Tướng râu kẽm và những giai thoại xung quanh thế giới gà chọi

03/03/2012 23:58
Bảo bảo
Đá gà là trò chơi dân gian đã tồn tại từ rất lâu ở nước ta. Thời hiện đại, “tướng râu kẽm” - Nguyễn Cao Kỳ cũng là người đá gà có số.
Kỳ 1: Những thầy gà nổi tiếng trong lịch sử. Đá gà là trò chơi dân gian đã tồn tại từ rất lâu ở nước ta. Bỏ qua những trường gà chọi với đủ ngón nghề móc túi con bạc đến mức tán gia bại sản trong thời gian gần đây, con gà chọi của ông cha ngày xưa phải mang tinh thần thượng võ, oai hùng. Không chỉ có tầng lớp bình dân mê đá gà, trong dân gian vẫn lưu truyền nhiều vị có tiếng như Nguyễn Lữ, Lê Văn Duyệt… đều là những bậc xếp vào hàng “thầy gà”. Thời hiện đại, “tướng râu kẽm” của chế độ Sài Gòn cũ Nguyễn Cao Kỳ cũng là người đá gà có số. Dân mê đá gà nói rằng tướng Kỳ rất kỳ công nghiên cứu về gà đá cũng như những bậc tiền nhân có cùng sở thích đá gà…
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
Trước ông Nguyễn Cao Kỳ nhiều tài liệu ghi lại ở Việt Nam nhiều người có tiếng là “bậc thầy” trong thú đam mê gà chọi. Kề cận Việt Nam nhiều người được xếp vào hàng vương tôn công tử, nhà thơ nổi tiếng cũng khoái xem đá gà.Tuy nhiên chỉ có Nguyễn Lữ, Lê Văn Duyệt là làm nên kỳ tích nhờ quan sát những thế võ của gà chiến rồi đưa vào học võ, vận dụng vào binh pháp. Hầu hết những người khác vì mê gà chiến mà chuốc họa vào thân. Đối với thú mê gà chọi của ông “tướng râu kẽm”, chuyện kể lúc “trà dư, tửu hậu’ của những “tín đồ gà” nhiêu vô số kể. Thậm chí, nhiều người còn quả quyết tướng Kỳ từng mua gà của mình, hoặc ôm gà tới so cựa ở khắp nơi…Đá gà từ cổ chí kim Cho đến nay, tại Việt Nam, tài liệu cổ nhất có nói đến thú vui đá gà là Hịch tướng sĩ của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Trong bài hịch hiệu triệu tinh thần yêu nước của binh sĩ, ông khuyên họ nên chăm chỉ luyện tập binh pháp, đừng ham mê đá gà bởi khi giặc Mông Thát tràn sang thì cựa gà nòi không thể đâm thủng áo giáp của giặc. Đó là tài liệu nói về đá gà. Còn tài liệu cổ nhất nói dạy nghề nuôi gà dùng để “gối đầu giường” cho dân mê gà chọi có lẽ là của Tả quân Lê Văn Duyệt (1763-1832). Bản Kê Kinh sau đó được viết bằng chữ quốc ngữ trên báo Nông Cổ Mín Đàm vào năm 1902. Nhiều học giả vẫn cho rằng có ít nhất là hai bản Kê Kinh với nội dung khác nhau đôi chút. Vẫn có ý kiến khác nhau cho rằng, Kê Kinh do người Trung Quốc soạn ra, tuy nhiên nhiều tài liệu nói tác giả chính là Tả Quân Lê Văn Duyệt nên dân chơi gà vẫn tự hào tác phẩm “kinh điển” của người Việt Nam…
