát nổ, không thể phát hiện ra được.

Từ đó, Tướng Hy nghĩ rằng, trong chiến tranh, bom nổ còn không làm ông hy sinh, thì ông coi tất cả mọi thứ nguy hiểm khác đều ‘nhẹ như tựa lông hồng’, tướng Hy cũng như mọi thanh niên, mọi người dân khác trên đất nước Việt Nam đều sẵn sàng hy sinh, kể cả bản thân mình để chiến đấu, giành lại độc lập, tự do cho đất nước, hạnh phúc cho dân tộc.

Ngày nhận được tin miền Nam hoàn toàn được giải phóng, thống nhất đất nước, tướng Hy và đồng đội đang ở ngã 3 Chơn Thành – tỉnh Bình Phước để đôn đốc các cánh quân chuẩn bị tiến vào Sài Gòn. Lúc 11h30 trưa ngày 30/4/1975, khi nghe tin Dương Văn Minh đầu hàng qua radio, tướng Phan Khắc Hy cùng với mọi người ở Sở chỉ huy tiền phương nhảy cẫng lên, ai cũng khóc vì mừng rỡ, một cảm giác rất là “chưa có bao giờ đẹp như hôm nay”.

Thiếu tướng Phan Khắc Hy và bức ảnh kỷ niệm khi Bác Hồ về thăm Bộ đội Trường Sơn (Ảnh: T.Q)
Thiếu tướng Phan Khắc Hy và bức ảnh kỷ niệm khi Bác Hồ về thăm Bộ đội Trường Sơn (Ảnh: T.Q)

Trong một lần gặp gỡ các cựu quân nhân thuộc bộ đội Trường Sơn năm xưa, đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhận định, sự đóng góp của bộ đội Trường Sơn có ý nghĩa quyết định, quan trọng cho sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bằng việc chi viện, hỗ trợ hàng triệu tấn vũ khí, quân trang, quân dụng, cán bộ chiến sĩ, lực lượng công binh…cho miền Nam.

Nói về tình yêu đất nước trong thời bình, Thiếu tướng Phan Khắc Hy cho rằng, tình yêu đất nước, dân tộc của người dân Việt Nam chưa bao giờ dứt.

Khi đất nước chỉ cần có khả năng lâm nguy, thì lúc đó quyền lợi của cá nhận và dân tộc sẽ là một. Khi chiến tranh thì ta đánh đuổi xâm lược, khi hòa bình thì ta xây dựng đất nước phát triển.

“Đất nước có được như ngày hôm nay là do thế hệ cha ông đã đổ biết bao xương máu đổ xuống để giành được độc lập, tự do, nên thế hệ thanh niên ngày hôm nay cần phải sống sao cho xứng đáng như là những người chủ tương lai thật sự của đất nước, đứng vững trước nhiều thách thức, cám dỗ của thời hiện đại, đừng quay lưng lại với truyền thống anh hùng, tốt đẹp của thế hệ cha ông – Thiếu tướng Phó tư lệnh Bộ đội Trường Sơn nhắn nhủ.

Thế Quân