Những người mê sưu tầm tài liệu về gà chọi cho rằng thú chơi này xuất hiện cách đây hơn 2000 năm. Nếu căn cứ theo bộ “Hoa Nam Kinh” của Trang Tử, kể lại câu chuyện ham đá gà của Tuyên Vương nước Tề thì dân tàu đã máu mê đá gà từ thời xuân Thu Chiến Quốc, tức thế kỷ thứ V Trước Công Nguyên. Tại Việt Nam đá gà chắc chắn cũng là một môn chơi có từ rất sớm, tuy nhiên không mấy tài liệu nào nhắc tới trừ Hịch tướng sĩ (1284) của Trần Quốc Tuấn. Chỉ vài dòng ngắn trong bản hịch có thể thấy thời Trần đá gà đã là một môn chơi thịnh hành từ đồng quê đến chốn thị thành, làm say mê tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, từ dân thường cho tới binh sĩ, hoàng thân quốc thích. Bài hịch kêu gọi, tướng sĩ ba quân đừng vì ham mê đá gà mà làm sao lãng cũng như mất tính đoàn kết giữa toàn dân, toàn quân, trong lúc cả nước đang chống giặc ngoại xâm Mông Cổ: “Hoặc đấu kê dĩ vi lạc, hoặc đổ bác dĩ vi ngu, Thoát hữu Mông Thát chi khấu lai, Hùng kê chi cư bất túc dĩ xuyên lỗ giáp ( ý nói khi giặc Mông Thát tràn tới thì cựa gà nòi không thể đâm thủng áo giáp của giặc). Ngày xưa, trường gà thường được xây dựng đơn sơ với sân nện đất sét hay đất thịt, miễn sao cho bằng phẳng, tối thiếu cũng phải có đường kính rộng từ 4m trở lên. Với những nơi có bán vé vào cửa, thì xung quanh được che kín bằng các tấm mê bồ cao hơn đầu người để người đứng ngoài không thể “coi chùa” được. Trong những ngày Tết và suốt tháng Giêng, Hai, trường gà được xây trong giữa sân chợ khắp nơi trong nước. Ở đó, các tay chơi gà tứ xứ kéo về tham dự. Người nghèo thì cuốc bộ, người có tiền thì đi ghe, xuồng, xe ngựa hoặc đi bằng kiệu có người khiêng. Cùng lúc hàng quán tràn ra tận đường, người qua kẻ lại tấp nập. Con gà thì được chủ ôm trước ngực, nâng trong hai bàn tay như báu vật sống. Thái độ thật là trìu mến, nâng niu và con nào cũng thật oai phong. Chính trên cái khoảnh đất hình tròn này, đã có bao nhiêu cặp gà nòi, so cựa tung cánh, để cuối cùng bên nào cũng mang đầy máu, không chết thì bị thương. Thời đó, chưa có cựa sắt người ta đá bằng cựa chốt (làm bằng ngạch cá), khi gà dính cựa sẽ không chết mà rất đau đớn, lại càng hăng tiết đá càng dữ. Cũng có khi đá bằng cựa thật của gà, thông thường phải kéo dài đến vài canh giờ mới kết thúc trận đấu. Giống gà kể cũng lạ, thường đá cho đến khi nằm gục chết tại đấu trường chứ ít khi bỏ chạy giữa chừng. Nói chung, từ thôn quê tới thành thị, ở đâu cũng có người mê đá gà, lập nhóm, kết băng, ăn thua đủ bằng tiền mặt, bằng đất đai, nhà cửa. Trước năm 1945, cả nước có nhiều trường gà lớn, thu hút đông đảo dân chơi đen đỏ, khiến nhiều người sạt nghiệp. Trong lúc hai con vật vô tri ghét nhau vì tiếng gáy, màu lông, nên bất chấp “gà cùng một mẹ” cứ lao vào đá, mổ, đâm chém một mất một còn thì những ông chủ cũng thót tim trước mỗi cú ra đòn bởi nó liên quan tới tài sản, tới túi tiền mà họ đang kè kè bên mình. Phụ họa thêm trong tấn tuồng được mệnh danh “tinh thần thể thao, thượng võ” này là những khán giả với đủ mọi cung bậc cảm xúc, hỉ nộ ái ố với gương mặt khi thì hốc hác, lúc lại mê li, ngồi nơi những dãy băng gỗ, đặt theo kiểu lòng chảo, từ thấp đến cao bao quanh khán đài. Những người này cũng là những “con bạc” khát nước khi cá cược với nhau bên ngoài vòng đấu. Ngày nay, trường gà dù bị mang tính chất cờ bạc nhưng hầu như có mặt khắp nơi trong nước, từ thành thị cho đến nông thôn. Chỉ cần một bãi đất trống diện tích hơn chục mét vuông là một “chuồng gà dã chiến” có thể mọc lên. Thậm chí, nhiều con hẻm nhỏ ở thành phố Hồ Chí Minh bề ngang chưa đầy 2 mét cũng có thể trở thành chiến địa của gà chọi bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, làm bãi đáp kiểu chụp giật như thế này, vừa xem đá gà vừa canh công an, dân máu mê cờ bạc không mê bằng đá gà ở những trường gà đủ rộng, có chỗ ngồi xem đàng hoàng. Cả trăm trường gà mọc lên ở biên giới Campuchia vài năm trở lại đây ông chủ phải đầu tư tiền tỉ vì trường nào cũng có sức chứa cả ngàn người, xây dựng hiện đại và chia thành nhiều phân khu khác nhau. Nhiều trường gà, chỉ tính riêng hệ thống đèn chiếu sáng và dàn camera quan sát hàng trăm cái đã ngốn mất vài trăm triệu đồng. Dân mê gà kể lại, tướng râu kẽm Nguyễn Cao Kỳ có hẳn một trường gà rất chuyên nghiệp, có “thầy gà” chăm sóc và nhân giống những loại gà đá hay nhất được tập trung từ khắp mọi miền đất nước. Tuy nhiên, tướng Kỳ cũng là người có kiểu “cáp độ” không giống ai khi sẵn sàng bỏ con gà trị giá cả chục cây vàng chỉ để “đá bắt xác” với bất kỳ đối thủ nào. Dù là đá với đại gia hay với nông dân, tướng râu kẽm đều không có sự phân biệt đẳng cấp, địa vị nên dân đá gà rất khoái.Đá gà từ Đông sang Tây
Thời gian gần đây với sự ra đời của các học thuyết đạo đức mới và biến chứng cờ bạc trong trò chơi, đá gà không được xem là một loại “thể thao” mà là một hành động tàn nhẫn với thú vật không thể nào chấp nhận được. Nhiều người Tây phương nhìn trò đá gà ở các nước Đông Nam Á như là một tàn dư, một dấu vết về sự “kém văn minh” của người dân trong các nước đang phát triển. Không chỉ có trò đá gà, trò đấu bò, chọi trâu hay bất kỳ môn chơi nào làm cho con vật đổ máu đều bị xem là tàn ác và cần phải bài trừ. Thực tế thì đá gà có một lịch sử rất lâu dài, đã từng thịnh hành và thậm chí vẫn còn đang tồn tại tại một số nước Tây phương. Nhiều nơi, ở nước Mỹ đá gà rất thịnh hành và gà không đá cựa sắt như ở Việt Nam mà đá bằng… dao. Cũng tương tự như cựa, con dao cực sắc được thiết kế ôm khít chân gà, những cú đá đúng thế có thể làm đứt phăng đầu đối thủ. Nếu không, chỉ sau vài cú chém liên hoàn, con gà bại trận sẽ chẳng toàn thây, khắp người rách toác và đầm đìa máu tươi. Theo sử cổ, đá gà là một trong những môn thể thao phổ biến nhất trong xã hội người Ai Cập, Ba Tư (tức Iran ngày nay), Do Thái và Canana (Trung Đông). Thời đó người nuôi và gây giống gà chọi để đấu và đánh cuộc trong các phiên chợ, cũng chẳng khác gì đá gà trong thế kỷ 20 ở nước ta. Thời thế kỷ thứ nhất (sau Công Nguyên), Julius Caesar là người truyền bá thể thao đá gà đến người dân La Mã và sau này đến người Anh. Đến thời vua Henry thứ VIII (thế kỷ 16), đá gà ở Anh thịnh hành đến độ trở thành một loại thể thao quốc gia. Thời đó, những cuộc tranh tài thường diễn ra tại cung điện của nhà vua, và tại các khuôn viên nhà thờ vì các giáo sĩ cũng ham mê đá gà. Đến thời hoàng hậu Victoria thì môn thế thao này bị suy tàn vì sắc lệnh của Hoàng gia cấm đá gà. Ở Tây Ban Nha, đá gà là môn thể thao đã và đang tồn tại qua hàng ngàn năm. Chưa ai biết đích xác môn thể thao này du nhập qua Tây Ban Nha từ thời nào, nhưng có thuyết cho rằng nó được truyền bá qua thương gia từ các vùng Trung Đông. Ngày nay, đá gà vẫn là bộ môn thể thao phổ biến tại những vùng như Bilbao, Oviedo, Madrid, Barcelona, và Valencia. Ở Mỹ, đá gà đã có thời rất thịnh hành. Tổng thống Geoge Washington, Thomas Jefferson, Andrew Jackson, và Abraham Lincoln là những người rất ham mê đá gà. Thời đó, đá gà được xem là môn thể thao của giới đàn ông sành điệu. Nhiều tài liệu kể rằng, có lúc những cuộc chọi gà được tổ chức ngay trong phòng của Tổng thống. Đến khi cuộc nội chiến sảy ra, môn đá gà dần dần suy tàn theo thời gian. Cho đến nay chỉ có bang New Mexico cho phép đá gà, còn các bang khác đều có luật cấm gà. Nhưng có nhiều bằng chứng gần đây cho thấy đá gà bắt nguồn từ vùng Đông Nam Á, chứ không phải từ các nước Tây phương. Theo cuốn “Cockfighting all over the World” (đá gà khắp thế giới), trò chơi đá gà xuất hiện sớm nhất ở Á Châu, đặc biệt là Đông Nam Á vì đây là quê hương cổ xưa nhất của các loại gà trên thế giới ngày nay. Nam Việt Chí chép rằng ở huyện Lỗ Thành có nhiều gà rừng hay chọi nhau, nên dân trong vùng đem gà nhà chọi với gà rừng để bắt lấy. Truyền thuyết Pú Lương Quân cũng kể lại câu chuyện vợ chồng Báo Lương bắt gà rừng về nuôi. Công cuộc truy tìm nguồn gốc của gà là một đề tài nghiên cứu qui mô của nhiều nhóm khoa học gia trên thế giới, và qua các nghiên cứu này, nhiều phát hiện thú vị đã làm thay đổi cái nhìn về nền văn minh nông nghiệp Đông Nam Á. Hiện nay, trên thế giới người ta thống kê có tất cả 175 giống gà khác nhau, và tất cả đều xuất thân từ giống chim rừng màu đỏ có tên tiếng Anh là Gallus gallus. Theo các tài liệu khảo cổ học và dựa vào các di vật khảo cổ, giới khoa học cho rằng loài chim này được con người thuần dưỡng vào khoảng 4000 năm trước đây tại vùng thung lũng Indus (tức Pakistan ngày nay). Tuy nhiên các nhà khảo cổ học Trung Quốc dựa vào các di chỉ tìm thấy trong các vùng thuộc sông Hoàng Hà (Yellow River) cho rằng Trung Quốc mới là nơi đầu tiên thuần dưỡng các loài gia cầm như gà và ước tính thời điểm thuần hóa gà xảy ra vào khoảng 6.000 đến 7.500 năm trước đây. Nhưng thời điểm này cũng bị nghi ngờ bởi khí hậu và môi trường miền Bắc Trung Quốc không thể là nơi lý tưởng cho loài gà rừng Red Jungle Fowl. Trong hai công trình nghiên cứu quan trọng công bố trên Tập san Viện hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ, một nhóm khoa học gia Nhật so sánh cấu trúc di truyền của 21 giống gà thuộc gia đình Gallus Galuss từ Thái Lan, Nam Dương, Ấn Độ, Trung Quốc, Nhật, Sri lanka…, và phát hiện rằng giống gà ở Thái Lan có hệ số phong phú di truyền cao nhất. So sánh DNA gà Đông Nam Á và DNA các giống gà khác trên thế giới, các nhà nghiên cứu Nhật đi đến kết luận rằng tất cả các giống gà nuôi trên thế giới ngày nay đều xuất phát từ một giống gà từng sống (hay thuần hóa) tại một vùng đất mà nay thuộc Thái Lan và Việt Nam (!). Họ còn ước tính rằng thời điểm thuần hóa gà rừng tại Đông nam Á bắt đầu khoảng 8.000 năm về trước. Phát hiện này của các nhà nghiên cứu Nhật, dựa vào phương pháp nghiên cứu sinh học phân tử hiện đại nhất, cũng phù hợp với các di chỉ khảo cổ học tìm thấy ở nước ta. Tài liệu khảo cổ học Việt Nam cho biết khá nhiều xương cốt của các loài gia cầm như gà, vịt, chó , trâu, bò v.v . Thuộc thời kỳ hậu đồ đá mới được tìm thấy tại Phùng Nguyên, Gò Mun, Đồng Đậu, và Hoa Lộc. Tại Đồng Đậu, các nhà khảo cổ học Việt Nam còn phát hiện hai tượng gà nặn bằng đất nung. Như vậy, có thể nói gà đã được con người thuần dưỡng ít nhất là 8.000 năm trước đây tại những vùng đất thuộc Việt Nam ngày nay.“Tướng râu kẽm” mê sưu tầm những giai thoại về gà chọi Lâu nay, có rất nhiều giai thoại về con gà đá cũng như những người có vai vế trong xã hội mê gà đá. Nhưng hầu hết chuyện nào cũng không vui, vì trong đó ngoài máu của con gà chiến gục chết trên sàn đấu còn là những tấn bi kịch cho những kẻ lợi dụng trò chơi đá gà để thỏa máu đỏ đen. Nhiều người kể lại, ông tướng râu kẽm không chỉ mê đá gà mà còn sưu tầm những câu chuyện liên quan tới gà và luận bàn cùng các “chiến hữu”. Theo tài liệu Nam Hoa Kinh của Trang Tử, thú đá gà đã xuất hiện ở nước Tề thời Chiến Quốc, vào năm 432 trước Tây lịch, nhưng mãi tới thời Đường, mới được thịnh hành và thu hút mọi tầng lớp trong xã hội kể cả vương hầu, khanh tướng, hoàng tử đương triều. Ở kinh đô Trường An, ngoài những đấu trường dành riêng cho bậc cao sang quyền quý, trong đó có anh em, con cháu họ Lý nhà Đường, tới mua vui bằng những trận cá độ lên tới chục lượng vàng ròng. Ngoài ra, khắp kinh thành đâu đâu cũng có chợ mua bán gà đá rất phát đạt. Đương thời có nhà thơ Vương Bột, là một thi gia nổi tiếng về thơ Đường, xưa nay vẫn được tôn sùng là đỉnh cao của nền thi ca cổ điển Trung Hoa. Ông thuộc phái “Tứ Kiệt”, ở vào thời kỳ sơ Đường (618-713, gồm Vương Bột, Dương Quýnh, Lư Chiếu Lân và Lạc Tân Vương). Thơ của nhóm này chủ yếu là ca tụng thiên nhiên bằng lời lẽ bóng bẩy, hoa mỹ. Vương Bột tự là Tử An, sinh năm 649 tại Thái Nguyên, tỉnh Sơn Tây. Theo tư liệu, Vương Bột là một bậc văn nân tài tử, ngay từ lúc lên 6 đã nổi tiếng hay thơ. Năm 14 tuổi do quan Thái thường bá Lưu Tường Đạo tiến cử, được vua Đường Cao Tông triệu vào điện thi rồi lấy đậu cao. Năm 20 tuổi, được bổ chức làm Triều tán lang. Nhờ làm hai bài tụng, được Bát vương Hiền mời làm chức Tu Soạn tại vương phủ. Vương Bột ngoài 16 tập thơ, trong đó có bài “Đằng Vương Các” được ca tụng từ xưa cho tới tận ngày nay. Chữ tài liền với chữ tai, Vương Bột nhờ thơ hay mà thăng tiến thì cũng vì thơ mà mất chức. Ông đã làm bài hịch ca tụng đá gà (Đầu kê hịch) cho hai vị vương tử Bái vương Hiền và Chu Vương Hiền. Ngoài ra ông còn làm bài phú “Vua gà chọi”, “Anh hùng gà chọi” khi tới trường gà xem các hoàng thân quốc thích nhà Đường đấu gà với nhau. Ông bị Đường Cao Tông quở trách tại sao không cản ngăn việc đá gà mà còn làm bài hịch ca tụng đá gà nên vua giận, đuổi Vương Bột đi khỏi kinh thành. Chán đời, Bột chu du khắp xứ, sau đó tới tận Giao Châu để thăm cha và làm quan tại đó. Nhưng không may thuyền Vương Bột bị chìm trên biển làm ông chết đuối khi mới 27 tuổi. Tại việt Nam trong tác phẩm “Công dư tiệp ký” của Vũ Phương Đề, làm quan Đông Các Học Sĩ, thời Lê Trung Hưng cũng có câu chuyện nói về gà. Nội dung câu chuyện kể về đứa con bất hiếu xem mạng gà trọng hơn mạng mẹ ruột. Chuyện kể, xưa có một người đàn ông tính rất vũ phu. Đối với vợ con, hơi động một tí là hắn đánh đập không tiếc tay. Hắn ham chơi gà chọi, ham đến nỗi trên đời ngoài gà ra, hắn không còn thú gì tiêu khiển hơn thế được. Lần đó hắn mua được một con gà thật tốt. Con gà ấy có nước đá rất hay, đã từng đạt được nhiều giải. Hắn quý gà vô cùng, chăm sóc từng li từng tí một. Một hôm hắn đi chơi xa, dặn vợ ở nhà trông nom con gà cho mình. Hắn dọa: - mạng của nó tức là mạng của mày đó. Ngày hôm đó, gà mấy lần chạy ra ăn đồ phơi ở sân. Người vợ ngồi chặt củi gần đấy đuổi mãi không được. Một lần, sẵn con dao chặt củi, chị cầm ném đuổi gà. Không ngờ dao trúng vào cổ, con gà dãy lên đành đạch, một lát thì chết. Thấy con gà cưng của chồng chẳng may vì mình mà chết, người vợ xanh cả mặt. Nghĩ đến những trận đòn của chồng, nàng gạt nước mắt khóc. Nàng bảo mẹ chồng: - Con không may đánh chết gà. Chồng con về chắc không để yên cho nào. Nhưng con đã có mang được bốn tháng nay, biết làm sao bây giờ? Bà cụ đáp: - Con đừng lo, để mẹ nhận là mẹ ném cho. Chả nhẽ, nó lại ăn thịt mẹ nó hay sao. Người chồng trở về, vừa bước chân vào nhà đã hỏi vợ: -Con gà đâu? Người vợ run rẩy chưa kịp đáp thì mẹ đã bảo: - Tao nhỡ tay chót ném chết nó. Rồi ta sẽ đền tiền cho mày mua con khác. Hắn ta nổi giận đùng đùng, hất hàm hỏi vợ: - Mày thổi cơm mau mau cho bà ấy ăn no đi! Cả nhà tưởng hắn dọa dẫm bà cụ. Nhưng cơm nước xong, hắn cầm thuổng đi trước, bảo vợ lấy dây trói tay mẹ lại, dắt đi sau. Ra đến cánh đồng, hắn hì hục đào một cái huyệt, quyết định chôn người đã làm chết con gà quý của mình. Nhưng ở trên thiên đình, Ngọc Hoàng đã thấy hết được tột ác của thằng con bất hiếu, liền sai thần sét xuống trị tội ngay. Vì thế huyệt vừa đào xong bỗng trời nổi một cơn gió lớn, giữa đồng có một tiếng nổ rất to. Thần sét đã nhảy xuống từ khi nào, đánh gắn ngã xuống một bên huyệt và thích mấy chữ vào mặt. Thiên hạ nghe tin đồn, đổ xô đến xem rất đông. Khi quan về khám, sai lấy dấm bôi vào mặt, thấy nổi lên tám chữ: “Quý gà chôn mẹ, tội ác không tha”. Ngày nay ở vùng Bắc Ninh còn có cái bia ghi câu chuyện trên. Câu rủa “con trời đánh” cũng là do chuyện ấy mà ra. Cũng thời Lê Trung Hưng - chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, “đá gà”đã trở thành thú vui tiêu khiển của hàng vương tôn quyền quý, trong đó có các hoạn quan. Đây cũng là một đề tài để cho Trạng Quỳnh đương thời, lấy đó đem ra nhạo báng, những cái hư rởm của bọn ăn không ngồi rồi, chẳng biết làm gì, vì cái ăn cái mặc, đã có những người cùng đinh khố rách khổ cực lo liệu. Bọn hoạn quan nơi phủ chúa rất thích chọi gà. Chúng bỏ rất nhiều tiền mua những con gà chọi nòi, đá hay nhất nước, đem về nuôi. Nghe nói Trạng Quỳnh có con gà đá hay, thắng gà nhiều nơi, kể cả gà của sứ Tàu, chúng bèn đến xin Trạng cho gà đấu thử. Biết bọn hoạn quan độc ác thường gây tai họa cho nhiều người, Trạng Quỳnh ghét lắm, quyết làm chúng bẽ mặt một phen.Trạng hẹn chúng sáng ngày mai đem gà đến chọi và loan tin cho bàn dân thiên hạ trong thành đến xem. Sáng hôm sau, bọn hoạn quan đem gà đến nơi hẹn. Quỳnh cũng ôm một chú gà thiến của người hàng xóm do Quỳnh nói khó mượn được, thủng thẳng bước vào trường gà. Con gà trống thiến của Trạng Quỳnh vừa thả đã bị gà chọi nòi của viên hoạn quan xông đến mổ vào đầu và đá cho một phát toạc ức ra, giãy đành đạch chết ngay. Sau khi đã thắng, chú gà chọi hùng dũng vỗ cánh, vươn cổ gáy một hồi. Bọn hoạn quan nhảy nhót, reo hò. Bấy giờ, Trạng Quỳnh mới thiểu não bước vào, ôm lấy gà của mình, khóc rống lên, kể lể: “Khốn nạn thân mày, gà ơi. Khi chưa bị hoạn, mày rất giỏi giang. Nay bị hoạn mất hai hòn dái rồi, sao không biết thân biết phận, còn hung hăng đấu đá, để đến nỗi chết thảm, chết hại như thế này. Khốn nạn thân mày, gà ơi gà!” Biết là bị chửi xỏ, bọn hoạn quan vừa tức vừa xấu hổ. Chúng vội vã ôm gà lủi đi từ giữa tiếng cười giòn giã của dân chúng kinh thành.

Điểm nóng:
Xâm nhập nơi chữa bách bệnh của “thần y dỏm” ở Thủ đô (Kỳ 1)

Bản di chúc có chữ "Tuyệt đối bí mật" của Bác Hồ

Chưa thể thi hành án tử hình Nguyễn Đức Nghĩa bằng tiêm thuốc độc Học sinh đi đẻ trong giờ học: Sở GD-ĐT vào cuộc

Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang bị cảnh cáo

Kéo băng rôn, căng biểu ngữ đòi nợ Thiếu úy công an
Người phụ nữ có khả năng tự phát sáng và căn bệnh kỳ lạ Kỳ án hiếp dâm: Lãnh đạo CA Hà Đông lên tiếng vụ "trốn thi hành án"

Bảo bảo